Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và phương pháp điều trị

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là một bệnh phụ khoa lành tính và được coi là một biến thể bình thường thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bệnh xảy ra do sự gia tăng tiếp xúc của biểu mô cổ tử cung với estrogen. Viêm lộ tuyến cổ tử cung được chẩn đoán khi khám phụ khoa định kỳ. Bài viết này nhằm cung thấp thông tin nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và điều trị bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là gì?

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là một bệnh lành tính thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Trong bệnh này, các tế bào tuyến (biểu mô trụ) lót trong ống cổ tử cung có mặt bên ngoài cổ tử cung, dẫn đến sự tiếp xúc của các tế bào này với môi trường âm đạo. Nó còn được gọi là lạc chỗ cổ tử cung (cervical ectopy) hoặc đảo ngược cổ tử cung (cervical eversion).

Viêm lộ tuyến cổ tử cung thường được phát hiện khi khám phụ khoa định kỳ ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nó là một bệnh thường không có triệu chứng nhưng có liên quan đến viêm cổ tử cung mạn tính. Đây là một tình trạng sinh lý phổ biến ở thanh thiếu niên và phụ nữ mang thai.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm lộ tuyến cổ tử cung

Viêm lộ tuyến cổ tử cung thường không có triệu chứng. Trong các trường hợp có triệu chứng, người bệnh có thể xuất hiện bất kỳ các triệu chứng sau đây:

  • Dịch tiết âm đạo: Là triệu chứng phổ biến nhất, dịch tiết không có mủ và có thể có màu trắng hoặc vàng. Do diện tích bề mặt của các tế bào trụ tiết chất nhầy tăng lên nên phụ nữ bị viêm lộ tuyến cổ tử cung xuất hiện tình trạng dịch âm đạo tiết nhiều.
  • Chảy máu sau giao hợp: Xuất hiện ở 5 – 25% phụ nữ bị viêm lộ tuyến cổ tử cung. Các mao mạch trong biểu mô rất dễ bị vỡ khi quan hệ tình dục, dẫn đến chảy máu sau giao hợp. Viêm lộ tuyến cổ tử cung là một trong những nguyên nhân phổ biến gây chảy máu âm đạo trong tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ.
  • Chảy máu giữa hai kỳ kinh nguyệt.
  • Đau khi giao hợp.
  • Đau vùng xương chậu.
  • Viêm cổ tử cung tái phát.
  • Đau lưng.
  • Rối loạn tiểu tiện.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và phương pháp điều trị 4
Viêm lộ tuyến cổ tử cung có thể gây chảy máu giữa hai kỳ kinh nguyệt

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung

Mặc dù viêm lộ tuyến cổ tử cung có thể tự khỏi theo thời gian, nhưng nó tạo ra một cơ sở dễ bị tổn thương để gieo mầm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, viêm cổ tử cung do Chlamydia là phổ biến nhất. Viêm lộ tuyến cổ tử cung có thể gây suy nhược đối với những phụ nữ bị tiết dịch âm đạo quá nhiều hoặc chảy máu âm đạo thường xuyên. Tuy nhiên, nếu điều trị thích hợp có thể làm giảm các triệu chứng này.

Các biến chứng nhẹ có thể được ghi nhận sau các phương pháp điều trị xâm lấn. Những biến chứng này bao gồm chảy máu âm đạo nhẹ, kích thích âm đạo, tiết dịch âm đạo ít hoặc đau vùng chậu giống như chuột rút. Tuy nhiên, những điều này không ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và tự khỏi sau vài tuần thủ thuật.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên gặp bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, chẳng hạn như chảy máu âm đạo bất thường, đau khi giao hợp hoặc sau đó, hoặc đau ở vùng xương chậu không liên quan đến kỳ kinh nguyệt. Những triệu chứng này có thể liên quan đến viêm lộ tuyến cổ tử cung. Có nhiều khả năng các triệu chứng của bạn có liên quan đến một tình trạng khác ngoài bệnh của cổ tử cung cần được kiểm tra bởi bác sĩ chuyên khoa.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm lộ tuyến cổ tử cung

