Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Xơ gan còn bù là gì? Những điều cần chú ý trong điều trị và phòng ngừa

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Xơ gan là kết quả của tổn thương gan dai dẳng trong nhiều năm, biểu hiện bằng việc các tế bào gan khỏe mạnh bị thay thế dần bằng mô sẹo. Xơ gan còn bù thường không có triệu chứng rõ ràng vì lúc này gan vẫn có thể thực hiện chức năng của mình. Nếu không được điều trị, bệnh có thể diễn tiến đến giai đoạn xơ gan mất bù và gan không thể thực hiện chức năng như bình thường.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Xơ gan còn bù là gì?

Gan là một cơ quan trong cơ thể có vai trò quan trọng vì nó có những chức năng:

  • Thải độc;
  • Lưu trữ các vitamin và khoáng chất như vitamin A, vitamin D,...;
  • Sản xuất mật;
  • Chuyển hóa như glycogen thành đường để cơ thể sử dụng;
  • Tổng hợp như yếu tố đông máu, albumin,...

Xơ gan là tình trạng tế bào gan bị xơ hóa và bị thay thế bằng mô sẹo do các chất độc hoặc bệnh lý làm tổn thương gan gây ra. Sẹo hình thành do gan bị xơ thường không thể hồi phục nhưng bạn có thể kiểm soát tình trạng này.

Xơ gan là nguyên nhân gây nhập viện và tử vong phổ biến nhất là ở những người sau tuổi trung niên. Theo Viện Y tế Quốc gia (The National Institutes of Health - NIH), cứ 400 người trưởng thành sẽ có 1 người mắc bệnh xơ gan ở Hoa Kỳ.

Xơ gan được chia thành hai giai đoạn gồm xơ gan còn bù và xơ gan mất bù. Xơ gan còn bù là khi gan vẫn có thể thực hiện hầu hết hoặc tất cả các chức năng cơ bản có nó. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn xơ gan mất bù, nhiều biến chứng nguy hiểm sẽ xảy ra, đây là giai đoạn có thể gây tử vong nếu không được điều trị và theo dõi chặt chẽ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của xơ gan còn bù

Xơ gan còn bù có thể không có triệu chứng và dấu hiệu khiến bạn chú ý cho đến khi bệnh diễn tiến đến giai đoạn gan bị tổn thương chức năng hoặc nặng hơn là xơ gan mất bù. Những triệu chứng có thể gặp ở những người trong giai đoạn xơ gan còn bù:

  • Cảm giác mệt mỏi, yếu.
  • Chán ăn, ăn không ngon.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Đau hạ sườn phải (phía trên bên phải của bụng).
  • Buồn nôn và nôn.
  • Thường xuyên bị bầm tím hoặc có những vết bầm tím kích thước lớn.
  • Vàng da, vàng mắt.
  • Dấu sao mạch: Các mao mạch nhỏ, màu đỏ, giống hình con nhện, thường xuất hiện ở vùng ngực, bụng, cánh tay, mặt, cổ, lưng trên.
  • Cảm thấy ngứa;
  • Sương mù não (Brain Fog): Rối loạn nhận thức như mệt mỏi, kém tập trung, giảm tỉnh táo.
Xơ gan còn bù là gì? Những điều cần chú ý trong điều trị và phòng ngừa 4
Vàng da, vàng mắt là triệu chứng ở giai đoạn xơ gan còn bù

Những triệu chứng này có thể xuất hiện thoáng qua hoặc mơ hồ khiến bạn không phát hiện thấy. Do đó hãy lắng nghe và kiểm tra tình trạng sức khỏe của mình mỗi ngày để có thể phát hiện sớm bệnh.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh xơ gan còn bù

Phần lớn các trường hợp xơ gan còn bù không gây biến chứng, tuy nhiên không vì thế mà chủ quan. Bạn cần theo dõi và điều trị thích hợp để tránh việc diễn tiến nặng đến giai đoạn xơ gan mất bù. Khi bạn chuyển sang giai đoạn mất bù thì nhiều biến chứng có thể xảy ra như xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, báng bụng (cổ trướng), bệnh não gan, ung thư gan,...

