Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Mụn cóc phẳng: Dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và cách phòng ngừa

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mụn cóc phẳng là một loại mụn cóc nhỏ, bề mặt nhẵn mịn và phẳng, không gây đau do virus HPV gây ra. Thường xuất hiện theo cụm và gặp ở trẻ em hơn người lớn. Đây là bệnh lành tính không gây nguy hiểm cho người mắc bệnh, tuy nhiên virus HPV dễ lây lan cho người khác hoặc đến những vị trí khác trên cơ thể. Mụn cóc phẳng có thể tự biến mất dù không điều trị, nhưng có thể mất vài tháng đến vài năm.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Mụn cóc phẳng là gì?

Mụn cóc là những u nhỏ lành tính, bề mặt sần sùi, có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào của cơ thể. Khác với những mụn cóc khác thì mụn cóc phẳng có kích thước nhỏ hơn, chỉ bằng đầu ghim, bề mặt của mụn phẳng, nhẵn. Mụn cóc phẳng có hình tròn hoặc bầu dục, màu hồng, vàng nâu hoặc màu da.

Mụn cóc phẳng thường xuất hiện xung quanh vết xước hoặc vết nứt trên da và xuất hiện nhiều nhất ở trên mặt, mu bàn tay hoặc chân. Mụn cóc có xu hướng xuất hiện thành từng nhóm từ 20 đến 200 mụn cóc.

Mụn cóc phẳng còn gọi là mụn cóc vị thành niên, vì bệnh thường gặp ở trẻ em và trẻ vị thành niên. Mụn cóc do một loại virus dễ lây lan gây ra nhưng thường lành tính và không gây đau.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của mụn cóc phẳng

Mụn cóc phẳng khó phát hiện hơn so với những mụn cóc khác, thường nhô cao hơn bề mặt da. Những đặc điểm của mụn cóc phẳng giúp nhận biết gồm:

  • Bề mặt nhẵn mịn, phẳng hoặc hơi nhô so với nền da;
  • Hình tròn hoặc bầu dục;
  • Kích thước nhỏ cỡ đầu ghim, đường kính từ 1 đến 5mm;
  • Có màu hồng hoặc vàng nâu hoặc màu da;
  • Thường xuất hiện trên mặt, mu bàn tay hoặc chân, có thể gặp ở cả ngón tay và cánh tay;
  • Thường bao quanh vết cắt hoặc trầy xước của da;
  • Xuất hiện theo cụm, từ 20 đến 200 mụn cóc phẳng.

Mụn cóc phẳng là bệnh lành tính, không gây tác động có hại hay biến chứng cho người mắc bệnh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có vết sẩn trên da và không biết chúng là gì, hãy đi khám bác sĩ da liễu. Bác sĩ có thể chẩn đoán mụn cóc phẳng bằng cách nhìn vào vết sẩn này. Nếu như không chắc chắn vết sẩn này do đâu thì bác sĩ có thể chỉ định thêm xét nghiệm cho bạn.

Ngoài ra, nếu mụn cóc phẳng của bạn phát triển lớn hơn, đổi màu hoặc chảy máu, hãy gặp bác sĩ ngay.

Mụn cóc phẳng: Dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và cách phòng ngừa 4
Khi các nốt mụn cóc phẳng xuất hiện bất thường, bạn nên đến gặp bác sĩ

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến mụn cóc phẳng

Tất cả mụn cóc đều do virus Human papilloma virus (HPV), một virus gây u nhú ở người gây ra. Có hơn 100 chủng virus khác nhau. Mụn cóc phẳng là do HPV tuýp 3, 10, 28 và 49 gây ra. Những chủng này thường lành tính, không giống HPV sinh dục gây ung thư cổ tử cung ở nữ.

HPV tồn tại trong môi trường ấm áp và ẩm thấp, vì thế khi lây nhiễm trên cơ thể sẽ phát triển ở trên da do da chúng ta ẩm và ấm. Khi phát triển trên da, virus sẽ làm cho lớp da của bạn dày lên.

Ngoài ra, HPV dễ lây lan và lây truyền từ người này sang người khác khi chạm trực tiếp vào mụn cóc, hoặc gián tiếp thông qua khăn hay các vật dụng khác đã từng tiếp xúc với mụn cóc. Virus xâm nhập qua vết cắt hoặc vết xước trên da của bạn. Bạn cũng có thể lây lan virus từ nơi này đến nơi khác trên cơ thể.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc mụn cóc phẳng?

