Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Vàng da tán huyết là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 15/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Vàng da tán huyết còn được gọi là vàng da trước gan, là một loại vàng da phát sinh do sự phá hủy quá mức các tế bào hồng cầu. Cần khám và điều trị kịp thời để không dẫn đến biến chứng nghiêm trọng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Vàng da tán huyết là gì?

Vàng da là tình trạng nhuộm màu vàng ở da niêm và kết mạc mắt do tăng lượng bilirubin trong máu. Vàng da được chia làm 3 loại: Vàng da trước gan, vàng da tại gan và vàng da sau gan.

Vàng da tán huyết còn được gọi là vàng da trước gan, là một loại vàng da phát sinh do tan máu hoặc phá hủy quá mức các tế bào hồng cầu. Sự phá hủy hồng cầu này làm xuất hiện bilirubin gián tiếp quá nhiều trong máu dẫn đến hiện tượng vàng da tán huyết.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của vàng da tán huyết

Các triệu chứng có thể nhẹ hoặc nặng tùy vào mức độ của bệnh. Chúng cũng có thể xuất hiện đột ngột hoặc phát triển theo thời gian. Các triệu chứng điển hình bao gồm:

  • Vàng da: Tình trạng này làm cho da, lòng trắng của mắt chuyển sang màu vàng.
  • Khó thở: Xảy ra khi không có đủ tế bào hồng cầu mang oxy đi khắp cơ thể.
  • Mệt mỏi: Xảy ra khi không có đủ tế bào hồng cầu mang oxy đi khắp cơ thể. Nó ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày của bạn.
  • Đái máu: Nước tiểu có màu đỏ hoặc màu xá xị.
  • Lá lách hoặc gan to: Các tế bào hồng cầu già chết đi theo chu kỳ của nó. Khi già đi các tế bào hồng cầu sẽ được gan và lách bắt giữ lại và phá hủy, tạo điều kiện cho cơ thể tạo ra các hồng cầu mới. Khi gan lách to có nghĩa lượng hồng cầu bị bắt giữ trong cơ thể quá nhiều đến mức làm cho gan lách phì đại quá mức so với bình thường.
Vàng da tán huyết là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Lách to là triệu chứng đi kèm thường gặp với vàng da tán huyết

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn hoặc con bạn có bất kỳ triệu chứng vàng da tán huyết nào, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. 

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến vàng da tán huyết

Vàng da tán huyết liên quan trực tiếp đến quá trình chuyển hóa bilirubin, trong đó việc sản xuất quá mức bilirubin do tán huyết vượt quá khả năng của gan trong việc liên hợp bilirubin với axit glucuronic.

Nguyên nhân cơ bản của bệnh vàng da tán huyết giống như tên gọi của nó, là những rối loạn liên quan đến tán huyết. Những nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Bệnh hồng cầu hình liềm (SCD): Bệnh này do đột biến gen globin gây ra sự hình thành huyết sắc tố hình liềm.
  • Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (TTP): Bệnh do hoạt động của protease phân cắt yếu tố von Willebrand ADAMTS13 bị suy giảm gây ra bệnh vi mạch huyết khối. Căn bệnh này biểu hiện bệnh thiếu máu tán huyết rất nghiêm trọng.
  • Thiếu máu tán huyết tự miễn (AIHA): Bệnh này do các tự kháng thể phản ứng với các tế bào hồng cầu của cơ thể và khiến chúng bị phá hủy.

Các nguyên nhân gây vàng da tán huyết khác ít phổ biến hơn bao gồm:

  • Tán huyết thứ phát do ngộ độc thuốc;
  • Thiếu máu rối loạn hồng cầu bẩm sinh (CDA).

Các nguyên nhân gây vàng da tán huyết hiếm gặp như nhiễm trùng Bartonella, tán huyết do phản ứng truyền máu và thiếu máu tán huyết vi mạch.

Vàng da tán huyết là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Bệnh hồng cầu hình liềm là nguyên nhân thường gặp gây ra vàng da tán huyết

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải vàng da tán huyết?

