Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rò hậu môn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa rò hậu môn

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rò hậu môn là một đường hầm nhỏ xuất hiện giữa đoạn cuối của ruột và vùng da gần lỗ hậu môn. Nguyên nhân thường là do nhiễm trùng gần hậu môn, dẫn đến tụ mủ (áp xe) ở mô gần đó. Rò hậu môn có thể gây ra các triệu chứng như khó chịu và kích ứng da, thường sẽ không tự thuyên giảm. Điều trị bằng phẫu thuật được đề nghị trong hầu hết các trường hợp.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Rò hậu môn là gì?

Rò hậu môn là một đường thông nối bất thường xuất hiện từ bên trong hậu môn đi ra da bên ngoài. Nó thường hình thành ở phần trên của lỗ hậu môn, nơi có tuyến hậu môn. Khi các tuyến này bị nhiễm trùng, dịch thoát ra có thể tạo thành lỗ rò.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của rò hậu môn

Các triệu chứng rò hậu môn thường gặp nhất là:

  • Đau hậu môn, thường đau nhói và dữ dội. Bạn có thể cảm thấy đau nhiều hơn khi ho, đi đại tiện hoặc ngồi. Mông có thể nhạy cảm khi bị chạm vào.
  • Sưng và đỏ bên trong hoặc xung quanh hậu môn. Đây là dấu hiệu của nhiễm trùng đang hoạt động dưới da (viêm mô tế bào).
  • Dịch chảy ra xung quanh hậu môn của bạn. Nó có thể bao gồm phân, dịch mủ hoặc máu. Có thể kèm theo mùi khó chịu.

Các triệu chứng khác ít gặp hơn bao gồm:

Bạn có thể (hoặc không thể) nhìn thấy lỗ rò bằng gương.

Rò hậu môn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa rò hậu môn 1
Đau hậu môn nhiều khi đi đại tiện có thể là triệu chứng của rò hậu môn

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh rò hậu môn

Rò hậu môn thường sẽ không tự lành. Nếu không được điều trị, rò hậu môn có thể dẫn đến các biến chứng, như:

  • Nhiễm trùng dai dẳng: Lỗ rò bắt nguồn từ áp xe hoặc nhiễm trùng có thể khiến nhiễm trùng tiếp tục hoạt động. Nhiễm trùng dường như biến mất ở vị trí ban đầu nhưng sau đó quay trở lại, hình thành áp xe mới và gây ra cơn đau mới. Đôi khi, lỗ rò có vẻ như đang lành lại và có thể đóng lại, nhưng nhiễm trùng sẽ tái phát và lỗ rò sau đó sẽ mở lại theo chu kỳ lặp lại.
  • Mở rộng lỗ rò: Lỗ rò mạn tính hiếm khi mở rộng theo hướng mới, tạo ra các kênh phân nhánh và lỗ hở mới trên da của bạn. Những lỗ rò phức tạp này khó điều trị hơn.
  • Ung thư: Ung thư hậu môn đôi khi được phát hiện ở những vết rò hậu môn đã tồn tại trong nhiều năm. Viêm mạn tính và xói mòn là những yếu tố nguy cơ gây ung thư.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Luôn đến gặp bác sĩ nếu bạn bị đau hậu môn. Đau nhiều ở vùng hậu môn trực tràng có thể là một tình trạng nghiêm trọng. Đừng cho rằng triệu chứng sẽ tự biến mất. Bệnh trĩ có thể thường gặp và quen thuộc hơn nhưng chúng thường không gây đau đớn nhiều.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến rò hậu môn

Nguyên nhân thường gặp nhất của rò hậu môn là áp xe quanh hậu môn, thường hình thành trên tuyến hậu môn bị nhiễm trùng. Áp xe là một túi mủ sinh ra ở vị trí nhiễm trùng. Mủ cần được thoát ra và có thể tạo đường rò ra bên ngoài. Nguyên nhân ít gặp của rò hậu môn bao gồm:

  • Bệnh viêm đường ruột (bệnh Crohn);
  • Bệnh lao;
  • Một chấn thương do đụng dập hoặc do phẫu thuật;
  • Dị vật vùng hậu môn và tầng sinh môn;
  • Xạ trị ở vùng chậu;
  • Ung thư hậu môn trực tràng;
  • Nấm actinomycosis;
  • Hidradenitis suppurativa, một bệnh viêm da mạn tính gây ra áp xe ở tuyến hậu môn.
Rò hậu môn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa rò hậu môn 2
Bệnh Crohn có thể là nguyên nhân của rò hậu môn

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải rò hậu môn?