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Các triệu chứng và dấu hiệu của xơ gan còn bù xuất hiện khá trễ và mơ hồ, có thể khiến nhiều người không phát hiện ra. Do đó hãy lắng nghe và kiểm tra tình trạng cơ thể của bạn. Nếu có bất kỳ triệu chứng nêu trên hãy liên hệ khám bác sĩ ngay lập tức. Chẩn đoán sớm và điều trị tốt giúp bạn kiểm soát bệnh tốt hơn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến xơ gan còn bù

Hiện nay, có nhiều nguyên nhân đã được tìm ra là có liên quan đến tổn thương gây sẹo cho gan của bạn:

Bệnh gan do rượu

Theo một phân tích năm 2019, nguy cơ bị xơ gan tăng lên đối với nữ giới ngay cả khi uống rượu bia vừa phải. Còn đối với nam giới, nguy cơ mắc bệnh xơ gan tăng lên nếu bạn uống nhiều hơn một ly mỗi ngày. Tuy nhiên, với những người có thói quen uống 1 ly rượu vang vào mỗi bữa tối không làm tăng nguy cơ xơ gan.

Mặc dù gan có chức năng thải độc, trong đó có rượu nhưng nếu nồng độ độc tố quá cao gan có thể sẽ không hoạt động được. Bệnh gan do rượu là kết quả của việc bạn uống rượu bia thường xuyên với lượng nhiều trong nhiều năm.

Viêm gan siêu vi mạn tính

Viêm gan siêu vi B và viêm gan siêu vi C là hai loại viêm gan thường gặp nhất. Yếu tố nguy cơ mắc viêm gan gồm:

  • Quan hệ tình dục không an toàn;
  • Dùng chung kim tiêm, nhất là tiêm chích ma túy;
  • Truyền máu không an toàn;
  • Tiền sử xăm mình, làm móng, xỏ khuyên,...
Xơ gan còn bù là gì? Những điều cần chú ý trong điều trị và phòng ngừa 5
Tình dục không an toàn có thể gây viêm gan siêu vi mạn tính dẫn đến xơ gan

Nếu không được điều trị và kiểm soát tốt, viêm gan siêu vi có thể dẫn đến xơ gan. Vaccine có thể bảo vệ chống lại bệnh viêm gan siêu vi B nhưng không bảo vệ được bạn khỏi viêm gan siêu vi C.

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu hoặc viêm gan nhiễm mỡ không do rượu

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu là tình trạng chất béo tích tụ trong gan nhưng không liên quan đến tình trạng sử dụng rượu. Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu là một loại của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu với mức độ nặng. Nếu bạn không điều trị, chúng có thể dẫn đến xơ gan còn bù.

Những người có nguy cơ cao mắc bệnh này:

  • Hội chứng chuyển hóa như béo phì, đái tháo đường, tăng cholesterol, tăng huyết áp.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang.

Nguyên nhân khác

  • Bệnh xơ nang.
  • Viêm gan tự miễn: Thường xuất hiện trên những người có tiền sử mắc bệnh tự miễn, lúc này hệ thống miễn dịch của bạn sẽ tấn công nhầm các tế bào bình thường trong cơ thể bạn.
  • Tổn thương đường mật như viêm đường mật nguyên phát.
  • Di truyền như hemochromatosis (tình trạng tích tụ sắt trong cơ thể), bệnh Wilson (tình trạng tích tụ đồng trong gan).
  • Thuốc như acetaminophen, kháng sinh, thuốc chống trầm cảm…

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc xơ gan còn bù?

Nếu bạn mắc những bệnh dưới đây thì nguy cơ bạn mắc xơ gan cao hơn những người không mắc bệnh này. Tuy nhiên không phải tất cả những người mắc bệnh này sẽ tiến triển thành xơ gan:

  • Bệnh lý nhiễm trùng;
  • Xuất huyết tiêu hóa;
  • Viêm gan do rượu.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải xơ gan còn bù

Một số yếu tố nguy cơ khiến bạn dễ mắc xơ gan còn bù:

  • Uống bia rượu trong thời gian dài với số lượng nhiều;
  • Tiền sử xăm mình, xỏ khuyên;
  • Thường xuyên sử dụng các thuốc gây độc cho gan;
  • Chưa tiêm ngừa viêm gan B.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán xơ gan còn bù

Bác sĩ sẽ chẩn đoán xơ gan bằng bệnh sử và khám lâm sàng. Quan trọng nhất là tiền sử sử dụng rượu, mắc viêm gan siêu vi, bệnh tự miễn và các yếu tố nguy cơ khác. Khám các dấu hiệu vàng da, vàng mắt, gan lách to, lòng bàn tay son,...

