Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh Kawasaki ở trẻ em là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bệnh Kawasaki ở trẻ em

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh Kawasaki ở trẻ em là tình trạng mạch máu ở trẻ em bị viêm. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim ở trẻ em nhưng có thể điều trị được nếu phát hiện sớm. Hầu hết trẻ em đều hồi phục mà không gặp vấn đề gì.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh Kawasaki ở trẻ em là gì?

Bệnh Kawasaki ở trẻ em là bệnh khiến mạch máu bị sưng viêm. Bệnh Kawasaki thường dẫn đến viêm động mạch vành, gây gián đoạn việc cung cấp oxy cho tim. Bệnh Kawasaki trước đây còn được gọi là hội chứng hạch bạch huyết niêm mạc vì nó còn gây sưng tấy các tuyến (hạch bạch huyết) và màng nhầy bên trong miệng, mũi, mắt và cổ họng.

Trẻ em mắc bệnh Kawasaki có thể bị sốt cao, tay chân sưng tấy, bong tróc da, đỏ mắt và lưỡi. Tuy nhiên, bệnh Kawasaki thường có thể điều trị được và hầu hết trẻ đều hồi phục nếu được điều trị sớm kể từ khi khởi phát.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Kawasaki ở trẻ em

Các triệu chứng của bệnh Kawasaki phát triển theo từng giai đoạn, kéo dài khoảng 6 tuần.

Giai đoạn 1: Cấp tính (tuần 1 đến 2)

Các triệu chứng của trẻ sẽ xuất hiện đột ngột và có thể nghiêm trọng, bao gồm:

  • Sốt cao kéo dài: Triệu chứng đầu tiên và phổ biến nhất của bệnh Kawasaki ở trẻ em thường là sốt cao. Sốt cao không giảm mặc dù đã dùng thuốc hạ sốt như paracetamol, ibuprofen. Sốt cao có thể tới 40 độ C, thường sẽ kéo dài ít nhất 5 ngày, nhưng nó có thể kéo dài khoảng 11 ngày nếu không có phương pháp điều trị thích hợp đối với bệnh Kawasaki.
  • Cáu gắt, khó chịu, quấy khóc.
  • Phát ban trên da nghiêm trọng.
  • Bàn tay và bàn chân sưng lên, da ở bàn tay và bàn chân có thể đỏ hoặc cứng, đau khi chạm vào, vì vậy trẻ có thể ngại đi lại hoặc bò.
  • Mắt sưng đỏ: Cả hai mắt thường bị ảnh hưởng nhưng tình trạng này không gây đau.
  • Môi của trẻ có thể đỏ, khô hoặc nứt nẻ, chúng cũng có thể sưng lên và bong tróc hoặc chảy máu. Miệng và cổ họng của trẻ cũng có thể bị viêm. Lưỡi đỏ, sưng tấy và có những cục nhỏ (được gọi là "lưỡi dâu tây").
  • Sưng hạch bạch huyết: Nếu nhẹ nhàng chạm vào cổ của trẻ, có thể cảm thấy các khối sưng tấy thường ở một bên, có thể là các tuyến bạch huyết bị sưng.
Bệnh Kawasaki ở trẻ em là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bệnh Kawasaki ở trẻ em 2
Bệnh Kawasaki ở trẻ em sẽ gây ra tình trạng sưng hạch bạch huyết

Giai đoạn 2: Bán cấp tính (tuần 2 đến 4)

Trong giai đoạn bán cấp tính, các triệu chứng sẽ bớt nghiêm trọng hơn nhưng có thể kéo dài một thời gian. Trẻ giảm sốt, nhưng vẫn khó chịu, quấy khóc. Các triệu chứng trong giai đoạn thứ hai của bệnh kawasaki có thể bao gồm:

  • Đau bụng;
  • Nôn mửa;
  • Tiêu chảy;
  • Nước tiểu có mủ;
  • Buồn ngủ;
  • Đau đầu;
  • Đau khớp và sưng khớp;
  • Vàng da và lòng trắng mắt;
  • Bong tróc da ở bàn tay, bàn chân và đôi khi cả ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân.
Bệnh Kawasaki ở trẻ em là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bệnh Kawasaki ở trẻ em 1
Trẻ bị bệnh Kawasaki ở giai đoạn 2 thường có biểu hiện vàng da

Giai đoạn 3: Dưỡng bệnh (tuần 4 đến 6)

Đây là giai đoạn hồi phục của bệnh Kawasaki, được gọi là giai đoạn dưỡng bệnh. Các triệu chứng sẽ giảm bớt và trẻ sẽ khỏi bệnh hoàn toàn. 

