Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bí tiểu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị bí tiểu

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bí tiểu hiểu một cách đơn giản là một người đi tiểu nhưng nước tiểu không thể thoát ra ngoài. Điều này gây ra cảm giác khó chịu, căng tức bụng, luôn buồn tiểu mà không đi được. Đây còn có thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe nào đó.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bí tiểu là gì?

Như các bạn đã biết, tiểu là một hình thức đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Thông thường, cơ thể bạn có thể đi tiểu một cách tự chủ, có sự kết hợp hài hòa giữa hoạt động giãn nở của cổ bàng quang và co bóp bàng quang. Vậy bí tiểu là gì?

Bí tiểu là tình trạng bàng quang chứa đầy nước tiểu nhưng bạn không đi tiểu được hoặc đi tiểu nhưng bàng quang hoàn toàn trống rỗng và người bệnh cảm thấy buồn tiểu thường xuyên.

Bí tiểu được chia làm 2 dạng chính bao gồm:

  • Bí tiểu cấp tính: Tình trạng bí tiểu diễn ra đột ngột, người bệnh muốn đi tiểu nhưng lại không thể đi được, gây đau tức bụng dưới. Tình trạng này kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Khi gặp phải tình trạng này, hãy đưa người bệnh đến bệnh viện cấp cứu càng sớm càng tốt.
  • Bí tiểu mãn tính: Tình trạng bí tiểu diễn ra trong một thời gian dài, bàng quang không hết nước tiểu mặc dù người bệnh vẫn đi tiểu được. Trong giai đoạn đầu, bí tiểu mãn tính không có biểu hiện rõ ràng, nếu không để ý sẽ rất khó có thể phát hiện bất thường. Trên thực tế, bí tiểu mãn tính có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bí tiểu

Như đã trình bày phía trên, bí tiểu bao gồm 2 dạng chính đó là bí tiểu cấp tính và bí tiểu mãn tính. Tùy vào dạng bí tiểu mắc phải mà người bệnh sẽ có các dấu hiệu cũng như triệu chứng khác nhau. Cụ thể:

Bí tiểu cấp

Bí tiểu cấp là một tình trạng cấp cứu, gây đau đớn và khó chịu cho người bệnh, thậm chí người bệnh có thể bị tử vong bởi các biến chứng nguy hiểm mà tình trạng bí tiểu gây ra.

Đối với trường hợp bí tiểu cấp tính, người bệnh không tiểu được chút nào dù cho cảm giác mót tiểu trầm trọng. Cùng với đó, người bệnh sẽ cảm thấy đau và căng tức bụng, nhất là ở vùng hạ vị trước bàng quang. Điều cần nhất lúc này là người bệnh cần được khám cấp cứu để giải phóng nước tiểu kịp thời.

Bí tiểu mạn

Bí tiểu mạn tính là khi đường bài xuất nước tiểu bị tắc nghẽn không hoàn toàn diễn ra trong suốt một khoảng thời gian dài. Người bệnh không thể làm rỗng bàng quang và sau khi đi tiểu, trong bàng quang vẫn tồn dư một lượng nước tiểu. Triệu chứng đau đớn và mót tiểu rất mơ hồ, do vậy mà người bệnh thậm chí có thể không cảm nhận được tình trạng bí tiểu.

Tác động của bí tiểu đối với sức khỏe

Tuy bí tiểu không phải là một căn bệnh phổ biến, song lại mang đến những ảnh hưởng và khó khăn nhất định cho những trường hợp không may mắc căn bệnh này. Khi bị bí tiểu, người bệnh sẽ đứng ngồi không yên, tâm trí bất ổn. Việc đi tiểu nhiều lần khiến cho công việc đang làm bị gián đoạn và ngắt quãng.

Ngoài ra, người bệnh còn phải đối mặt với một loạt các vấn đề như rối loạn giấc ngủ, mất ngủ về đêm… khiến cho người bệnh rơi vào trạng thái mệt mỏi, stress nếu tình trạng bí tiểu kéo dài quá lâu.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bí tiểu

Nếu chủ quan không điều trị sớm hoặc điều trị không dứt điểm, người bệnh mắc bí tiểu có thể phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm, trong đó phải kể đến như:

  • Viêm đường tiết niệu: Nước tiểu bị ứ đọng lâu ngày không được đào thải ra ngoài sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây hại phát triển, từ đó gây ra phản ứng viêm.
  • Chức năng thận suy giảm: Chức năng thận có thể bị suy giảm nếu thận bị tổn thương không hồi phục. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bàng quang chứa quá nhiều nước tiểu và nước tiểu bị chảy ngược lại thận.
  • Tổn thương bàng quang: Nước tiểu không được đào thải ra ngoài sẽ khiến cho bàng quang căng hơn. Theo thời gian, nếu tình trạng này vẫn tiếp tục tiếp diễn thì bàng quang có thể bị mất khả năng co bóp.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bí tiểu nếu không được điều trị sớm và dứt điểm sẽ có thể dẫn đến nhiều biến chứng sức khỏe nguy hiểm. Vậy khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ ngay khi phát hiện một trong các triệu chứng dưới đây để được thăm khám, chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị phù hợp:

