Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Giác mạc hình chóp là gì? Những vấn đề cần biết về giác mạc hình chóp

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Giác mạc hình chóp (Keratoconus) hay còn được gọi là giác mạc hình nón. Giác mạc hình chóp là một tình trạng bất thường về mắt trong đó giác mạc mỏng hơn và dần dần phình ra ngoài thành hình nón. Giác mạc hình chóp hay giác mạc hình nón thường ảnh hưởng cả hai mắt. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp nó có thể ảnh hưởng đến một mắt nhiều hơn mắt còn lại. Nó thường bắt đầu ảnh hưởng đến những người ở độ tuổi thanh thiếu niên đến 30 tuổi. Giác mạc hình chóp có thể gây nhạy cảm với ánh sáng và mờ mắt.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Giác mạc hình chóp là gì?

Giác mạc hình chóp được đặc trưng bởi sự mỏng đi của giác mạc và sự bất thường của bề mặt giác mạc. Giác mạc ở phía trước mắt của bạn. Ở giữa là phần dày nhất của giác mạc, chủ yếu được tạo thành từ nước và collagen. Collagen làm cho giác mạc khỏe mạnh và co giãn linh hoạt, đồng thời giúp giữ hình dạng giác mạc tròn đều đặn. Giác mạc khỏe mạnh này tập trung ánh sáng để bạn có thể nhìn rõ mọi thứ xung quanh.

Trong bệnh lý giác mạc hình chóp, giác mạc mỏng đi và phình ra thành hình chóp hay hình nón không đều. Sự thay đổi hình dạng của giác mạc làm cho các tia sáng bị mất tiêu điểm. Kết quả là tầm nhìn của người mắc bệnh bị mờ và méo mó, khiến các công việc hàng ngày như đọc sách hoặc lái xe trở nên khó khăn.

Triệu chứng

Những triệu chứng của giác mạc hình chóp

Các triệu chứng của bệnh thường bắt đầu ở độ tuổi thanh thiếu niên đến đầu tuổi 20. Các triệu chứng về thị lực dần dần trở nên tồi tệ hơn trong khoảng thời gian khoảng 10 đến 20 năm sau đó. Bệnh giác mạc hình chóp thường ảnh hưởng đến cả hai mắt và có thể dẫn đến thị lực rất khác nhau giữa hai mắt. Các triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi mắt và chúng có thể thay đổi theo thời gian.

Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của Bệnh giác mạc hình chóp có thể bao gồm:

  • Mờ mắt.
  • Tầm nhìn hơi méo mó (các đường thẳng trông cong hoặc lượn sóng).
  • Tăng độ nhạy cảm với ánh sáng và ánh sáng chói.
  • Mắt đỏ hoặc sưng tấy.

Ở giai đoạn sau, các triệu chứng của bệnh giác mạc hình chóp thường bao gồm:

  • Tầm nhìn mờ và méo mó nhiều hơn.
  • Tăng cận thị hoặc loạn thị (khi mắt bạn không thể tập trung tốt như bình thường). Do đó, bạn có thể đổi kính mắt mới thường xuyên.
  • Không thể đeo kính áp tròng vì chúng không còn vừa vặn và thoải mái nữa.
Giác mạc hình chóp là gì? Những vấn đề cần biết về giác mạc hình chóp 1
Giác mạc hình chóp là sự phòng lên của giác mạc ảnh hưởng đến khả năng nhìn

Bệnh giác mạc hình chóp thường mất nhiều năm để chuyển từ giai đoạn đầu sang giai đoạn cuối. Tuy nhiên, đối với một số người mắc bệnh giác mạc hình chóp có thể trở nên tồi tệ hơn một cách nhanh chóng. Giác mạc có thể sưng lên đột ngột và bắt đầu hình thành sẹo.

Tác động của giác mạc hình chóp đối với sức khỏe

Giác mạc hình chóp làm người mắc bệnh không có khả năng nhìn bình thường mà cần dùng kính hỗ trợ. Việc đeo kính này gây nhiều phiền toái trong sinh hoạt hằng ngày.

