Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Lao da: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Lao da là một dạng bệnh lao ngoài phổi hiếm gặp, ngay cả ở những nơi bệnh lao phổ biến như Ấn Độ, châu Phi. Yếu tố nguy cơ chính làm tăng khả năng mắc lao da là cơ địa suy giảm miễn dịch. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh lao da có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng hoặc lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể. 

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Lao da là gì?

Lao da được Laennec báo cáo lần đầu tiên vào năm 1826, khi đó tác nhân gây bệnh vẫn chưa xác định được. Cho đến năm 1882, Robert Koch phát hiện ra vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis và sau đó tác nhân này được phân lập từ tổn thương da của người bệnh lao da.

Lao da là một bệnh lý nhiễm trùng da do vi khuẩn lao gây ra, cùng loại với tác nhân gây lao phổi. Có nhiều hệ thống phân loại khác nhau nhưng cách phân loại được sử dụng phổ biến nhất của các biến thể lao da dựa trên các đặc điểm sau:

  • Lao da ngoại sinh: Săng lao và lao da dạng mụn cóc.
  • Lao da nội sinh: Lan truyền qua đường máu như lupus Vulgaris, lao kê da, lao da dạng sùi.
  • Ban lao: Lao da hình thái lichen, lao da hoại tử sẩn.
  • Lao da thứ phát: Sau tiêm vắc xin Bacillus Calmette – Guerin (BCG) trên người có cơ địa suy giảm miễn dịch. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của lao da

Tùy thuộc vào mỗi loại lao da, sẽ có các đặc điểm đặc trưng khác nhau như sau:

  • Lupus lao: Là thể lao thường gặp nhất, chiếm 50 - 70%, điều trị lâu dài có thể từ 10 đến 20 năm. Tổn thương thường gặp là các củ lao màu vàng hoặc đỏ, kích thích bằng hạt đậu hoặc to hơn, tập trung thành đám, có thể loét ở trung tâm, vết loét sau lành để lại sẹo nhăn nhúm, co kéo. Vị trí thường ở mặt, môi trên, tứ chi, mông, lưng,...
  • Lao da dạng mụn cóc: Biểu hiện dưới dạng mụn cóc phát triển màu tía hoặc đỏ nâu, tổn thương thường xảy ra ở đầu gối, khuỷu tay, bàn tay, bàn chân và mông, tổn thương có thể tồn tại nhiều năm nhưng có thể tạm khỏi ngay cả khi không điều trị.
  • Lupus Vulgaris: Dạng tiến triển và tồn tại dai dẳng, Các sẩn nhỏ màu nâu đỏ, giới hạn rõ hợp nhất thành các mảng dày gọi là nốt sần táo, có khả năng loét, dị sản và dẫn đến ung thư da.
  • Lao da dạng sùi: Các nốt tổn thương chắc, không đau, cuối cùng sẽ loét với nền dạng hạt, có thể lành ngay cả khi không điều trị nhưng phải mất nhiều năm và để lại những vết sẹo mất thẩm mỹ.
  • Lao kê da: Tổn thương da là những đốm đỏ nhỏ (cỡ hạt kê) bị hoại tử, phát triển thành vết loét và áp xe, thường xảy ra trên người bệnh suy giảm miễn dịch trầm trọng, tiên lượng xấu (nhiều bệnh nhân tử vong ngay cả khi được chẩn đoán và điều trị).
  • Hồng ban rắn Bazin: Thường xuất hiện ở phụ nữ trẻ hoặc trung niên, gây ra các vết thương màu tím thẫm và đau, theo thời gian chúng sẽ thoái triển và thành sẹo. Nếu không điều trị, tình trạng này sẽ tái phát mỗi ba đến bốn tháng.
Lao da: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 1
Lao da

Biến chứng của lao da

Một số dạng lao da có liên quan mật thiết đến khả năng miễn dịch thấp đối với trực khuẩn lao và có thể biểu thị tình trạng suy giảm miễn dịch hoặc nhiễm trùng tiềm ẩn nghiêm trọng có thể gây tử vong. Nếu bệnh tiến triển, có thể dẫn đến một số biến chứng như:

  • Sẹo: Lupus Vulgaris và lao kê có thể hình thành các vết sẹo biến dạng.
  • Ung thư da: Lupus Vulgaris có thể phức tạp do sự phát triển của ung thư biểu mô tế bào vảy hoặc các bệnh ung thư da khác ở vết sẹo 25 – 30 năm sau ở 10% người bệnh lao da.
  • Vô sinh: Trong một số ít trường hợp lao da lây lan sang bộ phận sinh dục, nó có thể gây vô sinh cho cả nam và nữ. Ở nữ giới, vi khuẩn lao cũng có thể ảnh hưởng đến buồng trứng và nội mạc tử cung.
  • Viêm hạch bạch huyết: Lao da có thể lây lan sang hệ thống bạch huyết, với các triệu chứng toàn thân như ớn lạnh, sốt, đau đầu và sưng đau hạch huyết.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn phát hiện bất kỳ triệu chứng nào được mô tả như trên trong bệnh lý lao da hoặc bạn có cơ địa suy giảm miễn dịch và xuất hiện các sang thương trên da. Hãy đến khám và nhận được sự điều trị từ các bác sĩ chuyên khoa để giảm thiểu nguy cơ dẫn đến biến chứng của bệnh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến lao da

