Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

U mềm lây: Cẩn trọng với bệnh nhiễm trùng da có khả năng lây nhiễm

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

U mềm lây là một bệnh viêm da truyền nhiễm do virus trong nhóm Poxvirus gây ra. Bệnh biểu hiện bằng các cục u màu trắng hoặc màu đỏ và lõm ở trung tâm; xuất hiện riêng rẽ, rời rạc. Bệnh thường không gây đau đớn nhưng có thể bị mưng mủ. Các u mềm lan rộng do bệnh nhân cào xước hoặc sờ mó vào thương tổn, bệnh cũng có thể lây cho người khác khi tiếp xúc với người mắc bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

U mềm lây là gì? 

U mềm lây có hình dạng như đám sẩn màu hồng, hình vòm, nhẵn bóng hoặc giống hạt ngọc trai và có đường kính từ 2 - 5mm do một loại virus thuộc nhóm Poxvirus gây ra. Bệnh lây lan rộng trên da do bệnh nhân sờ mó hoặc cào xước tổn thương. Những người khác có thể bị nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với bệnh nhân.

Thời gian ủ bệnh khác nhau ở mỗi cá nhân, thường khoảng từ 4 - 8 tuần. Một số bệnh nhân có hệ miễn dịch tốt có thể tự khỏi mà không cần điều trị.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của u mềm lây

Trừ lòng bàn tay và lòng bàn chân, u mềm lây có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên da ngoại. 

Tổn thương bao gồm các đám sẩn màu hồng, hình vòm, nhẵn bóng như sáp hoặc giống như hạt ngọc trai và lõm ở giữa, thường có đường kính từ 2 - 5mm.

Thường xuất hiện nhiều nhất ở mặt, thân mình và tứ chi ở trẻ em; trên vùng mu sinh dục, dương vật hoặc âm hộ ở người lớn.

Đặc biệt ở những bệnh nhân nhiễm HIV và các bệnh suy giảm miễn dịch khác, tổn thương có thể phát triển đến kích thước 10 - 15mm.

U mềm lây thường không ngứa, không đau và được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe. Tuy nhiên, các tổn thương có thể bị viêm và ngứa khi cơ thể có phản ứng chống lại virus.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến u mềm lây

U mềm lây do Poxvirus gây ra.

Truyền từ người này sang người khác do tiếp xúc với vùng da bị bệnh (trong quá trình sinh hoạt, chăm sóc bệnh nhân hoặc quan hệ tình dục...).

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải u mềm lây?

Tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc u mềm lây, thường gặp nhất ở trẻ em từ 1 đến 10 tuổi. 

Người lớn bị lây nhiễm bệnh khi tiếp xúc với da của người bị nhiễm bệnh (ví dụ: Quan hệ tình dục, chăm sóc bệnh nhân mà không có phòng ngừa biện pháp...). 

Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV/AIDS, đang điều trị ung thư bằng hóa trị liệu, sử dụng corticosteroid kéo dài có thể bị nhiễm trùng lan rộng hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải u mềm lây

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc U mềm lây, bao gồm:

  • Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu (do nhiễm HIV hoặc đang được điều trị ung thư) có nguy cơ mắc bệnh u mềm lây cao hơn. Sự phát triển của u mềm có thể khác thông thường, lớn hơn và khó điều trị hơn.

  • Viêm da dị ứng cũng có thể là một yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh u mềm lây do da thường xuyên bị tổn thương. Những người bị tình trạng này cũng có thể dễ lây u mềm sang các bộ phận khác của cơ thể.

  • Những người sống ở vùng khí hậu ấm, ẩm, nơi dân cư đông đúc.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán u mềm lây

Chẩn đoán u mềm lây dựa vào biểu hiện lâm sàng trên da. Soi da bằng kính lúp có thể thấy các sẩn lõm ở trung tâm.

Khi chẩn đoán không chắc chắn, cần sinh thiết da hoặc phết tế bào vùng tổn thương được nạo bằng curret.

Chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý:

Đối với tổn thương < 2mm: Viêm nang lông, mụn thịt và mụn cóc.

Đối với tổn thương > 2mm: Xanthogranuloma vị thành niên và nốt ruồi Spitz.

Không cần chỉ định xét nghiệm để chẩn đoán bệnh cho trẻ em. Ở người lớn mắc u mềm lây sinh dục, cần xét nghiệm để tìm ra bệnh lây truyền qua con đường này.

Phương pháp điều trị u mềm lây hiệu quả

Hầu hết các tổn thương tự thoái triển sau 1 - 2 năm, một số trường hợp có thể tồn tại trong 2 - 3 năm. Điều trị u mềm lây được chỉ định vì lý do thẩm mỹ hoặc để ngăn ngừa lây lan. 

