Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Suy tim giai đoạn cuối là gì? Dấu hiệu nhận biết và điều trị suy tim giai đoạn cuối

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Suy tim xảy ra khi tim không còn khả năng bơm đủ máu để cung cấp cho cơ thể. Suy tim giai đoạn cuối là giai đoạn cuối cùng và nghiêm trọng nhất, các triệu chứng có thể xuất hiện ngay cả khi người bệnh đang nghỉ ngơi.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Suy tim giai đoạn cuối là gì?

Suy tim là tình trạng tim yếu đi dần dần, không thể bơm máu tốt như bình thường. Theo thời gian, tình trạng này gây ra những tổn thương khác cho cơ thể.

Lúc đầu, tim bù trừ cho tình trạng đó bằng cách thay đổi: Nó có thể căng ra, to ra và bơm nhanh hơn. Cơ thể cũng thay đổi, thu hẹp các mạch máu và chuyển máu từ một số cơ quan. Kết quả là nhiều người thậm chí không nhận thức được rằng họ đang gặp vấn đề trong giai đoạn đầu của bệnh suy tim.

Bất chấp những điều chỉnh này, bệnh suy tim vẫn sẽ tiếp tục trầm trọng hơn và cơ thể cuối cùng không còn bù trừ được nữa. Tại thời điểm đó, người bệnh bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, khó thở và xuất hiện các vấn đề khác.

Các phương pháp điều trị có thể giúp người bệnh kiểm soát các triệu chứng này và làm chậm diễn tiến của bệnh. Tuy nhiên, suy tim là một bệnh mạn tính không có thuốc điều trị đặc hiệu. Theo thời gian, người bệnh sẽ đến giai đoạn cuối của bệnh suy tim.

Trong những giai đoạn muộn này, người bệnh cảm thấy khó thở ngay cả khi đang nghỉ ngơi. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng có thể dao động theo ngày hoặc giờ.

Những người bệnh suy tim giai đoạn cuối thường không còn đáp ứng với các phương pháp đã điều trị trước đó và có thể gần đến giai đoạn cuối đời. Do đó, các phương pháp điều trị suy tim giai đoạn cuối chủ yếu tập trung vào việc giảm bớt các triệu chứng, số lần nhập viện và thực hiện các thủ thuật. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của suy tim giai đoạn cuối

Người bệnh suy tim giai đoạn cuối có xu hướng luôn gặp phải các triệu chứng, thậm chí cả khi đang nghỉ ngơi, bao gồm:

  • Khó thở;
  • Ho dai dẳng hoặc thở khò khè;
  • Mệt mỏi;
  • Chán ăn, buồn nôn;
  • Đau bụng;
  • Sụt cân nhiều, không rõ nguyên nhân;
  • Nhịp tim không đều;
  • Phù.

Ngoài ra, những người ở giai đoạn cuối của bệnh suy tim có thể bị:

  • Trầm cảm, sợ hãi, mất ngủ và cô lập;
  • Lo lắng về tương lai của họ;
  • Rắc rối trong việc tự sinh hoạt.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được thăm khám và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị suy tim giai đoạn cuối sẽ giúp giảm nguy cơ tăng nặng và làm chậm diễn tiến của bệnh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến suy tim giai đoạn cuối

Suy tim có thể là mạn tính và phát triển theo thời gian do các tình trạng bệnh lý khiến tim phải làm việc vất vả hơn bình thường hoặc bị tổn thương.

Nó cũng có thể là cấp tính và phát triển kèm theo các tình trạng gây tổn thương tim đột ngột, chẳng hạn như nhiễm trùng, thuyên tắc phổi, các vấn đề về van tim hoặc đau tim.

Theo thời gian, suy tim có thể tiến triển đến mức mà thuốc, thiết bị hỗ trợ và các lựa chọn điều trị khác, ngoài ghép tim, không còn khả thi nữa. Khi điều này xảy ra, có nghĩa là người bệnh đang trải qua giai đoạn cuối của bệnh suy tim.

Nhiều tình trạng có thể gây ra hoặc góp phần gây ra suy tim, chẳng hạn như:

  • Bệnh tim mạch;
  • Đái tháo đường;
  • Béo phì;
  • Tăng huyết áp;
  • Hở van tim;
  • Bệnh cơ tim giãn nở mang tính chất gia đình;
  • Chất độc (chẳng hạn như rượu, cocaine hoặc methamphetamine).
Suy tim giai đoạn cuối 4.jpeg
Tăng huyết áp có thể là nguyên nhân gây ra suy tim giai đoạn cuối

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc suy tim giai đoạn cuối?

  • Người mắc các bệnh lý khiến tim bị tổn thương.
  • Người cao tuổi.
  • Người có lối sống không lành mạnh,...