Khoảng 7 đến 10 phần trăm dân số sẽ bị mụn cóc. Hầu hết các trường hợp xuất hiện ở người trẻ từ 12 đến 16 tuổi. Mụn cóc là một bệnh về da phổ biến, tỷ lệ xuất hiện ở nam và nữ là như nhau.

Trẻ em dễ bị mụn cóc phẳng nhất vì chúng thường có những vết cắt hoặc vết xước trên da và hay tiếp xúc gần với nhiều trẻ khác. Những người trẻ thường dùng dao cạo râu cũng có nguy cơ cao bị mụn cóc phẳng vì dao cạo dễ cắt vào mặt, cổ hoặc chân.

Thanh thiếu niên và những người bị mụn trứng cá hoặc mụn nhọt cũng dễ bị mụn cóc phẳng do những người này thường xuyên dùng tay chạm vào mặt, gãi hoặc nặn mụn khiến da bị tổn thương khiến virus HPV dễ xâm nhập.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải mụn cóc phẳng

  • Những người suy giảm miễn dịch do mắc các bệnh mạn tính, ung thư đang điều trị hóa trị hoặc xạ trị có nguy cơ nhiễm virus HPV cao hơn.
  • Vệ sinh kém cũng làm tăng nguy cơ bị mụn cóc phẳng.
  • Tiếp xúc da kề da với người bị mụn cóc phẳng hoặc chạm vào vật đã tiếp xúc với mụn cóc phẳng.
  • Trên da có vết thương hoặc trầy xước.
Mụn cóc phẳng: Dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và cách phòng ngừa 5
Da bị trầy xước là một yếu tố nguy cơ dễ lây nhiễm HPV

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán mụn cóc phẳng

Khi có bất kỳ u hoặc vết sẩn nào trên da, hãy đi khám bác sĩ da liễu. Nếu không chắc chắn đây là mụn cóc phẳng hay không, bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết u để có thể chẩn đoán chính xác.

Phương pháp điều trị mụn cóc phẳng hiệu quả

Mụn cóc phẳng có thể biến mất mà không cần điều trị. Thường bác sĩ sẽ điều trị cho bạn nếu bạn muốn chúng biến mất nhanh hơn.

Thuốc bôi

Nếu bạn muốn điều trị mụn cóc phẳng, bác sĩ sẽ kê toa cho bạn một loại thuốc bôi tại chỗ dạng kem. Những loại thuốc bôi này gây kích ứng và khiến da bong tróc giúp loại bỏ mụn cóc, tuy nhiên thời gian điều trị thường kéo dài vài tháng để có thể biến mất hoàn toàn. Các loại thuốc bôi tại chỗ thường được sử dụng:

  • Tretinoin cream 0,05%.
  • Imiquimod cream 5%: Sẽ làm mụn tự rụng đi, nhưng sẽ khiến da vùng vôi thuốc dễ đau và sưng đỏ. Khi kết hợp với liệu pháp làm lạnh sẽ đạt hiệu quả tốt hơn.
  • 5-Fluorouracil cream 1% hoặc 5%: Thường được chỉ định cho trẻ em, nhưng không nên tự mua thuốc về bôi cho trẻ.
  • Benzoyl-peroxide 5%.
Mụn cóc phẳng: Dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và cách phòng ngừa 6
Nhiều loại thuốc bôi có tác dụng điều trị mụn cóc phẳng nhưng cần được kê đơn bởi bác sĩ

Loại bỏ mụn cóc

Các phương pháp này giúp loại bỏ mụn cóc một cách nhanh chóng:

  • Cắt bỏ hoặc nạo mụn cóc bằng dao mổ: Thường áp dụng khi cụm mụn cóc có đường kính dưới 2cm. Cần chăm sóc sau tiểu phẫu tránh nhiễm trùng.
  • Đốt mụn cóc bằng laser: Chiếu laser lên mụn cóc sẽ phá hủy mô và da ngay vị trí mụn cóc.
  • Liệu pháp áp lạnh bằng nitơ lỏng: Phun khí nitơ lỏng ở nhiệt độ -196 độ C lên mụn cóc phẳng sẽ làm đóng băng và phá hủy mụn cóc.
  • Bôi cantharidin: Gây phồng rộp hình thành phía dưới mụn cóc phẳng, khiến mụn cóc nổi lên khỏi da, sau đó sẽ loại bỏ mụn cóc bằng các phương pháp còn lại.

