Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hội chứng nam hoá là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 26/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hội chứng nam hoá (Virilization) là tình trạng phát triển các đặc điểm nam tính quá mức, thường là ở nữ giới, nguyên nhân có thể do tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều androgen (nội tiết tố nam) hoặc khi trẻ sơ sinh có đặc điểm tiếp xúc với nội tiết tố nam khi sinh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hội chứng nam hoá là gì?

Hội chứng nam hoá là tình trạng phụ nữ phát triển các đặc điểm nam tính quá mức. Hội chứng nam hoá có thể xảy ra ở các bé gái đang bước vào tuổi dậy thì hoặc ở cả phụ nữ trưởng thành. Thuật ngữ này cũng dùng để chỉ trường hợp trẻ sơ sinh (cả bé trai lẫn bé gái) phát triển các đặc điểm liên quan đến nội tiết tố nam (androgen), thường là do tiếp xúc với nội tiết tố nam khi sinh.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nam hoá là do có quá nhiều nội tiết tố androgen, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như sự phì đại của tuyến thượng thận, khối u buồng trứng hoặc buồng trứng sản xuất hormone bất thường.

Các triệu chứng của hội chứng nam hoá có thể bao gồm rậm lông (ở mặt và cơ thể), hói đầu, mụn trứng cá, giọng trầm, tăng cơ bắp và tăng ham muốn tình dục. Các triệu chứng sẽ khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn và đối tượng bị ảnh hưởng. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng nam hoá

Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng nam hoá sẽ phụ thuộc vào mức độ testosterone trong cơ thể.

Ở mức độ thấp (phổ biến), các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Lông mặt dày và sẫm màu ở vùng râu hoặc ria mép;
  • Rậm lông cơ thể;
  • Da dầu hoặc mụn trứng cá;
  • Kinh nguyệt không đều.

Đối với mức testosterone trung bình, trường hợp này ít gặp hơn, các dấu hiệu có thể bao gồm:

  • Hói đầu kiểu nam;
  • Mất phân bố mỡ ở phụ nữ;
  • Kích thước ngực giảm.

Mức testosterone cao thường hiếm gặp, triệu chứng biểu hiện gồm:

  • Phì đại âm vật;
  • Giọng nói trầm;
  • Phát triển cơ bắp như nam giới.
Hội chứng nam hoá là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Hói đầu kiểu nam là một trong các triệu chứng của hội chứng nam hoá

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh hội chứng nam hoá

Ngoài các biểu hiện về phát triển nam tính quá mức, ở phụ nữ mắc hội chứng nam hoá có liên quan đến các rối loạn đáng kể khác. Ví dụ như phụ nữ mắc hội chứng nam hoá bị rậm lông có liên quan đến các triệu chứng đau khổ và trầm cảm. Họ cũng có nguy cơ bị rối loạn khí sắc hơn và có nguy cơ mắc các chứng rối loạn ăn uống như ăn uống vô độ, không kiểm soát.

Nếu hội chứng nam hoá là do tiếp xúc với androgen ở phụ nữ trưởng thành, nhiều triệu chứng sẽ biến mất khi ngừng sử dụng nội tiết tố. Tuy nhiên, giọng nói trầm hơn là hậu quả lâu dài có thể xảy ra.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn hoặc bạn thấy con bạn gặp các triệu chứng nghi ngờ mắc hội chứng nam hoá, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Các triệu chứng có thể gồm rậm lông ở mặt và cơ thể, mụn trứng cá, hói đầu, giọng trầm, rối loạn kinh nguyệt, tăng sự phát triển cơ bắp hay mất phân bố mỡ ở phụ nữ.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng nam hoá

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng nam hoá có thể là do sự sản xuất dư thừa testosterone hoặc do sử dụng steroid đồng hóa.

Ở các bé trai hoặc bé gái mới sinh, tình trạng nam hoá có thể do các nguyên nhân:

  • Một số loại thuốc mẹ dùng khi mang thai.
  • Tăng sản thượng thận bẩm sinh ở trẻ hoặc mẹ.
  • Các tình trạng bệnh lý khác ở mẹ như khối u buồng trứng hoặc tuyến thượng thận tiết ra nội tiết tố nam.

Ở những bé gái đang bước vào tuổi dậy thì, hội chứng nam hoá có thể do:

  • Hội chứng buồng trứng đa nang.
  • Một số loại steroid đồng hóa.
  • Tăng sản thượng thận bẩm sinh.
  • Các khối u buồng trứng hoặc tuyến thượng thận tiết ra nội tiết tố nam (androgen).

