Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

U cơ trơn tử cung và những điều cần biết

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tử cung là một cơ quan rỗng, hình quả lê, nằm ngay trong khung chậu của người phụ nữ ngay phía sau bàng quang và phía trước trực tràng. Kích thước trung bình của tử cung ở phụ nữ trưởng thành dài 8cm, ngang 5cm và dày 4cm. Tử cung chịu trách nhiệm cho nhiều chức năng khác nhau như kinh nguyệt, mang thai, chuyển dạ, sinh nở. Và có rất nhiều các bệnh liên quan đến tử cung của người phụ nữ trong đó có một bệnh cực kỳ phổ biến đó là u cơ trơn tử cung. Bài viết này sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về bệnh lý này.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

U cơ trơn tử cung là gì?

U cơ trơn tử cung hay còn thường được gọi là u xơ tử cung là một loại u lành tính phổ biến nhất thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. U xơ tử cung là kết quả của sự phát triển không phù hợp của mô cơ trơn tử cung hoặc nội mạc tử cung. Sự tăng trưởng của chúng phụ thuộc vào nồng độ estrogen và progesterone.

Có nhiều loại u xơ tử cung khác nhau tùy thuộc vào vị trí của chúng và cách chúng bám vào. Các loại u xơ tử cung bao gồm:

  • U xơ tử cung: Những u này bám vào thành cơ tử cung. Đây là loại phổ biến nhất.
  • U xơ dưới niêm mạc: Những u xơ này phát triển dưới lớp lót bên trong tử cung.
  • U xơ dưới thanh mạc: Loại u xơ này phát triển dưới lớp niêm mạc bề mặt tử cung.
  • U xơ tử cung cuống: Những u xơ này bám vào tử cung bằng một cuống hoặc thân, chúng thường được mô tả giống nấm vì chúng có cuống và phần trên rộng hơn. Loại này ít phổ biến nhất.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh u cơ trơn tử cung

Hầu hết thì các u xơ có kích thước nhỏ sẽ không gây ra bất kỳ các triệu chứng nào hết và cũng không cần điều trị ngoài việc kiểm tra định kỳ mỗi 6 tháng. Tuy nhiên các u xơ có kích thước lớn có thể gây ra các triệu chứng sau:

  • Chảy máu trong kỳ kinh nguyệt nhiều hơn, rong kinh;
  • Cảm giác đầy bụng dưới, chướng bụng;
  • Đau vùng chậu;
  • Đi tiểu thường xuyên hoặc khó đi tiểu (điều này xảy ra khi u xơ lớn gây áp lực lên thành bàng quang);
  • Đau bụng dưới hoặc lưng dưới khi quan hệ tình dục;
  • Âm đạo huyết trắng nhiều kéo dài;
  • Khô âm đạo.

Biến chứng có thể gặp phải khi bị u cơ trơn tử cung

Hầu hết u xơ tử cung không gây ra biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên vẫn có một số biến chứng phổ biến của u xơ tử cung là:

  • Đau nhiều và kéo dài;
  • Sưng vùng bụng hoặc vùng xương chậu;
  • Chảy máu quá nhiều gây thiếu máu;
  • Vô sinh (biến chứng hiếm gặp).

U cơ trơn tử cung và mang thai

Một vấn đề lo lắng lớn nhất của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mà phát hiện u xơ tử cung là liệu có ảnh hưởng tới việc sinh sản sau này không? Thông thường u xơ không ảnh hưởng đến việc mang thai. Nhưng một số u xơ đặc biệt là loại u xơ dưới niêm mạc có thể gây vô sinh hoặc sảy thai.