  • Đi tiểu nhiều lần, tiểu rắt, trên 8 lần/ngày;
  • Khó rặn tiểu, tiểu yếu hoặc tiểu ngắt quãng;
  • Cảm giác tiểu không hết;
  • Thức dậy hơn một lần để đi tiểu trong đêm;
  • Tiểu rỉ, tiểu són liên tục;
  • Mót tiểu không kiềm chế;
  • Không cảm nhận được cảm giác căng tiểu của bàng quang;
  • Đau và căng tức vùng bụng dưới.
Bí tiểu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị bí tiểu 5
Đau và căng tức bụng dưới là triệu chứng bạn có thể gặp phải khi bị bí tiểu

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bí tiểu

Bí tiểu có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến bí tiểu, bạn đọc có thể tham khảo:

  • Bàng quang giảm lực co bóp: Trên thực tế, bàng quang có thể chứa từ 300 - 400ml nước tiểu. Khi lượng nước tiểu đạt ngưỡng nêu trên, các dây thần kinh sẽ kích thích não bộ thả lỏng các cung phản xạ đồng thời giãn mở cơ vòng vân. Lúc này, bàng quang sẽ co bóp để tống toàn bộ nước tiểu ra ngoài. Chính vì thế, nếu bàng quang giảm lực co bóp, lượng nước tiểu sẽ không được đẩy ra ngoài.
  • Cơ vòng không giãn nở: Sau khi nước tiểu được đẩy ra khỏi bàng quang, não sẽ gửi tín hiệu cho các cơ vòng để các cơ này giãn ra, cho phép dòng chảy của nước tiểu đi qua niệu đạo và ra môi trường ngoài. Theo đó, các cơ vòng không giãn nở cũng là một trong những nguyên nhân gây bí tiểu.
  • Tắc nghẽn niệu đạo: Niệu đạo bị tắc nghẽn gây cản trở việc đẩy hết nước tiểu ra ngoài, từ đó dẫn đến tình trạng bí tiểu.
  • Một số bệnh lý viêm nhiễm nam khoa, phụ khoa: Nam giới mắc một số bệnh như viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt, viêm bàng quang, phì đại tuyến tiền liệt… Ở nữ giới, một số bệnh phụ khoa có thể gây bí tiểu như viêm tử cung, viêm âm đạo, viêm âm hộ, ung thư cổ tử cung…
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Việc tự ý sử dụng một số loại thuốc như thuốc giãn cơ, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamin… mà không tuân theo chỉ định của bác sĩ cũng là một trong những việc làm có thể dẫn đến bí tiểu.
Bí tiểu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị bí tiểu 6
Bí tiểu có thể tác dụng phụ khi sử dụng một số loại thuốc

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bí tiểu?

Bất cứ ai, bất cứ lứa tuổi nào cũng đều có nguy cơ mắc bí tiểu. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, tỷ lệ mắc phải tình trạng bí tiểu của nam giới gấp 10 lần so với nữ giới, đặc biệt là nam giới trong độ tuổi trung niên và tuổi già.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bí tiểu

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng bí tiểu phải kể đến như:

  • Nam giới lớn tuổi với sự gia tăng của u xơ tuyến tiền liệt lành tính.
  • Nam giới lớn tuổi với tuyến tiền liệt to.
  • Đối tượng có sỏi tiết niệu có thể tìm thấy ở bàng quan, niệu quản và thận.
  • Nữ giới có sự hiện diện của sa bàng quang, sa trực tràng.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát có thể dẫn đến tình trạng hẹp niệu đạo.
  • Tiểu đường.
  • Chấn thương tuỷ sống.
  • Phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm bí tiểu

Để chẩn đoán bí tiểu, các bác sĩ sẽ tiến hành khai thác tiền sử bệnh và các triệu chứng cơ năng mà người bệnh gặp phải. Sau đó, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và chỉ định người bệnh làm một số thăm dò cận lâm sàng để đưa ra chẩn đoán chính xác đồng thời tìm ra nguyên nhân gây bí tiểu.

Một số thăm dò cận lâm sàng được chỉ định trong trường hợp này bao gồm: Xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm nước tiểu, siêu âm đo nước tiểu tồn dư, nội soi bàng quang, siêu âm hệ tiết niệu, chụp cắt lớp vi tính tiểu khung và kiểm tra niệu động học đào thải nước tiểu.

