Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm giác mạc do Acanthamoeba: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm giác mạc do Acanthamoeba là một bệnh nhiễm trùng mắt hiếm gặp có thể mắc phải do nhiễm amip. Những người có thói quen đeo kính áp tròng hoặc bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh này cao nhất. Bạn cần điều trị sớm bệnh lý này để ngăn chặn biến chứng xảy ra và có biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm giác mạc do Acanthamoeba là gì?

Viêm giác mạc do Acanthamoeba là một bệnh nhiễm trùng mắt do ký sinh trùng hiếm gặp, gây ra bởi một loại amip cực nhỏ (một sinh vật đơn bào) có tên là Acanthamoeba. Bệnh lý này ảnh hưởng đến giác mạc. Nếu không được điều trị, viêm giác mạc do Acanthamoeba có thể làm tổn thương mắt và gây mất thị lực.

Viêm giác mạc do Acanthamoeba được công bố lần đầu tiên vào năm 1973. Bệnh còn được gọi là viêm giác mạc do amip. Viêm giác mạc do Acanthamoeba thường ảnh hưởng đến một mắt tại thời điểm khởi phát nhưng đôi khi có thể ảnh hưởng đến cả hai mắt.

Cho đến nay, các nhà khoa học đã tìm ra khoảng 20 loài Acanthamoeba trên toàn thế giới. Chúng có thể sống ở hầu hết mọi nơi con người sinh sống và tồn tại nhiều trong môi trường nước ngọt, nước biển, đất và nhiều nơi khác. Có khoảng 8 - 9 loài Acanthamoeba có thể gây ra viêm giác mạc do Acanthamoeba. Trong vòng đời của Acanthamoeba, chúng có thể có hai dạng hình thái. Một là dạng hoạt động và hai là dạng nang. Ở dạng nang, Acanthamoeba có thể sống ở nhiều môi trường khắc nghiệt dù có thể đe dọa sự sống của chúng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm giác mạc do Acanthamoeba

Các triệu chứng của viêm giác mạc do Acanthamoeba xảy ra khi dạng hoạt động của loại amip này xâm nhập vào giác mạc của mắt. Các triệu chứng có thể không ổn định, thay đổi theo chu kỳ từ tốt hơn đến tệ hơn. Các triệu chứng bao gồm:

  • Đau nhức mắt;
  • Cảm giác có vật lạ trong mắt, cộm trong mắt nhưng rửa mắt không đỡ hơn;
  • Chảy nước mắt sống hay đổ ghèn;
  • Nhạy cảm với ánh sáng;
  • Đỏ mắt hoặc dễ kích ứng mắt;
  • Giác mạc có nhiều nhầy bẩn hoặc có những hình vòng trên bề mặt giác mạc;
  • Nhìn mờ, thường xảy ra với các trường hợp trung bình nặng hoặc nặng.
Viêm giác mạc do Acanthamoeba: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 1
Viêm giác mạc do Acanthamoeba khiến mắt bị cộm, gây khó chịu

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm giác mạc do Acanthamoeba

Một số biến chứng chính có thể xảy ra với viêm giác mạc do Acanthamoeba:

  • Suy giảm thị lực: Viêm giác mạc do Acanthamoeba làm tổn thương giác mạc, có thể dẫn đến suy giảm thị lực ở mắt bị tổn thương.
  • Viêm giác mạc tái phát: Acanthamoeba ở dạng nang có thể sống trong giác mạc của người bệnh trong thời gian dài và trở lại dạng hoạt động sau đó nếu gặp điều kiện phát triển thuận lợi.
  • Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày: Do người bệnh đau đớn và khó chịu ở mắt gây cản trở công việc, học tập, hoạt động sống và các mối quan hệ xã hội.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ khiến bạn dễ nhiễm Acanthamoeba và/hoặc bạn có các triệu chứng khó chịu tại mắt được nêu ở trên, bạn hãy đến khám ngay với bác sĩ chuyên khoa Mắt để được chẩn đoán bệnh và nguyên nhân. Bạn cần tích cực điều trị bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các biến chứng lên mắt.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm giác mạc do Acanthamoeba

Acanthamoeba là loại amip gây viêm giác mạc trong bệnh lý này. Những amip này thường được tìm thấy trong các nguồn nước, điển hình là nước máy sinh hoạt, bể bơi, bồn tắm nước nóng công cộng,... Mặc dù việc tiếp xúc với Acanthamoeba trong nước bị ô nhiễm hiếm khi gây ra bất kỳ vấn đề gì nhưng amip này đôi khi có thể lây nhiễm vào các tế bào ở mặt ngoài giác mạc. Sinh vật này cần tiếp xúc trực tiếp với mắt để gây viêm giác mạc do Acanthamoeba, vì vậy nó không lây qua đường ăn uống từ nguồn nước có chứa amip.

