Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Suy gan cấp là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Suy gan cấp là tình trạng mất chức năng gan xảy ra nhanh chóng, trong vài ngày hoặc vài tuần, thường ở người không mắc bệnh gan từ trước. Nguyên nhân phổ biến nhất là do virus viêm gan hoặc do thuốc (như acetaminophen). Suy gan cấp ít phổ biến hơn suy gan mạn. Suy gan cấp có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm xuất huyết và tăng áp lực nội sọ, là một tình trạng cấp cứu y tế cần phải nhập viện.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Suy gan cấp là gì?

Suy gan cấp (Acute liver failure) là một hội chứng hiếm gặp được xác định bởi sự suy giảm nhanh chóng chức năng gan, đặc trưng bởi các triệu chứng vàng da, rối loạn đông máu (INR > 1,5) và bệnh não gan ở những người không có bằng chứng về bệnh gan trước đó.

Khoảng thời gian từ khi bắt đầu vàng da đến xuất hiện bệnh não gan xảy ra trong vòng 24 đến 26 tuần và có thể phân suy gan cấp thành các loại dựa trên biểu hiện tối cấp, cấp tính hoặc bán cấp. Mặc dù vàng da lâm sàng được coi là đặc điểm của suy gan cấp, nhưng không phải lúc nào nó cũng xuất hiện, đặc biệt là trong các trường hợp tối cấp.

  • Suy gan tối cấp: Xuất hiện trong vòng 7 ngày kể từ ngày khởi phát. Tỷ lệ sống sót 36% trường hợp có điều trị y tế.
  • Suy gan cấp: Bệnh não gan, rối loạn đông máu và vàng da xuất hiện trong vòng 8 - 28 ngày ở người có chức năng gan bình thường trước đó. Dễ bị phù não hơn (80%).
  • Suy gan bán cấp: Xuất hiện từ 29 - 72 ngày, ít bị phù não nhưng dễ bị cổ trướng hơn. Tỷ lệ sống sót nhỏ hơn 14%.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của suy gan cấp

Các dấu hiệu và triệu chứng của suy gan cấp có thể bao gồm:

  • Vàng da và vàng mắt;
  • Đau ở vùng bụng trên bên phải của bạn;
  • Bụng to lên (cổ trướng);
  • Buồn nôn;
  • Nôn mửa;
  • Cảm thấy mệt mỏi (khó chịu);
  • Mất phương hướng hoặc lú lẫn;
  • Buồn ngủ;
  • Hơi thở có thể có mùi ceton;
  • Run.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh suy gan cấp

Suy gan cấp thường gây ra các biến chứng, bao gồm:

  • Phù não: Tăng áp lực nội sọ có thể dẫn đến mất phương hướng, rối loạn tâm thần nghiêm trọng và co giật.
  • Xuất huyết và rối loạn động máu: Tế bào gan bị suy không thể tạo ra các yếu tố đông máu. Xuất huyết ở đường tiêu hóa là phổ biến và khó kiểm soát.
  • Nhiễm trùng: Những người bệnh suy gan cấp có nhiều khả năng bị nhiễm trùng hơn, đặc biệt là nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng đường hô hấp và đường tiết niệu.
  • Suy thận: Suy thận thường xảy ra sau suy gan, đặc biệt nếu bạn dùng quá liều acetaminophen, gây tổn thương cả gan và thận.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Suy gan cấp có thể tiến triển nhanh chóng ở người khỏe mạnh và đe dọa tính mạng. Nếu bạn hoặc ai đó bạn biết đột nhiên bị vàng mắt hoặc da, đau ở vùng bụng trên, hoặc bất kỳ thay đổi bất thường nào về trạng thái tinh thần, tính cách hoặc hành vi, hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Suy gan cấp là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa 4
Suy gan cấp là một tình trạng cấp cứu y tế cần phải gặp bác sĩ ngay

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến suy gan cấp

Nguyên nhân gây suy gan cấp, bao gồm:

  • Quá liều thuốc acetaminophen: Liều lớn thuốc này có thể gây tổn thương gan hoặc dẫn đến suy gan.
  • Các loại virus: Bao gồm virus viêm gan A , B và E, virus Epstein-Barr, virus cytomegalo và virus herpes simplex. Chúng dẫn đến tổn thương gan hoặc xơ gan .
  • Phản ứng với một số loại thuốc kê đơn và thảo dược: Một số loại thuốc gây độc tế bào gan của bạn.
  • Ăn nấm dại độc: Một loại nấm có tên là Amanita phalloides hay còn gọi là nấm mũ tử thần, chứa chất độc gây tổn thương tế bào gan và dẫn đến suy gan trong vòng vài ngày.
  • Viêm gan tự miễn: Giống như viêm gan siêu vi, căn bệnh này khiến cơ thể bạn tấn công tế bào gan, có thể dẫn đến suy gan cấp.
  • Bệnh Wilson: Bệnh di truyền này ngăn cơ thể bạn loại bỏ chất đồng, khiến nó tích tụ và gây tổn hại cho gan của bạn.
  • Gan nhiễm mỡ cấp tính khi mang thai: Trong tình trạng hiếm gặp này, chất béo dư thừa sẽ tích tụ ở gan của bạn và làm tổn thương gan.
  • Sốc nhiễm trùng: Tình trạng nhiễm trùng quá mức này trong cơ thể bạn có thể làm tổn thương gan hoặc khiến gan ngừng hoạt động.
  • Hội chứng Budd Chiari: Căn bệnh hiếm gặp này làm hẹp và tắc các mạch máu trong gan của bạn.
  • Chất độc công nghiệp: Nhiều hóa chất, bao gồm carbon tetrachloride và chất tẩy rửa có thể gây hại cho gan của bạn.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải suy gan cấp?

Bạn có nguy cơ bị suy gan cấp nếu bạn:

  • Uống quá nhiều acetaminophen.
  • Mắc một số bệnh hoặc nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm gan, bệnh Wilson và virus herpes simplex.
  • Lưu lượng máu đến gan kém.
Suy gan cấp là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa 5
Quá liều thuốc acetaminophen là một trong những yếu tố gây suy gan cấp

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải suy gan cấp

Uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ mắc phải suy gan cấp.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán suy gan cấp

Suy gan cấp là một tình trạng nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền căn sức khỏe, việc bạn tự ý sử dụng thuốc và bất kỳ khả năng tiếp xúc với độc chất nào. Bác sĩ có thể thăm khám các dấu hiệu viêm gan, chẳng hạn như vàng da, mệt mỏi và đau bụng.

Bạn có thể được:

  • Kiểm tra tri giác: Sự tỉnh táo, tình trạng tinh thần, ý thức.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm men gan và nồng độ bilirubin của bạn. Họ cũng đo chức năng đông máu của bạn (được gọi là thời gian prothrombin).
  • Chẩn đoán hình ảnh: Bạn có thể được chụp CT hoặc MRI.

Phương pháp điều trị suy gan cấp

Điều trị suy gan cấp phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Nếu bác sĩ cho rằng bạn đã dùng quá nhiều acetaminophen, bạn có thể sẽ được sử dụng than hoạt tính để giúp cơ thể giảm lượng thuốc được hấp thu qua đường tiêu hóa. Hoặc có thể dùng N-acetylcystein, một loại thuốc dùng điều trị quá liều acetaminophen, đôi khi nó cũng hữu ích cho những người bị suy gan cấp không phải do quá nhiều acetaminophen.

Nếu viêm gan siêu vi là nguyên nhân gây suy gan cấp, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn một số loại thuốc tùy thuộc vào loại viêm gan mà bạn mắc phải. Nếu bạn bị viêm gan tự miễn, bác sĩ có thể điều trị cho bạn bằng thuốc steroid.

Nếu bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân gây suy gan cấp, bạn có thể được chỉ định sinh thiết gan. Xét nghiệm này có thể cung cấp thêm thông tin về gan của bạn, giúp bác sĩ đưa ra quyết định điều trị.

Nếu việc điều trị không thể giúp chức năng gan hoạt động trở lại, bạn có thể cần được ghép gan. Trong khi chờ đợi có gan, bạn có thể được sử dụng một số liệu pháp điều trị để duy trì sự sống.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của suy gan cấp

Chế độ sinh hoạt:

  • Nghỉ ngơi đầy đủ: Hãy nghỉ ngơi và tránh làm việc quá sức để giúp cơ thể phục hồi.
  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ: Luôn tuân thủ hướng dẫn và chỉ định từ bác sĩ hoặc nhân viên y tế. Đảm bảo bạn uống đủ thuốc theo toa và đặt lịch hẹn tái khám định kỳ để theo dõi tiến trình phục hồi.
  • Giữ vệ sinh cá nhân tốt: Đảm bảo vệ sinh cá nhân tốt để ngăn ngừa nhiễm trùng và bảo vệ gan khỏi các tác nhân gây hại. Hãy rửa tay thường xuyên, sạch sẽ và tránh tiếp xúc với các chất độc hại như hóa chất và thuốc trừ sâu.
  • Theo dõi triệu chứng và tái khám định kỳ: Theo dõi triệu chứng của bạn và báo cáo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ thay đổi hay tình trạng mới xuất hiện. Điều này giúp bác sĩ đánh giá tiến trình phục hồi của gan và đưa ra điều chỉnh phù hợp trong chế độ điều trị.