Ở phụ nữ trưởng thành, nam hoá thường do các nguyên nhân sau:

  • Một số loại thuốc hoặc steroid đồng hóa.
  • Các khối u buồng trứng hoặc tuyến thượng thận tiết ra nội tiết tố nam.
Hội chứng nam hoá là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Hội chứng buồng trứng đa nang là một trong những nguyên nhân dẫn đến hội chứng nam hoá

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải hội chứng nam hoá?

Hội chứng nam hoá thường gặp ở bé gái bước vào tuổi dậy thì hoặc ở phụ nữ trưởng thành. Tuy nhiên, hội chứng nam hoá cũng có thể gặp ở trẻ sơ sinh là bé gái hoặc cả bé trai.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng nam hoá

Như đã đề cập ở phần nguyên nhân, việc sản xuất hormone androgen dư thừa là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nam hoá. Một số yếu tố có thể dẫn đến sự dư thừa của androgen bao gồm sử dụng steroid đồng hóa, thuốc, các khối u tiết nội tiết tố nam (đặc biệt ở buồng trứng hoặc tuyến thượng thận), hội chứng buồng trứng đa nang hay tăng sản thượng thận bẩm sinh.

Trong đó, việc sử dụng steroid đồng hóa thường gặp ở vận động viên cử tạ nam giới với mục đích tăng cường thể lực. Tuy nhiên, đi kèm với nó sẽ là nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau như tăng nguy cơ đột quỵ, bệnh tim, bệnh thận hoặc các vấn đề khác. Do đó, cần sử dụng steroid đồng hóa dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để giảm các nguy cơ này.

Hội chứng nam hoá là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Sử dụng steroid đồng hoá để tăng khả năng nam hoá có thể mang lại nhiều rủi ro khác nhau

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm hội chứng nam hoá

Các bác sĩ bắt đầu chẩn đoán bằng cách hỏi bệnh và khám bệnh cho bạn. Sau đó, bác sĩ thường sẽ yêu cầu xét nghiệm máu để xem nồng độ androgen trong máu của bạn. Các xét nghiệm máu để kiểm tra lượng hormone khác như từ tuyến thượng thận hay buồng trứng cũng có thể được thực hiện đồng thời.

Để xác định rõ chẩn đoán, bác sĩ có thể yêu cần chụp cắt lớp vi tính (CT-scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) tuyến thượng thận và buồng trứng để xem liệu có các bất thường hay không.

Khi nồng độ androgen trong máu của bạn quá cao, xét nghiệm ức chế dexamethasone có thể được thực hiện để giúp xác định nguyên nhân tuyến thượng thận.

Điều trị hội chứng nam hoá

Việc điều trị sẽ tuỳ thuộc vào nguyên nhân dẫn đến hội chứng nam hoá:

  • Tăng sản tuyến thượng thận: Các bác sĩ thường kê toa corticosteroid như hydrocorrtison để giảm sản xuất nội tiết tố nam.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang: Có nhiều phương pháp điều trị sẵn có cho hội chứng buồng trứng đa nang như sử dụng progestin hoặc viên uống ngừa thai kết hợp có estrogen và progestin.
  • Khối u hoặc ung thư biểu mô tuyến: Điều trị bao gồm cắt bỏ khối u tuyến thượng thận hoặc buồng trứng. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể cắt bỏ toàn bộ tuyến thượng thận có khối u.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của hội chứng nam hoá

Chế độ sinh hoạt:

Để hạn chế diễn tiến của hội chứng nam hoá, điều quan trọng là bạn phải tuân thủ điều trị của bác sĩ.

Trong trường hợp có sử dụng steroid đồng hoá (như ở vận động viên cử tạ), hãy sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Vì không chỉ có khả năng nam hoá, sử dụng steroid đồng hoá sẽ tăng các nguy cơ khác như: Ung thư, cục máu đông, đột quỵ, bệnh tim, tổn thương gan, ung thư gan, suy thận. Các nguy cơ này sẽ tăng lên khi bạn không dùng steroid đồng hoá dưới sự chăm sóc của bác sĩ.

