Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thiểu năng tuần hoàn não là gì? Cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng ngừa hiệu quả

Ngày 27/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thiểu năng tuần hoàn não không phải là một bệnh độc lập, đúng hơn đây là một tình trạng thiếu lưu lượng máu lên não trong thời gian dài do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Thiểu năng tuần hoàn não là gì?

Thiểu năng tuần hoàn não bao gồm 2 loại:

  • Cấp tính: Đột quỵ thiếu máu não và cơn thoáng thiếu máu não (TIA).
  • Mạn tính: Thiểu năng tuần hoàn não mạn tính.

Trong trường hợp này, thuật ngữ thiểu năng tuần hoàn não thường được sử dụng để chỉ các trường hợp mạn tính. Đối với các trường hợp cấp tính như đột quỵ hay cơn thoáng thiếu máu não, đây là các trường hợp bệnh lý cấp tính, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, có thể dẫn đến tàn tật và tử vong, hiện đã và đang nhận được sự quan tâm lớn. 

Trong khi đó, thiểu năng tuần hoàn não vẫn chưa thu hút đủ sự chú ý cho đến hiện nay. Tuy nhiên, 2 loại cấp và mạn tính có thể chuyển hóa qua lại, do đó, việc quan tâm và tìm hiểu về thiểu năng tuần hoàn não mạn tính là thật sự cần thiết.

Thiểu năng tuần hoàn não mạn tính lần đầu tiên được đề xuất bởi các tác giả Nhật Bản vào năm 1990, đề cập đến tình trạng giảm lưu lượng máu não dưới mức sinh lý cần thiết, dẫn đến rối loạn chức năng não và tình trạng này thường kéo dài ít nhất 2 tháng. Có thể có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiểu năng tuần hoàn não, trong đó xơ vữa động mạch là nguyên nhân chiếm ưu thế nhất.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của thiểu năng tuần hoàn não

Các triệu chứng thường gặp của thiểu năng tuần hoàn não có thể bao gồm nhức đầu, chóng mặt. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, các triệu chứng này thực sự đảo ngược khi tuần hoàn não được cải thiện.

Bên cạnh đó, người bệnh mắc thiểu năng tuần hoàn não mạn tính thường phàn nàn về các triệu chứng sau:

  • Nhức đầu, nặng đầu, hoa mắt, chóng mặt.
  • Mệt mỏi, buồn ngủ cả ngày.
  • Khó chịu, thiếu tập trung, rối loạn giấc ngủ, lo lắng và trầm cảm.
  • Tê mặt và tay chân một bên.
  • Tay chân yếu hoặc không linh hoạt.
  • Co thắt không kiểm soát được ở một bên hoặc một phần của chi.
  • Ngất xỉu hoặc té ngã không rõ nguyên nhân.
  • Buồn nôn, nôn và huyết áp dao động.
  • Mất thị lực đột ngột thoáng qua.
  • Thay đổi đột ngột về tính cách, tâm lý.
  • Đầu óc quay cuồng, suy giảm khả năng làm việc và trí nhớ, khó tiếp thu thông tin mới.

Ngoài ra, còn có sự khác biệt triệu chứng giữa thiểu năng tuần hoàn não của tuần hoàn trước (hệ động mạch cảnh trong) và thiểu năng tuần hoàn não của tuần hoàn sau (hệ động mạch đốt sống nền):

  • Đối với tuần hoàn trước: Biểu hiện chẳng hạn như suy giảm trí nhớ, đặc biệt là đối với các chi tiết của sự kiện gần đây hoặc các thông tin mới thu nhận. Lặp đi lặp lại câu hỏi, đầu óc quay cuồng, khả năng phán đoán kém, suy giảm khả năng làm việc, khả năng tập trung. Rối loạn cảm xúc như cảm xúc không ổn định, khó chịu, thờ ơ hay lo lắng. Rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, rối loạn về tính cách hay các thay đổi về tinh thần.
  • Đối với tuần hoàn sau: Các triệu chứng liên quan như chóng mặt, mất điều hòa, lảo đảo, mất thăng bằng, chóng mặt có thể kèm buồn nôn hoặc nôn. Nhức đầu, ù tai, nhìn mờ, rối loạn vận ngôn hoặc khó nuốt, nhìn đôi hay các khiếm khuyết vận động và cảm giác khác.
Thiểu năng tuần hoàn não là gì? Cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng ngừa hiệu quả 4
Rối loạn về tính cách hay những thay đổi tinh thần là dấu hiệu của thiểu năng tuần hoàn não

Biến chứng có thể gặp khi mắc thiểu năng tuần hoàn não

Tình trạng giảm lưu lượng máu não kéo dài không được điều chỉnh có thể dẫn đến các biến chứng:

  • Đột quỵ;
  • Cơn thoáng thiếu máu não (TIA);
  • Suy giảm nhận thức do nguyên nhân mạch máu;
  • Sa sút trí tuệ.