Nếu trong gia đình có người mắc bệnh lý về máu thì bạn có nguy cơ mắc phải các bệnh lý về máu này và dẫn đến vàng da tán huyết.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải vàng da tán huyết

Một số yếu tố dường như làm tăng nguy cơ phát triển chứng vàng da tán huyết, bao gồm:

  • Trong gia đình có người mắc thiếu máu hồng cầu hình liềm và bệnh thalassemia;
  • Sử dụng các thuốc như Penicillin, thuốc chống sốt rét;
  • Ung thư máu;
  • Rối loạn tự miễn dịch, chẳng hạn như lupus, viêm khớp dạng thấp hoặc viêm loét đại tràng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm vàng da tán huyết

Các bác sĩ chuyên khoa huyết học chẩn đoán vàng da tán huyết bằng cách:

  • Hỏi về bệnh sử của bạn, đặc biệt nếu các thành viên trong gia đình bạn bị thiếu máu.
  • Hỏi xem bạn có bị nhiễm trùng hoặc đang dùng một số loại thuốc có thể gây vàng da tán huyết hay không.
  • Khám sức khỏe tập trung vào các dấu hiệu và triệu chứng thiếu máu, vàng da hoặc lách hoặc gan của bạn to ra.

Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm bổ sung để xác định loại thiếu máu mà bạn có thể mắc phải. Dưới đây là các xét nghiệm mà bác sĩ sử dụng để chẩn đoán vàng da tán huyết:

  • Xét nghiệm Coombs: Xét nghiệm này kiểm tra bệnh thiếu máu tán huyết tự miễn.
  • Xét nghiệm hồng cầu lưới: Đo số lượng tế bào hồng cầu chưa trưởng thành trong tủy xương của bạn. Đo số lượng hồng cầu lưới để biết tủy xương của bạn có sản xuất đủ hồng cầu khỏe mạnh hay không.
  • Xét nghiệm Haptoglobin: Nồng độ Haptoglobin thấp có thể là dấu hiệu của hiện tượng số lượng lớn tế bào hồng cầu bị tổn thương.
  • Lactate dehydrogenase (LDH): LDH là một enzyme trong hồng cầu. Mức LDH cao có thể là dấu hiệu của sự phá hủy hồng cầu tăng lên.
  • Bilirubin gián tiếp: Khi các tế bào hồng cầu của bạn bị phá vỡ, chúng sẽ tạo ra bilirubin. Mức bilirubin gián tiếp cao có thể là dấu hiệu cho thấy một số lượng lớn tế bào hồng cầu đang bị phá hủy.
  • Phết máu ngoại vi: Bác sĩ kiểm tra các tế bào máu để tìm dấu hiệu bất thường, bao gồm kích thước và hình dạng.
  • Điện di huyết sắc tố: Bác sĩ sử dụng xét nghiệm này để phân tích huyết sắc tố, một loại protein trong tế bào hồng cầu giúp tế bào vận chuyển oxy đi khắp cơ thể.
Vàng da tán huyết là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Xét nghiệm máu giúp bác sĩ chẩn đoán được nguyên nhân gây vàng da tán huyết

Điều trị vàng da tán huyết

Nội khoa

Liệu pháp quang trị liệu được sử dụng như phương pháp điều trị lâm sàng đầu tay nhằm làm giảm lượng bilirubin gián tiếp trong huyết thanh của trẻ sơ sinh. 

Đối với trẻ sơ sinh bị vàng da tán huyết, các trường hợp tăng bilirubin máu nặng và kéo dài hoặc bilirubin huyết thanh cao không giảm sau khi trị liệu bằng ánh sáng, việc truyền máu được thực hiện tại ống thông tĩnh mạch rốn để loại bỏ bilirubin. 

Trong trường hợp vàng da tán huyết miễn dịch, liệu pháp globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch có thể được sử dụng để điều trị tình trạng này. Sử dụng globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch có thể chặn các thụ thể Fc của bạch cầu đơn nhân, ngăn ngừa hoặc làm giảm tình trạng tán huyết thêm.

Ở người lớn, bệnh vàng da tán huyết không phổ biến và cần xác định các phương pháp điều trị y tế bằng cách tìm ra các nguyên nhân cơ bản gây vàng da tán huyết ở bệnh nhân.

