Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sán lợn gạo là gì? Những điều cần biết về bệnh sán lợn gạo

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sán lợn gạo là bệnh mắc phải khi bị nhiễm nang ấu trùng của ký sinh trùng Taenia solium (sán dây lợn). Ấu trùng xâm nhập vào các mô như cơ, não và hình thành các nang ở đó (nang sán). Khi nang sán được tìm thấy trong não chúng sẽ gây ra các biểu hiện ở thần kinh trung ương.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Sán lợn gạo là gì?

Sán lợn gạo là bệnh mắc phải khi bị nhiễm nang ấu trùng của ký sinh trùng Taenia solium, một loại sán dây lợn. Các nang sán mà Taenia solium hình thành trong cơ thể bạn sẽ khiến các triệu chứng xuất hiện.

Người mắc bệnh do ăn thực phẩm hoặc uống nước bị nhiễm trứng Taenia solium hoặc do không rửa tay sau khi chạm vào phân có trứng Taenia solium trong đó. Trứng nở trong ruột người bị nhiễm bệnh và ấu trùng sán hình thành nang sán ở các bộ phận khác của cơ thể như não, tim và mắt.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng khi nhiễm sán lợn gạo

Các triệu chứng khi bị nhiễm sán lợn gạo phụ thuộc vào nơi nang sán hình thành. Bạn có thể bị nang sán ở hầu hết mọi nơi, bao gồm não, mắt, tim, mô cơ hoặc gan.

Các triệu chứng phổ biến nhất là do nang sán hình thành trong não của bạn, được gọi là bệnh nang sán thần kinh.

Các triệu chứng của bệnh nang sán thần kinh, bao gồm:

  • Cơn co giật;
  • Nhức đầu;
  • Buồn nôn, nôn và lú lẫn;
  • Cổ cứng.

Bệnh do nang sán hình thành ở ngoài hệ thống thần kinh thường không gây ra triệu chứng, ngoại trừ ở một số vị trí nhất định. Các nang sán dưới da hoặc nang sán ở mắt đôi khi gây ra các triệu chứng, bao gồm:

  • Khối nhô lên dưới da;
  • Đau mắt;
  • Nhìn đôi (nhìn thấy 2 hình ảnh của cùng 1 vật);
  • Viêm mắt (viêm màng bồ đào hoặc viêm võng mạc);
  • Chuyển động mắt hạn chế;
  • Mắt lồi;
  • Mất thị lực.
Sán lợn gạo là gì? Những điều cần biết về bệnh sán lợn gạo 4
Bệnh sán lợn gạo có thể gây ra triệu chứng đau đầu

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm sán lợn gạo

Nhiễm ấu trùng của ký sinh trùng Taenia solium gây ra bệnh nang sán. Bạn có thể mắc bệnh nang sán do ăn hoặc uống thứ gì đó có trứng Taenia solium (như trái cây và rau quả chưa rửa hoặc nước chưa qua xử lý) hoặc do chạm tay vào miệng sau khi chạm vào vật gì đó có trứng Taenia solium (như phân).

Trứng nở trong ruột của bạn và Taenia solium di chuyển vào các mô của cơ thể và hình thành các nang sán. Những nang này thường không gây ra triệu chứng trừ khi có rất nhiều nang sán ở cùng một nơi. Chúng có thể tồn tại trong cơ thể nhiều tuần đến nhiều năm mà bạn không hề biết. Hệ thống miễn dịch của bạn phản ứng khi các nang sán chết sẽ gây ra các triệu chứng.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải sán lợn gạo?

Các tình trạng suy yếu hệ miễn dịch, chẳng hạn như nhiễm HIV/AIDS, có thể làm tăng nguy cơ mắc phải sán lợn gạo.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải sán lợn gạo

Có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc phải sán lợn gạo. Dưới đây là một số yếu tố quan trọng:

