Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm tắc tĩnh mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm tắc tĩnh mạch là bệnh lý liên quan đến cục máu đông gây tắc nghẽn tĩnh mạch. Vị trí thường gặp của bệnh là ở chân, tuy nhiên viêm tắc tĩnh mạch có thể xuất hiện ở bất kỳ tĩnh mạch nào trong cơ thể của bạn. Viêm tắc tĩnh mạch làm tăng nguy cơ mắc phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, thậm chí có thể tử vong.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm tắc tĩnh mạch là gì?

Viêm tắc tĩnh mạch là tình trạng viêm tĩnh mạch dẫn đến sưng và đau, liên quan đến tình trạng tắc nghẽn do cục máu đông tồn tại trong tĩnh mạch. Bệnh lý này thường xảy ra nhất ở tĩnh mạch của hai chân nhưng cũng có thể xuất hiện ở bất kỳ tĩnh mạch nào.

Tùy vào nguyên nhân hình thành cục máu đông và vị trí tắc nghẽn mà mức độ nghiêm trọng của bệnh sẽ khác nhau. Viêm tắc tĩnh mạch thường là một tổn thương cục bộ. Tuy nhiên, tình trạng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nhiều nếu nó lan rộng. Tùy thuộc vào nơi hình thành cục máu đông ban đầu, đôi khi nó có thể tiến triển thành tình trạng nguy hiểm và phức tạp như huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm tắc tĩnh mạch

Viêm tắc tĩnh mạch hầu hết luôn có các triệu chứng sau:

  • Sưng tấy: Triệu chứng này có thể xuất hiện đột ngột và dễ nhận thấy nhất ở các tĩnh mạch nông gần sát da. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể thấy sưng tấy ngay cả ở các tĩnh mạch sâu hơn tùy vào vị trí khác nhau của các cục máu đông đó.
  • Tĩnh mạch căng phồng: Khi sờ vào các tĩnh mạch bị viêm, bạn sẽ có cảm giác săn chắc và kém đàn hồi hơn so với tĩnh mạch thông thường và thường là những tĩnh mạch gần với cục máu đông.
  • Đau nhức: Khu vực xung quanh và phía trên cục máu đông có thể cảm thấy đau và âm ỉ hoặc đau chói.

Các triệu chứng khác có thể xuất hiện bao gồm:

  • Thay đổi màu sắc da xung quanh vùng bị sưng: Khu vực gần cục máu đông nhất có thể đỏ hơn hoặc sẫm màu hơn khu vực xung quanh.
  • Nóng: Khu vực phía trên và xung quanh cục máu đông có thể có cảm giác ấm hơn khi chạm vào so với các vùng da khác.
Viêm tắc tĩnh mạch: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 1
Triệu chứng điển hình của viêm tắc tĩnh mạch

Biến chứng có thể gặp phải khi mắc viêm tắc tĩnh mạch

Các biến chứng do huyết khối tĩnh mạch nông rất hiếm. Tuy nhiên, nếu bạn bị huyết khối tĩnh mạch sâu, nguy cơ biến chứng nghiêm trọng sẽ tăng lên. Các biến chứng có thể bao gồm:

  • Cục máu đông trong phổi (thuyên tắc phổi): Nếu cục máu đông tĩnh mạch sâu bị bong ra, nó có thể di chuyển về phổi của bạn và làm tắc nghẽn động mạch phổi, có khả năng đe dọa tính mạng.
  • Đau và sưng chân kéo dài (hội chứng hậu viêm tĩnh mạch): Tình trạng này, còn được gọi là hội chứng hậu huyết khối, có thể phát triển nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi bạn bị huyết khối tĩnh mạch sâu. Cơn đau có thể làm mất khả năng hoạt động.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến khám bác sĩ ngay nếu bạn phát hiện thấy vùng da quanh tĩnh mạch đỏ, sưng hoặc đau, đặc biệt nếu bạn có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh viêm tắc tĩnh mạch.

