Long Châu

Rám má là gì? Nguyên nhân gây bệnh, nguyên tắc phòng ngừa và điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rám má hay nám da là một rối loạn tăng sắc tố phổ biến ảnh hưởng đến khuôn mặt có liên quan đến các tác động tâm lý đáng kể. Việc kiểm soát nám là một thách thức và đòi hỏi một kế hoạch điều trị lâu dài. Ngoài việc tránh các yếu tố làm nặng thêm như thuốc uống và tiếp xúc với tia cực tím, liệu pháp tại chỗ vẫn là phương pháp điều trị chính.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Rám má là gì? 

Rám má (Chloasma) là một bệnh tăng sắc tố mắc phải khá phổ biến, chiếm tỉ lệ cao ở nữ giới. Rám má thường xuất hiện ở những vị trí da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, thường mang tính chất đối xứng. Các vị trí phổ biến nhất thường thấy xuất hiện vết nám là má, môi trên, cằm và trán. 

Mặc dù nám có thể ảnh hưởng đến bất kỳ chủng tộc hay màu da nào, nhưng nó phổ biến hơn nhiều ở các loại da sẫm màu hơn về mặt cấu trúc (loại da từ IV đến VI theo FITZPATRICK) so với các loại da sáng hơn và nó có thể phổ biến hơn ở da nâu nhạt, đặc biệt là ở những người có nguồn gốc Đông Á, Đông Nam Á và Tây Ban Nha sống ở các khu vực trên thế giới có tiếp xúc với tia cực tím mặt trời mạnh. Rám má xuất hiện nhiều trong giai đoạn phụ nữ mang thai và sinh sản.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của rám má

Rám má thường chỉ xuất hiện các đốm nhỏ màu nâu, nâu đen, xanh đen ở vùng da bị rám. Các đốm này nhẵn mịn, không gây ngứa, đau, cũng không tạo vảy, thường xuất hiện ở mặt như gò má, trán, thái dương, mũi và quanh miệng. Một số trường hợp khác có thể xuất hiện trên cánh tay.

Tác động của rám má đối với sức khỏe 

Rám má là bệnh lý về da khá phổ biến, hay gặp ở phụ nữ, tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân nhưng rám má ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề thẩm mỹ, chất lượng cuộc sống, tinh thần; rám má khiến cho bệnh nhân cảm thấy tự ti, thiếu tự tin, ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Tuy rám má là một trong những bệnh lý da phổ biến và khó điều trị, nhưng rám má là bệnh lý lành tính không gây nguy hiểm hoặc ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân.

Mặc dù trên lý thuyết là vậy, nhưng rám má ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, tâm lý bệnh nhân và ảnh hưởng đến vẻ thẩm mỹ đặc biệt là đối với phụ nữ. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào kể trên, bạn nên đến thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu để khám và điều trị.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến rám má

Sinh lý bệnh của rám má hay nám vẫn còn khó nắm bắt, tuy nhiên có khá nhiều yếu tố liên quan ảnh hưởng đến việc hình thành rám má. 

Rám má là sự rối loạn sắc tố xảy ra tại vị trí xuất hiện vết nám, tại đó có sự gia tăng đáng kể hắc sắc tố melanin cục bộ. Nhiều nguyên nhân đã được biết là có ảnh hưởng đến việc hình thành vết nám bao gồm: 

Nội tiết tố nữ hay estrogen

Sự rối loạn hoặc thay đổi nồng độ nội tiết tố nữ estrogen là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nám da ở phụ nữ. Một số tác nhân dẫn đến sự thay đổi estrogen như giai đoạn mang thai và sinh con; một số phụ nữ uống thuốc tránh thai đường uống; sử dụng các liệu pháp thay thế estrogen; các bệnh lý rối loạn nội tiết tố nữ liên quan đến chức năng buồng trứng, tử cung hoặc tuyến giáp (cường giáp, nhược giáp, bướu cổ…).

Cơ chế gây nám do estrogen liên quan đến các thụ thể estrogen trên các tế bào melanocytes làm kích thích các tế bào sản xuất ra nhiều melanin hơn.