U xơ có thể làm tăng nguy cơ biến chứng trong thai kỳ như:

  • Nhau bong non;
  • Hạn chế sự tăng trưởng của thai nhi;
  • Sinh non.
U cơ trơn tử cung và những điều cần biết 4
U xơ có thể làm tăng nguy cơ biến chứng trong thai kỳ

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Với bất kỳ sự bất thường nào của cơ thể như: Kinh nguyệt không đều, kinh nguyệt kéo dài, đau vùng chậu, khí hư huyết trắng nhiều,... Bạn nên lập tức gặp bác sĩ để tư vấn và thăm khám sớm.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh u cơ trơn tử cung

Nguyên nhân chính xác gây ra u cơ trơn tử cung hiện nay vẫn chưa được biết rõ ràng. Nhưng những yếu tố dưới đây có thể đóng vai trò dẫn đến phát triển một u cơ trơn:

  • Thay đổi gen: Nhiều u xơ chứa những thay đổi về gen khác với những thay đổi trong tế bào cơ tử cung điển hình.
  • Hormone: Hai hormone này gọi là estrogen và progesterone làm cho các mô bên trong tử cung dày lên trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt để chuẩn bị mang thai. Những hormone này dường như cũng giúp u xơ phát triển.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh u cơ trơn tử cung?

U xơ tử cung hiếm gặp trước độ tuổi dậy thì và cực kỳ phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Một nghiên cứu đầu năm 2003 của Baird et al cho thấy tỷ lệ mắc u xơ tử cung ước tính ở độ tuổi 50 là khoảng 70% đối với phụ nữ da trắng và trên 80% ở phụ nữ da đen.

Các yếu tố nguy cơ của u cơ trơn tử cung là gì?

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh u cơ trơn tử cung:

  • Tiền sử gia đình có người từng mắc u xơ tử cung;
  • Có kinh sớm;
  • Mãn kinh trễ;
  • Không sinh con;
  • Béo phì.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh u cơ trơn tử cung

Việc phát hiện u xơ tử cung sẽ qua khai thác bệnh sử và khám thực thể và sử dụng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh. Bác sĩ sẽ khai thác kỹ tiền sử kinh nguyệt để xác định thời gian, số lượng và bất kỳ yếu tố nào làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu bất thường. Sau đó sẽ thực hiện khám bằng tay và bằng mỏ vịt để loại trừ bất kỳ bệnh lý nào về âm đạo hoặc cổ tử cung, việc thăm khám này sẽ giúp các bác sĩ quan sát và đánh giá được các bệnh lý trong và ngoài âm đạo. Tuy nhiên cũng rất nhiều trường hợp có u xơ tử cung nhưng không có triệu chứng và tình cờ phát hiện u xơ trên hình ảnh.

Có một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh có thể thực hiện để xác nhận u xơ, xác định kích thước cũng như vị trí của chúng. Những phương pháp này bao gồm:

  • Siêu âm đầu dò âm đạo: Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán hình ảnh u xơ tử cung. Nó có độ nhạy khoảng 90-99% trong việc phát hiện u xơ tử cung.
  • Siêu âm bơm dịch lòng tử cung: Một lượng nước muối sinh lý sẽ được nhỏ giọt vào trong lòng tử cung cho phép hiển thị hình ảnh trong khoang tử cung rõ hơn.
  • Nội soi tử cung: Phương pháp này sẽ cho phép hình dung rõ hơn về u xơ bên trong khoang tử cung.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Thường được hiện khi siêu âm đầu dò âm đạo và siêu âm bơm dịch lòng không kết luận được thì sẽ thực hiện thêm phương pháp này. Phương pháp này cung cấp hình ảnh tốt hơn về số lượng, kích thước, nguồn cung cấp mạch máu và ranh giới của u xơ khi chúng liên quan đến xương chậu.
U cơ trơn tử cung và những điều cần biết 5
Việc phát hiện u xơ tử cung sẽ qua khai thác bệnh sử và khám thực thể và sử dụng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh

Phương pháp điều trị bệnh u cơ trơn tử cung

Vị trí và kích thước của u xơ sẽ quyết định các lựa chọn điều trị hiện có. Các lựa chọn điều trị được chia thành ba loại, bắt đầu từ việc theo dõi, sau đó tiến tới điều trị nội khoa cuối cùng là phẫu thuật.

