Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ung thư vòm họng giai đoạn I: Phát hiện sớm và điều trị hiệu quả

Ngày 11/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư vòm họng giai đoạn I là giai đoạn sớm của ung thư và tỷ lệ sống sau 5 năm khi khối u còn tại chỗ ước tính là 82%. Các triệu chứng của bệnh khá đa dạng và phổ biến, liên quan đến nhiều bệnh lý khác nhau. Phương pháp điều trị hiện nay của ung thư vòm họng giai đoạn I là xạ trị. Điều trị sớm ở giai đoạn này có hiệu quả và tiên lượng tốt. Vậy bạn cần làm gì khi nghi ngờ mắc bệnh?

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ung thư vòm họng giai đoạn I là gì?

Ung thư vòm họng là một loại ung thư trong nhóm ung thư đầu và cổ hiếm gặp. Bệnh xảy ra tại vòm họng nơi thức ăn và không khí đi qua để đến thực quản và khí quản, gần với đáy của hộp sọ. Khi bạn hít không khí vào bằng mũi, không khí sẽ đi từ mũi đến vòm họng và vào khí quản đến phổi.

Ung thư vòm họng xuất hiện khi các tế bào bất thường xuất hiện ở vòm họng và phát triển không kiểm soát dẫn đến hình thành khối u ở vòm họng, có thể lan đến các hạch bạch huyết, gan, phổi, xương. Ung thư vòm họng ở Hoa Kỳ thường xuất hiện ở những người từ 15 đến 24 tuổi và từ 65 đến 79 tuổi.

Ung thư vòm họng giai đoạn I thuộc giai đoạn đầu của bệnh, lúc này các tế bào ung thư đã xuất hiện nhưng vẫn chưa lây lan đến các hạch bạch huyết và di căn đến cơ quan khác.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân ung thư vòm họng thành 3 loại:

  • Ung thư biểu mô tế bào gai sừng hóa (WHO loại 1): Các tế bào ung thư trong vòm họng được bao phủ bởi keratin (một loại protein có trong tóc và móng tay của bạn).
  • Ung thư biểu mô tế bào gai không sừng hóa (WHO loại 2): Các tế bào ung thư trong mô vòm họng không được bao phủ bởi keratin.
  • Ung thư biểu mô không hoặc kém biệt hóa bao gồm ung thư biểu mô lympho và các biến thể (WHO loại 3): Khi nhìn dưới kính hiển vi, những tế bào ung thư rất khác tế bào bình thường. Các tế bào ung thư này kém hoặc không biệt hóa và thường lây lan rất nhanh.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư vòm họng giai đoạn I

Những dấu hiệu và triệu chứng này thể do các bệnh lý khác gây ra, nhưng không thể loại trừ chúng là biểu hiện của ung thư vòm họng giai đoạn I:

  • Khối u ở mũi hoặc cổ;
  • Nói khó;
  • Đau họng;
  • Chảy máu cam thường xuyên;
  • Đau đầu có thể do tổn thương thần kinh sọ não;
  • Tê vùng mặt;
  • Khó thở;
  • Đau tai hoặc ù tai, giảm thính lực;
  • Hạch ở cổ sưng.

Những triệu chứng của ung thư vòm họng có thể giống với triệu chứng của những bệnh lý khác ít nguy hiểm hơn. Do đó, cần được chẩn đoán chính xác khi có bất kỳ dấu hiệu nào.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có những triệu chứng kể trên, hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Ung thư vòm họng giai đoạn I: Phát hiện sớm và điều trị hiệu quả 5
Bạn nên đến gặp bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu bất thường

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ung thư vòm họng giai đoạn I

Nguyên nhân gây ra ung thư vòm họng đến nay vẫn chưa được xác định. Các nhà nghiên cứu nhận thấy việc nguy cơ xuất hiện ung thư vòm họng có sự liên quan đến một số lối sống và tình trạng bệnh lý nhất định.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc ung thư vòm họng giai đoạn I?

Bệnh ung thư vòm họng phổ biến nhất ở phía Nam Trung Quốc và Đông Nam Á, ngoài ra, bệnh còn phổ biến ở các khu vực khác ở châu Á, Bắc Phi, người nhập cư gốc Hoa ở Mỹ. Ở Hoa Kỳ, ung thư vòm họng cũng đã được tìm thấy ở người Mỹ gốc Phi, người da trắng.