Vàng da tán huyết là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Quang trị liệu là phương pháp đầu tay điều trị vàng da tán huyết ở trẻ em

Ngoại khoa

Trong một số trường hợp, nếu cường lách là nguyên nhân gây ra vàng da tán huyết nặng và không đáp ứng với các điều trị khác, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật cắt một phần lách để điều trị vàng da tán huyết.

Tuy nhiên, trẻ nhỏ không có lá lách có nguy cơ cao bị nhiễm trùng, trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết. Do đó, việc cắt lách thường được hoãn lại nếu có thể cho đến khi trẻ được 3 tuổi. Trước khi phẫu thuật cắt lách, bất kỳ ai bị vàng da tán huyết nên tiêm vắc xin ngừa phế cầu. 

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của vàng da tán huyết

Chế độ sinh hoạt:

  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Uống đủ nước, ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.
  • Tránh nhiễm trùng bằng cách rửa tay thường xuyên và tránh đi đến vùng dịch tễ sốt xuất huyết.
  • Tự theo dõi các triệu chứng, nếu có bất kỳ triệu chứng mới hoặc nặng lên của các triệu chứng cũ cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị.

Chế độ dinh dưỡng: Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh giàu vitamin B12, C và B9 (axit folic). Hãy gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất với tình trạng của bạn hoặc con bạn.

Vàng da tán huyết là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 8
Nên thực hiện chế độ ăn giàu sắt, vitamin B9, B12 và vitamin C

Phòng ngừa vàng da tán huyết

Vàng da tán huyết có thể do một số yếu tố gây ra, hầu hết đều không thể kiểm soát được. Ví dụ, bạn có thể bị vàng da tán huyết sau khi bị thương hoặc do di truyền một số tình trạng nhất định. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng bằng cách nói chuyện với bác sĩ bất cứ khi nào bạn xuất hiện các triệu chứng có thể là thiếu máu, vàng da, mệt mỏi.

Các câu hỏi thường gặp về vàng da tán huyết

Điều gì xảy ra nếu vàng da tán huyết không được điều trị?

Các biến chứng liên quan đến bệnh vàng da tán huyết bao gồm tăng bilirubin máu và bệnh não gan, có thể gây tử vong nếu không được điều trị thích hợp.

Điều trị vàng da tán huyết bằng phương pháp nào?

Việc điều trị tình trạng này tùy thuộc vào nguyên nhân gây vàng da tán huyết, nhưng liệu pháp quang trị liệu cường độ cao và truyền máu có thể được sử dụng để giúp bệnh nhân loại bỏ bớt bilirubin trong máu.

Những bệnh di truyền nào có thể gây vàng da tán huyết?

Vàng da tán huyết có thể do một số bệnh lý huyết học di truyền trong gia đình gây ra. Các bệnh lý thường gặp là bệnh thalassemia, thiếu máu hồng cầu hình liềm, thiếu G6PD.

Những bệnh lý nhiễm trùng gây vàng da tán huyết?

Những bệnh lý nhiễm trùng gây vàng da tán huyết thường gặp bao gồm sốt rét, sốt ve mò, bệnh cúm.

Những loại thuốc nào có thể gây vàng da tán huyết?

Những loại thuốc có thể gây vàng da tán huyết bao gồm Penicillin, Quinine, Methyldopa, Sulfonamides.

Nguồn tham khảo
  1. Hemolytic Anemia: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22479-hemolytic-anemia
  2. Hemolytic Anemia: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/hemolytic-anemia
  3. Definition of hemolytic jaundice, congenital: https://www.rxlist.com/hemolytic_jaundice_congenital/definition.htm
  4. Hyperbilirubinemia in Neonates: Types, Causes, Clinical Examinations, Preventive Measures and Treatments: A Narrative Review Article: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4935699/
  5. Hemolytic Anemia: https://emedicine.medscape.com/article/201066-overview?form=fpf

Các bệnh liên quan

  1. Bệnh Tay-Sachs

  2. Uốn ván

  3. Hội chứng Lennox - Gastaut

  4. Thiếu 1 phần não

  5. Nấm lưỡi

  6. Loạn sản phế quản phổi

  7. Viêm dạ dày ruột

  8. Dị dạng bán cầu não

  9. Chứng dính liền khớp sọ sớm

  10. Nang niệu quản