Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nhiễm sán dây cá: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sán dây cá là loại ký sinh trùng lớn nhất lây nhiễm sang người, nó có thể dài từ 1 - 15m và rộng 1 - 2cm. Sán trưởng thành bao gồm tới 3000 - 4000 đốt sán. Ở cá, sán tồn tại dưới dạng ấu trùng, sau khi vào cơ thể người, ấu trùng bám vào niêm mạc ruột non, phát triển thành con trưởng thành và có thể sống tới 20 năm. Sán dây cá có thể gặp ở mọi nơi trên thế giới nhưng nhiều nhất là ở các vùng nước bị ô nhiễm nặng do rác thải sinh hoạt của con người, như nước ở các cống rãnh, kênh rạch. Con người bị nhiễm bệnh khi ăn cá sống hoặc nấu chưa chín có chứa trứng sán dây cá.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nhiễm sán dây cá là gì?

Nhiễm sán dây cá ở người là bệnh lý nhiễm ký sinh trùng đường ruột do một loại sán dây gây ra. Sán dây cá có khoảng hơn 20 loài khác nhau, trong đó Diphyllobothrium latumDiphyllobothrium nihonkaiense là các loài gây bệnh hay gặp nhất. Người bị nhiễm bệnh do ăn phải cá bị nhiễm ấu trùng sán nhưng chưa được nấu chín kỹ. Sau khi một người ăn cá bị nhiễm bệnh, ấu trùng bắt đầu phát triển trong ruột. Ấu trùng trưởng thành hoàn toàn sau 3 đến 6 tuần. Sán trưởng thành, được phân đoạn, bám vào thành ruột. Trứng được hình thành trong mỗi phân đoạn của sán và thải ra ngoài theo phân. Đôi khi, các phân đoạn của sán cũng có thể được thải ra theo phân.

Sán dây cá có vòng đời phức tạp, con người, các động vật có vú ăn cá khác và chim là vật chủ cuối cùng của chúng.

Sán dây cá hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn mà người bệnh ăn vào. Hầu hết bệnh nhân nhiễm sán dây cá không có triệu chứng hoặc có thể có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở mức độ nhẹ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng nhiễm sán dây cá

Đa số bệnh nhân nhiễm sán dây cá thường không có triệu chứng cụ thể rõ ràng, đặc biệt khi nhiễm số lượng ít. Tuy nhiên, khi nhiễm số lượng sán nhiều hơn, một số bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng nhẹ ở đường tiêu hoá và hay bị nhầm với các bệnh lý khác như:

Nhiễm sán dây cá: nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa 1
Nhiễm sán dây cá có thể gây đau bụng

Biến chứng có thể gặp khi nhiễm sán dây cá

Việc nhiễm sán kéo dài có thể dẫn đến suy giảm nồng độ vitamin B12 trong cơ thể, gặp ở 40% bệnh nhân. Nguyên nhân của tình trạng này là do sán dây cá hấp thu vitamin B12, từ đó gây ra các biến chứng liên quan đến tình trạng thiếu máu do thiếu vitamin B12, thiếu máu hồng cầu to và bệnh lý thần kinh ngoại biên. Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng sau:

  • Xanh xao;
  • Viêm lưỡi;
  • Rối loạn vận động và phối hợp, mất cảm giác rung và cảm giác bản thể.

Ngoài ra, nhiễm sán dây cá số lượng nhiều và lâu ngày có thể gây tắc nghẽn đường tiêu hóa, dẫn đến các bệnh lý cấp tính như tắc ruột, viêm đường mật, viêm ruột thừa và viêm túi mật.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, đặc biệt là khi bạn nhận thấy có sán, đốt sán trong phân của mình hoặc bất kỳ thành viên nào trong gia đình có triệu chứng thiếu máu, thì bạn nên liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ diễn tiến nặng của bệnh cũng như hạn chế các biến chứng của bệnh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm sán dây cá

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nhiễm sán dây cá là do ăn phải cá nước ngọt hoặc cá biển có chứa ấu trùng sán trong thịt cá, ruột cá,… nhưng chưa được nấu chín kỹ hoặc đông lạnh đúng cách.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ nhiễm sán dây cá?

Nhiễm sán dây cá thường gặp ở những đối tượng có thói quen ăn thịt cá tái, cá sống như ăn sashimi hay sushi. Ngoài ra những người thường xuyên tiêu thụ các bộ phận của cá mới đánh bắt, chẳng hạn như ngư dân, cũng có nguy cơ nhiễm sán cao.