Yếu tố di truyền

Theo các báo cáo nghiên cứu về rám má hay nám da, các nhà khoa học nhận ra rằng các bạn nữ nếu có bà ngoại hoặc mẹ, dì bị nám thì nguy cơ làm tăng khả năng bạn nữ đó sẽ bị nám so với những bạn không có yếu tố di truyền. Đặc biệt, trong giai đoạn dậy thì hoặc lúc còn trẻ bạn nữ có yếu tố di truyền sẽ rất dễ gặp tình trạng bị tàn nhang sớm.

Thuốc 

Một số thuốc cũng có ảnh hưởng đến sự hình thành nám, ngoại trừ thuốc tránh thai ra thì còn một số thuốc làm tăng sự hình thành nám.

Một số thuốc bao gồm: Thuốc tăng nhạy cảm da với ánh nắng mặt trời (kháng sinh nhóm tetracycline, kháng sinh họ quinolone, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, vitamin C, các dẫn xuất vitamin A như: Retinoin, tretinoin…).

Ngoài ra, việc lạm dụng mỹ phẩm đặc biệt là các loại mỹ phẩm kém chất lượng như kem trộn có chứa corticoid, thuốc rượu lột tẩy mạnh cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng sự xuất hiện rám má hay làm nặng thêm tình trạng rám má có sẵn.

Tia UV

Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong sự phát triển của rám má là tiếp xúc với tia cực tím từ ánh sáng mặt trời hoặc các nguồn khác. Đợt cấp của nám được nhìn thấy phổ biến sau khi phơi nắng kéo dài nhưng sắc tố mờ dần sau thời gian tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Tia UV bao gồm UVA, UVB và UVC trong đó UVC được hấp thu bởi tầng ozone, còn UVB gây cháy da đỏ da và rát da, UVA sẽ gây hiện tượng sạm nám da, lão hóa da và ung thư da. Nên các biện pháp điều trị nám sẽ không thể thiếu chống nắng tích cực như che chắn vật lý kết hợp với bôi chống nắng và uống viên uống chống nắng. 

Dù cơ chế là gì, nám dẫn đến sự lắng đọng melanin gia tăng trong lớp biểu bì, trong lớp trung bì. Tế bào melanocytes trong tầng đáy của lớp thượng bì khi bị kích thích hoặc bị tổn thương sẽ gia tăng sự chuyển hóa acid amin tyrosine thành hắc sắc tố melanin thông qua enzyme tyrosinase trong các tế bào melanosome.

Sau đó, các melanin sẽ bắt đầu di chuyển lên trên lớp thượng bì hình thành nám biểu bì hay nám mảng; tuy nhiên vì một số nguyên nhân nào đó, melanin sinh ra ở tầng đáy thượng bì không di chuyển lên trên mà di chuyển xuống dưới lớp trung bì sẽ hình thành nên nám đốm hay nám chân đinh, chân sâu. Đối với nám chân sâu thì khả năng điều trị cũng như đáp ứng điều trị sẽ thấp hơn so với nám mảng.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải rám má?

Rám má hay nám là một trong những bệnh lý về da khá phổ biến ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ cũng như chất lượng sống. Tuy nhiên, chỉ một số các đối tượng sau đây có nguy cơ mắc phải rám má cao hơn so với các đối tượng còn lại; bao gồm:

  • Nữ giới: Theo các nghiên cứu về dịch tễ học, thì nữ giới có tỉ lệ bị nám cao hơn so với nam giới. Các báo cáo cho rằng, điều này có thể xuất phát từ việc ảnh hưởng của nội tiết tố nữ estrogen.

  • Yếu tố di truyền: Những bạn nữ có gia đình bao gồm bà ngoại, mẹ, dì bị nám thì sẽ có nguy cơ cao mắc phải tình trạng rám má, và sẽ bị mắc tàn nhang sớm.

  • Bệnh lý: Các đối tượng nữ giới gặp phải các vấn đề bệnh lý liên quan đến nội tiết tố nữ như: Bướu cổ, cường giáp, nhược giáp; các bệnh lý liên quan đến buồng trứng, tử cung…

  • Sử dụng thuốc và mỹ phẩm lạm dụng: Các chị em phụ nữ đang sử dụng các biện pháp tránh thai bằng đường uống, thuốc kháng sinh nhóm tetracycline, kháng sinh họ quinonlone, dẫn xuất vitamin A như retinoin, tretinoin, vitamin C, Hydroquinone… Lạm dụng các loạn mỹ phẩm kích trắng cấp tốc như kem trộn, thuốc rượu lột tẩy mạnh…

  • Môi trường: Làm việc trong môi trường tiếp xúc với ánh nắng mặt trời bị tác động bởi tia UV thường xuyên, làm việc thường xuyên trước các thiết bị phát ra ánh sáng xanh, đèn chiếu… (ví dụ: Nhân viên văn phòng, nhân viên showroom kim cương, đá quý…).

