Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh màng trước võng mạc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh màng trước võng mạc (Epiretinal Membrane) là tình trạng hình thành một lớp màng xơ mỏng trên bề mặt võng mạc (ở mắt), gây co kéo và nếp nhăn ở võng mạc. Bệnh màng trước võng mạc có thể dẫn đến mờ tầm nhìn trung tâm (do lớp màng hình thành ở hoàng điểm). Màng trước võng mạc có thể vô căn hoặc thứ phát do một vài nguyên nhân. Nhiều người không biết mình mắc bệnh cho đến khi được chẩn đoán bằng việc khám mắt.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh màng trước võng mạc là gì?

Bệnh màng trước võng mạc được mô tả lần đầu tiên vào năm 1865 bởi tác giả Iwanoff, là sự tăng sinh của lớp mô trên bề mặt võng mạc. Đây là một tình trạng thường xảy ra, ảnh hưởng đến cực sau của võng mạc, phía sau hoàng điểm. Việc hình thành một lớp màng xơ mỏng ở bề mặt võng mạc có thể gây co kéo và nếp nhăn ở võng mạc và người bệnh có thể mờ tầm nhìn trung tâm.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh màng trước võng mạc chưa rõ và có thể được coi là vô căn, hoặc có thể thứ phát sau chấn thương hay các bệnh mắt mãn tính. Chẩn đoán bệnh dựa trên chụp cắt lớp quang học và điều trị khi có chỉ định.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh màng trước võng mạc

Màng trước võng mạc khi hình thành có thể có kích thước và vị trí khác nhau ở mỗi người, do đó, có thể dẫn đến các triệu chứng khác nhau đáng kể. Tuy nhiên thông thường, người bệnh mắc bệnh màng trước võng mạc thường không có bất cứ triệu chứng nào, cho đến khi được chẩn đoán sau khi khám mắt định kỳ.

Ở một số người bệnh, có thể gặp các triệu chứng như:

  • Nhìn đôi;
  • Nhạy cảm ánh sáng;
  • Giảm thị lực;
  • Mất thị lực trung tâm;
  • Biến dạng nhìn.

Trong đó, triệu chứng phổ biến nhất là biến dạng nhìn, điều này dẫn đến việc nhìn các vật thẳng nhưng lại có vẻ cong hoặc lượn sóng. Biến dạng nhìn đặc biệt gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, việc đọc, viết và hầu hết các sinh hoạt hằng ngày.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh màng trước võng mạc

Bệnh màng trước võng mạc có thể gây ra nhiều biến chứng ở mắt bao gồm:

  • Đục thuỷ tinh thể;
  • Đứt hoặc bong võng mạc;
  • Độc tính điểm vàng (Macular toxicity);
  • Lỗ hoàng điểm;
  • Viêm nội nhãn;
  • Xuất huyết thuỷ tinh thể;
  • Xuất huyết võng mạc.
Bệnh màng trước võng mạc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Đục thuỷ tinh thể là một biến chứng của bệnh màng trước võng mạc

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ nhãn khoa bất cứ khi nào thấy vấn đề thị lực của mình thay đổi, bao gồm các triệu chứng như biến dạng nhìn hoặc giảm thị lực. Việc gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để có thể được điều trị sớm, hạn chế các biến chứng. 

Bên cạnh đó, bạn cũng nên khám mắt thường xuyên để bác sĩ có thể nhận thấy các vấn đề, vì có thể bạn không xuất hiện bất cứ triệu chứng nào cho đến khi được chẩn đoán bệnh bằng khám mắt định kỳ.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh màng trước võng mạc

Bệnh màng trước võng mạc vô căn là phổ biến nhất (chưa rõ nguyên nhân). Bệnh màng trước võng mạc thứ phát có thể gặp sau các tình trạng như chấn thương, bệnh võng mạc đái tháo đường, phẫu thuật nội nhãn, phù hoàng điểm hay viêm nội nhãn mạn tính. Bong võng mạc hay khối u nội nhãn cũng có thể dẫn đến bệnh màng trước võng mạc thứ phát.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh màng trước võng mạc?

Bệnh màng trước võng mạc có thể hình thành ở cả nam và nữ. Trong đó, bệnh màng trước võng mạc phổ biến nhất là vô căn, thường gặp ở những người bệnh trên 50 tuổi và phổ biến nhất ở độ tuổi trên 75. Nghiên cứu cho thấy cả hai giới đều bị ảnh hưởng như nhau, nhưng một số báo cáo cũng cho kết quả rằng tỷ lệ bệnh cao hơn ở nữ giới.

Bệnh màng trước võng mạc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Tuổi cao là một yếu tố nguy cơ của bệnh màng trước võng mạc

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh màng trước võng mạc

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh màng trước võng mạc bao gồm:

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm bệnh màng trước võng mạc

Hầu hết mọi người đều không biết rằng họ mắc bệnh màng trước võng mạc, cho đến khi bác sĩ phát hiện qua khám mắt thông thường. Bác sĩ nhãn khoa sẽ đưa ra chẩn đoán dựa trên bệnh sử và khám lâm sàng, soi đáy mắt. Đôi khi, kỹ thuật chụp cắt lớp quang học (OCT) được thực hiện để chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh màng trước võng mạc.

Bệnh màng trước võng mạc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Chụp cắt lớp quang học là kỹ thuật giúp chẩn đoán xác định bệnh màng trước võng mạc

Điều trị bệnh màng trước võng mạc

Nội khoa

Hầu hết người bệnh mắc bệnh màng trước võng mạc không cần điều trị nếu nó không ảnh hưởng đến thị lực hoặc gây biến dạng nhìn đáng kể. Mục tiêu của việc điều trị là bảo tồn hoặc cải thiện thị lực, giảm thiểu các triệu chứng như nhìn đôi, biến dạng nhìn và nâng cao chất lượng cuộc sống. Quản lý bệnh bằng biện pháp không phẫu thuật bao gồm sử dụng thuốc tiêu dịch kính (ocriplasmin).