Nhiễm sán dây cá: nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa 2
Nhiễm sán dây cá thường gặp ở những đối tượng có thói quen ăn đồ sống

Yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm sán dây cá

Việc tiêu thụ các loại thịt cá (dưới dạng tái, sống, hun khói,…) không đảm bảo các nguyên tắc an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến, bảo quản góp phần làm tăng nguy cơ nhiễm sán dây cá trong cộng đồng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm sán dây cá

Chẩn đoán nhiễm sán dây cá dựa trên việc soi phân bệnh nhân dưới kính hiển vi để tìm trứng sán (có dạng nắp đặc trưng) và các đốt của sán dây. Thông thường, việc soi phân không dễ bỏ sót vì số lượng trứng được sản xuất mỗi ngày rất lớn (trên 1 triệu trứng/ngày). Ngoài ra, soi phân còn giúp phát hiện các đốt sán trưởng thành hình thang, và có tử cung cuộn lại như hình hoa hồng, nằm ở giữa đốt. Việc xác định loài dựa trên hình dạng trứng hoặc đốt sán khó khăn và không có ý nghĩa lâm sàng do phác đồ điều trị sán dây cá giống nhau dù nhiễm bất kỳ loài nào.

Ngoài ra, tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, định lượng nồng độ vitamin B12 cũng cần được thực hiện để kiểm tra tình trạng thiếu máu. Bên cạnh đó, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh có thể sử dụng tùy theo mức độ triệu chứng của bệnh nhân:

  • Siêu âm bụng: Hữu ích trong chẩn đoán bệnh giun sán, hay được dùng khi bệnh nhân có các triệu chứng của tình trạng tắc ruột, viêm ruột thừa,…
  • Nội soi viên nang: Thường được thực hiện để đánh giá tình trạng thiếu máu không rõ nguyên nhân. Người bệnh nuốt viên nang nội soi, sau đó viên năng sẽ đi theo đường ống tiêu hóa như một mẩu thức ăn, từ miệng đến thực quản, xuống dạ dày, ruột non và đến ruột già.
Nhiễm sán dây cá: nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa 3
Siêu âm giúp chẩn đoán tình trạng sán dây cá

Phương pháp điều trị nhiễm sán dây cá

Nội khoa

Hầu hết bệnh nhân khi nhiễm sán dây cá, nếu không có các triệu chứng nghiêm trọng, có thể được điều trị ngoại trú tại nhà. Một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị nhiễm sán dây cá bao gồm:

  • Praziquantel là thuốc được lựa chọn điều trị nhiễm sán dây cá. Cơ chế tác dụng chính xác của thuốc vẫn chưa rõ ràng, nhưng thuốc được cho rằng làm tăng tính thấm của màng tế bào sán, dẫn đến mất canxi nội bào, gây ra tình trạng co thắt và tê liệt cơ. Praziquantel được dùng với liều 5-10 mg/kg, uống một liều duy nhất trong bữa ăn. Các tác dụng phụ thường nhẹ, bao gồm nhức đầu, khó chịu, chóng mặt và hiếm khi nổi mày đay.
  • Một loại thuốc khác là Niclosamide, tuy nhiên loại thuốc này không có sẵn ở nhiều quốc gia. Thuốc hoạt động bằng cách ức chế quá trình phosphoryl hóa oxy hóa ty thể và hấp thu đường của sán. Thuốc có hiệu quả khi uống một liều duy nhất với liều 2g ở người lớn và hiếm gặp tác dụng phụ.

Ngoài ra, phân của bệnh nhân nên được kiểm tra lại 1 đến 2 tháng sau khi điều trị để đánh giá hiệu quả điều trị. Nếu đợt điều trị đầu tiên thất bại, có thể thực hiện đợt điều trị thứ hai tương tự.

Trong trường hợp thiếu máu do thiếu hụt vitamin B12, người bệnh có thể cần bổ sung thêm vitamin B12 bằng đường uống hoặc đường tiêm.

Ngoại khoa

Bệnh nhân nhiễm sán dây cá không cần điều trị bằng phẫu thuật trừ khi có biến chứng cấp tính, ví dụ như tắc ruột, viêm ruột thừa cấp,…

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhiễm sán dây cá

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những triệu chứng bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi sức khỏe, diễn tiến của bệnh.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Không ăn cá sống hoặc nấu chưa chín kỹ;
  • Bảo quản cá đúng cách.
Nhiễm sán dây cá: nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa 4
Cần đảm bảo ăn chín uống sôi

Phương pháp phòng ngừa nhiễm sán dây cá

Đặc hiệu

Hiện tại chưa có vắc xin hỗ trợ phòng ngừa nhiễm sán dây cá trên thị trường.