Biến chứng của bệnh Kawasaki ở trẻ em

Bệnh Kawasaki là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mắc phải ở trẻ em, đặc biệt tỷ lệ này cao ở các nước phát triển. Tuy nhiên bệnh có thể điều trị được và trẻ ít bị tổn thương lâu dài.

Các biến chứng về tim bao gồm:

  • Viêm mạch máu, phình động mạch. Chứng phình động mạch làm tăng nguy cơ đông máu, có thể dẫn đến đau tim hoặc gây chảy máu trong đe dọa tính mạng. Đối với một tỷ lệ nhỏ trẻ em mắc các vấn đề về động mạch vành, bệnh Kawasaki có thể gây tử vong.
  • Viêm cơ tim;
  • Vấn đề về van tim.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu trẻ bị sốt kéo dài hơn 3 ngày, hãy liên hệ với bác sĩ để được theo dõi tình trạng của trẻ. Điều trị bệnh Kawasaki sớm trong vòng 10 ngày kể từ khi bệnh bắt đầu có thể làm giảm đáng kể nguy cơ tổn thương lâu dài đối với các động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh Kawasaki ở trẻ em

Hiện chưa rõ nguyên nhân gây bệnh Kawasaki ở trẻ em. Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng bệnh này là bệnh liên quan đến gen, không lây từ người sang người, có thể bị mắc bệnh sau khi bị nhiễm vi khuẩn/virus hoặc liên quan đến các yếu tố môi trường khác. 

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh Kawasaki ở trẻ em?

Trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc bệnh Kawasaki cao nhất.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh Kawasaki ở trẻ em

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Kawasaki ở trẻ em, bao gồm:

  • Giới tính: Các bé trai có nhiều khả năng mắc bệnh Kawasaki hơn các bé gái.
  • Trẻ em gốc Á hoặc Thái Bình Dương, chẳng hạn như Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, có tỷ lệ mắc bệnh Kawasaki cao hơn.
  • Bệnh Kawasaki có xu hướng xảy ra theo mùa. Ở Bắc Mỹ, bệnh thường xảy ra vào mùa đông và đầu mùa xuân.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh Kawasaki ở trẻ em

Hiện nay chưa có phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán chính xác bệnh Kawasaki mà chỉ là các phương pháp loại trừ các bệnh khác cũng gây ra các dấu hiệu và triệu chứng tương tự, bao gồm:

  • Sốt cao, phát ban, rét run, đau họng;
  • Viêm khớp dạng thấp thiếu niên;
  • Hội chứng Stevens-Johnson;
  • Hội chứng sốc độc;
  • Bệnh sởi;
  • Một số bệnh do ve gây ra (Rocky Mountain).

Một số xét nghiệm có thể được chỉ định thực hiện như:

  • Xét nghiệm máu, nếu số lượng bạch cầu cao, có dấu hiệu thiếu máu, chỉ dấu viêm là dấu hiệu của bệnh Kawasaki.
  • Điện tâm đồ để đo điện tim.
  • Siêu âm tim để quan sát hoạt động của tim, của động mạch vành.
Bệnh Kawasaki ở trẻ em là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bệnh Kawasaki ở trẻ em 3
Siêu âm tim để quan sát hoạt động của tim, của động mạch vành

Phương pháp điều trị bệnh Kawasaki ở trẻ em hiệu quả

Để giảm nguy cơ biến chứng lâu dài, nên bắt đầu điều trị bệnh Kawasaki càng sớm càng tốt, tốt nhất là khi trẻ vẫn còn sốt.