Ở Anh, hầu hết người bệnh viêm giác mạc do Acanthamoeba đều đeo kính áp tròng. Khoảng 1 trên 30.000 người đeo kính áp tròng bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, bất kỳ ai có các tổn thương giác mạc cũng có nguy cơ bị bệnh này sau khi tiếp xúc với Acanthamoeba, do ký sinh trùng có thể xâm nhập vào mắt dễ dàng hơn tại vị trí vết thương.

Vì thế, có ba cách phổ biến nhất để Acanthamoeba tấn công vào mắt là:

  • Kính áp tròng;
  • Nguồn nước ô nhiễm;
  • Tổn thương mắt.
Viêm giác mạc do Acanthamoeba: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 2
Acanthamoeba dạng hoạt động và dạng nang

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm giác mạc do Acanthamoeba?

Một số đối tượng dễ mắc bệnh viêm giác mạc do Acanthamoeba là:

  • Người sử dụng kính áp tròng;
  • Vận động viên bơi lội;
  • Người sống ở những khu vực có môi trường vệ sinh kém;
  • Tiền căn tổn thương mắt;
  • Cơ địa suy giảm miễn dịch.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm giác mạc do Acanthamoeba

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm giác mạc do Acanthamoeba:

  • Đeo kính áp tròng lâu;
  • Sử dụng loại kính áp tròng có thể tái sử dụng;
  • Khử trùng kính áp tròng không đúng cách;
  • Tái sử dụng dung dịch vệ sinh trong hộp bảo quản kính áp tròng;
  • Không vệ sinh hộp bảo quản kính áp tròng;
  • Đeo kính áp tròng khi bơi lội hoặc khi tắm rửa;
  • Mắt tiếp xúc với nước bị ô nhiễm;
  • Vết trầy xước tại giác mạc. 

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm giác mạc do Acanthamoeba

Viêm giác mạc do Acanthamoeba rất khó chẩn đoán sớm và chẩn đoán nhầm nguyên nhân từ ban đầu xảy ra trong khoảng 75% đến 90% trường hợp, vì những điều sau đây:

  • Các triệu chứng của bệnh tương tự như các bệnh nhiễm trùng mắt do virus hoặc vi khuẩn khác.
  • Viêm giác mạc do Acanthamoeba là bệnh rất hiếm nên ban đầu các bác sĩ thăm khám thường ít nghi ngờ nguyên nhân này.

Bác sĩ chuyên khoa Mắt sẽ khám mắt và hỏi về các triệu chứng, hoạt động gần đây và các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh. Điều trị theo kinh nghiệm được ưu tiên theo hướng điều trị bệnh nhiễm trùng mắt là do virus hoặc vi khuẩn. Nếu điều trị trên không hiệu quả, bác sĩ sẽ định hướng nguyên nhân do Acanthamoeba.

Để chẩn đoán viêm giác mạc do Acanthamoeba, bác sĩ có thể yêu cầu lấy mẫu mô giác mạc. Các phương pháp lấy mô giác mạc có thể kể đến gồm:

  • Cạo giác mạc: Chuyên gia sẽ lấy một mẫu mô ở lớp ngoài cùng của giác mạc để kiểm tra.
  • Sinh thiết giác mạc: Phương pháp này yêu cầu lấy một mẫu mô lớn hơn so với việc cạo. Ưu điểm chính là nó có thể phát hiện nhiễm trùng cụ thể hơn so với xét nghiệm cạo giác mạc.

Thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm mô giác mạc có thể mất vài ngày. Cả hai xét nghiệm này đều xâm lấn và có thể gây đau. Vì thế, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc nhỏ hoặc thuốc gây tê để hỗ trợ cho việc lấy mẫu. Giác mạc có khả năng tái tạo nhanh chóng, vì thế vết thương có thể phục hồi nhanh.

Viêm giác mạc do Acanthamoeba: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 3
Phương pháp cạo giác mạc

Điều trị viêm giác mạc do Acanthamoeba

Điều trị viêm giác mạc do Acanthamoeba có hai mục tiêu chính: Loại bỏ amip và giảm đau, cũng như các triệu chứng khó chịu khác. Thuốc thường là lựa chọn đầu tiên và phẫu thuật có thể cần thiết trong những trường hợp nặng hơn.