Nếu hội chứng nam hoá ở bạn là do hội chứng buồng trứng đa nang, những thay đổi lối sống có thể giúp ích như:

  • Quản lý cân nặng, đặc biệt nếu bạn có thừa cân hay béo phì.
  • Tập luyện thể dục đều đặn, việc tập luyện thường xuyên có nhiều lợi ích trong việc điều trị hội chứng buồng trứng đa nang, giúp chống béo phì, xây dựng cơ bắp và giảm tình trạng đề kháng insulin.
Hội chứng nam hoá là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Duy trì cân nặng khoẻ mạnh và tập thể dục đều đặn có thể giúp ích

Chế độ dinh dưỡng: 

  • Việc duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh sẽ giúp ích cho tình trạng sức khỏe chung của bạn, đặc biệt hỗ trợ trong việc quản lý cân nặng (hữu ích trong điều trị hội chứng buồng trứng đa nang, một nguyên nhân dẫn đến hội chứng nam hoá).
  • Bạn cũng nên giảm lượng đường và carbohydrate nếu mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). 
  • Chế độ ăn lý tưởng bao gồm nhiều loại thực phẩm khác nhau và tinh bột lành mạnh chẳng hạn như rau và trái cây, thịt gia cầm, cá và các loại ngũ cốc chứa nhiều chất xơ.

Phòng ngừa hội chứng nam hoá

Các nguyên nhân dẫn đến hội chứng nam hoá hầu như không thể phòng ngừa được. Đối với trường hợp hội chứng nam hoá ở trẻ sơ sinh, để phòng ngừa chúng, bạn có thể tham khảo ý kiến và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong việc sử dụng thuốc hoặc các chất có thể dẫn đến hội chứng nam hoá. Các trường hợp sử dụng steroid đồng hoá nên dưới sự theo dõi của bác sĩ để hạn chế các biến chứng có thể có bao gồm hội chứng nam hoá.

Các câu hỏi thường gặp về hội chứng nam hoá

Các triệu chứng của hội chứng nam hoá có biến mất sau khi điều trị không?

Trong hầu hết các trường hợp phụ nữ trưởng thành mắc hội chứng nam hoá, khi được điều trị loại bỏ lượng hormone dư thừa, các triệu chứng sẽ biến mất. Tuy nhiên, giọng nói trầm hơn là một triệu chứng kéo dài và không thuyên giảm dù cho có điều trị bằng cách nào đi chăng nữa.

Tôi bị hội chứng nam hoá thì có cần phẫu thuật điều trị không?

Phương pháp điều trị hội chứng nam hoá sẽ tuỳ thuộc vào nguyên nhân của chúng. Bạn sẽ cần phẫu thuật nếu nguyên nhân là khối u hoặc ung thư biểu mô tuyến ở tuyến thượng thận hay buồng trứng. Trong trường hợp nguyên nhân do tăng sản tuyến thượng thận hay hội chứng buồng trứng đa nang, việc điều trị không bao gồm việc phẫu thuật.

Trẻ sơ sinh có thể mắc hội chứng nam hoá không?

Có thể, nếu trẻ sơ sinh có tiếp xúc với nội tiết tố nam khi sinh, ví dụ như trong trường hợp mẹ sử dụng một số loại thuốc hay các tình trạng tăng sản thượng thận bẩm sinh ở mẹ hoặc ở bé.

Tôi có thể tự ý sử dụng steroid đồng hoá không?

Việc sử dụng steroid đồng hoá với mục đích tăng cường thể lực để đạt được khả năng nam hoá cao hơn, thường ở các vận động viên cử tạ nam. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý sử dụng steroid đồng hoá, vì có nhiều rủi ro khác nhau khi sử dụng chúng, chỉ nên sử dụng dưới sự theo dõi của bác sĩ để giảm thiểu các rủi ro của sử dụng steroid đồng hoá.

Tôi nên thay đổi lối sống như thế nào nếu mắc hội chứng nam hoá do hội chứng buồng trứng đa nang?

Việc thay đổi lối sống rất quan trọng trong điều trị hội chứng buồng trứng đa nang. Các thay đổi bao gồm việc duy trì chế độ ăn lành mạnh, hạn chế đường và carbohydrate, quản lý cân nặng lành mạnh như giảm cân nếu thừa cân, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao.

Nguồn tham khảo
  1. Virilization: https://www.msdmanuals.com/home/hormonal-and-metabolic-disorders/adrenal-gland-disorders/virilization
  2. Virilization: https://medlineplus.gov/ency/article/002339.htm
  3. Approach to the Virilizing Girl at Puberty: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8063244/
  4. What to Know About Virilization: https://www.healthline.com/health/virilization
  5. What Is Virilization?: https://www.webmd.com/women/what-is-virilization 

Các bệnh liên quan

  1. Tiểu đường bị ngứa da

  2. Không dung nạp lactose

  3. Cholesterol máu cao

  4. U tụy nội tiết Insulinoma

  5. Men gan cao

  6. Béo phì

  7. Sỏi bùn túi mật

  8. Bệnh Wilson

  9. Suy gan cấp

  10. Tiểu đường thai kỳ