Biến chứng có thể gặp giác mạc hình chóp

Giác mạc hình chóp tiến triển cũng có thể khiến giác mạc của bạn bị sẹo, đặc biệt là nơi hình nón to nhất. Trong một số trường hợp, giác mạc của bạn có thể sưng lên nhanh chóng và gây giảm thị lực đột ngột và để lại sẹo giác mạc. Điều này là do tình trạng lớp lót bên trong giác mạc bị phá vỡ. Điều này khiến chất lỏng đi vào giác mạc được gọi là phù nước. Vết sưng thường tự giảm nhưng có thể hình thành sẹo ảnh hưởng đến thị lực của bạn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về khả năng nhìn, bạn nên đến khám sớm nhất có thể để được chẩn đoán và điều trị ngay.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây giác mạc hình chóp

Nguyên nhân gây ra bệnh giác mạc hình chóp chưa được xác định rõ, mặc dù các yếu tố di truyền và môi trường được cho là có liên quan. Nguyên nhân chính xác của bệnh giác mạc hình chóp vẫn chưa được biết, mặc dù người ta tin rằng khuynh hướng phát triển bệnh đã có từ khi sinh ra. Một phát hiện phổ biến ở bệnh giác mạc hình chóp là sự mất collagen ở giác mạc. Điều này có thể được gây ra bởi sự mất cân bằng giữa việc sản xuất và phá hủy mô giác mạc bởi các tế bào giác mạc.

Một lý do khác được nhắc đến là không đủ chất chống oxy hóa để bảo vệ giác mạc. Các chất chống oxy hóa có vai trò loại bỏ các chất gây hại và bảo vệ các sợi collagen ở giác mạc. Thế nhưng khi hàm lượng các chất chống oxy hóa suy giảm sẽ khiến collagen yếu đi và giác mạc bị phồng lên.

Nội tiết cũng là một nguyên nhân được đề cập đến sự hình bệnh giác mạc hình chóp. Dựa vào độ tuổi khởi phát của bệnh (sau tuổi dậy thì hay phụ nữ mang thai) mà người ta cho rằng nội tiết tố có thể góp phần hình thành bệnh.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải giác mạc hình chóp?

Khoảng 1 trong 10 người mắc bệnh giác mạc hình chóp cũng có cha mẹ mắc bệnh này. Bệnh giác mạc hình chóp thường xuất hiện ở những chủng tộc da đen cao hơn khoảng 50% so với những người da trắng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải giác mạc hình chóp

Những yếu tố này có thể làm tăng cơ hội phát triển bệnh giác mạc hình chóp là:

  • Có tiền sử gia đình mắc giác mạc hình chóp được ghi nhận ở một vài trường hợp mắc bệnh này.
  • Có thói quen dụi mắt vì dụi mắt quá nhiều có thể làm tổn thương giác mạc, tạo cơ hội cho bệnh giác mạc hình chóp phát triển nặng hơn.
  • Mắc một số bệnh như viêm võng mạc sắc tố, hội chứng Down, hội chứng Ehlers-Danlos, hội chứng Marfan, hen suyễn.
  • Viêm mắt mãn tính như viêm mắt do dị ứng hoặc chất kích thích cũng là yếu tố góp phần hình thành bệnh vì chúng có thể góp phần phá hủy mô giác mạc và có thể dẫn đến phát triển bệnh giác mạc hình chóp.
Giác mạc hình chóp là gì? Những vấn đề cần biết về giác mạc hình chóp 2
Dụi mắt là một yếu tố nguy cơ mắc bệnh giác mạc hình chóp

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán giác mạc hình chóp

Giác mạc hình chóp có thể được chẩn đoán thông qua khám mắt định kỳ.Để chẩn đoán bệnh giác mạc hình chóp các bác sĩ sẽ khám mắt kỹ lưỡng và kiểm tra tiền sử bệnh và gia đình. Trong khi khám mắt bác sĩ nhãn khoa của bạn có thể kiểm tra:

  • Diện mạo tổng thể của đôi mắt.
  • Thị lực (khả năng nhìn rõ một vật).
  • Thị trường (khoản không gian mà bạn có thể nhìn thấy).
  • Chuyển động mắt (đảo mắt qua lại, lên xuống).