Các xét nghiệm giúp chẩn đoán mức độ tổn thương gan và chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh:

  • Công thức máu toàn phần để đánh giá tình trạng thiếu máu;
  • Xét nghiệm chức năng đông máu;
  • Albumin và protein máu để đánh giá chức năng tổng hợp;
  • Xét nghiệm chức năng gan như AST, ALT, GGT, bilirubin,...;
  • Kháng thể virus viêm gan B và C;
  • Alpha fetoprotein giúp sàng lọc ung thư gan;
  • Nội soi đánh giá tình trạng giãn tĩnh mạch thực quản;
  • Siêu âm bụng;
  • MRI hoặc CT-scan bụng;
  • Sinh thiết gan.
Xơ gan còn bù là gì? Những điều cần chú ý trong điều trị và phòng ngừa 6
Phương pháp sinh thiết gan qua ngã cảnh

Phương pháp điều trị xơ gan còn bù

Xơ gan còn bù vẫn có thể điều trị và làm chậm diễn tiến bệnh. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây xơ gan mà phương pháp điều trị sẽ khác nhau. Mục tiêu điều trị xơ gan còn bù bao gồm quản lý nguyên nhân, thay đổi lối sống và chế độ ăn uống, quan trọng nhất là hạn chế xơ gan còn bù tiến triển đến xơ gan mất bù.

Các phương pháp điều trị cho người bệnh xơ gan còn bù chủ yếu là nội khoa. Thuốc kháng virus có thể giúp điều trị khỏi hoàn toàn viêm gan siêu vi C nhưng chỉ giúp ức chế virus và giúp ổn định bệnh chứ không điều trị khỏi viêm gan siêu vi B. Corticosteroid và thuốc ức chế miễn dịch có thể giúp kiểm soát một số bệnh lý tự miễn.

Nếu để bệnh diễn tiến đến xơ gan mất bù, đây là giai đoạn sau của bệnh xơ gan còn bù. Việc điều trị bệnh sẽ khó khăn hơn vì giai đoạn thường gặp nhiều biến chứng, và các biến chứng này khi xảy ra sẽ khiến thời gian sống của bạn giảm xuống. 

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của xơ gan còn bù

Khi bạn được chẩn đoán xơ gan còn bù, việc thay đổi lối sống và cách ăn uống thường ngày là một trong những phương pháp điều trị và phòng ngừa diễn tiến bệnh.

Chế độ sinh hoạt:

  • Tái khám định kỳ theo lịch;
  • Ngừng uống rượu bia, hút thuốc lá;
  • Nếu bạn đang thừa cân hoặc béo phì hãy giảm cân;
  • Chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc ở ngoài;
  • Tập thể dục để kiểm soát trọng lượng cơ thể;
  • Quan hệ tình dục có đồ phòng hộ, an toàn.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn uống lành mạnh, thực phẩm sạch;
  • Tăng cường bổ sung protein;
  • Hạn chế ăn mặn, sử dụng thực phẩm đóng hộp;
  • Ăn chín, uống sôi;
  • Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo, dầu mỡ, thức ăn nhanh.
Xơ gan còn bù là gì? Những điều cần chú ý trong điều trị và phòng ngừa 7
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh sẽ giúp hạn chế diễn tiến của bệnh

Phương pháp phòng ngừa xơ gan còn bù hiệu quả

Bạn có thể phòng ngừa một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khiến bạn dễ bị xơ gan còn bù. Dù vậy bạn vẫn có thể mắc bệnh dù đã phòng ngừa chặt chẽ, do đó hãy luôn kiểm tra sức khỏe của mình dù bạn có thể cảm thấy mình rất khỏe mạnh.

  • Không uống rượu bia;
  • Không sử dụng ma túy, thuốc phiện, chất gây nghiện khác;
  • Quan hệ tình dục an toàn;
  • Tiêm ngừa viêm gan siêu vi B, cúm;
  • Không sử dụng kim tiêm với người khác;
  • Xăm mình hoặc xỏ khuyên ở những nơi uy tín và được khử trùng đúng cách;
  • Khám sức khỏe định kỳ;
  • Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các thuốc độc cho gan như acetaminophen, aspirin,...;
  • Ăn uống lành mạnh, tránh ăn quá mặn, ăn nhiều đồ dầu mỡ, thức ăn đóng hộp,...;
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh;
  • Tập luyện thường xuyên tránh việc lười vận động.
Nguồn tham khảo
  1. Stages of Cirrhosis: Compensated & Decompensated: https://hepatitisc.net/living/stages-cirrhosis-compensated-and-decompensated
  2. Cirrhosis: https://www.healthline.com/health/cirrhosis
  3. Cirrhosis of the Liver: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15572-cirrhosis-of-the-liver
  4. Everything you need to know about cirrhosis: https://www.medicalnewstoday.com/articles/172295
  5. Cirrhosis and Your Liver: https://www.webmd.com/digestive-disorders/understanding-cirrhosis-basic-information

Các bệnh liên quan