Gọi cấp cứu tại địa phương của bạn nếu:

  • Tĩnh mạch bị sưng và đau dữ dội;
  • Khó thở hoặc đau ngực, ho ra máu có thể gợi ý tình trạng cục máu đông di chuyển đến phổi gây thuyên tắc phổi.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm tắc tĩnh mạch

Viêm tắc tĩnh mạch có thể xảy ra vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Các nghiên cứu cho thấy một số nguyên nhân sau đây có thể dẫn đến tình trạng hình thành cục máu đông gây viêm tắc tĩnh mạch:

  • Di truyền: Đột biến trong DNA của bạn có thể khiến máu dễ đông. Các tình trạng di truyền như thế này thường có thể điều trị được nhưng sẽ tồn tại suốt đời và không thể chữa khỏi hoàn toàn.
  • Suy giãn tĩnh mạch: Các tĩnh mạch phồng lên, có màu xanh hoặc hình mạng nhện trên da chân là nguy cơ đặc biệt dẫn đến viêm tắc tĩnh mạch hai chi dưới.
  • Tổn thương: Chấn thương gần tĩnh mạch có thể hình thành cục máu đông dẫn đến tình trạng viêm mạch.
  • Thủ thuật y khoa và thuốc: Đường truyền tĩnh mạch đưa thuốc hoặc các hoạt chất điều trị bệnh trực tiếp vào tĩnh mạch, có thể gây ra cục máu đông dẫn đến viêm tắc tĩnh mạch. Một số phương pháp điều trị bằng hormone, bao gồm một số biện pháp tránh thai cũng có thể làm tăng nguy cơ đông máu.
  • Tiêm chích ma túy: Đây là một yếu tố gây viêm tắc tĩnh mạch do nhiễm trùng khi sử dụng kim tiêm không an toàn hoặc không đúng cách, có thể dễ dàng dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
  • Bất động trong thời gian dài: Những người làm công việc văn phòng ngồi tại chỗ kéo dài, có thể có hệ tuần hoàn kém, làm tăng nguy cơ huyết khối. Điều này cũng có thể xảy ra với những người di chuyển với những chuyến bay dài hoặc các phương tiện giao thông khác, người bệnh phải nằm bất động trên giường lâu ngày.
  • Các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn: Bao gồm ung thư, béo phì, lupus ban đỏ hệ thống và một số rối loạn đông máu.
Viêm tắc tĩnh mạch: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 2
Đường truyền tĩnh mạch có thể gây ra viêm tắc tĩnh mạch

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm tắc tĩnh mạch?

Một số đối tượng có nguy cơ mắc viêm tắc tĩnh mạch:

  • Bản thân hoặc gia đình mắc các bệnh lý rối loạn đông máu;
  • Đang mang thai hoặc vừa sinh con;
  • Người cao tuổi;
  • Thừa cân, béo phì;
  • Người bệnh ung thư;
  • Hút thuốc lá;
  • Người bệnh sau đột quỵ;
  • Người bệnh có tiền căn viêm tắc tĩnh mạch trước đó.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm tắc tĩnh mạch

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm tắc tĩnh mạch bao gồm:

  • Mất nước;
  • Bất động trong một thời gian dài;
  • Có các đường truyền tĩnh mạch, máy tạo nhịp tim;
  • Sử dụng thuốc tránh thai hoặc các liệu pháp hormone thay thế;
  • Tiêm chích ma túy.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm tắc tĩnh mạch

Để chẩn đoán viêm tắc tĩnh mạch, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi về bệnh sử, tiền căn bệnh lý của bạn và gia đình, các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh. Nếu bạn đang có tình trạng viêm tắc tĩnh mạch nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng như thuyên tắc phổi, bạn sẽ được xử trí cấp cứu. 

Để xác định xem bạn bị viêm tắc tĩnh mạch nông hay huyết khối tĩnh mạch sâu, bác sĩ có thể chọn một trong các xét nghiệm sau:

  • Siêu âm Doppler tĩnh mạch: Xét nghiệm này có thể chẩn đoán xác định và phân biệt giữa huyết khối tĩnh mạch nông và sâu, vị trí huyết khối và kích thước của nó.
  • Xét nghiệm máu: Hầu như tất cả người bệnh có tồn tại cục máu đông đều có nồng độ D dimer trong máu tăng cao. Nhưng mức độ D dimer có thể tăng lên trong một số bệnh lý khác. Vì vậy, xét nghiệm D dimer không phải là xét nghiệm chẩn đoán xác định, nhưng có giá trị trong chẩn đoán và theo dõi bệnh.
  • CT scan ngực: Trong trường hợp nghi ngờ người bệnh có thuyên tắc phổi.
  • Marker ung thư: Viêm tắc tĩnh mạch có thể gợi ý trên một số người bệnh có nguy cơ cao ung thư.

