Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sa tạng chậu là gì? Cách phòng ngừa sa tạng chậu hiệu quả

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sa tạng chậu hay sa cơ quan vùng chậu (Pelvic organ prolapse) là tình trạng các cơ ở vùng chậu bị suy yếu, khiến một hoặc nhiều cơ quan ở vùng xương chậu (tử cung, âm đạo, bàng quang, trực tràng) bị sa xuống. Trong trường hợp nghiêm trọng, một cơ quan phình ra, hoặc sa ra bên ngoài cơ thể gây đau đớn và khó chịu.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Sa tạng chậu là gì?

Sa tạng chậu hay còn gọi là sa cơ quan vùng chậu (Pelvic organ prolapse) là một tình trạng phụ khoa, trong đó các cơ quan vùng chậu (bao gồm tử cung, bàng quang, âm đạo, trực tràng) thoát vị vào âm đạo, do yếu dây chằng hoặc cơ vùng chậu.

Sa cơ quan vùng chậu được phân loại dựa theo khoang đi xuống. Sa bàng quang đặc trưng cho thoát vị thành trước, sa trực tràng đề cập đến sự sa xuống của thành sau âm đạo và sa vòm âm đạo đặc trưng cho sự tụt xuống của tử cung, cổ tử cung hay đỉnh âm đạo. Chúng có thể xảy ra đơn lẻ hoặc kết hợp với nhau.

Có nhiều nguyên nhân kết hợp dẫn đến tình trạng sa tạng chậu, trong đó sa tạng chậu có mối tương quan cao với việc mang thai và sinh nở qua đường âm đạo, có thể dẫn đến tổn thương trực tiếp cơ sàn chậu và mô liên kết tại đây.

Hầu hết người bệnh đều không có triệu chứng, tuy nhiên có thể khó chịu hơn khi cơ quan bị sa hẳn ra ngoài cơ thể. Các lựa chọn điều trị khác nhau tùy thuộc vào triệu chứng và mức độ sa tạng chậu.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của sa tạng chậu

Phần lớn người bệnh bị sa tạng chậu không có triệu chứng. Tuy nhiên, ở những người bệnh có triệu chứng thường mô tả cảm giác có một khối phồng nhô ra qua cửa âm đạo. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Cảm giác áp lực hoặc căng tức ở vùng xương chậu;
  • Đau lưng dưới;
  • Đau khi giao hợp;
  • Các vấn đề về tiết niệu như tiểu không tự chủ;
  • Táo bón hoặc mất kiểm soát ruột;
  • Chảy dịch tiết âm đạo hoặc chảy máu âm đạo.

Biến chứng có thể gặp khi mắc sa tạng chậu

Các biến chứng của sa tạng chậu bao gồm:

  • Tiểu không tự chủ;
  • Tắc nghẽn đường ra bàng quang;
  • Thận ứ nước;
  • Nhiễm trùng;
  • Rối loạn chức năng bàng quang;
  • Tắc nghẽn phân hoặc đại tiện không tự chủ.
Sa tạng chậu là gì? Cách phòng ngừa sa tạng chậu hiệu quả 4
Sa tạng chậu có thể dẫn đến tắc nghẽn đường ra bàng quang và thận ứ nước

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh lý sa tạng chậu, hoặc khi bạn nhận thấy một khối phồng trong âm đạo hoặc sa ra ngoài cơ thể.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến sa tạng chậu

Sự hỗ trợ bình thường của vùng chậu được cung cấp bởi nhóm cơ nâng hậu môn và các mô liên kết gắn vào giúp ổn định ở các mức độ khác nhau. Bất kỳ điểm yếu hoặc vết rách trong mô liên kết đều có thể dẫn đến các khiếm khuyết của sàn chậu.

Sa tạng chậu là một tình trạng phổ biến có nhiều nguyên nhân. Sự kết hợp của các yếu tố giải phẫu, sinh lý, di truyền, lối sống và sinh sản tương tác với nhau trong suốt cuộc đời ở người phụ nữ để góp phần gây ra rối loạn chức năng sàn chậu.

Khi các nhóm cơ và mô liên kết ở sàn chậu trở nên yếu đi và không thể giữ các cơ quan đúng vị trí, sẽ xảy ra tình trạng sa tạng chậu.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc sa tạng chậu?