  • Tiếp xúc với nguồn nhiễm sán: Nguy cơ mắc sán lợn gạo tăng khi tiếp xúc với nguồn nhiễm sán, chẳng hạn như ăn thịt heo sống hoặc chưa chín, uống nước ô nhiễm.
  • Điều kiện vệ sinh kém: Sống trong môi trường vệ sinh kém, chăn nuôi lợn thả rông có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Du lịch đến các khu vực có tỷ lệ nhiễm sán cao: Du lịch đến các khu vực nhiễm sán lợn gạo cao như Đông Nam Á, Trung và Nam Mỹ tăng nguy cơ mắc phải bệnh.
Sán lợn gạo là gì? Những điều cần biết về bệnh sán lợn gạo 5
Ăn thịt heo sống hoặc chưa nấu chín kỹ là yếu tố nguy cơ chính mắc bệnh sán lợn gạo

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm sán lợn gạo

Nếu bạn nghĩ rằng mình có thể mắc bệnh sán lợn gạo, bạn nên đến gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng, nơi bạn đã đi du lịch và loại thực phẩm bạn đã ăn. Việc chẩn đoán bệnh nang sán thần kinh thường được bác sĩ đề nghị chụp MRI hoặc CT não. Xét nghiệm máu có thể hữu ích để giúp chẩn đoán nhiễm trùng, nhưng chúng không phải lúc nào cũng dương tính trong các trường hợp nhiễm trùng nhẹ.

Phương pháp điều trị bệnh sán lợn gạo hiệu quả

Việc điều trị bệnh sán lợn gạo khác nhau, tuỳ trường hợp. Bạn có thể không cần điều trị hoặc bác sĩ có thể kê đơn kết hợp nhiều loại thuốc hoặc có thể cần phải phẫu thuật. Bác sĩ sẽ điều chỉnh kế hoạch điều trị cho trường hợp cụ thể của bạn.

Bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc để điều trị bệnh sán lợn gạo:

  • Corticosteroid (prednisolone, dexamethasone) để giảm viêm.
  • Thuốc chống động kinh/chống co giật (phenytoin, carbamazepine) để ngăn ngừa cơn động kinh.
  • Thuốc chống ký sinh trùng (albendazole, praziquantel) đôi khi được sử dụng để điều trị sán lợn gạo.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh sán lợn gạo

Chế độ sinh hoạt:

Người bệnh sán lợn gạo cần tuân thủ một số chế độ sinh hoạt để hỗ trợ quá trình điều trị và phục hồi. Dưới đây là một số nguyên tắc chung về chế độ sinh hoạt cho người bệnh sán lợn gạo:

  • Tuân thủ điều trị: Điều trị sán lợn gạo yêu cầu sự can thiệp y tế có chuyên môn. Người bệnh cần tuân thủ đúng liều và lịch trình điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Điều này đảm bảo tiêu diệt sán lợn gạo trong cơ thể và ngăn chặn sự phát triển của chúng.
  • Hạn chế tiếp xúc với sán lợn gạo: Người bệnh cần tránh tiếp xúc với sán lợn gạo và môi trường có thể chứa trứng sán. Điều này bao gồm tránh ăn thịt heo sống, chín chưa đủ hoặc không đảm bảo vệ sinh an toàn.
  • Vệ sinh cá nhân: Rửa tay kỹ trước và sau khi tiếp xúc với đất, động vật hoặc các vật dụng có thể chứa trứng sán. Đảm bảo rửa sạch rau quả trước khi ăn và sử dụng nguồn nước uống an toàn.
  • Kiểm soát chất thải: Xử lý chất thải đúng cách và tránh tiếp xúc với phân lợn hoặc các chất thải động vật khác.
  • Theo dõi sức khỏe: Điều quan trọng là người bệnh cần được thường xuyên theo dõi sức khỏe bởi các chuyên gia y tế. Họ sẽ đánh giá tình trạng và tiến triển của bệnh và điều chỉnh liệu pháp cần thiết.

Bạn nên tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để nhận được hướng dẫn cụ thể và phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.