Để điều trị hiệu quả, đầu tiên là hạ sốt nếu có, giảm viêm và phòng ngừa tổn thương tim.

Điều trị bệnh Kawasaki có thể bao gồm:

  • Gamma globulin: Là một protein miễn dịch có thể làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề về động mạch vành, giúp giảm viêm trong mạch máu.
  • Aspirin: Liều cao có thể giúp điều trị chứng viêm, giảm đau, giảm viêm khớp và hạ sốt. Liều aspirin có thể sẽ giảm xuống sau khi hết sốt trong 48 giờ. Aspirin có liên quan đến hội chứng Reye, là hội chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng ở trẻ em đang hồi phục sau bệnh thủy đậu hoặc cúm, có thể ảnh hưởng đến máu, gan và não của trẻ em và thanh thiếu niên sau khi bị nhiễm virus.

Khi được điều trị bằng gamma globulin, trẻ có thể bắt đầu cải thiện ngay. Nếu không điều trị, bệnh Kawasaki kéo dài khoảng 12 ngày và nguy cơ bị biến chứng tim sẽ cao hơn.

Do nguy cơ biến chứng nghiêm trọng nên việc điều trị ban đầu cho bệnh Kawasaki thường được thực hiện tại bệnh viện để có thể theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của trẻ.

Một số lưu ý khi điều trị

Khi hạ sốt, trẻ có thể cần dùng aspirin liều thấp trong ít nhất sáu tuần và có thể kéo dài hơn nếu trẻ bị phình động mạch vành (bệnh mạch vành) vì aspirin giúp ngăn ngừa đông máu. Tuy nhiên, nếu trẻ bị cúm hoặc thủy đậu trong quá trình điều trị có thể cần phải ngừng dùng aspirin, nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi dùng thuốc.

Bệnh Kawasaki ở trẻ em là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bệnh Kawasaki ở trẻ em 4
Trẻ cần ngưng aspirin nếu bị thủy đậu trong quá trình điều trị

Theo dõi các vấn đề về tim

Nếu trẻ em có bất kỳ dấu hiệu nào của vấn đề về tim, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm tiếp theo để kiểm tra tình trạng tim định kỳ, thường là từ 6 đến 8 tuần sau khi bệnh bắt đầu và sau đó kiểm tra lại sau sáu tháng.

Trường hợp trẻ có tiêm phòng

Nếu trẻ đã được tiêm gamma globulin và sau đó muốn tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh nào đó, thì nên đợi ít nhất 11 tháng rồi mới tiêm các loại vắc xin sống (thủy đậu, sởi), vì gamma globulin có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của các loại vắc xin này.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh Kawasaki ở trẻ em

Chế độ sinh hoạt:

  • Luôn theo dõi chặt chẽ các triệu chứng của trẻ và tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ.

Phương pháp phòng ngừa bệnh Kawasaki ở trẻ em hiệu quả

Bệnh Kawasaki không thể phòng ngừa được. Trẻ em có thể hồi phục hoàn toàn trong vòng 6 đến 8 tuần nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, nhưng các biến chứng có thể xảy ra. Do đó, cần phải bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt ngay khi phát hiện ra bệnh.

Nguồn tham khảo
  1. Kawasaki Disease: https://www.webmd.com/children/what-is-kawasaki-disease
  2. Kawasaki Disease: https://www.nhs.uk/conditions/kawasaki-disease/causes/
  3. Kawasaki Disease: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/kawasaki-disease/symptoms-causes/syc-20354598
  4. Kawasaki Disease: https://www.cdc.gov/kawasaki/index.html 
  5. Kawasaki Disease: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK537163/ 

Các bệnh liên quan

  1. Sốt xuất huyết

  2. Xoắn xương đùi

  3. Xuất huyết giảm tiểu cầu

  4. Xơ cứng củ

  5. Bướu huyết thanh

  6. Viêm dạ dày ruột

  7. U bạch huyết

  8. Dị dạng bán cầu não

  9. Teo đường mật bấm sinh

  10. Bạch hầu