Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Són phân là gì? Dấu hiệu nhận biết, điều trị và cách phòng ngừa són phân

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Són phân hay còn gọi là đi cầu không tự chủ là một trạng thái mà người bệnh không có khả năng kiểm soát hoặc khống chế quá trình tiết ra phân. Đây là một vấn đề y tế nhạy cảm và có thể gây ra sự bất tiện và xấu hổ cho người bị ảnh hưởng. Việc không tự chủ trong việc đi tiêu có thể do nhiều nguyên nhân như bệnh lý hệ tiêu hóa hay suy giảm cơ xương vùng chậu.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Són phân là gì?

Són phân hay đại tiện không tự chủ là tình trạng mất kiểm soát nhu động ruột dẫn đến phân thải trừ không tự chủ. Tình trạng són phân xảy ra sẽ khác nhau ở mỗi người. Một số người sẽ cảm thấy được cần đi vệ sinh nhưng không thể đến nhà vệ sinh kịp thời, một số sẽ không có nhận thức được nhu cầu cần đi đại tiện. Tình trạng này có thể xảy ra hàng ngày ở một số người, trong khi đó đối với những người khác, són phân chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian.

Người ta cho rằng cứ 10 người sẽ có 1 người bị són phân vào một thời điểm nào đó trong đời. Tình trạng này ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, mặc dù nó phổ biến hơn ở người cao tuổi và són phân cũng phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của són phân

Triệu chứng của són phân có thể bao gồm:

  • Rò rỉ phân: Người bị són phân có thể rò ra phân nhỏ hoặc lỏng khi không có ý định đi đại tiện hoặc khả năng kiểm soát.
  • Không có cảm giác đi tiêu: Một số người không có cảm giác khi phân đang trong trạng thái cần được thải ra hoặc không cảm nhận được cảm giác đi tiêu.
  • Mất khả năng nhịn: Người bị són phân không thể nhịn được việc đi tiêu khi cần hoặc không thể chờ đến đúng nhà vệ sinh để đi tiêu.
  • Phân rơi ra khi có áp lực: Người bị đi đại tiện không tự chủ có thể gặp khó khăn trong việc giữ phân, dẫn đến việc phân rơi ra một cách không kiểm soát khi có áp lực ổ bụng.
Són phân là gì? Dấu hiệu nhận biết, điều trị và cách phòng ngừa són phân 4
Người bị són phân có thể không nhịn được để đến nhà vệ sinh

Tác động của són phân đối với sức khỏe

Són phân có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe của người bị ảnh hưởng. Dưới đây là một số tác động chính:

  • Nhiễm trùng và viêm nhiễm: Khi phân tiếp xúc với da quanh khu vực hậu môn, nó có thể gây kích ứng và viêm nhiễm da. Ngoài ra, nếu phân bị tiếp xúc lâu dài với niêm mạc hậu môn, có thể xảy ra viêm loét và nhiễm trùng đường tiêu hóa.
  • Tác động tâm lý: Đi đại tiện không tự chủ có thể gây ra tác động tâm lý nghiêm trọng. Người bị ảnh hưởng có thể trải qua cảm giác xấu hổ, cô đơn, tự ti và mất tự tin. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tạo ra căng thẳng tinh thần và gây ra vấn đề về tâm lý.
  • Hạn chế hoạt động: Són phân không tự chủ có thể làm cho người bị ảnh hưởng cảm thấy không thoải mái và e ngại tham gia vào các hoạt động xã hội hoặc hoạt động thể thao. Điều này có thể dẫn đến hạn chế hoạt động và giảm chất lượng cuộc sống.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn mắc chứng són phân. Điều này đặc biệt quan trọng nếu nó xảy ra thường xuyên, nghiêm trọng hoặc gây đau khổ về tinh thần. Thông thường, mọi người quá xấu hổ khi nói với bác sĩ về tình trạng đại tiện không tự chủ. Nhưng bạn càng được điều trị sớm thì bạn càng sớm thấy các triệu chứng của mình thuyên giảm.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến són phân

Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng són phân:

  • Tiêu chảy hoặc táo bón thường xuyên: Những tình trạng này làm các cơ ở trực tràng và hậu môn yếu đi dẫn đến giảm khả năng giữ phân trong cơ thể.
  • Tổn thương cơ: Ở phụ nữ khi sinh con qua đường âm đạo khó khăn, bác sĩ thường rạch một đường nhỏ (cắt tầng sinh môn) để tạo lỗ mở lớn hơn, điều này có thể gây tổn thương cơ. Tổn thương cơ cũng có thể gặp do phẫu thuật hậu môn hoặc trực tràng.
  • Tổn thương dây thần kinh: Nếu các dây thần kinh điều khiển việc co bóp của trực tràng và hậu môn bị tổn thương có thể dẫn đến tình trạng đi đại tiện không tự chủ có thể xảy ra.
  • Bệnh trĩ: Trĩ có thể làm cơ thắt không hoàn toàn khép lại do đó phân lỏng hoặc chất nhầy có thể đi qua một cách không chủ ý.
  • Các nguyên nhân khác: Lạm dụng thuốc nhuận tràng, xạ trị, một số khuyết tật về hệ thần kinh và bẩm sinh (di truyền) và bệnh viêm ruột có thể ảnh hưởng đến khả năng điều hòa phân.
Són phân là gì? Dấu hiệu nhận biết, điều trị và cách phòng ngừa són phân 5
Táo bón mạn tính sẽ gây ra tình trạng són phân

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải són phân?

Có một số nhóm người có nguy cơ cao bị són phân. Các nhóm này bao gồm:

  • Người cao tuổi: Tuổi tác có thể làm suy yếu cơ và thần kinh quản lý chức năng cơ ngăn hậu môn và gây ra són phân không kiểm soát.
  • Phụ nữ sau sinh: Quá trình sinh đẻ có thể gây tổn thương cơ và niêm mạc hậu môn, gây ra đi đại tiện không tự chủ. Đặc biệt, những người đã trải qua sinh đẻ tự nhiên hoặc sinh đẻ khó khăn có nguy cơ cao hơn.
  • Người bị bệnh trĩ: Bệnh trĩ là một tình trạng phổ biến ở người lớn, và nó có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát phân.
  • Người mắc các bệnh về tiêu hóa: Các bệnh như viêm đại tràng, bệnh Crohn, ung thư ruột và các rối loạn khác có thể làm suy yếu khả năng kiểm soát phân.
  • Người mắc bệnh tiểu đường: Tiểu đường có thể gây tổn thương thần kinh và cơ ngăn hậu môn, gây ra són phân không tự chủ.
  • Người mắc bệnh táo bón mạn tính: Táo bón mạn tính, đặc biệt là khi điều trị không hiệu quả hoặc không được kiểm soát, có thể tạo ra áp lực lên ruột và kéo căng các cơ trực tràng làm chúng yếu đi, gây ra són phân.
  • Người có tiền sử phẫu thuật trên đường tiêu hóa: Phẫu thuật trực tiếp trên ruột hoặc hậu môn có thể gây tổn thương cơ và thần kinh, gây ra són phân.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải són phân

Những người có lối sống không lành mạnh ví dụ như sử dụng chất kích thích, uống rượu quá nhiều, hút thuốc lá và lạm dụng chất gây nghiện có thể ảnh hưởng đến chức năng ruột và khả năng kiểm soát phân.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán són phân

Ban đầu bác sĩ sẽ hỏi tiền sử bệnh lý và thăm khám lâm sàng. Bạn có thể thấy xấu hổ, nhưng điều quan trọng là bạn phải trả lời một cách trung thực và đầy đủ nhất có thể để đảm bảo rằng bạn nhận được phương pháp điều trị phù hợp nhất. Bên cạnh đó, một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh có thể giúp việc chẩn đoán được chính xác hơn, bao gồm:

  • Nội soi hậu môn trực tràng: Nội soi hậu môn trực tràng sẽ kiểm tra xem có bất kỳ tắc nghẽn, tổn thương hoặc viêm nào trong lòng trực tràng của bạn hay không.
  • Đo áp lực hậu môn trực tràng: Đo áp lực hậu môn trực tràng sẽ giúp đánh giá áp lực trực tràng, cơ thắt hậu môn và phản xạ hậu môn – trực tràng.
  • Siêu âm hậu môn hậu môn trực tràng: Siêu âm hậu môn trực tràng sẽ có ích trong việc phát hiện tổn thương của các cơ vùng hậu môn trực tràng
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI có thể cung cấp hình ảnh rõ ràng về cơ vòng để xác định xem cơ có còn nguyên vẹn hay không.
Són phân là gì? Dấu hiệu nhận biết, điều trị và cách phòng ngừa són phân 6
Nội soi hậu môn trực tràng giúp chẩn đoán nguyên nhân gây són phân

Phương pháp điều trị són phân hiệu quả

Són phân thường được điều trị bằng phương pháp nội khoa và phẫu thuật nếu điều trị nội khoa không hiệu quả. Lựa chọn phương pháp điều trị cụ thể phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ của són phân.

Điều trị nội khoa:

Thay đổi lối sống và thay đổi chế độ ăn uống: Điều chỉnh chế độ ăn uống có thể giúp tăng cường sức khỏe ruột và giảm tình trạng són phân không tự chủ. Điều này bao gồm việc tăng cường cung cấp chất xơ trong khẩu phần ăn, duy trì lượng nước đủ, và tránh các chất kích thích như cafein và cồn. Bạn cũng có thể thực hiện các biện pháp điều chỉnh lối sống như tăng cường hoạt động thể chất và giảm căng thẳng để cải thiện chức năng ruột.

Thuốc có thể được sử dụng để giúp điều trị tiêu chảy hoặc táo bón trong són phân:

  • Thuốc chống tiêu chảy như loperamid giúp làm chậm chuyển động của phân qua hệ thống tiêu hóa, cho phép hấp thụ nhiều nước hơn từ phân.
  • Thuốc nhuận tràng nếu táo bón mạn tính gây ra tình trạng són phân của bạn.

Phẫu thuật:

Phẫu thuật thường chỉ được khuyến cáo nếu điều trị nội khoa không có hiệu quả. Một số thủ thuật như phẫu thuật tạo hình cơ vòng hoặc cơ vòng nhân tạo.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của són phân

Chế độ sinh hoạt:

  • Điều chỉnh thói quen đi đại tiện: Cố gắng thiết lập lịch trình đi đại tiện đều đặn và thực hiện nó vào cùng một thời gian hàng ngày.
  • Thời gian đi vệ sinh: Hãy dành đủ thời gian trong phòng vệ sinh để đảm bảo rằng bạn đã điều hòa ruột và hoàn thành việc đi đại tiện. Đừng gấp gáp hoặc ngồi quá lâu trên bồn cầu, vì nó có thể gây áp lực lên các cơ và dây thần kinh trong khu vực hậu môn.
  • Vận động thể chất: Thực hiện các bài tập vận động thể chất đều đặn có thể giúp tăng cường cơ và dây thần kinh trong khu vực hậu môn và ruột. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia về bài tập phù hợp cho bạn.
  • Quản lý stress: Stress có thể làm tăng tình trạng tiêu chảy và đi đại tiện không tự chủ. Hãy học cách quản lý căng thẳng bằng các phương pháp thư giãn như yoga, kegel, thiền hoặc kỹ thuật thở.
  • Chăm sóc vùng hậu môn: Đảm bảo vùng hậu môn luôn sạch và khô ráo. Sử dụng giấy vệ sinh mềm nhẹ khi lau, và hãy sử dụng các sản phẩm chăm sóc da nhẹ nhàng để tránh kích ứng.
Són phân là gì? Dấu hiệu nhận biết, điều trị và cách phòng ngừa són phân 7
Tập kegel giúp tăng cường cơ sàn chậu

Chế độ dinh dưỡng:

  • Cung cấp đủ chất xơ: Chất xơ là một thành phần quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của bạn. Nó giúp tăng độ dày và độ nhớt của phân, làm cho nó dễ kiểm soát hơn. Hãy tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt và hạt.
  • Uống đủ nước: Đảm bảo bạn uống đủ nước trong ngày để duy trì sự mềm mại và dễ điều chỉnh của phân. Hãy tránh uống quá nhiều cafein và cồn, vì chúng có thể làm tăng tình trạng tiêu chảy.
  • Tránh các chất kích thích: Một số chất kích thích như cafein, rượu bia và thực phẩm cay nóng có thể tác động đến chức năng ruột và làm tăng tình trạng tiêu chảy. Hạn chế tiêu thụ các chất này hoặc tránh sử dụng hoàn toàn nếu bạn thấy chúng gây ra tác động tiêu cực đến việc đi đại tiện của bạn.
  • Phân bổ chế độ ăn uống: Thay vì ăn một lượng lớn thức ăn trong một bữa, hãy chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Điều này giúp giảm lượng phân trong ruột và làm giảm nguy cơ tiêu chảy.
  • Ghi chép về chế độ ăn uống: Hãy ghi chép về thực phẩm bạn tiêu thụ và tác động của chúng đến đi đại tiện. Điều này giúp bạn nhận ra các thực phẩm gây ra tình trạng són phân và điều chỉnh chế độ ăn uống của mình.
Són phân là gì? Dấu hiệu nhận biết, điều trị và cách phòng ngừa són phân 8
Cung cấp đủ chất xơ giúp giảm nguy cơ són phân

Phương pháp phòng ngừa són phân hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Có chế độ dinh dưỡng phù hợp: Đảm bảo bạn có một chế độ ăn uống lành mạnh và cung cấp đầy đủ chất xơ để duy trì sự mềm mại và độ nhớt của phân. Uống đủ nước và tránh các chất kích thích như cafein và bia rượu.
  • Tập thể dục đều đặn: Vận động thể chất đều đặn giúp cải thiện chức năng ruột, tăng cường cơ và dây thần kinh trong khu vực hậu môn. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia về bài tập phù hợp cho bạn.
  • Tập kiểm soát ruột: Hãy học cách điều chỉnh ruột của bạn bằng cách thiết lập lịch trình đi đại tiện đều đặn và thực hiện nó vào cùng một thời gian hàng ngày. Điều này giúp giảm nguy cơ tiêu chảy.
  • Chăm sóc vùng hậu môn: Đảm bảo vùng hậu môn luôn sạch và khô ráo để tránh kích ứng và nhiễm trùng. Sử dụng giấy vệ sinh mềm nhẹ khi lau và hạn chế việc sử dụng các chất tẩy rửa có chứa hóa chất gây kích ứng.
  • Quản lý căng thẳng: Căng thẳng có thể làm tăng tình trạng tiêu chảy và són phân. Hãy học cách quản lý căng thẳng bằng các phương pháp thư giãn như yoga, thiền, kỹ thuật thở hoặc hoạt động giải trí.
  • Thảo luận với bác sĩ: Nếu bạn có triệu chứng hoặc mối quan ngại về đi són phân, hãy thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia y tế. Họ có thể đánh giá tình trạng của bạn và cung cấp hướng dẫn cụ thể và cá nhân hóa.
Nguồn tham khảo
  1. Fecal (Bowel) Incontinence: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14574-fecal-bowel-incontinence
  2. Fecal incontinence: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/fecal-incontinence/symptoms-causes/syc-20351397
  3. Bowel incontinence: https://www.nhs.uk/conditions/bowel-incontinence/
  4. Bowel Control Problems (Fecal Incontinence): https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/bowel-control-problems-fecal-incontinence
  5. Bowel Incontinence: https://www.webmd.com/digestive-disorders/bowel-incontinence

Các bệnh liên quan

  1. Ợ chua

  2. Sa búi trĩ

  3. Viêm dạ dày ruột

  4. Béo phì độ 1

  5. Sán dây cá

  6. Polyp túi mật

  7. Tắc ruột

  8. Vỡ túi mật

  9. Viêm đại tràng co thắt

  10. Polyp trực tràng