Một số đánh giá khác cũng được thực hiện như:

  • Kiểm tra đèn khe: Bác sĩ kiểm tra mắt của bạn bằng ánh sáng đặc biệt dưới độ phóng đại cao.
  • Đo địa hình giác mạc: Để kiểm tra giác mạc tạo với hình ảnh ba chiều giúp phát hiện những thay đổi ở giác mạc mà không thể kiểm tra bằng mắt được. Thông thường, trẻ có bố hoặc mẹ mắc giác mạc hình chóp cần làm địa hình giác mạc mỗi năm khi trẻ lên 10 tuổi để tầm soát bệnh. Dù kết quả xét nghiệm không có gì bất thường vẫn cần cho trẻ kiểm tra mắt mỗi năm để có thể phát hiện sớm bệnh lý và điều trị kịp thời nhằm tránh các biến chứng nặng.

Phương pháp điều trị giác mạc hình chóp

Điều trị giác mạc hình chóp phụ thuộc vào các triệu chứng của bạn. Khi các triệu chứng của bạn ở mức độ nhẹ, thị lực của bạn có thể được điều chỉnh bằng kính mắt. Sau đó bạn có thể cần phải đeo kính áp tròng cứng đặc biệt để giúp tầm nhìn tốt hơn.

Giác mạc hình chóp là gì? Những vấn đề cần biết về giác mạc hình chóp 3
Đeo kính áp tròng giúp người bệnh có thể nhìn thấy xung quanh rõ hơn

Dưới đây là những cách khác mà bác sĩ nhãn khoa có thể điều trị bệnh giác mạc hình chóp:

Liên kết chéo collagen

Bác sĩ nhãn khoa của bạn sử dụng đèn UV đặc biệt và thuốc nhỏ mắt để củng cố các liên kết giác mạc. Việc làm này giúp làm phẳng hoặc làm cứng giác mạc, giữ cho nó không bị phồng thêm. Tuy nhiên cần nhiều nghiên cứu hơn trước khi thực hiện.

Khi bị sẹo giác mạc hay giác mạc phình quá mức không có khả năng đeo bất kỳ loại kính áp tròng nào có thể sẽ cần phẫu thuật. Các lựa chọn phẫu thuật cho bệnh giác mạc hình chóp bao gồm: Đặt vòng implant trong giác mạc và ghép giác mạc.

Đặt vòng implant trong giác mạc

Bác sĩ đặt miếng nhựa hình lưỡi liềm kích thước nhỏ vào giác mạc để làm phẳng hình nón cải thiện khả năng nhìn của người bệnh và phục hồi hình dạng bình thường của giác mạc, góp phần làm chậm tiến triển của bệnh và giảm nhu cầu ghép giác mạc.

Ghép giác mạc

Nếu bệnh nhân bị sẹo giác mạc hoặc giác mạc cực mỏng, ghép giác mạc là vô cùng cần thiết để duy trì khả năng nhìn của người bệnh. Việc phục hồi sau phẫu thuật ghép giác mạc có thể mất tới một năm và bệnh nhân cần tiếp tục đeo kính áp tròng cứng sau đó. Thị lực có thể phục hồi hoàn toàn một vài năm. tuy nhiên phương pháp này có các biến chứng như thải ghép, giảm thị lực, nhiễm trùng,...

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến giác mạc hình chóp

Bệnh nhân có bệnh giác mạc hình chóp cần khám mắt định kỳ để phát hiện sớm các biến chứng và thay đổi các thông số kính khi cần thiết. Những bệnh nhân dùng kính áp tròng cần tuân thủ cách hướng dẫn về vệ sinh và bảo quản kính để đảm bảo an toàn cho mắt.

Giác mạc hình chóp là gì? Những vấn đề cần biết về giác mạc hình chóp 4
Vệ sinh kính áp tròng giúp mắt khỏe mạnh hơn

Phương pháp phòng ngừa giác mạc hình chóp hiệu quả

Chưa có biện pháp giúp ngăn ngừa bệnh giác mạc hình chóp xảy ra. 

Nguồn tham khảo
  1. Keratoconus: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/keratoconus/symptoms-causes/syc-20351352
  2. What Is Keratoconus?: https://www.aao.org/eye-health/diseases/what-is-keratoconus
  3. KERATOCONUS: https://www.nweyes.com/vi/cornea-seattle/keratoconus/
  4. Keratoconus: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/keratoconus
  5. What Is Keratoconus?: https://www.webmd.com/eye-health/eye-health-keratoconus

Các bệnh liên quan