Long Châu

Triệu chứng nhận biết giãn phế quản là gì?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Giãn phế quản là một bệnh lý về phổi thường gặp, thông thường bệnh tiến triển mạn tính với những đợt cấp (ho, khó thở, khạc đờm) xen kẽ. Giãn phế quản nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Vậy làm thế nào để nhận biết được bệnh giãn phế quản và điều trị như thế nào? Bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Giãn phế quản là gì? 

Phế quản là những đường dẫn khí giúp cho không khí được lưu thông vào trong phổi.

Giãn phế quản là một bệnh lý về phổi gây ho có đờm. Đây là tình trạng những ống phế quản của phổi bị tổn thương, dày lên và giãn rộng ra, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và chất nhầy tích tụ lại trong phổi của người bệnh. Điều này dẫn tới thường xuyên bị nhiễm trùng và tắc nghẽn đường thở.

Giãn phế quản là một tình trạng không hồi phục, nhưng vẫn có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, khi giãn phế quản bùng phát, người bệnh cần được điều trị nhanh chóng để có thể duy trì được lưu lượng oxy tới cơ thể và ngăn ngừa được những tổn thương của phổi.

Dựa trên giải phẫu bệnh lý, giãn phế quản được chia làm 3 loại:

  • Giãn phế quản hình túi.

  • Giãn phế quản hình trụ.

  • Giãn phế quản hình tràng hạt.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của giãn phế quản

Những triệu chứng của giãn phế quản thường phải mất một thời gian dài, thậm chí là nhiều năm mới xuất hiện. Một vài dấu hiệu của giãn phế quản:

  • Ho mạn tính hàng ngày;

  • Ho ra máu hoặc một lượng lớn chất nhầy mỗi ngày;

  • Khó thở;

  • Có âm thanh hoặc tiếng khò khè trong lồng ngực mỗi khi thở;

  • Đau ngực;

  • Hụt hơi;

  • Người cảm thấy mệt mỏi;

  • Sụt cân;

  • Thường xuyên nhiễm trùng đường hô hấp.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh giãn phế quản

  • Suy hô hấp: Xảy ra khi lượng oxy chuyển từ phổi vào máu không đủ cung cấp cho cơ thể.

  • Xẹp phổi: Xảy ra khi một khu vực của phổi không thể phồng lên.

  • Suy tim: Khi lượng oxy không đủ. Tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu cho cơ thể.

  • Viêm phổi tái phát.

  • Ho ra máu nặng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến giãn phế quản

Bất cứ tổn thương nào tới phổi đều có thể gây giãn phế quản. Có hai loại chính của tình trạng này:

Giãn phế quản do xơ nang (CF)

Là một tình trạng di truyền làm cho cơ thể sản xuất chất nhầy không điển hình. Ngoài phổi, CF còn ảnh hưởng tới những cơ quan khác như tuyến tụy và gan. Điều này dẫn tới nhiễm trùng tái lặp nhiều lần và gây giãn phế quản. Theo thời gian CF sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Giãn phế quản không do xơ nang 

Còn được gọi là giãn phế quản vô căn. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra tình trạng này. Tuy nhiên, một vài yếu tố có thể gây giãn phế quản không do xơ nang:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp trước đó như lao hay viêm phổi.

  • Bị một số bệnh di truyền: Rối loạn vận động đường mật nguyên phát hay thiếu alpha-1 antitrypsin.

  • Suy giảm chức năng miễn dịch.

  • Bị một số bệnh: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn nặng.

  • Các tình trạng khác như: Bệnh Crohn, viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjogren.

  • Bị tắc nghẽn đường thở: Có khối u hay vật thể lạ khi hít vào.

  • Dị ứng aspergillosis phế quản phổi (ABPA): Phản ứng dị ứng với nấm Aspergillus.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải giãn phế quản?

Giãn phế quản có thể xảy ra ở bất cứ ai. Tuy nhiên, người cao tuổi và phụ nữ có nguy cơ bị bệnh cao hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải giãn phế quản

Các yếu tố làm tăng nguy cơ giãn phế quản: 

  • Hệ thống miễn dịch suy yếu như HIV/AIDS.

  • Hít phải dị vật vào đường thở nhiều lần.

  • Bị một số bệnh: Viêm ruột, bệnh Crohn,…

  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

  • Hen suyễn nặng.

  • Nhiễm trùng phổi: Ho gà, lao, viêm phổi,…

  • Aspergillosis dị ứng: Phản ứng dị ứng của phổi với nấm.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán giãn phế quản

Chẩn đoán giãn phế quản dựa trên triệu chứng bệnh sử của bệnh nhân như ho và khạc đờm trong một thời gian dài, ho ra máu tái phát. Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện một vài xét nghiệm để chẩn đoán chính xác bệnh, bao gồm:

  • Chụp X-quang hay CT ngực: Kiểm tra hình ảnh của phổi.

  • Xét nghiệm máu và đờm: Kiểm tra xem có bị nhiễm trùng không.

  • Đánh giá chức năng phổi: Xác định mức độ thở cũng như hoạt động của phổi.

  • Nội soi phế quản: Xem trực tiếp bên trong phế quản của người bệnh. Ngoài ra, có thể tìm kiếm và loại bỏ những dị vật làm tắc nghẽn đường thở.

Phương pháp điều trị giãn phế quản hiệu quả

Giãn phế quản không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng bệnh có thể được kiểm soát tốt.

Nếu bệnh aspergillosis hay một bệnh của hệ thống miễn dịch gây ra giãn phế quản, thì tình trạng đó cần được điều trị trước tiên.

Kháng sinh: Điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn. Bao gồm dạng uống và dạng hít. Kháng sinh macrolide thường được sử dụng để điều trị đồng thời nhiễm trùng và viêm.

Thuốc giãn phế quản: Khi tiếng phổi có tiếng ran rít, ngáy.

Động tác vật lý trị liệu: Vỗ ngực để giúp cho chất nhầy ra khỏi cơ thể.

Trong trường hợp bệnh nhân thiếu oxy ở đợt cấp thì bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh thở oxy.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của giãn phế quản

Chế độ dinh dưỡng:

  • Uống nhiều nước.

  • Tăng cường bổ sung dinh dưỡng, đặc biệt là thức ăn giàu vitamin và khoáng chất để cải thiện thể trạng và tăng cường sức đề kháng. 

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

Phương pháp phòng ngừa giãn phế quản hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Không hút thuốc và tránh những nơi có nhiều khói bụi.

  • Tiêm vaccine cúm và phế cầu đều đặn.

  • Răng, miệng và tai mũi họng cần được vệ sinh sạch sẽ.

  • Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng.

  • Ăn uống lành mạnh, uống nhiều nước để giúp chất nhầy không bị bám vào đường thở.

  • Tránh để dị vật rơi vào phế quản.

Nguồn tham khảo
  1. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21144-bronchiectasis

  2. https://www.healthline.com/health/bronchiectasis#outlook

  3. https://www.medicalnewstoday.com/articles/185759#causes 

Các bệnh liên quan

  1. Bệnh phổi kẽ

  2. Khó thở, hụt hơi

  3. U xơ tuyến vú

  4. Phát ban ở ngực

  5. Cơ tim xốp

  6. Viêm phổi kẽ lympho bào

  7. Viêm phổi do Metapneumovirus

  8. Chứng tạo đờm do virus

  9. Bệnh van tim

  10. ép tim