  • Những người không thường xuyên che chắn vật lý hoặc sử dụng chống nắng khi ra khỏi nhà.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải rám má

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc rám má, bao gồm:

Chăm sóc da không đúng cách

Lạm dụng các loại mý phẩm kém chất lượng, chứa các hoạt chất lột tẩy mạnh như corticoid, hydroquinone,… khiến hàng rào bảo vệ da càng ngày càng yếu, da càng mỏng, càng dễ dẫn đến hiện tượng rám má.

Căng thẳng, stress kéo dài

Khi cơ thể bị căng thẳng, stress kéo dài dẫn đến ảnh hưởng đến các nội tiết tố trong cơ thể từ đó sẽ kích thích tế bào melanocyte sản sinh ra nhiều hắc sắc tố melanin hơn, dẫn đến hình thành rám má hoặc làm tăng độ đậm của nám.

PIH – tăng sắc tố sau viêm

Sau những nốt viêm sẽ để lại tình trạng thâm, nếu vết thâm không được xử lý tích cực chúng có thể dẫn đến hiện tượng rám mãn tính.

Sau bắn laser/tàn nhang

Sau khi điều trị các nốt tàng nhang hoặc nốt ruồi, nếu như không bảo vệ da một cách đầy đủ như sử dụng sản phẩm chống nắng hoặc kết hợp che chắn vật lý thì có thể vùng da bị tổn thương sẽ bắt đầu gia tăng việc tạo thành sắc tố melanin và hình thành đốm sắc tố hay còn gọi là đốm tăng sắc tố hoặc nám da.

Ngoài ra, chế độ sinh hoạt như thức khuya, ăn uống các thực phẩm cay nóng, ít ăn các loại hoa quả… cũng ảnh hưởng đến việc hình thành rám má.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán rám má

Lâm sàng

Các mảng tăng sắc tố xanh đen, nâu đen

Rám má có tính chất đối xứng, các tổn thương thường không đều, nhẵn không có vảy, không ngứa, không đau. Màu sắc của các mảng sắc tố thường có khuynh hướng đậm vào mùa xuân hè và nhạt hơn vào mùa thu đông. 

Phân loại rám má

Nếu dựa vào mức độ sắc tố và tổng diện tích sắc tố:

  • Thể nhẹ: Tổn thương sẽ khu trú ở hai bên gò má, tăng sắc tố nhẹ.
  • Thể trung bình: Tăng sắc tố đậm hơn thể nhẹ, ngoài khu trú hai bên gò má thì chúng bắt đầu lan sang các vị trí khác.
  • Thể nặng: Tổn thương lan rộng hơn nữa sang các vị trí như thái dương, trán hoặc mũi, mức độ tăng sắc tố rất đậm.
  • Thể rất nặng: Tổn thương lan rộng ra khỏi khu vực khuôn mặt đến những vị trí ở cánh tay trên, tăng sắc tố rất đậm.

Nếu dựa vào vị trí chân nám trên da:

  • Rám má thượng bì: Chân nám nằm ở lớp thượng bì, các dát sắc tố màu nâu và vàng nâu.
  • Rám má trung bì: Chân nám nằm khu trú hoàn toàn tại vị trí trung bì; biểu hiện là những đốm sắc tố có kích thước nhỏ, xanh và xanh đen, thường chúng sẽ cõ bờ rõ.
  • Rám má hỗn hợp: Là sự kết hợp giữa 2 nhóm trên, chân nám nằm ở cả lớp thượng bì và trung bì, trên lâm sàng các dát sắc tố có màu không đều, chỗ nâu đen, chỗ vàng nâu, xanh đen xen kẽ nhau.