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải suy tim giai đoạn cuối

Có nhiều yếu tố nguy cơ có thể góp phần đến sự phát triển của suy tim giai đoạn cuối, bao gồm:

  • Bệnh tim mạn tính;
  • Tổn thương cơ tim;
  • Bệnh van tim;
  • Bệnh mạch vành;
  • Bệnh tăng huyết áp;
  • Bệnh đái tháo đường;
  • Lối sống không lành mạnh (hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ăn nhiều chất béo, ít hoạt động và béo phì);
  • Lớn tuổi;
  • Bất thường di truyền;
  • Các yếu tố nguy cơ khác: Căng thẳng tâm lý, viêm nhiễm, sử dụng chất kích thích và sử dụng thuốc gây hại cho tim.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán suy tim giai đoạn cuối

Để chẩn đoán suy tim, bác sĩ sẽ thăm khám và đặt câu hỏi về các triệu chứng và tiền căn bệnh của bạn. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem liệu bạn có các yếu tố nguy cơ gây suy tim hay không.

Bác sĩ sẽ khám phổi và tim của bạn, kiểm tra tĩnh mạch ở cổ và kiểm tra tình trạng phù ở chân và báng bụng.

Các xét nghiệm có thể được thực hiện để chẩn đoán suy tim giai đoạn cuối, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu;
  • X-quang ngực;
  • Điện tâm đồ;
  • Siêu âm tim;
  • Phân suất tống máu;
  • Nghiệm pháp gắng sức;
  • Chụp CT tim;
  • Chụp MRI tim;
  • Chụp mạch vành;
  • Sinh thiết cơ tim.
Suy tim giai đoạn cuối 5.jpeg
Bác sĩ thực hiện thăm khám cho người bệnh suy tim giai đoạn cuối

Phương pháp điều trị suy tim giai đoạn cuối hiệu quả

Các loại thuốc điều trị cụ thể được sử dụng tùy thuộc vào nguyên nhân gây suy tim và các triệu chứng. Các loại thuốc điều trị suy tim giai đoạn cuối, bao gồm:

  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEi): Ví dụ như Enalapril, lisinopril và captopril;
  • Thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II (ARBi): Ví dụ như losartan, valsartan và candesartan;
  • Thụ thể angiotensin cộng với chất ức chế neprilysin (ARNIs);
  • Thuốc chẹn beta: Ví dụ như carvedilol, metoprolol và bisoprolol;
  • Thuốc lợi tiểu: Chẳng hạn như furosemide;
  • Thuốc lợi tiểu kiệm kali: Ví dụ như spironolactone, eplerenone;
  • Thuốc ức chế natri-glucose cotransporter-2 (SGLT2i): Bao gồm canagliflozin, dapagliflozin và empagliflozin;
  • Digoxin;
  • Các loại thuốc khác.

Bác sĩ có thể điều chỉnh liều thuốc thường xuyên khi bạn mới bắt đầu dùng một loại thuốc mới hoặc khi tình trạng của bạn trở nên nặng hơn.

Phẫu thuật hoặc các phương pháp khác có thể được khuyến cáo để điều trị vấn đề dẫn đến suy tim. 

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của suy tim giai đoạn cuối

Chế độ sinh hoạt:

Chế độ sinh hoạt cho người bệnh suy tim giai đoạn cuối cần tập trung vào việc duy trì sức khỏe toàn diện và giảm tải lên tim. Dưới đây là một số lời khuyên về chế độ sinh hoạt cho người bệnh suy tim giai đoạn cuối:

  • Tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ: Luôn tuân thủ uống thuốc và chỉ dẫn điều trị của bác sĩ. Uống thuốc đúng liều và theo lịch hẹn kiểm tra sức khỏe định kỳ.
  • Hạn chế hoạt động quá sức: Tránh các hoạt động vận động quá mức hoặc vất vả như chạy, nhảy, leo núi. Thay vào đó, tập trung vào các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ nhẹ, tập yoga hoặc tại chỗ.
  • Giữ cân nặng ổn định: Đối với những người bệnh suy tim giai đoạn cuối, việc giữ cân nặng ổn định là quan trọng. Theo dõi cân nặng hàng ngày và báo cáo bất kỳ thay đổi nào cho bác sĩ.
  • Hạn chế stress: Cố gắng giảm căng thẳng và stress trong cuộc sống hàng ngày. Thực hiện các hoạt động thư giãn như yoga, thiền, đọc sách, hoặc nghe nhạc để giảm stress.
  • Ngủ đủ giấc: Đảm bảo ngủ đủ giấc hàng đêm. Ngủ đủ giấc giúp cơ thể hồi phục và giảm tải lên tim.
  • Hạn chế tiếp xúc với chất kích thích: Tránh tiếp xúc với chất kích thích như thuốc lá, cồn, và các chất kích thích khác. Chúng có thể gây căng thẳng cho hệ tim mạch.
  • Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh: Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus và các chất gây dị ứng. Điều này có thể giúp ngăn chặn các đợt cấp và cải thiện sức khỏe tim mạch.
  • Theo dõi tình trạng sức khỏe: Theo dõi các triệu chứng và tình trạng sức khỏe của mình. Báo cáo bất kỳ biến đổi nào cho bác sĩ để được tư vấn và điều chỉnh điều trị.
  • Hỗ trợ tình trạng tâm lý: Đối với người bệnh suy tim giai đoạn cuối, hỗ trợ tình trạng tâm lý rất quan trọng. Tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè hoặc tư vấn tâm lý để giảm căng thẳng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Lưu ý rằng chế độ sinh hoạt cho người bệnh suy tim giai đoạn cuối cần được tùy chỉnh và giám sát bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Mỗi trường hợp có thể có yêu cầu riêng biệt, do đó, tư vấn và theo dõi y tế chuyên môn là rất quan trọng để đảm bảo chế độ sinh hoạt an toàn và hiệu quả cho từng người bệnh.