Rò hậu môn là một bệnh lý hậu môn trực tràng tương đối phổ biến. Nó thường gặp ở nam, gấp đôi nữ. Khoảng một nửa số người bị nhiễm trùng tuyến hậu môn sẽ phát triển thành lỗ rò. Tuyến bị nhiễm trùng hình thành áp xe, túi mủ cần được dẫn lưu, gây ra 75% trường hợp rò hậu môn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải rõ hậu môn

Bạn có nhiều khả năng bị rò hậu môn nếu bạn:

  • Giới tính nam;
  • Đã hoặc đã từng bị áp xe quanh hậu môn trước đây;
  • Mắc bệnh viêm ruột mạn chẳng hạn như bệnh Crohn;
  • Có tiền căn phẫu thuật hoặc xạ trị ở vùng quanh hậu môn;
  • Bị suy giảm miễn dịch;
  • Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục mạn tính.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm rò hậu môn

Để chẩn đoán bạn có bị rò hậu môn hay không, bác sĩ sẽ hỏi về tiền căn, bệnh sử của bạn và thăm khám.

Một số lỗ rò rất dễ phát hiện, tuy nhiên không phải lúc nào cũng vậy. Đôi khi lỗ rò tự đóng, sau đó mở lại. Bác sĩ sẽ tìm dấu hiệu chảy dịch hoặc xuất huyết. Bác sĩ có thể sử dụng ngón tay để thăm khám hậu môn của bạn.

Một số cận lâm sàng có thể được đề nghị như chụp X-quang hoặc chụp CT scan. Bạn thậm chí có thể cần được nội soi.

Điều trị rò hậu môn

Rò hậu môn thường cần phải phẫu thuật vì chúng hiếm khi tự lành nếu không được điều trị.

Các phương pháp điều trị rò hậu môn bằng phẫu thuật, bao gồm:

  • Mở đường rò;
  • Cắt đường rò;
  • Cột dây thun;
  • Chuyển vạt niêm mạc trực tràng;
  • Cắt đường rò gian cơ thắt.
Rò hậu môn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa rò hậu môn 3
Phẫu thuật trong điều trị rò hậu môn

Các phương pháp điều trị rò hậu môn mới:

  • Bơm keo sinh học có fibrin;
  • Tế bào gốc từ mỡ tự thân.

Tất cả các phương pháp điều trị đều có lợi ích và rủi ro khác nhau. Bạn có thể thảo luận điều này với bác sĩ của mình.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của rò hậu môn

Chế độ sinh hoạt:

  • Dùng thuốc giảm đau khi cần thiết;
  • Ngâm nước ấm;
  • Tránh rặn khi đi đại tiện.

Chế độ dinh dưỡng: Thêm chất xơ vào chế độ ăn uống và uống nhiều nước để ngăn ngừa táo bón.

Rò hậu môn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa rò hậu môn 4
Người bệnh rò hậu môn nên bổ sung chất xơ vào chế độ ăn uống

Phòng ngừa rò hậu môn

Dưới đây là một số phương pháp phòng ngừa rò hậu môn mà bạn có thể áp dụng:

  • Điều trị viêm nhiễm: Một số trường hợp rò hậu môn có thể xuất phát từ một viêm nhiễm trong vùng hậu môn. Để tránh tình trạng này, bạn nên chăm sóc vùng hậu môn và sử dụng các phương pháp vệ sinh cá nhân thích hợp.
  • Tránh táo bón: Táo bón có thể gây ra áp lực và căng thẳng trong vùng hậu môn, từ đó tạo điều kiện cho sự phát triển của rò hậu môn. Để tránh táo bón, hãy ăn một chế độ ăn giàu chất xơ, uống đủ nước và duy trì một lịch trình đi vệ sinh đều đặn.
  • Tránh rặn khi đi vệ sinh: Rặn khi đi vệ sinh có thể gây tổn thương cho niêm mạc hậu môn và góp phần vào việc hình thành rò hậu môn. Hãy đảm bảo bạn đi vệ sinh theo cách nhẹ nhàng, không rặn quá mức và tránh ép buộc trong quá trình này.
  • Điều trị các bệnh lý liên quan: Một số bệnh lý khác như nứt hậu môn hoặc viêm ruột kết hợp có thể tạo điều kiện cho sự phát triển của rò hậu môn. Nếu bạn có các vấn đề này, hãy điều trị chúng sớm để tránh tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Điều trị sớm các nhiễm trùng hậu môn: Nếu bạn có các triệu chứng của nhiễm trùng hậu môn như đau, sưng, hoặc chảy mủ, hãy điều trị ngay lập tức. Việc điều trị sớm có thể giúp ngăn chặn sự lan rộng của nhiễm trùng và giảm nguy cơ phát triển rò hậu môn.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Định kỳ kiểm tra sức khỏe với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa có thể giúp phát hiện sớm bất kỳ vấn đề nào liên quan đến hậu môn và điều trị chúng kịp thời.
Rò hậu môn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa rò hậu môn 5
Tránh táo bón để phòng ngừa bệnh rò hậu môn

Các câu hỏi thường gặp về rò hậu môn

Những rủi ro của phẫu thuật rò hậu môn là gì?