Mọi người thuộc mọi giới tính đều có thể gặp phải tình trạng sa tạng chậu, nhưng nguy cơ cao hơn nếu bạn là nữ. Bên cạnh đó, sa tạng chậu còn liên quan nhiều đến tuổi tác. Ở nam giới, có thể bị sa bàng quang và sa trực tràng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sa tạng chậu

Một số yếu tố có thể làm suy yếu sàn chậu và làm tăng nguy cơ phát triển sa cơ quan vùng chậu bao gồm:

  • Mang thai và sinh con: Đặc biệt nếu bạn gặp tình trạng sinh nở khó, sinh con lớn hoặc sinh nhiều con.
  • Tuổi tác: Khi bạn già đi và trải qua thời kỳ mãn kinh, bạn sẽ tăng nguy cơ mắc sa tạng chậu.
  • Cân nặng: Thừa cân béo phì cũng là các yếu tố nguy cơ góp phần.
  • Táo bón: Tình trạng táo bón lâu dài làm tăng nguy cơ sa tạng chậu.
  • Tình trạng sức khỏe mạn tính: Ví dụ như ho mạn tính có thể khiến tăng áp lực vùng chậu.
  • Phẫu thuật: Việc phẫu thuật cắt bỏ tử cung làm tăng nguy cơ.
  • Công việc: Các việc đòi hỏi nâng vật nặng nhiều.
  • Di truyền: Yếu tố di truyền cũng có vai trò trong sa tạng chậu, các mô liên kết có thể yếu hơn ở một số phụ nữ khiến họ dễ bị sa tạng chậu hơn.
Sa tạng chậu là gì? Cách phòng ngừa sa tạng chậu hiệu quả 5
Mang thai và sinh con là các yếu tố nguy cơ của sa tạng chậu

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sa tạng chậu

Để chẩn đoán sa tạng chậu, bác sĩ sẽ hỏi kỹ các triệu chứng của bạn và thực hiện thăm khám. Các bước khám có thể bao gồm:

  • Bạn cần bộc lộ phần khám (cởi quần áo từ thắt lưng trở xuống) và nằm trên giường khám.
  • Bác sĩ sẽ sờ để phát hiện có khối u nào ở vùng chậu hay bên trong âm đạo của bạn không.
  • Bạn có thể được khám bằng một dụng cụ gọi là mỏ vịt, được đặt vào âm đạo để giữ cho thành âm đạo mở ra, bác sĩ sẽ quan sát kiểm tra xem có bị sa tử cung hay không.
  • Bác sĩ có thể yêu cầu bạn nằm nghiêng trái và kiểm tra ở tư thế đó để có thể dễ quan sát hơn tình trạng sa tử cung.

Các xét nghiệm có thể được chỉ định bao gồm:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Để đánh giá tình trạng nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm máu: Có thể được thực hiện để đánh giá tình trạng nhiễm trùng nếu bạn có các dấu hiệu nghi ngờ.
  • Xét nghiệm chức năng bàng quang: Giúp đánh giá hoạt động của bàng quang và cấu trúc xung quanh bàng quang.
  • Chụp X-quang hệ niệu: Giúp xem thận, bàng quang và niệu quản để đánh giá hoạt động của chúng.
  • Chụp X-quang bàng quang niệu đạo khi đi tiểu: Chụp trước và sau khi đi tiểu để xem bàng quang và niệu đạo của bạn có vấn đề không.
  • Chụp CT scan vùng chậu: Dùng để loại trừ các tình trạng khác.
  • Siêu âm vùng chậu: Quan sát tổng quan hình ảnh cơ quan vùng chậu, xem có cơ quan nào trượt khỏi vị trí không.
  • Chụp MRI vùng chậu: Đôi khi được sử dụng để đánh giá sa tạng chậu.

Phương pháp điều trị sa tạng chậu

Điều trị sẽ tùy thuộc vào tuổi, mong muốn về khả năng sinh sản và quan hệ tình dục trong tương lai. Lựa chọn điều trị cũng phụ thuộc vào triệu chứng, mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và các vấn đề y tế khác đi kèm. Việc điều trị cũng được quyết định bởi cơ quan bị sa xuống.

