Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Phù bạch huyết là gì? Tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Phù bạch huyết là hiện tượng tắc nghẽn gây ra tích tụ dịch trong hệ thống mạch bạch huyết. Triệu chứng là phù tại các chi, có thể từ nhẹ đến nặng, làm người bệnh cảm giác nặng nề, căng tức khó chịu. Nguyên nhân có thể do rối loạn gen hoặc xảy ra thứ phát sau khi điều trị ung thư, nhiễm trùng, chấn thương,…làm tổn thương hệ bạch huyết. Điều trị phù bạch huyết tập trung làm giảm triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Phù bạch huyết là gì? 

Phù bạch huyết là tình trạng phù do có sự tích tụ của dịch nhiều protein mà chúng thường được thoát qua hệ thống bạch huyết của cơ thể. Nó thường ảnh hưởng đến cánh tay hoặc chân, nhưng cũng có thể xảy ra ở thành ngực, bụng, cổ và bộ phận sinh dục.

Các hạch bạch huyết đóng vai trò quan trọng trong lưu thông hệ thống bạch huyết. Phù bạch huyết có thể do các phương pháp điều trị ung thư loại bỏ hoặc làm tổn thương các hạch bạch huyết. Bất kỳ loại vấn đề nào cản trở sự thoát dịch bạch huyết đều có thể gây ra phù bạch huyết.

Các trường hợp nghiêm trọng của phù bạch huyết có thể ảnh hưởng đến khả năng cử động của chi, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da và nhiễm trùng huyết. Điều trị có thể bao gồm băng ép, xoa bóp, đeo tất ép, bơm khí nén, chăm sóc da và hiếm khi là phẫu thuật để loại bỏ mô sưng hoặc tạo đường dẫn lưu mới.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của phù bạch huyết

Các dấu hiệu và triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng. Phù bạch huyết do điều trị ung thư có thể không xảy ra cho đến vài tháng hoặc vài năm sau khi điều trị.

Triệu chứng nổi bật có thể thấy trên bệnh nhân là phù mềm một phần hoặc toàn bộ cánh tay hoặc chân, bao gồm cả ngón tay hoặc ngón chân, đi kèm theo đó là cảm giác đau tức, nặng nề, khó chịu.

Nếu có hiện tượng phù xuất hiện quanh khớp thì sẽ giảm phạm vi chuyển động.

Triệu chứng có thể kèm theo là trên da, tăng sừng hóa, tăng sắc tố, da cứng và dày lên, tăng nguy cơ nhiễm nấm và nhiễm trùng tái phát. 

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hẹn khám với bác sĩ nếu bạn thấy phù dai dẳng ở cánh tay hoặc chân. Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc chứng phù bạch huyết, hãy đến gặp bác sĩ nếu có sự gia tăng đột ngột về kích thước của chi liên quan.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến phù bạch huyết

Hệ thống mạch bạch huyết là một phần của hệ thống miễn dịch. Nó là mạng lưới các mạch mang chất lỏng giàu protein trong cơ thể bạn, nhặt chất thải, vi khuẩn và vi rút. Các hạch bạch huyết hoạt động lọc chất thải và đào thải nó, đồng thời cũng chứa các tế bào chống lại nhiễm trùng và ung thư.

Thông thường, các hạch bạch huyết bị tổn thương hoặc đôi khi các mạch bị tắc nghẽn làm dịch bạch huyết bị tích tụ gây phù bạch huyết. Tuy vậy, phù bạch huyết cũng có thể xảy ra mà không có lý do rõ ràng.

Có 2 loại phù bạch huyết chính:

  • Phù bạch huyết nguyên phát: Gây ra bởi các gen bị lỗi, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ bạch huyết; nó có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, nhưng thường bắt đầu ở giai đoạn sơ sinh, thanh thiếu niên hoặc giai đoạn đầu trưởng thành.

  • Phù bạch huyết thứ phát: Do tổn thương hệ thống bạch huyết hoặc các vấn đề với sự di chuyển và thoát chất lỏng trong hệ thống bạch huyết; nó có thể là kết quả của việc điều trị ung thư, nhiễm trùng, chấn thương, viêm chi hoặc thiếu cử động của chi.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ phù bạch huyết?

Đối tượng tăng nguy cơ phù bạch huyết như: 

  • Bệnh nhân ung thư;

  • Bệnh nhân hạn chế cử động;

  • Tiền sử gia đình có rối loạn gen hiếm gặp;

  • Lớn tuổi;

  • Thừa cân (béo phì);

  • Mắc bệnh lý thấp khớp hoặc viêm khớp vẩy nến.