Điều trị viêm tắc tĩnh mạch

Nội khoa

Viêm tắc tĩnh mạch nông có thể được điều trị bằng cách chườm nóng lên vùng đau và nâng cao chân của bạn. Đối với trường hợp viêm tắc tĩnh mạch do đường truyền tĩnh mạch, việc loại bỏ đường truyền là bước đầu tiên. Một số phương pháp điều trị viêm tắc tĩnh mạch bao gồm:

Vớ áp lực: Vớ áp lực chân giúp cải thiện sự hồi lưu máu tĩnh mạch ở hai chân về tim.

Thuốc giảm đau: Viêm tắc tĩnh mạch có thể gây đau nên việc kiểm soát cơn đau thường là một trong những ưu tiên hàng đầu. Bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc giảm đau thông thường như acetaminophen hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, naproxen.

Thuốc chống đông máu: Bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị bao gồm thuốc chống đông máu đường tiêm như heparin trọng lượng phân tử thấp, fondaparinux hoặc apixaban, có thể giúp ngăn ngừa cục máu đông phát triển lớn hơn. Sau lần điều trị đầu tiên, bác sĩ có thể chuyển sang các thuốc uống như warfarin hoặc rivaroxaban trong vài tháng để ngăn ngừa sự hình thành và phát triển của cục máu đông. Tuy nhiên, thuốc chống đông máu có thể gây nguy cơ xuất huyết cao. Vì thế, bạn nên làm theo hướng dẫn của bác sĩ một cách cẩn thận.

Viêm tắc tĩnh mạch: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 3
Thuốc chống đông máu có thể được chỉ định trong một số trường hợp

Thuốc tiêu sợi huyết: Điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết như alteplase được sử dụng để làm tan cục máu đông ở những người bị huyết khối tĩnh mạch sâu lan rộng, bao gồm cả những người bệnh có thuyên tắc phổi.

Đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ: Bác sĩ có thể chưa ra chiến lược điều trị với một bộ lưới lọc được đưa vào tĩnh mạch chủ bụng để ngăn ngừa cục máu đông vỡ ra trong tĩnh mạch hai chân và di chuyển về phổi.

Ngoại khoa

Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để mở tĩnh mạch lấy huyết khối nếu các phương pháp điều trị bảo tồn không đáp ứng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm tắc tĩnh mạch

Chế độ sinh hoạt: 

Ngoài các phương pháp điều trị y khoa, các biện pháp tự chăm sóc có thể giúp cải thiện tình trạng viêm tắc tĩnh mạch. Nếu bạn bị viêm tắc tĩnh mạch nông, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:

  • Dùng khăn ấm chườm lên vùng bị đau nhức từ 2 - 3 lần trong ngày.
  • Nâng cao chân khi ngồi hoặc nằm.
  • Tập các động tác đứng gót chân - mũi chân khi phải ngồi lâu.
  • Có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau như ibuprofen hoặc naproxen dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Hãy cho bác sĩ điều trị biết nếu bạn đang dùng các thuốc chống đông máu khác như aspirin.

Nếu bạn bị huyết khối tĩnh mạch sâu, bạn nên:

  • Dùng thuốc chống đông máu theo sự hướng dẫn của bác sĩ để ngăn ngừa biến chứng.
  • Giữ chân cao khi ngồi hoặc nằm nếu bị sưng phù.
  • Mang vớ áp lực chân có áp lực phù hợp với tình trạng bệnh theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Viêm tắc tĩnh mạch: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 4
Vớ y khoa điều trị bằng áp lực

Chế độ dinh dưỡng:

Một chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể hỗ trợ trong quá trình điều trị bệnh của bạn:

  • Thực phẩm giàu flavonoid: Giúp hỗ trợ lưu thông máu, tăng sức bền thành mạch, giảm áp lực động mạch. Một số thực phẩm chứa flavonoid như rau chân vịt, súp lơ, trái cây họ cam quýt, hành tây, tỏi, ớt chuông, trà xanh,…
  • Thực phẩm giàu chất xơ: Tác dụng chính là ngăn ngừa nguy cơ táo bón, giảm tăng áp lực lên các tĩnh mạch vùng trực tràng hậu môn. Các thực phẩm giàu chất xơ gồm rau lá xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên cám,...
  • Thực phẩm giàu vitamin C: Giúp tăng cường sự đàn hồi và bền vững của thành mạch bằng cách hỗ trợ tăng sinh collagen và elastin. Một số loại thực phẩm giàu vitamin C như đu đủ, ớt chuông, dâu tây, ổi, bưởi,…
  • Uống đủ 2 lít nước lọc mỗi ngày.