Những rủi ro chính là:

  • Nhiễm trùng tái phát: Nếu nhiễm trùng không biến mất hoàn toàn khỏi lỗ rò của bạn, nó có thể tồn tại bên trong lỗ rò đang lành của bạn.
  • Lỗ rò tái phát: Lỗ rò hậu môn có thể tái phát sau phẫu thuật. Điều này có thể là do các bệnh mạn tính tiềm ẩn hoặc do kỹ thuật được sử dụng.
  • Đại tiện không tự chủ: Một số người có thể gặp phải tình trạng này. Ví dụ, họ có thể gặp khó khăn trong việc giữ khí hoặc són phân.

Quá trình hồi phục sau phẫu thuật rò hậu môn như thế nào?

Sau phẫu thuật, bạn sẽ được kê thuốc giảm đau cùng với một số hướng dẫn cách tự chăm sóc. Những điều này có thể bao gồm:

  • Bổ sung nước và chất xơ: Thuốc giảm đau có thể gây ra táo bón, vì vậy bác sĩ có thể kê đơn thuốc để ngăn chặn điều này. Điều quan trọng là phải kết hợp với việc uống nhiều nước.
  • Ngâm hậu môn: Ngâm hậu môn trong nước ấm ít nhất một lần mỗi ngày sẽ giúp làm dịu và nhanh lành vết thương.
  • Xử lý vết thương: Bạn có thể cần phải thay băng vết thương thường xuyên để giữ sạch sẽ.

Sự khác biệt giữa nứt hậu môn và lỗ rò hậu môn là gì?

Nứt hậu môn là vết nứt hoặc vết rách ở niêm mạc ống hậu môn của bạn. Nó có thể gây ra các triệu chứng tương tự như rò hậu môn, nhưng vết nứt là một vết thương bề ngoài. Nó không xuyên qua thành hậu môn đến da của bạn giống như lỗ rò. Tuy nhiên, nứt hậu môn có thể phát triển thành lỗ rò hậu môn. Nếu vết nứt hậu môn bị nhiễm trùng, nó có thể hình thành áp xe và tạo ra lỗ rò hậu môn.

Tôi nên mong đợi điều gì nếu tôi bị rò hậu môn?

Tiên lượng của bạn sẽ phụ thuộc vào mức độ phức tạp của lỗ rò hậu môn. Điều này quyết định quá trình điều trị và phục hồi sẽ kéo dài như thế nào. Nói chung, bạn có thể phải mất từ ​​ba đến sáu tuần để hồi phục sau một hoặc nhiều lần phẫu thuật. Một số lỗ rò tái phát sau phẫu thuật, đặc biệt nếu chúng có nhiều nhánh hoặc do bệnh lý mạn tính gây ra.

Rò hậu môn âm đạo là gì?

Rò hậu môn âm đạo thường được gọi là rò trực tràng âm đạo, vì nó thường thông nối từ trực tràng đến âm đạo. Ranh giới giữa trực tràng và âm đạo hẹp hơn nhiều so với giữa âm đạo và hậu môn. Lỗ rò âm đạo có thể hình thành từ bất kỳ phần nào của ruột, nhưng thường là từ trực tràng hoặc đại tràng.

Nguồn tham khảo
  1. Anal Fistula: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14466-anal-fistula
  2. Anal fistula: https://www.nhs.uk/conditions/anal-fistula/
  3. What Is an Anal Fistula?: https://www.webmd.com/digestive-disorders/anal-fistula-overview
  4. Anorectal Fistula: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560657/
  5. Anal Fistula: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/anal-fistula

Các bệnh liên quan

  1. Viêm đại tràng

  2. Khó tiêu

  3. Suy gan

  4. Viêm tụy

  5. Béo phì độ 1

  6. Viêm dạ dày

  7. Loét dạ dày tá tràng

  8. Trĩ

  9. Ung thư ruột kết

  10. Bệnh celiac