Không đặc hiệu

Vì sán dây cá có thể tái nhiễm, do đó người bệnh cần chú ý thay đổi thói quen ăn uống để giảm thiểu khả năng nhiễm lại sán.

Để phòng ngừa sán dây cá, người dân cần chú ý nấu chín cá hoặc đông lạnh ở nhiệt độ được khuyến cáo nhằm giết chết sán dây cá. Nấu cá ở nhiệt độ 63°C trong ít nhất 4 phút. Dùng nhiệt kế thực phẩm để đo phần dày nhất của cá.

Để trữ đông cá, trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị:

  • Đông lạnh cá ở -20°C hoặc thấp hơn trong 7 ngày.
  • Đông lạnh cá ở -35°C trở xuống cho đến khi cá đông cứng và bảo quản ở -35°C trở xuống trong 15 giờ.
  • Đông lạnh cá ở -35°C trở xuống cho đến khi đông cứng và bảo quản ở -20°C hoặc dưới 24 giờ.

Nhiễm sán dây cá có thể được ngăn ngừa ở cộng đồng thông qua việc xử lý nước thải thích hợp, từ đó ngăn chặn phân người có chứa trứng nhiễm vào các nguồn nước và tiếp tục lây lan. Bên cạnh đó, việc sàng lọc ký sinh trùng ở cá trước khi xuất khẩu và đảm bảo đông lạnh cá đầy đủ trong quá trình xuất khẩu là những quy trình quan trọng cần thiết để ngăn ngừa sự lây lan của căn bệnh này. 

Các câu hỏi thường gặp về sán dây cá

Tôi bị ngứa kèm nổi mẩn đỏ thì có phải bị nhiễm sán dây cá hay không?

Tình trạng ngứa kèm nổi mẩn đỏ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như: các bệnh lý da liễu, bệnh lý về gan, hoặc nhiễm ký sinh trùng (giun, sán). Do đó, khi có dấu hiệu ngứa kèm nổi mẩn đỏ, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.

Làm cách nào tôi có thể ngăn ngừa nhiễm sán dây cá?

Để phòng ngừa nhiễm sán dây cá, bạn cần chú ý không ăn cá sống hoặc nấu chưa chín kỹ, đồng thời cần bảo quản, trữ đông cá đúng cách theo khuyến cáo để ký sinh trùng bị tiêu diệt.

Nếu dùng kháng sinh để điều trị sán dây cá thì có tác dụng không?

Hầu hết thuốc kháng sinh có tác dụng chống nhiễm khuẩn do vi khuẩn gây ra, do đó khi nhiễm ký sinh trùng (sán dây cá) thì dùng thuốc kháng sinh không có tác dụng.

Nếu nhiễm sán dây cá thì tiên lượng có tốt không?

Tiên lượng của bệnh nhân nhiễm sán dây cá rất tốt vì bệnh thường nhẹ và việc điều trị có hiệu quả. Tuy nhiên, tiên lượng sẽ kém hơn khi xảy ra các biến chứng do số lượng sán nhiều, hoặc có các bệnh lý khác đi kèm, đặc biệt là các bệnh lý gây tắc nghẽn lòng ống tiêu hóa.

Mẹ nhiễm sán dây cá lúc mang thai thì có truyền qua cho con hay không?

Sán dây cá không lây trực tiếp từ người sang người, không qua máu hay sữa mẹ, do đó thai phụ bị nhiễm sán dây cá yên tâm là bệnh sẽ không lây truyền được sang con.

Nguồn tham khảo
  1. Diphyllobothriasis: https://emedicine.medscape.com/article/216089-overview?form=fpf#a7
  2. Fish tapeworm infection: https://medlineplus.gov/ency/article/001375.htm
  3. Diphyllobothriasis (Fish Tapeworm Infection): https://www.msdmanuals.com/professional/infectious-diseases/cestodes-tapeworms/diphyllobothriasis-fish-tapeworm-infection
  4. Diphyllobothriasis (Fish Tapeworm Infection): https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK540971
  5. Diphyllobothriasis: https://www.cdc.gov/dpdx/diphyllobothriasis/index.html

Các bệnh liên quan

  1. Trào ngược dạ dày

  2. Suy gan

  3. Hội chứng ruột kích thích

  4. Xơ gan do rượu

  5. Viêm gan cấp

  6. Giãn tĩnh mạch thực quản

  7. Són phân

  8. Nôn ra máu

  9. Polyp túi mật

  10. Tắc ruột