Sự xuất hiện của viêm lộ tuyến cổ tử cung có liên quan đến việc tăng nồng độ estrogen. Cổ tử cung đáp ứng cao với estrogen, gây ra sự tăng sinh và biệt hóa của biểu mô cổ tử cung. Do đó, viêm lộ tuyến cổ tử cung thường được tìm thấy ở những người có điều kiện tiếp xúc với estrogen cao, cụ thể như:

  • Thanh thiếu niên;
  • Thai kỳ;
  • Phụ nữ dùng biện pháp tránh thai nội tiết tố;
  • Trong những năm có chu kỳ kinh nguyệt, thường thấy nhất ở giai đoạn rụng trứng.

Nó cũng có thể là một tình trạng bẩm sinh. Trong giai đoạn phát triển muộn của thai nhi và tháng đầu tiên của cuộc đời, việc tiếp xúc với hormone của mẹ sẽ kích thích biểu mô trụ nội tiết tăng hoạt động quá mức và gây ra viêm lộ tuyến cổ tử cung.

Bệnh không phổ biến ở phụ nữ mãn kinh. Trong giai đoạn sau mãn kinh, nồng độ estrogen giảm, làm cho cổ tử cung co lại và đảo ngược, do đó kéo biểu mô tế bào vảy của cổ tử cung vào trong ống cổ tử cung.

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và phương pháp điều trị 5
Thai kỳ có thể là nguyên nhân của viêm lộ tuyến cổ tử cung

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm lộ tuyến cổ tử cung?

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những phụ nữ mắc bệnh Chlamydia lây truyền qua đường tình dục có thể có nhiều khả năng bị viêm lộ tuyến cổ tử cung hơn, nhưng vẫn chưa có đủ nghiên cứu để chứng minh mối liên hệ đó.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm lộ tuyến cổ tử cung

Bạn có thể đã được sinh ra với tình trạng viêm lộ tuyến cổ tử cung. Hoặc bạn có thể mắc bệnh này sau này trong cuộc đời, khi nồng độ hormone của bạn thay đổi và nồng độ estrogen tăng lên, chẳng hạn như ở tuổi dậy thì, khi mang thai hoặc khi bạn dùng thuốc tránh thai.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm lộ tuyến cổ tử cung

Viêm lộ tuyến cổ tử cung không có triệu chứng trong hầu hết các trường hợp, bệnh được chẩn đoán khi khám phụ khoa định kỳ hoặc khi khám sàng lọc pap. Viêm lộ tuyến cổ tử cung được đánh giá bằng cách sử dụng mỏ vịt kiểm tra trực tiếp cho thấy một vùng màu đỏ xung quanh lỗ cổ tử cung.

Các phương pháp xét nghiệm tiếp theo được thực hiện để loại trừ các khả năng mắc bệnh khác. Chúng bao gồm:

  • Xét nghiệm khuếch đại axit nucleic (NAAT) để chẩn đoán viêm cổ tử cung do Chlamydia và lậu.
  • Xét nghiệm Triple swab được thực hiện để loại trừ viêm nhiễm cổ tử cung. Nó chủ yếu được thực hiện khi dịch tiết âm đạo có mủ.
  • Phân biệt giữa viêm lộ tuyến cổ tử cung và tân sinh trong biểu mô cổ tử cung (CIN) và ung thư cổ tử cung là khó khăn trên hình ảnh vĩ mô. Mặc dù viêm lộ tuyến cổ tử cung không liên quan đến ung thư cổ tử cung, nhưng trong trường hợp cổ tử cung bị đau hoặc chảy máu nhẹ kèm theo cổ tử đỏ, viêm, các xét nghiệm sau đây có thể được thực hiện để chẩn đoán phân biệt viêm lộ tuyến cổ tử cung, tân sinh trong biểu mô cổ tử cung (CIN) và ung thư cổ tử cung: Phết tế bào cổ tử cung, soi cổ tử cung, soi cổ tử cung kèm sinh thiết.