Mục tiêu điều trị bao gồm giảm triệu chứng, ngăn ngừa các khiếm khuyết mới và tình trạng tiểu không tự chủ, hỗ trợ phục hồi vùng chậu toàn diện.

Ở những trường hợp nhẹ, không có triệu chứng, việc theo dõi chặt chẽ là phù hợp. Hầu hết phụ nữ đều không có triệu chứng cho đến khi cơ quan vùng chậu bị sa ra ngoài cơ thể qua cửa âm đạo. Các bài tập Kegel giúp củng cố cơ sàn chậu sẽ có ích trong trường hợp sa tạng chậu nhẹ.

Sa tạng chậu là gì? Cách phòng ngừa sa tạng chậu hiệu quả 6
Bài tập Kegel giúp hỗ trợ làm mạnh nhóm cơ sàn chậu

Đối với sa tạng chậu có triệu chứng, ⅔ số người bệnh chọn phương pháp điều trị bằng vòng nâng và 77% trong số đó lựa chọn tiếp tục điều trị sau 1 năm. Vòng nâng là phương pháp điều trị được áp dụng cho tất cả giai đoạn sa tạng chậu và rất hữu ích trong việc ngăn ngừa sự tiến triển của sa tạng chậu, giúp trì hoãn nhu cầu phẫu thuật điều trị.

Phẫu thuật có thể được xem xét để điều trị sa tạng chậu. Một loạt các thủ thuật, cả vùng bụng và âm đạo, được thực hiện nhằm cố gắng khôi phục chức năng sàn chậu và giảm các triệu chứng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của sa tạng chậu

Chế độ sinh hoạt:

  • Giảm cân nếu bạn thừa cân;
  • Tránh nâng vật nặng;
  • Ngăn ngừa hoặc điều trị táo bón;
  • Tập các bài tập sàn chậu;
  • Tuân thủ điều trị của bạn và tái khám đầy đủ, cũng như trao đổi với bác sĩ về cách điều trị và theo dõi các triệu chứng tại nhà.

Chế độ dinh dưỡng: Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và đầy đủ dưỡng chất. Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về thực đơn ăn uống hằng ngày giúp hỗ trợ đẩy lùi diễn tiến của bệnh.

Phương pháp phòng ngừa sa tạng chậu hiệu quả

Có nhiều yếu tố góp phần gây sa tạng chậu mà bạn không thể kiểm soát được như tuổi cao, tiền căn gia đình, sinh nở qua đường âm đạo, đã cắt bỏ tử cung.

Nhưng bạn có thể giảm khả năng gặp các vấn đề về sa tạng chậu với các bước sau:

  • Tập các bài tập cho cơ sàn chậu như bài tập Kegel, giúp duy trì sức mạnh cho nhóm cơ sàn chậu.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Tránh táo bón làm tăng áp lực ở vùng chậu.
  • Không hút thuốc lá, vì hút có thể ảnh hưởng đến các mô, gây ho mãn tính. Do đó, hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sa tạng chậu.
  • Cẩn thận khi nâng vật nặng, sử dụng chân thay vì lưng hay cơ bụng.
Sa tạng chậu là gì? Cách phòng ngừa sa tạng chậu hiệu quả 7
Tránh táo bón có thể giúp giảm khả năng gặp các vấn đề sa tạng chậu
Nguồn tham khảo
  1. Pelvic Organ Prolapse (POP): https://www.msdmanuals.com/en-jp/home/women-s-health-issues/pelvic-organ-prolapse-pop/pelvic-organ-prolapse-pop
  2. Pelvic Organ Prolapse: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK563229/
  3. Pelvic Organ Prolapse: https://www.webmd.com/women/pelvic-organ-prolapse
  4. Pelvic Organ Prolapse: https://emedicine.medscape.com/article/276259-overview?form=fpf
  5. What to do about pelvic organ prolapse: https://www.health.harvard.edu/womens-health/what-to-do-about-pelvic-organ-prolapse

Các bệnh liên quan

  1. Bệnh thận do HIV

  2. Hội chứng Bartter

  3. Lộn bàng quang

  4. Chấn thương niệu đạo

  5. Toan hóa ống thận

  6. Đạm niệu

  7. Thận đa nang

  8. Đau thận

  9. Viêm cầu thận tiến triển nhanh (RPGN)

  10. Viêm thận kẽ