Bệnh lao thường lây truyền qua giọt bắn của người mang mầm bệnh khi họ ho, nói, hắt hơi hoặc khạc nhổ. Sau đó, nó có thể lây lan từ phổi đến các bộ phận khác của cơ thể khi vi khuẩn di chuyển trong máu. Thông thường, lao da là dạng bệnh hiếm, phát triển từ trực khuẩn lao khi chúng di chuyển từ các cơ quan nội tạng đến da, hiếm khi xâm nhập trực tiếp, bệnh cảnh này được gọi là bệnh lao da nội sinh. Mặc dù trực khuẩn Mycobacterium tuberculosis là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp, những người bệnh cũng có thể mắc bệnh lao da do nhiễm vi khuẩn Mycobacterium bovis (thường gây bệnh lao ở gia súc) hoặc do tiêm vắc xin Bacillus Calmette – Guerin (BCG).

Các trường hợp lao da ngoại sinh có thể xảy ra do tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn, thường là do kim đâm, vết cắt hoặc vết thương.

Lao da: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 2
Mycobacterium tuberculosis

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải lao da?

Một số đối tượng có nguy cơ mắc lao da cao hơn, bao gồm:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 4 tuổi;
  • Người lớn tuổi trên 65 tuổi;
  • Người sử dụng rượu và người tiêm chích ma túy qua đường tĩnh mạch;
  • Những người bị suy giảm miễn dịch do HIV/AIDS, đái tháo đường, ung thư;
  • Cư dân hoặc người nhập cư từ các vùng có tỷ lệ bệnh lao cao;
  • Nhân viên y tế hoặc những người tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh lao da;
  • Suy dinh dưỡng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải lao da

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc lao da bao gồm:

  • Suy giảm miễn dịch;
  • Mắc các bệnh lý mạn tính, số lần nhập viện mỗi năm cao;
  • Nghiện chất kích thích;
  • Sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch;
  • Tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.
Lao da: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 3
Người bệnh đái tháo đường có hệ miễn dịch suy giảm

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm lao da

Khi người bệnh có các triệu chứng của lao da, bác sĩ chuyên khoa Lao sẽ tiến hành đánh giá mức độ tổn thường và xác định nguyên nhân chính xác của bệnh. Cùng với việc đánh giá sức khỏe tổng thể và tiền sử bệnh, một số xét nghiệm và kỹ thuật có thể được sử dụng để chẩn đoán, bao gồm:

  • Đánh giá thể chất tổng thể và vùng da bệnh.
  • Sinh thiết da: Lấy mẫu một phần nhỏ của da bị tổn thương để đánh giá hình thái da bệnh trên kính hiển vi. Quá trình này được đánh giá bởi bác sĩ giải phẫu bệnh.
  • Xét nghiệm lao da: Thực hiện phản ứng Mantoux, với bản chất là phản ứng quá mẫn muộn với tuberculin. Sau 48 đến 72 giờ, bác sĩ sẽ đánh giá kích thước và đặc điểm của vùng da được test, từ đó có thể phát hiện sự hiện diện của nhiễm trùng lao.
  • Interferon gamma-release array (IGRA) : Xét nghiệm máu như QuantiFERON-TB Gold Plus (QFT-Plus) và T-SPOT TB (T-Spot), phát hiện các kháng nguyên khi cơ thể nhiễm trùng. Các mẫu được thu thập và gửi đến phòng xét nghiệm.
  • Xét nghiệm trực khuẩn kháng acid (AFB): Nước bọt hoặc đờm của người bệnh được thu thập và xét nghiệm. Sử dụng kỹ thuật gọi là phản ứng chuỗi polymerase (PCR), AFB giúp tìm ra các dấu hiệu của vi khuẩn lao.

Điều trị lao da

Người bệnh lao phổi hoặc lao ngoài phổi cần được điều trị đầy đủ bằng nhiều loại thuốc kháng lao thích hợp. Phác đồ điều trị thường là sự kết hợp của isoniazid, rifampicin, pyrazinamide và ethambutol trong khoảng thời gian sáu tháng cho một phác đồ tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Điều trị bằng một thuốc không được khuyến khích.

Bệnh lao đa kháng thuốc đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng trên toàn thế giới. Các loại thuốc kháng lao mới đang được phát triển, bao gồm cả bedaquiline đã được FDA chấp thuận.