Xét nghiệm định tính beta hCG trong nước tiểu cũng được thực hiện để xác định mẫu hợp chất nội tiết sinh sản trong thai kỳ thường dẫn đến sự phát triển của viêm lộ tuyến cổ tử cung.

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và phương pháp điều trị 6
Viêm lộ tuyến cổ tử cung được đánh giá bằng cách sử dụng dụng cụ mỏ vịt

Phương pháp điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung hiệu quả

Hầu hết người bệnh không cần điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung. Nếu bạn có các triệu chứng bắt đầu trong khi mang thai, chúng sẽ biến mất từ ​​3 đến 6 tháng sau khi sinh. Nếu bạn nghĩ rằng thuốc tránh thai đang gây ra các triệu chứng của mình, bạn có thể đổi sang một hình thức ngừa thai khác để xem liệu có hiệu quả hay không.

Nhưng nếu các triệu chứng gây khó chịu cho bạn và bạn muốn điều trị, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp như:

  • Liệu pháp thấu nhiệt (Diathermy): Bác sĩ sẽ sử dụng một công cụ nhỏ để áp nhiệt độ cao vào các tế bào gây ra các triệu chứng của bạn, đốt cháy và niêm phong chúng. Bạn có thể sẽ nhận được gây tê trước khi thực hiện liệu pháp.
  • Liệu pháp áp lạnh (Cryotherapy): Còn được gọi là phẫu thuật lạnh, bác sĩ sử dụng đầu dò để đóng băng các tế bào gây bệnh trên cổ tử cung để ngăn chặn các triệu chứng của bạn. Bạn sẽ tỉnh táo trong suốt quá trình thực hiện và có thể không cần bất kỳ loại thuốc giảm đau nào. Nghiên cứu cho thấy quy trình này hiệu quả đối với những phụ nữ có nhiều dịch tiết từ cổ tử cung.
  • Bạc nitrat: Bác sĩ sẽ sử dụng hóa chất này vào cổ tử cung để ngăn chặn các tế bào gây chảy máu.

Sau bất kỳ phương pháp điều trị nào, bạn có thể cảm thấy đau nhẹ như trong thời kỳ kinh nguyệt và chảy máu ít hoặc tiết dịch. Nếu cơn đau trở nên nghiêm trọng hoặc chảy máu nhiều, hãy gọi cho bác sĩ của bạn. Không sử dụng tampon hoặc quan hệ tình dục trong khoảng 4 tuần, cho đến khi cổ tử cung của bạn lành hẳn.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm lộ tuyến cổ tử cung

Chế độ sinh hoạt:

Chế độ sinh hoạt cho người bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung bao gồm các biện pháp sau đây:

  • Giữ vệ sinh cá nhân: Hạn chế sử dụng dụng cụ vệ sinh cá nhân chung và luôn giữ vùng kín sạch khô. Sử dụng bông gòn hoặc khăn mềm để lau vùng kín sau khi đi tiểu hoặc đi cầu.
  • Tránh quan hệ tình dục: Tránh quan hệ tình dục trong quá trình điều trị và cho đến khi có chỉ dẫn từ bác sĩ rằng bạn đã khỏi hoàn toàn.
  • Tránh căng thẳng: Cố gắng giảm căng thẳng và tạo điều kiện nghỉ ngơi đủ, để cơ thể có thể phục hồi và hỗ trợ quá trình điều trị.
  • Điều chỉnh hoạt động thể lực: Tránh các hoạt động thể lực quá mức gây căng thẳng cho cơ thể. Tuy nhiên, duy trì một lịch trình vận động nhẹ nhàng có thể giúp tăng cường sức khỏe chung.
  • Tuân thủ điều trị: Đảm bảo tuân thủ đúng liều thuốc được chỉ định bởi bác sĩ và không tự ý ngừng điều trị.
  • Điều trị các bệnh nền: Nếu có các bệnh nền như nhiễm trùng hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục, điều trị chúng cùng lúc để ngăn chặn sự tái phát của viêm lộ tuyến cổ tử cung.