Sán lợn gạo là gì? Những điều cần biết về bệnh sán lợn gạo 6
Người bệnh sán lợn gạo nên tái khám thường xuyên để được theo dõi sức khỏe

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh sán lợn gạo cần tập trung vào việc cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để tăng cường sức khỏe và hỗ trợ quá trình phục hồi. Dưới đây là một số nguyên tắc cơ bản về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh sán lợn gạo:

  • Cung cấp đủ lượng calo: Người bệnh cần tiêu thụ đủ lượng calo phù hợp để duy trì cân nặng và cung cấp năng lượng cho quá trình phục hồi. Tuy nhiên, lượng calo cần được điều chỉnh dựa trên trạng thái sức khỏe và mục tiêu của người bệnh (giảm cân, duy trì cân nặng, tăng cân).
  • Cung cấp đủ protein: Protein là thành phần quan trọng trong việc tái tạo mô và hỗ trợ quá trình phục hồi. Người bệnh cần tiêu thụ đủ lượng protein từ các nguồn như thịt, cá, gia cầm, đậu và các sản phẩm từ sữa.
  • Tăng cường tiêu thụ chất xơ: Chất xơ giúp tăng cường chức năng tiêu hóa và duy trì sự hoạt động của ruột. Người bệnh nên tiêu thụ nhiều loại rau, quả, ngũ cốc nguyên hạt và đậu để đảm bảo cung cấp đủ chất xơ.
  • Hạn chế chất béo bão hòa và cholesterol: Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa và cholesterol, như mỡ động vật, đồ chiên, đồ ngọt và thực phẩm chế biến sẵn có chứa nhiều chất béo không lành mạnh.
  • Bổ sung chất khoáng và vitamin: Người bệnh cần cung cấp đầy đủ chất khoáng và vitamin để hỗ trợ quá trình phục hồi và tăng cường hệ miễn dịch. Họ nên tiêu thụ các loại thực phẩm giàu chất khoáng như hạt, quả tươi, rau xanh và các loại thực phẩm giàu vitamin.
  • Uống đủ nước: Duy trì lượng nước cân bằng trong cơ thể là quan trọng để đảm bảo chức năng tiêu hóa và đào thải chất độc hiệu quả. Người bệnh cần uống đủ nước trong suốt ngày.

Lưu ý rằng mỗi trường hợp bệnh sán lợn gạo có thể có yêu cầu dinh dưỡng riêng, vì vậy bạn nên tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để nhận được hướng dẫn cụ thể và phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.

Phương pháp phòng ngừa bệnh sán lợn gạo hiệu quả

Chuẩn bị thức ăn, nước uống an toàn và rửa tay là những điều quan trọng nhất bạn có thể làm để giúp ngăn ngừa bệnh.

  • Rửa tay bằng xà phòng và nước thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã, trước khi ăn và trước khi chuẩn bị thức ăn.
  • Rửa kỹ trái cây và rau quả hoặc gọt vỏ trước khi ăn.
  • Rửa thớt, kệ bếp, chén đĩa và đồ dùng bằng nước xà phòng sau khi sử dụng.
  • Đừng uống nước chưa được xử lý.
  • Nếu bạn đang đi du lịch đến một nơi mà bạn không biết liệu nước có được xử lý hay không, hãy chỉ uống nước đóng chai hoặc nước đun sôi. Đun sôi nước trong một phút trước khi để nguội rồi uống.
  • Lọc nước uống bằng màng lọc từ 1 micron trở xuống (có bán tại các cửa hàng), sau đó hòa tan viên iốt vào nước lọc trước khi uống.
Sán lợn gạo là gì? Những điều cần biết về bệnh sán lợn gạo 7
Nên uống nước đã đun sôi hoặc qua xử lý để phòng ngừa nhiễm bệnh
Nguồn tham khảo
  1. Taeniasis/cysticercosis: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/taeniasis-cysticercosis
  2. Taenia solium cysticercosis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3103219/
  3. Taenia solium and Cysticercus cellulosae: https://wcvm.usask.ca/learnaboutparasites/parasites/taenia-solium-and-cysticercus-cellulosae.php
  4. Control of Taenia solium taeniasis/cysticercosis: past practices and new possibilities: https://www.cambridge.org/core/journals/parasitology/article/abs/control-of-taenia-solium-taeniasiscysticercosis-past-practices-and-new-possibilities/64F5846DB8EF285E46D882B44C93B106
  5. Parasites – Cysticercosis: https://www.cdc.gov/parasites/cysticercosis/

Các bệnh liên quan

  1. Bệnh não gan

  2. Nang gan

  3. Hội chứng ruột kích thích

  4. Viêm ruột mạn tính

  5. Bệnh Crohn

  6. Co thắt dạ dày, ruột

  7. Polyp đại tràng

  8. Thủng dạ dày

  9. Ung thư gan nguyên phát

  10. Xơ gan