Phòng ngừa viêm tắc tĩnh mạch

Một số biện pháp bạn có thể áp dụng để giảm nguy cơ phát triển cục máu đông và viêm tắc tĩnh mạch, bao gồm:

  • Bỏ sử dụng thuốc lá (bao gồm cả thuốc lá điện tử hoặc các sản phẩm thuốc lá không khói).
  • Không tiêm chích ma túy hoặc dùng kim tiêm không an toàn.
  • Tránh bất động quá lâu.
  • Uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
  • Uống đủ nước.
  • Theo dõi sức khỏe của bạn định kỳ hàng năm hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ.
  • Một chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì hoạt động tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần và duy trì cân nặng khỏe mạnh rất quan trọng.
  • Mang vớ áp lực nếu bạn đang có tình trạng suy giãn tĩnh mạch chi dưới.
Viêm tắc tĩnh mạch: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 5
Thực phẩm giàu flavonoid rất tốt cho người mắc viêm tắc tĩnh mạch

Các câu hỏi thường gặp về viêm tắc tĩnh mạch

Viêm tắc tĩnh mạch kéo dài bao lâu?

Viêm tắc tĩnh mạch có xu hướng xảy ra trong thời gian ngắn, đặc biệt nếu được chẩn đoán và điều trị nhanh chóng. Rất hiếm khi nó kéo dài hơn một vài giờ vì bạn càng trì hoãn điều trị thì nguy cơ bệnh diễn tiến phức tạp hơn càng lớn.

Khi nào tôi nên gọi cấp cứu nếu có các triệu chứng nghi ngờ viêm tắc tĩnh mạch?

Bạn nên gọi cấp cứu nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Chân có tình trạng sưng phù, đau nhức dữ dội.
  • Da chân tái nhạt và lạnh ẩm.
  • Đau ngực hoặc khó thở cùng lúc hoặc ngay sau khi có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến cục máu đông.

Viêm tắc tĩnh mạch có lây không?

Mặc dù đôi khi viêm tắc tĩnh mạch do nguyên nhân nhiễm trùng nhưng bản thân bệnh huyết khối không phải là một yếu tố truyền nhiễm. Các bệnh lý di truyền từ ba mẹ sang con cũng không trực tiếp gây ra viêm tắc tĩnh mạch, nhưng chúng có thể gây ra các vấn đề về rối loạn đông máu.

Viêm tắc tĩnh mạch có phổ biến không?

Tùy thuộc vào loại viêm tắc tĩnh mạch cụ thể mà bệnh lý này có thể từ hiếm đến phổ biến. Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm tắc tĩnh mạch là huyết khối tĩnh mạch sâu. Mỗi năm ở Hoa Kỳ ước tính có khoảng 900.000 trường hợp mắc huyết khối tĩnh mạch sâu, dẫn đến khoảng 60.000 - 100.000 ca tử vong mỗi năm.

Viêm tắc tĩnh mạch xảy ra ở độ tuổi nào?

Huyết khối có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở những người có tình trạng sức khỏe dễ dẫn đến hình thành huyết khối hoặc những yếu tố nguy cơ trong lối sống. Tuy nhiên, nguy cơ phát triển tình trạng này bắt đầu tăng ở tuổi 45 và sẽ tiếp tục tăng khi bạn già đi.

Nguồn tham khảo
  • Mackman N. Triggers, targets and treatments for thrombosis. Nature. 2008 Feb 21;451(7181):914-8. doi: 10.1038/nature06797.
  • Thrombophlebitis: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/thrombophlebitis/symptoms-causes/syc-20354607
  • Thrombophlebitis: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/23311-thrombophlebitis
  • Thrombophlebitis: https://emedicine.medscape.com/article/1086399-overview
  • Thrombophlebitis: https://www.healthline.com/health/thrombophlebitis

Các bệnh liên quan