Suy tim giai đoạn cuối 6.jpeg
Người bệnh suy tim giai đoạn cuối cần được động viên và hỗ trợ tâm lý

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh suy tim giai đoạn cuối cần được cá nhân hóa dựa trên tình trạng sức khỏe, yêu cầu dinh dưỡng và khả năng tiêu hóa của từng người. Dưới đây là những hướng dẫn chung về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh suy tim giai đoạn cuối:

  • Giảm natri: Hạn chế tiêu thụ muối và các thực phẩm chứa natri cao, như thực phẩm chế biến sẵn,  thức ăn nhanh và gia vị có natri cao. Muối có thể gây giữ nước và tăng gánh cho tim.
  • Hạn chế chất béo: Giảm tiêu thụ chất béo bão hòa, thay vào đó tập trung vào các nguồn chất béo không bão hòa, như dầu ô liu, dầu hạt cải, hạt chia, cá hồi và các loại hạt.
  • Kiểm soát lượng nước: Người bệnh suy tim giai đoạn cuối thường cần hạn chế lượng nước uống và theo dõi lượng nước tiêu thụ từ thực phẩm như trái cây và rau quả có chứa nước. Bác sĩ sẽ đưa ra hướng dẫn cụ thể về việc giới hạn lượng nước hàng ngày.
  • Tăng cường tiêu thụ chất xơ: Ăn nhiều rau quả, quả hạch, ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm ngũ cốc chứa chất xơ.
  • Cung cấp protein: Bổ sung protein vào chế độ ăn từ các nguồn như thịt gà, cá, trứng, đậu, đậu phụ, hạt và sữa chua. Protein cần thiết để duy trì cơ bắp và sửa chữa tổn thương.
  • Kiểm soát lượng carbohydrate: Đối với những người bệnh suy tim giai đoạn cuối có đái tháo đường, kiểm soát lượng carbohydrate trong chế độ ăn là quan trọng. Hãy tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để điều chỉnh lượng carbohydrate phù hợp.

Lưu ý rằng chế độ dinh dưỡng cho người bệnh suy tim giai đoạn cuối cần được thiết kế và giám sát bởi các chuyên gia y tế như bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Mỗi trường hợp có thể có yêu cầu riêng biệt, do đó, tư vấn và theo dõi y tế chuyên môn là rất quan trọng để đảm bảo chế độ dinh dưỡng an toàn và hiệu quả cho từng người bệnh.

Phương pháp phòng ngừa suy tim giai đoạn cuối hiệu quả

Cách tốt nhất để giúp ngăn ngừa diễn tiến đến suy tim giai đoạn cuối là thay đổi hành vi hoặc hình thành thói quen làm giảm nguy cơ mắc các bệnh gây ra hoặc góp phần gây ra suy tim, bao gồm:

  • Chế độ ăn kiêng tốt cho tim mạch;
  • Giảm lượng chất béo;
  • Giảm lượng thức ăn và đồ uống tinh chế hoặc ngọt;
  • Chỉ uống rượu ở mức độ vừa phải;
  • Tập thể dục thường xuyên;
  • Ngủ đủ giấc;
  • Quản lý căng thẳng;
  • Điều trị các bệnh lý đi kèm;
  • Không hút thuốc lá;
  • Duy trì trọng lượng cơ thể vừa phải;
  • Hạn chế hoặc giảm lượng thực phẩm chế biến nhiều;
  • Giảm lượng muối nhập;
  • Dùng thuốc theo toa bác sĩ;
  • Điều trị các yếu tố nguy cơ.
Suy tim giai đoạn cuối 7.jpeg
Không hút thuốc lá để phòng ngừa bệnh suy tim
Nguồn tham khảo
  1. Everything to know about end stage heart failure: https://www.medicalnewstoday.com/articles/end-stage-heart-failure
  2. Your Guide to End Stage Heart Failure Symptoms and Care: https://www.healthline.com/health/heart-failure/end-stage-heart-failure
  3. Heart failure: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heart-failure/diagnosis-treatment/drc-20373148
  4. End-Stage Heart Failure: What to Expect: https://www.samaritannj.org/hospice-blog-and-events/hospice-palliative-care-blog/end-stage-heart-failure-what-to-expect/ 
  5. End-Stage Heart Failure: Management and Life Expectancy: https://www.verywellhealth.com/end-stage-heart-failure-5190420

Các bệnh liên quan

  1. Rạn xương

  2. Bướu giáp đa nhân

  3. Trúng gió

  4. Ối vỡ non

  5. Sốt siêu vi

  6. Tiểu đường thai kỳ

  7. Hôi nách

  8. Viêm họng hạt

  9. Vỡ mâm chày

  10. Cường Aldosteron tiên phát