Ngoại khoa

Quản lý bằng phẫu thuật bao gồm cắt bỏ dịch kính pars-plana (PPV) với lột bỏ lớp màng trước võng mạc. Đây là một phương pháp điều trị được áp dụng thành công trong nhiều thập kỷ, với kết quả cải thiện thị giác và giảm tái phát. 

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của bệnh màng trước võng mạc

Để hạn chế diễn tiến của bệnh màng trước võng mạc, việc bạn cần làm bao gồm:

  • Tái khám thường xuyên để bác sĩ có thể theo dõi tình trạng của bạn, đặc biệt là kiểm tra mắt còn lại nếu bạn đã bị màng trước võng mạc ở một mắt.
  • Cần điều trị sớm nếu bạn có các triệu chứng gây ảnh hưởng đến cuộc sống như biến dạng nhìn, giảm thị lực. Việc điều trị sớm bằng phẫu thuật giúp giải quyết tốt các triệu chứng cho bạn.
  • Biến chứng thường gặp của phẫu thuật điều trị bệnh màng trước võng mạc là tiến triển nhanh chóng đục thuỷ tinh thể. Bạn cần theo dõi các triệu chứng và có thể cần tiến hành phẫu thuật đục thuỷ tinh thể trong vòng 2 năm để tối đa hoá lợi ích của lột màng.
  • Sau khi điều trị, bạn cũng cần theo dõi dài hạn bởi bác sĩ, vì bệnh màng trước võng mạc có thể tái phát.
Bệnh màng trước võng mạc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Bạn cần tái khám mắt thường xuyên sau khi đã điều trị bệnh màng trước võng mạc

Phòng ngừa bệnh màng trước võng mạc

Vì đa số bệnh màng trước võng mạc là không rõ nguyên nhân (vô căn) nên không có cách để ngăn ngừa tình trạng này. Đối với các đối tượng nguy cơ, có thể mắc bệnh màng trước võng mạc thứ phát, bạn cần kiểm tra mắt định kỳ để phát hiện và điều trị khi có chỉ định.

Các câu hỏi thường gặp về bệnh màng trước võng mạc

Bị bệnh màng trước võng mạc có thể điều trị dứt điểm không?

Điều trị bệnh màng trước võng mạc bằng cách phẫu thuật lột màng có thể giúp bạn cải thiện các triệu chứng như giảm thị lực, biến dạng nhìn. Nhiều người sau phẫu thuật ghi nhận cải thiện trong vòng 3 đến 6 tháng đầu tiên. Tuy nhiên, sau điều trị phẫu thuật, vẫn có khả năng tái phát lại bệnh màng trước võng mạc, do đó bạn vẫn cần phải được theo dõi dài hạn.

Khi nào tôi nên gặp bác sĩ nhãn khoa để khám bệnh?

Bạn nên đến gặp bác sĩ nhãn khoa nếu gặp bất cứ vấn đề nào về thị lực của mình, ví dụ như các triệu chứng của biến dạng nhìn. Bạn cũng cần tái khám mắt thường xuyên để phát hiện các vấn đề về mắt càng sớm càng tốt.

Tôi bị bệnh màng trước võng mạc ở một mắt và đã được điều trị, vậy tôi có cần phải theo dõi tiếp hay không?

Bạn cần phải tiếp tục tái khám để bác sĩ theo dõi tình trạng của mình. Vì sau khi phát hiện bệnh màng trước võng mạc ở một mắt, khả năng bạn sẽ phát triển bệnh ở mắt còn lại.

Thời gian hồi phục sau phẫu thuật điều trị bệnh màng trước võng mạc phụ thuộc vào các yếu tố nào?

Nhiều người sau phẫu thuật nhận thấy triệu chứng cải thiện sau 3 đến 6 tháng, một số khác không cải thiện cho đến 1 đến 2 năm. Thời gian để mắt bạn hồi phục sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm thời gian xuất hiện màng là bao lâu, màng đã làm co kéo võng mạc đến mức nào và nguyên nhân dẫn đến bệnh màng trước võng mạc là gì? Đối với những người mắc bệnh màng trước võng mạc vô căn, cơ hội hồi phục hoàn toàn sẽ cao hơn.

Phẫu thuật bệnh màng trước võng mạc có thể có biến chứng hay không?

Các biến chứng có thể xảy ra khi phẫu thuật điều trị bệnh màng trước võng mạc thường gặp nhất bao gồm chảy máu nội nhãn và vỡ võng mạc. Sau phẫu thuật, các biến chứng có thể gặp như nhiễm trùng, tiến triển nhanh đục thuỷ tinh thể, bong võng mạc, lỗ hoàng điểm và tái phát bệnh màng trước võng mạc có thể xảy ra.

Nguồn tham khảo
  1. Epiretinal Membrane: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560703/
  2. What Is an Epiretinal Membrane?: https://www.webmd.com/eye-health/what-is-epiretinal-membrane
  3. Epiretinal membrane: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/retinal-diseases/multimedia/img-20135596
  4. Epiretinal Membrane: https://www.msdmanuals.com/professional/eye-disorders/retinal-disorders/epiretinal-membrane
  5. Epiretinal Membranes: https://www.asrs.org/patients/retinal-diseases/19/epiretinal-membranes
  6. Epiretinal Membrane: https://emedicine.medscape.com/article/1223882-overview 

Các bệnh liên quan