Cận lâm sàng

Xác định vị trí khu trú của tổn thương

Có thể xác định được vị trí chân nám thông qua đèn Wood, chiếu đèn Wood lên vị trí đốm nám trong bóng tối, nếu như tại vị trí tổn thương màu tăng đậm hơn so với bình thường nhìn bằng mắt thì chân vết nắm thường nằm khu trú ở lớp thượng bì; nếu tổn thương mờ đi so với khi nhìn bằng mắt thường thì rám má khu trú ở trung bì; còn nếu khi chiếu đèn Wood vào có vị trí tăng đậm hơn nhưng có vị trí bị mờ đi thì xác định được đây là rám má hỗn hợp, chân nám nằm ở cả 2 lớp thượng bì và trung bì.

Mô bệnh học rám má

  • Độ dày lớp thượng bì bình thường.

  • Tăng sắc tố các lớp tế bào ở thượng bì.

  • Số lượng tế bào sắc tố bình thường hoặc tăng nhẹ.

  • Tại trung bì có thể thấy được các tế bào đại thực bào có chứa các hạt sắc tố.

Xét nghiệm nội tiết

Vì rám má là một trong những bệnh lý về da phổ biến có liên quan mật thiết đến hormon trong cơ thể. Nên khi được chẩn đoán rám mà cần làm các xét nghiệm về nội tiết như sau: Định lượng hormon tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến yên, hormon buồng trứng để hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị rám má hiệu quả.

Chẩn đoán xác định

Chẩn đoán này chủ yếu dựa vào các kết quả lâm sàng:

  • Thương tổn cơ bản nhất là các dát sắc tố màu nâu, nâu đen hoặc xanh đen.

  • Ranh giới: Có ranh giới khá rõ so với vùng da lành.

  • Vị trí: Thường khu trú hai bên má hoặc trán.

Chẩn đoán phân biệt

Tăng sắc tố sau viêm (PIH)

Sau những tình trạng viêm, thì sẽ xuất hiện các đốm tăng sắc tố, các đốm này thường có màu nâu hoặc nâu đen, vị trí xuất hiện ứng với vị trí trước đây đã từng bị tổn thương và PIH không có tính chất đối xứng như rám má.

Bớt tăng sắc tố

  • Thường mang tính chất bẩm sinh, xuất hiện từ lúc mới sinh hoặc khi còn nhỏ.

  • Không có tính chất đối xứng.

  • Tổn thương lớn dần theo tuổi tác.

  • Vị trí xuất hiện khắp nơi trên cơ thể, không khu trú trên mặt.

Phương pháp điều trị rám má hiệu quả

Nguyên tắc chung

  • Điều trị nguyên nhân.

  • Điều trị kết hợp dự phòng sự tái phát của rám má.

  • Điều trị bằng thuốc uống và thuốc bôi.

  • Điều trị nội khoa kết hợp laser.

Điều trị

Sử dụng các thuốc bôi

  • Hạn chế kích thích các tế bào sắc tố: Niacinamide, Kojic acid.

  • Hạn chế sự tạo melanine: Hydroquinone, Azelaic acid, Arbutin, Kojic acid, Tranexamic acid.

  • Ngăn chặn vận chuyển các melanosome: Niacinamide, Kojic acid.

  • Loại trừ các tế bào nhiễm sắc tố: Tretinoin, peel da bằng các hoạt chất hóa học,…

  • Bảo vệ chống tia UV bằng các sản phẩm chống nắng có chỉ số SPF > 30+, phổ rộng.

Công nghệ cao

Loại bỏ melanin bằng các biện pháp laser hoặc IPL. Các phương pháp laser hiệu quả cho điều trị nám da: Laser Nd YAG, laser YAG-KTP, laser Ruby.

Lưu ý: Laser có tác dụng làm mất sắc tố tạm thời nhưng không có khả năng điều trị khỏi vĩnh viễn.

Sử dụng các thuốc đường toàn thân

Các hoạt chất giúp hỗ trợ điều trị nám má, dưỡng trắng da dùng đường uống như: Vitamin C, vitamin E, L-Cysteine, glutathione, tranexamic acid.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của rám má

Chế độ sinh hoạt:

  • Trong phác đồ điều trị của bác sĩ, bệnh nhân cần tuân thủ theo các hướng dẫn.

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng, tránh thức khuya sẽ ảnh hưởng đến sự điều tiết hormon.

  • Nếu trong quá trình điều trị thấy có bất thường thì phải liên hệ ngay với bác sĩ.

  • Theo dõi diễn tiến của bệnh để có được hướng điều trị phù hợp nhất.