Nội khoa

Theo dõi

Đây là phương pháp dành cho nhóm phụ nữ có u xơ tử cung nhưng không gặp bất kỳ triệu chứng nào. Trong trường hợp này các bác sĩ chỉ định người bệnh theo dõi định kỳ mỗi 6 tháng hoặc một năm bằng việc thăm khám phụ khoa và siêu âm lại.

Điều trị nội khoa chủ yếu xoay quanh việc sử dụng thuốc để giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng chảy máu và đau. Các thuốc được dùng trong phương pháp này bao gồm:

Thuốc tránh thai nội tiết

Nhóm này bao gồm thuốc tránh thai đường uống (OCP) và vòng tránh thai chứa levonorgestrel (DCTC). Thuốc tránh thai đường uống là lựa chọn phổ biến trong việc kiểm soát chảy máu tử cung liên quan đến u xơ. Vòng tránh thai chứa levonorgestrel hiện là liệu pháp nội tiết tố được khuyên dùng cho u xơ tử cung có triệu chứng do không có tác dụng phụ toàn thân và ít tác dụng phụ khác.

Chất chủ vận GnRH (leuprolide)

Phương pháp này hoạt động bằng cách tác động lên tuyến yên để giảm sản xuất hormon tuyến sinh dục do đó làm giảm sự phát triển kích thước của u xơ.

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Thuốc chống viêm đã được chứng minh là làm giảm nồng độ prostaglandin, vốn tăng cao ở phụ nữ bị chảy máu kinh nguyệt kéo dài và là nguyên nhân gây ra chứng chuột rút đau đớn trong kỳ kinh nguyệt.

Ngoại khoa

Việc phẫu thuật không chỉ phụ thuộc vào kích thước, vị trí, số lượng và các triệu chứng nặng nề do u xơ gây ra mà còn phụ thuộc vào mong muốn có con của trong tương lai của người bệnh.

Phẫu thuật cắt bỏ u xơ

Thường được thực hiện bằng nội soi tử cung hoặc nội soi ổ bụng sử dụng dụng cụ với kính viễn vọng góc rộng và dòng điện để cắt bỏ các u xơ.

Thuyên tắc động mạch tử cung

Một phương pháp xâm lấn tối thiểu cho những ai muốn bảo tồn khả năng sinh sản. Kỹ thuật này hoạt động bằng cách giảm tổng lượng máu cung cấp cho tử cung, do đó làm giảm lưu lượng máu đến u xơ và giảm thiểu các triệu chứng chảy máu.

Cắt bỏ tử cung

Đây là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung của người bệnh, đây cũng là phương pháp duy nhất để chữa khỏi hoàn toàn u xơ tử cung. Phương pháp này được kiến nghị cho các bệnh nhân có u xơ tử cung gây chảy máu rất nhiều hoặc kích thước quá lớn và không còn muốn sinh sản trong tương lai.

Việc điều trị u xơ tử cung bằng bất kỳ phương pháp nào đều có thể xảy ra rủi ro. Dùng thuốc có thể xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn. Việc phẫu thuật khiến người bệnh có thể gặp các biến chứng sau đó như nhiễm trùng, chảy máu và một số rủi ro liên quan đến việc gây mê trước khi thực hiện phẫu thuật.

U cơ trơn tử cung và những điều cần biết 6
Phẫu thuật là phương pháp duy nhất để chữa khỏi hoàn toàn u xơ tử cung

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Mặc dù u xơ tử cung được coi là một chẩn đoán lành tính nhưng chúng có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe, thể chất, tinh thần của người bệnh. Vì vậy việc nhận thức của người bệnh về u xơ là vô cùng quan trọng.

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của u cơ trơn tử cung

Chế độ sinh hoạt:

Duy trì thói quen sinh hoạt tốt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh, các biện pháp có thể bao gồm:

  • Tuân thủ phác đồ của bác sĩ trong quá trình điều trị.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị và tái khám theo dõi định kỳ.
  • Phần lớn u cơ trơn tử cung không cần điều trị nên khi phát hiện người bệnh cần giữ tinh thần lạc quan.
  • Tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên như: Yoga, đi bộ, thư giãn cơ thể có thể giúp giảm các triệu chứng của u xơ tử cung.