Lưu ý rằng đây chỉ là các biện pháp tổng quát, và quan trọng nhất là tham khảo ý kiến của bác sĩ để nhận được hướng dẫn chính xác và phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và phương pháp điều trị 7
Tránh căng thẳng để cơ thể có thể phục hồi và hỗ trợ quá trình điều trị

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung có thể bao gồm các yếu tố sau:

  • Thực phẩm giàu chất chống viêm: Bao gồm các loại thực phẩm chứa chất chống viêm tự nhiên như quả dứa, quả mâm xôi, quả anh đào, quả việt quất, hạt chia, hạt lanh, cây lúa mạch, đậu nành và các loại hạt.
  • Rau xanh và quả tươi: Bổ sung đủ lượng rau xanh và quả tươi trong khẩu phần ăn hàng ngày. Rau xanh như cải bắp, cải xoăn, rau cải, rau diếp cá và quả tươi như cam, chanh, kiwi, dứa, táo và dưa hấu có thể cung cấp nhiều chất dinh dưỡng và chất chống viêm.
  • Omega-3: Bổ sung omega-3 từ các nguồn như cá hồi, cá ngừ, hạt chia, hạt lanh và dầu cá. Omega-3 có tính chất chống viêm và có thể giúp giảm triệu chứng viêm.
  • Giảm tiêu thụ chất béo bão hòa và chất béo no: Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa chất béo bão hòa và chất béo no, như thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên và đồ ngọt. Thay vào đó, tập trung vào chất béo lành mạnh từ các nguồn như cá, hạt, dầu hạt và dầu ô-liu.
  • Đảm bảo cân bằng dinh dưỡng: Bao gồm đủ lượng protein, carbohydrate và chất xơ trong khẩu phần ăn hàng ngày. Điều này có thể được đáp ứng thông qua việc tiêu thụ thực phẩm giàu protein như thịt, cá, trứng, đậu và hạt, carbohydrate từ nguồn tinh bột như lúa mì, gạo, khoai tây và ngô, cùng với chất xơ từ rau, quả và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Uống đủ nước: Đảm bảo cung cấp đủ lượng nước hàng ngày để duy trì sự cân bằng độ ẩm trong cơ thể và hỗ trợ quá trình thanh thải độc tố.
  • Hạn chế tiêu thụ chất kích thích: Tránh tiêu thụ quá nhiều cafein, đồ uống có ga và đồ uống có nồng độ đường cao.

Tuy nhiên, mỗi trường hợp viêm lộ tuyến cổ tử cung có thể có yêu cầu dinh dưỡng cụ thể, do đó, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để tạo ra một chế độ dinh dưỡng phù hợp và đáp ứng nhu cầu cụ thể của bạn.

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và phương pháp điều trị 8
Bổ sung omega-3 có thể giúp giảm các triệu chứng của viêm lộ tuyến cổ tử cung

Phương pháp phòng ngừa viêm lộ tuyến cổ tử cung hiệu quả

Bạn không thể ngăn ngừa viêm lộ tuyến cổ tử cung, nhưng bạn không nên lo lắng nếu mắc bệnh này. Đó là một tình trạng vô hại không liên quan đến hoặc gây ra bởi các bệnh lý nguy hiểm.

Nguồn tham khảo
  1. Aggarwal P, Ben Amor A. Cervical Ectropion. [Updated 2023 May 31]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2023 Jan-. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560709/
  2. What Is Cervical Ectropion?: https://www.webmd.com/cancer/cervical-cancer/cervical-ectropion
  3. What to know about cervical ectropion: https://www.medicalnewstoday.com/articles/320298
  4. Cervical Ectropion: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/23053-cervical-ectropion
  5. What Is Cervical Ectropion (Cervical Erosion)?: https://www.healthline.com/health/womens-health/cervical-ectropion

Các bệnh liên quan

  1. teo tinh hoàn

  2. Không có âm đạo

  3. Vô kinh

  4. Nhiễm lậu cầu

  5. Polyp tử cung

  6. Bệnh hột xoài

  7. Viêm vùng chậu

  8. sa tinh hoàn

  9. Khô âm đạo

  10. Chuyển dạ đình trệ