Người bệnh nhiễm lao tiềm ẩn (không có bệnh lao đang hoạt động) cũng có thể được điều trị bằng thuốc kháng lao để ngăn ngừa sự phát triển của bệnh lao đang hoạt động.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyến nghị người bệnh nên phẫu thuật cắt bỏ lao da cục bộ như lupus Vulgaris hoặc lao dạng sùi. Một số người bệnh bị biến dạng da do lupus lao có thể cần phải phẫu thuật tái tạo lại bằng phẫu thuật thẩm mỹ.

Lao da: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 4
Thuốc kháng lao dạng phối hợp

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của lao da

Chế độ sinh hoạt:

Người bệnh lao da cần được chăm sóc đúng cách để hạn chế diễn tiến bệnh nặng hơn:

  • Cách ly người bệnh ở phòng riêng, yên tĩnh và hạn chế tiếp xúc cho đến khi khỏi bệnh.
  • Người bệnh cần tránh tiếp xúc với trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người có cơ địa suy giảm miễn dịch như đái tháo đường, ung thư, suy thận, HIV/AIDS,...
  • Bệnh phẩm của người bệnh như máu, chất tiết nên bỏ và tiêu hủy đúng quy định.
  • Người bệnh cần ngủ đủ giấc để tái tạo năng lượng cho cơ thể.
  • Nếu hết triệu chứng, người bệnh nên vận động nhẹ nhàng, tập thể dục, có các hoạt động giải trí lành mạnh như đọc sách, xem phim, nghe nhạc. Giai đoạn này, người bệnh có thể hòa nhập lại với cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Chế độ dinh dưỡng:

Người bệnh lao nói chung và lao da nói riêng thường có thể trạng ốm yếu, suy nhược vì thế cần đảm bảo người bệnh được chăm sóc với chế độ dinh dưỡng đủ các nhóm chất và làm mới món ăn mỗi ngày giúp kích thích vị giác cho người bệnh.

Khẩu phần ăn cần bổ sung thêm các yếu tố như:

  • Đạm: Thịt, cá, hải sản, trứng, sữa,...
  • Vitamin A, E, C: Rau củ, trái cây có màu đậm, quả chín mọng, thịt đỏ,...
  • Kẽm: Sò, hến, hàu, đậu Hà Lan, lòng đỏ trứng gà, thịt lợn,...
  • Sắt: Súp lơ, thịt đỏ, rau xanh đậm,...

Phòng ngừa lao da

Đặc hiệu:

  • Tránh tiếp xúc với người bệnh lao đang hoạt động hoặc người bệnh có nguy cơ mắc lao tiềm ẩn.
  • Mang khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh lao hoặc trong môi trường có nguy cơ cao tồn tại vi khuẩn lao.
  • Khi hắt hơi, ho, khạc đờm nên có khăn giấy để che miệng sau đó bỏ đúng nơi quy định;
  • Tiêm ngừa vắc xin Bacillus Calmette – Guerin (BCG) do chương trình Tiêm chủng mở rộng thực hiện.
  • Điều trị dự phòng lao đối với các đối tượng nguy cơ cao có lao tiềm ẩn: Tất cả những người nhiễm HIV đã được sàng lọc và hiện không mắc lao hoạt động; trẻ em dưới 5 tuổi có tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây là người bệnh lao phổi có AFB(+).
Lao da: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 5
Tiêm ngừa vắc xin BCG phòng ngừa bệnh lao

Không đặc hiệu:

  • Nâng cao sức đề kháng của cơ thể;
  • Không sử dụng các chất kích thích;
  • Không khạc nhổ bừa bãi;
  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng;
  • Vệ sinh môi trường sống: Thông khí tự nhiên, sử dụng tối ưu ánh nắng mặt trường để diệt khuẩn vì vi khuẩn lao nhạy cảm với ánh mắt mặt trời.
Nguồn tham khảo
  1. What Is Skin Tuberculosis? https://www.verywellhealth.com/skin-tuberculosis-6500152
  2. Cutaneous tuberculosis: https://dermnetnz.org/topics/cutaneous-tuberculosis
  3. Hill MK, Sanders CV. Cutaneous Tuberculosis. Microbiol Spectr. 2017 Jan;5(1). doi: 10.1128/microbiolspec.
  4. Charifa A, Mangat R, Oakley AM. Cutaneous Tuberculosis. 2023 Aug 14. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2023 Jan–. PMID: 29489274.
  5. Khadka P, Koirala S, Thapaliya J. Cutaneous Tuberculosis: Clinicopathologic Arrays and Diagnostic Challenges. Dermatol Res Pract. 2018 July 9;2018:7201973. doi: 10.1155/2018/7201973. 

Các bệnh liên quan

  1. Mụn bọc

  2. Lichen phẳng

  3. Dày sừng ánh sáng

  4. Chàm

  5. U sùi thể nấm

  6. Chàm môi

  7. Viêm da mụn mủ truyền nhiễm

  8. Bướu bã đậu

  9. Bỏng da

  10. Mụn cóc, hạt cơm