Các phương pháp điều trị bao gồm nạo, phẫu thuật lạnh, liệu pháp laser, đốt điện, dùng các chất gây kích ứng tại chỗ như: Acid trichloroacetic (dung dịch 25 - 40%), cantharidin, podophyllotoxin (ở người lớn), tretinoin và tazarotene. 

Một số bác sĩ lâm sàng sử dụng acid salicylic hoặc kali hydroxide (KOH), nhưng một số cho rằng những chất này kích ứng quá mạnh đối với nhiều vùng cơ thể có u mềm lây. Imiquimod thường không được khuyến khích.

Các nghiên cứu quy mô nhỏ cho thấy gel ingenol mebutate, một chất gây độc tế bào được sử dụng để điều trị dày sừng actinic, có thể có hiệu quả. Nên loại bỏ các tổn thương u mềm lây gần mắt bằng cách bóp nhẹ bằng kẹp để loại bỏ nhân trung tâm bởi bác sĩ có nhiều kinh nghiệm. Đầu tiên, nên chỉ định các phương pháp điều trị ít gây (ví dụ: Tretinoin, tazarotene, cantharidin), đặc biệt là ở trẻ em.

Có thể nạo hoặc dùng nitơ lỏng từ 40 - 60 phút sau khi bôi thuốc gây tê tại chỗ như hỗn hợp thuốc gây tê cục bộ (EMLA) hoặc kem 4% lidocain và băng kín. Sử dụng thận trọn kem EMLA vì có khả năng gây nhiễm độc toàn thân, đặc biệt là ở trẻ em. Ở người lớn, nạo rất hiệu quả nhưng gây đau đớn nếu thực hiện mà không có thuốc tê.

Cantharidin an toàn và hiệu quả nhưng có thể gây phồng rộp. Nhỏ 1 giọt nhỏ cantharidin trực tiếp vào u mềm lây. Cần băng kín các khu vực bệnh nhân (đặc biệt là trẻ em) có thể cọ vì cần tránh tiếp xúc với các ngón tay. Không bôi cantharidin lên mặt hoặc gần mắt vì có nguy cơ gây phồng rộp cao. Nếu cantharidin dây vào giác mạc, có thể gây ra sẹo. Nên rửa sạch cantharidin bằng xà phòng và nước trong vòng 6 giờ. Chỉ nhỏ thuốc này vào tối đa 15 u mềm trong 1 lần điều trị vì có thể bị nhiễm trùng sau khi sử dụng cantharidin. 

Các phương pháp điều trị khác bao gồm tiêm trong da (ví dụ: Kháng nguyên Candida) và liệu pháp quang động.

Các bác sĩ da liễu thường sử dụng liệu pháp kết hợp như nitơ lỏng hoặc cantharidin tại cơ sở y tế hoặc kem retinoid tại nhà. Phương pháp trị liệu này thường thành công, nhưng để giải quyết triệt để thường mất ​1 - 2 tháng ở một số bệnh nhân.

Trẻ em mắc u mềm lây vẫn có thể đi học bình thường. Tuy nhiên, nên che phủ các tổn thương để giảm nguy cơ lây lan.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của u mềm lây

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Không được chạm hoặc gãi vùng da bị u mềm đẻ giảm nguy cơ lây nhiễm virus sang bộ phận khác.

  • Giữ vùng da bị u mềm luôn sạch sẽ và khô ráo. Che phủ bằng quần áo hoặc băng gạc để tránh tiếp xúc với người khác hoặc bị nhiễm trùng.

  • Không dùng chung khăn, quần áo hoặc các vật dụng cá nhân khác. Thường xuyên giặt, vệ sinh các đồ dùng này.

  • Hạn chế tham gia các môn thể thao tiếp xúc với người khác như đấu vật, bóng rổ, bóng đá...

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích như cafe, bia rượu...

Phương pháp phòng ngừa u mềm lây hiệu quả

 Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Thường xuyên vệ sinh cơ thể, đặc biệt là rửa sạch tay sau khi tiếp xúc với bệnh nhân và những người nghi ngờ mắc bệnh.

  • Giặt ủi quần áo, dọn dẹp sạch sẽ nơi ở cũng giúp hạn chế lây nhiễm bệnh.

Nguồn tham khảo

1. https://www.msdmanuals.com/professional/dermatologic-disorders/viral-skin-diseases/molluscum-contagiosum

2. https://dalieu.vn/u-mem-lay-molluscom-contagiosum/

3. https://www.cdc.gov/poxvirus/molluscum-contagiosum/index.html 

Các bệnh liên quan

  1. Xơ cứng bì

  2. Viêm da mụn mủ truyền nhiễm

  3. Lupus ban đỏ

  4. Tiểu đường bị ngứa da

  5. Chốc lở

  6. Rám má

  7. Chàm môi

  8. Hăm

  9. Gàu

  10. Ung thư mô mỡ