Lưu ý rằng chế độ sinh hoạt cho người bệnh suy gan cấp có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe cụ thể của từng người. Luôn tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ để có lời khuyên phù hợp và chi tiết hơn.

Suy gan cấp là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa 6
Người bệnh suy gan cấp nên tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ

Chế độ dinh dưỡng: 

  • Giảm muối nhập: Hạn chế tiêu thụ muối trong chế độ ăn uống để giảm tích nước và phòng ngừa cổ trướng. Tránh muối và các thực phẩm chế biến có nồng độ cao natri như thức ăn nhanh và đồ hộp. Thay vào đó, sử dụng các loại gia vị không muối để tăng hương vị của món ăn.
  • Tăng cường calo: Bổ sung đủ calo để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Hãy ăn các loại thực phẩm giàu calo như ngũ cốc, hạt và chất béo lành mạnh từ nguồn thực phẩm như cá, hạt chia và dầu ô-liu.
  • Uống đủ nước: Đảm bảo uống đủ nước để duy trì cân bằng nội môi trong cơ thể. Hạn chế tiêu thụ các loại đồ uống có chứa caffeine và cồn, vì chúng có thể gây căng thẳng cho gan.
  • Giảm tải gan: Tránh các chất độc hại cho gan như thuốc lá, rượu, thuốc trừ sâu và các hợp chất hóa học. Hạn chế sử dụng thuốc không cần thiết và tuân thủ đúng liều lượng khi sử dụng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: Bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như rau xanh, trái cây tươi, hạt, dầu ô-liu và các loại thực phẩm giàu vitamin C và E. Chúng có thể giúp bảo vệ gan khỏi tổn thương do stress oxy hóa.

Nên nhớ rằng chế độ dinh dưỡng cho người bệnh suy gan cấp cần được điều chỉnh cho từng trường hợp cụ thể. Luôn tham khảo ý kiến ​​của chuyên gia y tế hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong chế độ dinh dưỡng của bạn.

Phương pháp phòng ngừa suy gan cấp hiệu quả

Bạn có thể giảm nguy cơ bị suy gan cấp bằng cách chăm sóc gan của bạn:

  • Thực hiện theo hướng dẫn về sử dụng thuốc: Nếu bạn dùng acetaminophen hoặc các loại thuốc khác, hãy đọc hướng dẫn sử dụng về liều lượng khuyến cáo. Nếu bạn đã bị bệnh gan, hãy hỏi ý kiến bác sĩ xem lượng acetaminophen nào là an toàn cho bạn.
  • Uống rượu có chừng mực: Nếu bạn chọn uống rượu, hãy uống có chừng mực. Đối với người lớn khỏe mạnh, nên uống tối đa hai ly mỗi ngày đối với nam giới và một ly mỗi ngày đối với phụ nữ.
  • Tránh hành vi nguy hiểm: Không sử dụng chung kim tiêm. Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Nếu bạn xăm mình hoặc xỏ khuyên trên cơ thể, hãy đảm bảo dụng cụ sạch sẽ và an toàn.
  • Hãy tiêm chủng ngừa: Nếu bạn mắc bệnh gan mạn, có tiền sử mắc bất kỳ loại bệnh viêm gan nào hoặc có nguy cơ mắc bệnh viêm gan cao hơn, hãy trao đổi với bác sĩ về việc tiêm vắc xin viêm gan B và A.
  • Tránh tiếp xúc với máu và dịch cơ thể của người khác: Vô tình bị kim đâm hoặc tiếp xúc máu hoặc dịch cơ thể không đúng cách có thể lây lan virus viêm gan. Dùng chung lưỡi dao cạo hoặc bàn chải đánh răng cũng có thể lây nhiễm.
  • Không ăn nấm dại: Có thể khó phân biệt được sự khác biệt giữa nấm độc và nấm an toàn để ăn.
  • Cẩn thận với thuốc phun xịt: Thực hiện các biện pháp bảo vệ (đeo khẩu trang, đồ bảo hộ, mũ, áo dài tay,…) khi phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm, sơn tường và các hóa chất độc hại khác. Thực hiện theo hướng dẫn sử dụng sản phẩm một cách cẩn thận.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Béo phì có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Suy gan cấp là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa 7
Không ăn nấm dại độc để phòng ngừa suy gan cấp
Nguồn tham khảo
  • Acute Liver Failure: https://www.msdmanuals.com/professional/hepatic-and-biliary-disorders/approach-to-the-patient-with-liver-disease/acute-liver-failure
  • Acute Liver Failure: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482374/ 
  • What Is Liver Failure?: https://www.webmd.com/digestive-disorders/digestive-diseases-liver-failure
  • Acute Liver Failure: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/acute-liver-failure
  • Acute Liver Failure: https://emedicine.medscape.com/article/177354-overview
Chủ đề:Suy ganBệnh gan

Các bệnh liên quan