Yếu tố làm tăng nguy cơ phù bạch huyết

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển phù bạch huyết bao gồm:

  • Tuổi cao;

  • Thừa cân hoặc béo phì;

  • Thấp khớp hoặc viêm khớp vảy nến.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nguyên nhân phù bạch huyết

Bác sĩ sẽ chẩn đoán trên dấu hiệu, triệu chứng và các yếu tố nguy cơ của bệnh nhân. Phù bạch huyết nguyên phát thường rõ ràng, dựa trên biểu hiện phù các mô mềm toàn thân đặc trưng và các thông tin khác từ bệnh sử và khám lâm sàng. Chỉ định thêm các xét nghiệm bổ sung khi nghi ngờ phù bạch huyết thứ phát, trừ khi chẩn đoán và nguyên nhân đã rõ ràng. Các xét nghiệm hình ảnh có đánh giá hệ thống bạch huyết như: 

  • Chụp MRI. 

  • Chụp cắt lớp. 

  • Siêu âm. 

  • Kỹ thuật hạt nhân phóng xạ hình ảnh hệ bạch huyết. Trong quá trình kiểm tra này, người đó được tiêm một loại thuốc nhuộm phóng xạ và sau đó được quét bằng máy. Các hình ảnh thu được cho thấy thuốc nhuộm di chuyển qua các mạch bạch huyết, làm nổi bật các điểm tắc nghẽn.

Phương pháp điều trị phù bạch huyết hiệu quả

Không có cách chữa trị cho phù bạch huyết. Điều trị tập trung vào việc giảm phù và ngăn ngừa các biến chứng.

Ngoài ra, điều trị phù bạch huyết nguyên phát có thể bao gồm: Phẫu thuật giảm thiểu và tái tạo mô mềm (cắt mô mỡ dưới da và mô xơ) nếu chất lượng cuộc sống suy giảm đáng kể. Điều trị phù bạch huyết thứ phát cần khống chế nguyên nhân. 

Đối với triệu chứng phù bạch huyết, có thể sử dụng một số biện pháp can thiệp để tái phân bố dịch. Các biện pháp này thường bao gồm:

  • Dẫn lưu bạch huyết bằng tay, trong đó chi được nâng lên và xoa bóp hướng về phía tim.

  • Dùng băng ép hay tất áp lực.

  • Xoa bóp chi, gồm các bài tập tạo áp lực gián đoạn.

Phù bạch huyết làm tăng đáng kể nguy cơ nhiễm trùng da (viêm mô tế bào). Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh cho bạn để bạn có thể bắt đầu dùng thuốc ngay lập tức khi các triệu chứng xuất hiện.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của phù bạch huyết

Để giảm nguy cơ biến chứng do phù bạch huyết, tránh làm tổn thương chi bị ảnh hưởng. Vết cắt, vết xước và vết bỏng có thể dẫn đến nhiễm trùng. Tránh sử dụng các vật sắc nhọn, ví dụ: Cạo râu bằng dao cạo điện, đeo găng tay khi bạn làm vườn hoặc nấu ăn,…

Phương pháp phòng ngừa phù bạch huyết

Một số biện pháp có thể áp dụng:

  • Tránh nóng, tránh tập luyện cường độ cao.

  • Tránh mặc đồ bó sát (bao gồm cả băng quấn huyết áp) quanh chi bị ảnh hưởng. 

  • Chăm sóc da và móng cẩn thận.

  • Cần tránh tiêm vaccin, mở thông tĩnh mạch và đặt đường truyền tĩnh mạch ở chi bị ảnh hưởng.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.msdmanuals.com/professional/cardiovascular-disorders/lymphatic-disorders/lymphedema.
  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/lymphedema/diagnosis-treatment/drc-20374687.
  3. https://www.nhs.uk/conditions/lymphoedema/.
  4. https://www.webmd.com/breast-cancer/ss/slideshow-lymphedema.

Các bệnh liên quan

  1. Bướu tim

  2. Đột quỵ thiếu máu cục bộ

  3. Thiếu máu cơ tim

  4. Nhồi máu cơ tim type 2

  5. Huyết áp thấp

  6. Huyết khối tĩnh mạch sâu

  7. Bệnh động mạch ngoại biên

  8. Tứ chứng Fallot

  9. Giãn cơ tim

  10. Viêm động mạch takayasu