Do đó, việc xác định tình trạng thiểu năng tuần hoàn não để can thiệp kịp thời và hiệu quả là rất cần thiết, để có thể tránh các biến chứng lên não không thể hồi phục.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi gặp các triệu chứng của thiểu năng tuần hoàn não mạn tính, hãy đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và chăm sóc y tế kịp thời. Vì có thể các triệu chứng này là dấu hiệu cảnh báo của đột quỵ, việc điều trị ngay lập tức có thể giúp tăng khả năng phục hồi hoàn toàn cho người bệnh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến thiểu năng tuần hoàn não

Rất nhiều yếu tố được đề xuất làm ảnh hưởng đến lưu lượng máu não trong thiểu năng tuần hoàn não mạn tính, làm tăng khả năng mắc bệnh hoặc đẩy nhanh quá trình tiến triển của bệnh.

Các nguyên nhân chính có thể được tóm tắt như sau:

  • Thay đổi bệnh lý mạch máu não: Chủ yếu bao gồm các trường hợp co thắt mạch máu, hẹp hoặc tắc ở hệ thống động mạch đốt sống, hoặc động mạch cảnh do các nguyên nhân như xơ vữa động mạch, bệnh Moyamoya, dị dạng động tĩnh mạch.
  • Các yếu tố tim mạch: Như tăng huyết áp, hạ huyết áp kéo dài, giảm tưới máu não do suy tim, rối loạn nhịp tim.
  • Các bệnh lý toàn thân: Như hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, rối loạn thông khí phổi tắc nghẽn mạn tính, thiếu máu, bất thường thành phần máu, ngộ độc khí carbon monoxide mạn tính, đái tháo đường, hút thuốc và béo phì.

Trong đó, nguyên nhân chính của thiểu năng tuần hoàn não mạn tính ở người cao tuổi tại Trung Quốc là hẹp xơ vữa động mạch.

Thiểu năng tuần hoàn não là gì? Cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng ngừa hiệu quả 5
Hẹp xơ vữa động mạch là nguyên nhân chính dẫn đến thiểu năng tuần hoàn não mạn tính

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc thiểu năng tuần hoàn não?

Thiểu năng tuần hoàn não mạn tính thường xảy ra ở các đối tượng lớn tuổi. Theo báo cáo dịch tễ học tại Trung Quốc năm 2016, tỷ lệ mắc thiểu năng tuần hoàn não mạn tính xảy ra ở ⅔ số người trên 65 tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc thiểu năng tuần hoàn não

Vì nguyên nhân chính của thiểu năng tuần hoàn não mạn tính là tình trạng xơ vữa động mạch. Do đó, các yếu tố nguy cơ dẫn đến xơ vữa động mạch nên cần được quan tâm, bao gồm:

  • Tăng huyết áp;
  • Tăng cholesterol máu, tăng lipid máu (tăng mỡ máu);
  • Đái tháo đường;
  • Béo phì;
  • Hút thuốc lá;
  • Tiền sử gia định;
  • Lối sống tĩnh tại.
Thiểu năng tuần hoàn não là gì? Cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng ngừa hiệu quả 6
Lối sống tĩnh tại là một yếu tố nguy cơ của xơ vữa động mạch

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán thiểu năng tuần hoàn não

Các tiêu chí chẩn đoán thiểu năng tuần hoàn não mạn tính chủ yếu bao gồm:

  • Độ tuổi trên 45.
  • Các triệu chứng rối loạn chức năng não mạn tính trong ít nhất 2 tháng.
  • Sự hiện diện của các yếu tố liên quan đến xơ cứng động mạch não như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng homocysteine máu, tăng cholesterol máu, tăng lipid máu, suy tim mạn tính, bệnh mạch vành, hạ huyết áp kéo dài, xơ cứng động mạch ngoại vi.
  • Hình ảnh và siêu âm xác nhận hẹp hoặc tắc động mạch, thoái hóa myelin, nhồi máu.