Nam giới có nguy cơ mắc ung thư vòm họng hơn nữ giới gấp 3 lần. Nếu bạn có người thân mắc ung thư vòm họng thì nguy cơ bạn mắc ung thư vòm họng sẽ tăng lên.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư vòm họng giai đoạn I

Khi bạn có các yếu tố nguy cơ không có nghĩa là bạn sẽ mắc ung thư. Các yếu tố nguy cơ gây ung thư vòm họng:

  • Nhiễm Epstein-Barr virus: Là virus gây ra bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn. Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm thấy mối liên hệ giữa chúng với việc tăng nguy cơ ung thư vòm họng.
  • Tuổi cao và tiền sử sử dụng nhiều rượu: Là những yếu tố nguy cơ khác gây ra ung thư vòm họng.
  • Di truyền: Các nghiên cứu về di truyền đã xác nhận được mối liên hệ giữa các biến thể ở nhóm gen HLA và nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng.
  • Chế độ ăn: Việc sử dụng cá và thịt muối được cho là gây ra ung thư vòm họng vì có thể chúng có chứa một số chất gây ung thư.
  • Human papillomavirus (HPV): Có thể là yếu tố nguy cơ của ung thư vòm họng.

Ngoài ra, sử dụng thuốc lá hoặc các sản phẩm từ thuốc lá khác, môi trường sống nhiều khói bụi,... cũng có thể dẫn đến căn bệnh ung thư vòm họng.

Ung thư vòm họng giai đoạn I: Phát hiện sớm và điều trị hiệu quả 4
Nhiễm Epstein-Barr virus là một yếu tố nguy cơ của ung thư vòm họng

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư vòm họng giai đoạn I

Kiểm tra sức khỏe

Khám và khai thác tiền sử bệnh: Khám để kiểm tra tình trạng sức khỏe hiện tại, dấu hiệu gợi ý bệnh như hạch bạch huyết bị sưng ở cổ. Tiền sử các thói quen và bệnh lý đã/đang mắc cũng sẽ được khai thác.

Khám thần kinh: Nhằm đánh giá tổn thương thần kinh trung ương. Đánh giá trạng thái tinh thần, khả năng phối hợp vận động và khả năng đi lại, khám vận động, cảm giác, phản xạ.

Khám thính giác và thị giác: Để đánh giá xem có bất thường đang diễn ra hay không. 

Khám cổ: Để phát hiện khối u ở cổ hay hạch vùng cổ sưng to là một gợi ý cho việc ung thư đã lan tới hạch bạch huyết.

Cận lâm sàng

Sinh thiết: Để làm giải phẫu bệnh là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán chính xác ung thư vòm họng hiện nay. Các phương pháp để sinh thiết mô:

  • Nội soi mũi họng: Ống nội soi mũi được đưa vào mũi, ống này sẽ có đèn và camera để quan sát bất thường trong mũi và giúp lấy được mô bất thường để xét nghiệm.
  • Nội soi đường tiêu hóa trên: Giúp quan sát được bất thường trong mũi, họng, thực quản, dạ dày và tá tràng.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT-scan): Chụp vùng đầu mặt cổ giúp phát hiện vị trí và kích thước khối u; đánh giá khả năng lan rộng của ung thư đến sọ não. 

Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET-CT): Giúp phát hiện tình trạng lan rộng đến các hạch bạch huyết và di căn đến các cơ quan khác như phổi, xương.

Xét nghiệm máu: Như công thức máu toàn phần, xét nghiệm virus Epstein-Barr (EBV) để kiểm tra kháng thể với virus, xét nghiệm HPV.

Chẩn đoán giai đoạn

Ung thư vòm họng giai đoạn I được phân loại theo Ủy ban Liên hợp về Ung thư Hoa Kỳ (AJCC), dựa trên những đặc điểm sau:

  • Khối u chỉ được tìm thấy ở vòm họng, hoặc lan đến hầu họng và/hoặc khoang mũi mà không xâm lấn vùng cận họng.
  • Chưa di căn các hạch bạch huyết.
  • Chưa di căn xa đến các cơ quan.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ báo cáo cho thấy 63% trường hợp mắc ung thư vòm họng ở Mỹ vẫn sống sót sau 55 năm. Đối với ung thư vòm họng giai đoạn I, khối u vẫn còn tại chỗ và chưa lây lan cũng như di căn đến các cơ quan thì tỷ lệ sống sót sau 5 năm được ước tính là khoảng 82% trường hợp.

Ung thư vòm họng giai đoạn I: Phát hiện sớm và điều trị hiệu quả 6
Bác sĩ sẽ chỉ định nhiều phương pháp để chẩn đoán ung thư vòm họng giai đoạn I

Phương pháp điều trị ung thư vòm họng giai đoạn I hiệu quả

Xạ trị là phương pháp điều trị chính của ung thư vòm họng giai đoạn I. Xạ trị là phương pháp sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các loại phóng xạ khác để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chúng phát triển.