Biện pháp áp dụng tại nhà

Có nhiều phương pháp dân gian truyền miệng nhau về cách chữa mụn cóc phẳng như giấm táo, tuy nhiên các phương pháp này chưa được nghiên cứu và chứng minh hiệu quả. Vì mụn cóc phẳng thường xuất hiện số lượng lớn trên mặt nên khi điều trị tại nhà các phương pháp này có thể làm bỏng da hoặc để lại sẹo.

Sử dụng thuốc bôi chứa acid salicylic là biện pháp tại nhà an toàn, nhưng nếu sau khi điều trị tại nhà mà mụn cóc phẳng không biến mất thì hãy đến khám bác sĩ da liễu.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của mụn cóc phẳng

Chế độ sinh hoạt:

Mụn cóc phẳng thường tự biến mất, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, khu vực xuất hiện mụn cóc mà thời gian biến mất sẽ khác nhau. Do đó quan trọng nhất là ngăn chặn sự lây lan của virus HPV gây mụn cóc phẳng:

  • Tránh chà xát, gãi hoặc cậy mụn cóc phẳng của bạn.
  • Rửa tay sau khi chạm vào hoặc sau khi bôi thuốc điều trị mụn cóc.
  • Không dùng tay chạm vào mụn cóc phẳng của người mắc bệnh.
  • Không dùng chung khăn hay các vật dụng cá nhân với người mắc bệnh.
  • Giữ đồ chơi và các vật dụng sinh hoạt của con bạn sạch sẽ nếu chúng đang bị mụn cóc hoặc chơi chung với những trẻ đang bị mụn cóc.
  • Luôn giữ cho da bạn sạch sẽ và khô ráo.
  • Mang dép xỏ ngón hoặc giày bơi khi đi bơi ở hồ bơi công cộng hoặc phòng thay đồ chung.
  • Thay tất hàng ngày nếu bạn đang bị mụn cóc.
  • Tránh làm trầy xước da của bạn.
  • Không cắn móng tay hay mút ngón tay khi đang bị mụn cóc.
  • Ngủ từ 6 đến 8 tiếng/ngày.
  • Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.

Chế độ dinh dưỡng: Xây dựng chế độ ăn lành mạnh và đầy đủ các chất. Bổ sung các thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể như cam, quýt, bưởi, rau màu xanh lá đậm,…

Phương pháp phòng ngừa mụn cóc phẳng hiệu quả

Tăng cường hệ thống miễn dịch là phương pháp phòng ngừa hiệu quả mụn cóc phẳng. Không phải lúc nào bạn cũng có thể ngăn ngừa mụn cóc nhưng những cách sau đây giúp bạn giảm nguy cơ bị mụn cóc phẳng:

  • Rửa tay sau khi chạm vào mụn cóc của người khác.
  • Tránh đụng chạm vật dụng hoặc sử dụng chung khăn của người đang bị mụn cóc.
  • Giữ cho da luôn sạch sẽ.
  • Mang dép xỏ ngón hoặc giày bơi khi đi bơi ở những hồ bơi công cộng.
  • Chế độ ăn lành mạnh và đủ chất.
  • Chơi thể thao và vận động thể lực thường xuyên.
  • Ngủ đủ giấc trong ngày, tránh thức khuya.
  • Tiêm phòng vaccine HPV.
Mụn cóc phẳng: Dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và cách phòng ngừa 7
Rửa tay giúp phòng ngừa mắc bệnh cũng như giảm lây lan bệnh
Nguồn tham khảo
  • Everything You Should Know About Flat Warts: https://www.healthline.com/health/skin-disorders/flat-warts
  • What Are Flat Warts?: https://www.verywellhealth.com/what-are-flat-warts-7254476
  • What to know about flat warts: https://www.medicalnewstoday.com/articles/321355
  • How to get rid of warts: https://www.health.harvard.edu/diseases-and-conditions/how-to-get-rid-of-warts
  • Skin Conditions and Warts: https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/warts

Các bệnh liên quan

  1. Giun đầu gai

  2. Chân madura

  3. Sán dây

  4. Nhiễm giun đũa

  5. Nhiễm Balantidium

  6. Sốt rét

  7. Nhiễm Nocardia

  8. Bệnh dại

  9. Nhiễm Leptospira

  10. Bệnh Angiostrongyliasis