Chế độ dinh dưỡng:

Duy trì mô hình ăn uống lành mạnh như:

  • Áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải và ăn nhiều trái cây, rau xanh, thực phẩm giàu vitamin D.
  • Lựa chọn nhóm thực phẩm giàu dinh dưỡng như: Cá hồi, cá ngừ, lòng đỏ trứng và thực phẩm tăng cường vitamin D (ngũ cốc, sữa, phomat), có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
U cơ trơn tử cung và những điều cần biết 7
Bệnh nhân u cơ trơn tử cung cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Phương pháp phòng ngừa bệnh u cơ trơn tử cung

Chúng ta không thể phòng ngừa u cơ trơn tử cung. Chúng ta chỉ có cách làm giảm nguy cơ mắc u cơ trơn tử cung bằng việc duy trì cơ thể khỏe mạnh, khám phụ khoa định kỳ hàng năm.

Các câu hỏi thường gặp khi mắc u cơ trơn tử cung

U xơ tử cung có cần điều trị hay không?

Nếu bạn không có triệu chứng, việc điều trị u xơ tử cung có thể không cần thiết. Nếu bạn có u xơ lớn hoặc các triệu chứng khiến bạn đau đớn và khó chịu, điều trị có thể là lựa chọn tốt nhất.

U cơ trơn tử cung có ảnh hưởng đến việc mang thai hay không?

Bạn có thể mang thai nếu bị u xơ tử cung. Nếu bạn đã biết mình bị u xơ tử cung khi mang thai, các bác sĩ sẽ xây dựng kế hoạch theo dõi u xơ tử cung. Khi mang thai, cơ thể bạn giải phóng lượng hormone tăng cao. Những hormone này hỗ trợ quá trình mang thai. Tuy nhiên, chúng cũng có thể khiến u xơ của bạn ngày càng lớn hơn. Nên cần được theo dõi kỹ trong quá trình mang thai.

Kích thước u cơ trơn có thể thay đổi theo thời gian không?

U xơ có thể thay đổi kích thước theo thời gian, có thể co lại hoặc to ra. Điều này hầu hết sẽ liên quan đến lượng hormon trong cơ thể bạn. Khi lượng hormone cao u xơ có thể lớn hơn và ngược lại.

U cơ trơn có tự biến mất không?

U cơ trơn tử cung có thể co lại ở một số người sau khi mãn kinh. Điều này xảy ra do sự suy giảm hormone. Khi u xơ co lại, các triệu chứng của bạn có thể biến mất.

U cơ trơn tử cung có làm bạn mệt mỏi không?

Cảm thấy mệt mỏi không phải là triệu chứng phổ biến của u xơ tử cung. Tuy nhiên, đó là triệu chứng phổ biến của bệnh thiếu máu, có thể xảy ra khi bạn mất quá nhiều máu trong các kỳ kinh kéo dài.

Nguồn tham khảo
  1. Uterine Leiomyomata: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK538273/
  2. Uterine Fibroids: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/uterine-fibroids/symptoms-causes/syc-20354288
  3. Uterine Fibroids: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9130-uterine-fibroids
  4. Uterine Fibroids: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/uterine-fibroids
  5. Uterine Fibroids: https://www.healthdirect.gov.au/uterine-fibroids

Các bệnh liên quan

  1. Xuất tinh muộn

  2. Ung thư vú thể tam âm

  3. Bệnh lùn tuyến yên

  4. Rối loạn kinh nguyệt

  5. Yếu sinh lý

  6. Hẹp bao quy đầu

  7. Tinh hoàn lạc chỗ

  8. Tinh hoàn ẩn

  9. Bán hẹp bao quy đầu

  10. Hội chứng nam hóa