Xạ trị liều cao được áp dụng cho ung thư vòm họng nguyên phát và xạ trị dự phòng cho các hạch bạch huyết ở hai bên cổ. Các hình thức xạ trị được áp dụng hiện nay:

Xạ trị chiếu ngoài (External Beam Radiation Therapy)

Dùng tia phóng xạ để điều trị ung thư từ bên ngoài. Phương pháp này có ưu điểm là không gây đau, bạn không có cảm giác gì trong quá trình xạ trị. Đây là phương pháp xạ trị phổ biến nhất hiện nay. Hai loại xạ trị ngoài được sử dụng giúp giảm thiểu việc tổn hại các mô bình thường xung quanh:

  • Liệu pháp xạ trị điều biến liều tia (Intensity-modulated radiation therapy - IMRT) là phương pháp xác định các chùm tia và nhắm chúng vào khối u từ nhiều góc độ, có thể điều chỉnh tăng cường độ chùm tia để tối ưu liều vào mô bướu và hạn chế liều tiếp cận các mô bình thường gần đó. Phương pháp này gây ít tác dụng phụ và biến chứng hơn các phương pháp khác: Khô miệng, viêm niêm mạc miệng, mù lòa, tổn thương thân não, sâu răng
  • Kỹ thuật xạ trị lập thể định vị thân (Stereotactic Body Radiation Therapy - SBRT) là phương pháp sử dụng các chùm bức xạ liều cao tập trung vào thể tích bướu cần xạ trị, tổng liều được chia thành nhiều liều nhỏ hơn trong liệu trình chỉ vài ngày.

Xạ trị trong (Internal radiation therapy)

Các chất phóng xạ được đưa vào trong cơ thể bằng đường uống, tiêm, truyền tĩnh mạch. Đây là phương pháp xạ trị mà thuốc phóng xạ sẽ tập trung vào các tế bào ung thư và làm giảm ảnh hưởng đến cơ quan lành xung quanh.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư vòm họng giai đoạn I

Chế độ sinh hoạt:

  • Ngưng hút thuốc lá, không sử dụng các chất kích thích.
  • Lựa chọn nơi làm việc và nơi ở trong lành, hạn chế khói bụi.
  • Giữ tinh thần lạc quan, tránh căng thẳng.
  • Chia sẻ và trò chuyện với người thân và bạn bè.
  • Duy trì công việc thường ngày.
  • Vận động và tập thể dục mỗi ngày: Bơi lội, đạp xe, yoga…
Ung thư vòm họng giai đoạn I: Phát hiện sớm và điều trị hiệu quả 7
Luôn giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan và chia sẻ giúp bạn vượt qua bệnh tật

Chế độ dinh dưỡng:

  • Hạn chế sử dụng cá và thịt muối, các sản phẩm đóng hộp.
  • Tránh các thực phẩm kích thích niêm mạc họng như thức ăn quá cay, quá nóng, nhiều dầu mỡ…
  • Bổ sung đầy đủ thực phẩm, tăng cường rau và trái cây.
  • Không uống nhiều rượu bia, nước ngọt, nên sử dụng trong giới hạn cho phép.

Phương pháp phòng ngừa ung thư vòm họng giai đoạn I hiệu quả

Những hành động mà bạn có thể tránh để phòng ngừa ung thư vòm họng:

  • Không hút thuốc lá.
  • Không sử dụng các chất kích thích.
  • Hạn chế sử dụng rượu và sản phẩm có cồn.
  • Tránh ăn cá và thịt muối.
  • Xây dựng thực đơn ăn uống lành mạnh.
  • Môi trường sống trong lành, không khói bụi.
  • Tập thể dục và vận động thường xuyên.
Nguồn tham khảo
  1. Nasopharyngeal Carcinoma Treatment (PDQ®)–Health Professional Version: https://www.cancer.gov/types/head-and-neck/hp/adult/nasopharyngeal-treatment-pdq
  2. Understanding Nasopharyngeal Cancer and Its Treatment: https://www.healthline.com/health/cancer/nasopharyngeal-cancer 
  3. Nasopharyngeal Carcinoma: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK554588/
  4. Nasopharyngeal Carcinoma: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/nasopharyngeal-carcinoma
  5. Nasopharyngeal Cancer: https://www.webmd.com/cancer/nasopharyngeal-cancer