  • Bệnh nhân cần lạc quan, đặc biệt đối với rám má do ảnh hưởng của hormon hoặc các yếu tố tâm lý như stress, áp lực công việc, hôn nhân, gia đình hoặc giai đoạn trầm cảm sau sinh… cần giữ trạng thái tinh thần tốt để tránh ảnh hưởng xấu làm nặng thêm tình trạng bệnh lý.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất sẽ giúp ích cho làn da phục hồi chức năng.

  • Các loại thực vật chứa nhiều vitamin C như cam, chanh… giúp chống oxy hóa, hạn chế tác động tia UV đến làn da. Đặc biệt, vitamin C là một trong những thành phần được sử dụng khá nhiều trong dưỡng trắng da và điều trị sạm nám.

  • Bổ sung các thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa để bảo vệ da khỏi các gốc tự do cũng như tác động tia UV đến làn da. Các chất chống oxy hóa nên có trong thực phẩm: Vitamin C, E, A, beta-carotene, lycopene, resveratrol, flavonoid, lutein và selen. Các loại quả mọng (quả việt quất, nam việt quất, mâm xôi, mâm xôi, lựu, thanh long, kiwi,...), rau (cà chua, hành tây, atisô, bông cải xanh, bắp cải đỏ, củ cải đường,...), đậu (đậu tây, đậu đen, đậu pinto,...), rau lá xanh và thảo mộc (cải xoăn, cải thìa, rau bina, atisô, ngò, húng tây, húng quế,...), gia vị (nghệ, quế, đinh hương, thìa là, gừng,...), các loại hạt (quả hồ đào, hạt Brazil, quả óc chó, quả phỉ,...).

  • Tránh các loại đồ uống gây viêm, kích thích tế bào sắc tố như cà phê, trà có đường, nước tăng lực, các loại nước trái cây đóng gói sẵn…

  • Hạn chế các loại thực phẩm có thể gây kích ứng, đặc biệt là đối với những đối tượng có cơ địa dị ứng như tôm, cua, cá biển, các loại động vật có vỏ, đậu phộng…

  • Kiểm soát lượng carbohydrate nạp vào cơ thể vì chúng có thể là một trong những nguyên nhân tác động không tốt đối với hormon. Một số ví dụ về thực phẩm chế biến sẵn có nhiều carbohydrate: Bột mì, khoai tây chiên và khoai tây chiên giòn, bánh nướng (bánh mì, bánh ngọt, bánh quy giòn, bánh mì tròn, bánh nướng xốp, bánh quy,...), đồ uống ngọt (nước tăng lực, trà có đường, đồ uống cà phê ngọt,...), mì ống và mì, kẹo và các món tráng miệng, soda hoặc rượu, đồ uống trái cây. 

Phương pháp phòng ngừa rám má hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Bảo vệ da mặt bằng cách đội nón rộng vành, đeo kính râm chống tia UV, mặc đồ dài tây khi đi ra ngoài nắng.

  • Bôi các sản phẩm kem chống nắng có hai chỉ số (SPF >30+) và PA trước 30 phút khi ra ngoài trời nắng.

  • Để phòng bệnh cũng như ngăn ngừa bệnh tái phát cần ngưng không sử dụng thuốc tránh thai.

  • Điều trị tối ưu các vết viêm nhiễm trên da.

  • Kiểm tra sức khỏe thường xuyên, đặc biệt là các bệnh lý liên quan đến rối loạn nội tiết tố.

  • Chế độ sinh hoạt khoa học, điều độ, hạn chế thức khuya, bia rượu, thuốc lá… ăn nhiều hoa quả trái cây chứa nhiều vitamin và khoáng chất.

  • Hạn chế tối đa việc sử dụng các loại mỹ phẩm có tính chất lột tẩy mạnh, các hóa chất tẩy rửa mạnh trên bề mặt da.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2807702/

  2. HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH DA LIỄU - (ban hành kèm theo Quyết định số 75/QĐ-BYT ngày 13/01/2015)

Chủ đề:rám daSạm da

Các bệnh liên quan

  1. Lichen xơ hóa

  2. Chân tay lạnh

  3. Tàn nhang

  4. Bướu mạch máu

  5. Dày sừng nang lông

  6. Viêm da do tiếp xúc

  7. Bệnh dị ứng

  8. Bệnh ấu trùng da di chuyển

  9. Lao da

  10. Dị ứng thực phẩm