Các xét nghiệm hình ảnh học chẩn đoán thiểu năng tuần hoàn não, nhằm đánh giá tưới máu não, bao gồm:

  • Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET);
  • Chụp cắt lớp vi tính phát xạ đơn Photon (SPECT);
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan);
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI).

Trong đó, PET được coi là tiêu chuẩn vàng, mang lại lợi thế trong việc đánh giá nhiều thông số liên quan đến điều kiện sinh lý và trao đổi chất của não. Tuy nhiên, PET không phải là lựa chọn hàng đầu vì chi phí và yêu cầu về kỹ thuật tương đối cao. Theo đó, SPECT sẵn có hơn, được khuyến nghị như một công cụ đầy hứa hẹn để đánh giá huyết động não bán định lượng.

Phương pháp điều trị thiểu năng tuần hoàn não

Điều trị thiểu năng tuần hoàn não mạn tính bao gồm các phương pháp sau:

  • Kiểm soát yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như xơ cứng động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu…
  • Sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu và thuốc chống đông chẳng hạn như aspirin và/hoặc clopidogrel dưới chỉ định của bác sĩ.
  • Các loại thuốc giãn mạch, thường được sử dụng nhất là thuốc chẹn kênh canxi chẳng hạn như flunarizine, nimodipine.
  • Y học cổ truyền: Hạt và chế phẩm lá bạch quả được sử dụng nhằm cải thiện vi tuần hoàn.
  • Can thiệp ngoại khoa như cắt nội mạc động mạch cảnh hoặc đặt stent có thể được cân nhắc khi mức độ hẹp động mạch từ 70% trở lên.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của thiểu năng tuần hoàn não

Chế độ sinh hoạt:

  • Duy trì một lối sống lành mạnh để giúp phòng ngừa thiểu năng tuần hoàn não mạn tính.
  • Tham gia các hoạt động ngoài trời như đi bộ nhanh và chạy bộ (ví dụ mỗi lần 30 - 40 phút, 5 ngày/tuần).
  • Tăng cường hoạt động tư duy của não bộ thông qua một số hoạt động văn nghệ, thể thao như ca hát, khiêu vũ, thể dục nhịp điệu, quần vợt.
  • Tránh cảm xúc và mệt mỏi quá mức.
  • Phát hiện sớm tình trạng thiểu năng tuần hoàn não, nếu cần sử dụng thuốc để cải thiện tuần hoàn não.
Thiểu năng tuần hoàn não là gì? Cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng ngừa hiệu quả 7
Các hoạt động văn nghệ, thể thao có thể giúp tăng cường hoạt động tư duy của não bộ

Chế độ dinh dưỡng: Chế độ ăn uống hợp lý với rau tươi, trái cây, các loại cá, nấm, rượu vang đỏ (trong mức cho phép) có thể giúp phòng ngừa thiểu năng tuần hoàn não. Đồng thời, thực hiện một chế độ ăn lành mạnh giúp duy trì cân nặng, hạn chế các chất béo xấu, cũng giúp ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ như béo phì, rối loạn lipid máu

Phương pháp phòng ngừa thiểu năng tuần hoàn não hiệu quả

Để phòng ngừa thiểu năng tuần hoàn não một cách hiệu quả, quan trọng là hãy duy trì một lối sống lành mạnh, tăng cường các hoạt động thể chất và hoạt động tư duy của não bộ. Kèm theo đó, duy trì một chế độ ăn phù hợp với tình trạng bệnh cũng giúp ích nhiều trong việc ngăn ngừa thiểu năng tuần hoàn não.

Nguồn tham khảo

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6489997/ 

https://www.msdmanuals.com/professional/cardiovascular-disorders/arteriosclerosis/atherosclerosis 

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25061057/ 

https://ashpublications.org/blood/article/141/4/327/494180/Anemia-and-brain-hypoxia 

Các bệnh liên quan

  1. Nhiễm ấu trùng sán lợn

  2. Liệt dây thần kinh số 6

  3. Nhức đầu

  4. Hội chứng ống cổ tay

  5. liệt dây thần kinh số 3

  6. Ái kỷ

  7. Xuất huyết não thất

  8. Rỗng tủy sống

  9. Động kinh

  10. Tăng động