Điều trị bí tiểu

Nguyên tắc điều trị bí tiểu bao gồm thông, giải phóng toàn bộ lượng nước tiểu trong bàng quang và giảm cảm giác đau tức khó chịu. Để đạt được các mục tiêu này đòi hỏi người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định từ bác sĩ.

Tuỳ thuộc vào từng nguyên nhân gây bí tiểu, mức độ bí tiểu và sức khỏe tổng quát của người bệnh mà các bác sĩ sẽ lựa chọn đưa ra phương án điều trị phù hợp.

Một số phương pháp điều trị bí tiểu phải kể đến như: Đặt thông tiểu, điều trị bằng thuốc, nong niệu đạo và stent, phẫu thuật…

Bí tiểu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị bí tiểu 7
Sử dụng thuốc là một trong những phương pháp điều trị bí tiểu

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của bí tiểu

Dưới đây là một số lưu ý trong chế độ sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của tình trạng bí tiểu, bạn đọc có thể tham khảo:

  • Tuân thủ theo đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
  • Duy trì lối sống tích cực, lành mạnh và khoa học.
  • Trong quá trình điều trị, nếu nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ.
  • Thực hiện thăm khám định kỳ để theo dõi tình trạng sức khoẻ, diễn biến của bệnh để bác sĩ có thể đưa ra hướng điều trị phù hợp hơn nếu bệnh chưa có dấu hiệu được cải thiện.

Phòng ngừa bí tiểu

Để phòng ngừa bí tiểu hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên và đều đặn để tăng cường sức khoẻ và nâng cao sức đề kháng.
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học và hợp lý.
  • Không nhịn tiểu quá lâu và không ngồi quá lâu. Điều này sẽ tăng nguy cơ mắc bí tiểu, đặc biệt là với những trường hợp đang mắc viêm bàng quang mãn tính.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị dứt điểm các bệnh lý làm tăng nguy cơ mắc bí tiểu như viêm tuyến tiền liệt, viêm niệu đạo, bệnh tiểu khung nếu có.

 

Bí tiểu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị bí tiểu 8
Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên giúp nâng cao sức khoẻ và ngừa bí tiểu hiệu quả

Các câu hỏi thường gặp về bí tiểu

Bí tiểu có điều trị khỏi được không? 

Bí tiểu hoàn toàn có thể điều trị khỏi sau khi xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh. Với mỗi nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị sao cho phù hợp nhất. Tuy nhiên, có một số nguyên nhân khiến cho quá trình điều trị gặp khó khăn đòi hỏi người bệnh phải kiên trì và tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ.

Dùng kháng sinh để điều trị bí tiểu có tác dụng không?

Về bản chất, thuốc kháng sinh có tác dụng kìm hãm sự phát triển và tiêu diệt vi khuẩn. Chính vì thế, nếu nguyên nhân gây bí tiểu là các bệnh lý viêm nhiễm gây ra bởi vi khuẩn thì các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng thuốc kháng sinh.

Có nên uống nhiều nước khi bị bí tiểu không?

Nước là một phần thiết yếu trong cuộc sống. Đối với chứng bí tiểu, nước có tác dụng loại bỏ độc tố cùng vi khuẩn ra khỏi cơ thể, từ đó ngăn ngừa biến chứng do bí tiểu mạn tính gây ra. Ngoài ra, uống nhiều nước còn giúp tối đa hoá hiệu suất thể chất và ngăn ngừa táo bón hiệu quả.

Bí tiểu nên ăn gì?

Khi bị bí tiểu, bạn nên ăn trái cây tươi và rau xanh, thực phẩm giàu chất xơ, thực phẩm giàu protein (các loại đậu, bơ đậu phộng, thịt), các thực phẩm giàu vitamin C...

Bí tiểu nên kiêng gì?

Khi mắc bí tiểu, bạn nên tránh ăn các thực phẩm cay nóng, các loại thực phẩm chứa chất làm ngọt nhân tạo, đồ uống chứa caffeine, bia rượu, thuốc lá...

Nguồn tham khảo
  1. Urinary retention: https://www.healthdirect.gov.au/urinary-retention
  2. Urinary Retention Symptoms & Treatment: https://www.aurorahealthcare.org/services/urology/urinary-retention
  3. Urinary Retention: Causes, Treatment, and More: https://www.healthline.com/health/urinary-retention
  4. Definition & Facts of Urinary Retention: https://www.niddk.nih.gov/health-information/urologic-diseases/urinary-retention/definition-facts
  5. Urinary Retention: https://www.niddk.nih.gov/health-information/urologic-diseases/urinary-retention

Các bệnh liên quan

  1. Bướu giáp đa nhân 2 thùy

  2. Giun đầu gai

  3. Bệnh nấm da

  4. Suy tim phải

  5. U sao bào

  6. Bệnh thoái hóa tinh bột

  7. Trúng gió

  8. đau xương cụt

  9. Khô khớp

  10. Mất ngủ sau sinh