Thuốc

Dạng hoạt động của Acanthamoeba rất nhạy cảm với một số loại thuốc. Ở dạng nang, Acanthamoeba có thể kháng lại việc điều trị nhưng một số loại thuốc vẫn có thể khắc phục được điều đó. Đường dùng điều trị chính là thuốc nhỏ sát trùng tại chỗ, ví dụ như chlorhexidine và polyhexamethylene biguanide.

Phẫu thuật

Khoảng 40% trường hợp viêm giác mạc do Acanthamoeba không đáp ứng tốt với thuốc. Khi đó, phẫu thuật có thể là lựa chọn tốt nhất tiếp theo.

  • Loại bỏ biểu mô giác mạc, có thể loại bỏ Acanthamoeba sống trong giác mạc (ở dạng hoạt động hoặc dạng nang). Phương pháp này cũng có thể giúp thuốc tiếp cận với Acanthamoeba ở các lớp tế bào sâu hơn.
  • Ghép giác mạc: Loại bỏ giác mạc có thể là phương pháp điều trị duy nhất trong một số trường hợp. Sau khi loại bỏ, bác sĩ chuyên khoa Mắt có thể thay thế nó bằng giác mạc khác tương thích.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm giác mạc do Acanthamoeba

Chế độ sinh hoạt:

  • Tránh tiếp xúc trực tiếp mắt với nguồn nước;
  • Ngừng sử dụng kính áp tròng;
  • Che chắn cho mắt khi ra khỏi nhà;
  • Sử dụng thuốc đúng liều và đủ thời gian theo yêu cầu của bác sĩ;
  • Tái khám theo lịch hẹn và đến khám ngay khi thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của bệnh.

Chế độ dinh dưỡng:

Để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh, bạn có thể tham khảo một số loại thực phẩm sau để bổ sung vào thực đơn hàng ngày:

  • Thực phẩm giàu vitamin A có trong cà rốt, bí đỏ, đu đủ, cà chua, rau lá xanh đậm,… Vitamin A giúp tạo ra sắc tố trong võng mạc, bảo vệ và duy trì đàn hồi của giác mạc và kết mạc.
  • Thực phẩm giàu vitamin C có nhiều trong các loại trái cây cam, quýt, ổi, ớt chuông, rau xanh,… Vitamin C giúp cơ thể tăng sức đề kháng, chống oxy hóa và chống viêm.
  • Thực phẩm giàu vitamin B2 có trong sữa, các loại trái cây có múi như bưởi, cam, quýt,… Vitamin B2 giúp tăng cường thị giác và chống oxy hóa cho cơ thể.

Phòng ngừa viêm giác mạc do Acanthamoeba

Viêm giác mạc do Acanthamoeba là bệnh lý có thể phòng ngừa được, mặc dù những trường hợp hiếm gặp có thể xảy ra vì những lý do bạn không thể kiểm soát. Bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Đeo kính áp tròng và vệ sinh kính theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Không đeo kính áp tròng quá lâu, đeo qua đêm, đeo khi bơi hoặc tắm.
  • Thường xuyên vệ sinh hộp bảo quản kính.
  • Sử dụng loại dung dịch vệ sinh phù hợp cho kính áp tròng.
  • Bỏ kính áp tròng đang sử dụng nếu bạn bị viêm nhiễm tại mắt và thay hộp bảo quản kính.
  • Tránh để nước tiếp xúc trực tiếp vào mắt. Nếu bạn cảm thấy khô mắt, hãy sử dụng nước mắt nhân tạo dành riêng cho mắt.
  • Nếu bạn có nguy cơ cao mắc viêm giác mạc do Acanthamoeba như suy giảm miễn dịch, tổn thương mắt,... nên tránh bơi lội hoặc tắm nước máy.
  • Sử dụng kính bảo vệ mắt để tránh bị thương.
Viêm giác mạc do Acanthamoeba: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 5
Tránh bơi lội tại các nguồn nước không đảm bảo vệ sinh
Nguồn tham khảo
  1. Fanselow N, Sirajuddin N, Yin XT, Huang AJW, Stuart PM. Acanthamoeba Keratitis, Pathology, Diagnosis and Treatment. Pathogens. 2021 Mar 10;10(3):323. doi: 10.3390/pathogens10030323.
  2. Lorenzo-Morales J, Khan NA, Walochnik J. An update on Acanthamoeba keratitis: diagnosis, pathogenesis and treatment. Parasite. 2015;22:10. doi: 10.1051/parasite/2015010.
  3. Somani SN, Ronquillo Y, Moshirfar M. Acanthamoeba Keratitis. 2023 Nov 23. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2023 Jan–. PMID: 31751053.
  4. Szentmáry N, Daas L, Shi L, Laurik KL, Lepper S, Milioti G, Seitz B. Acanthamoeba keratitis - Clinical signs, differential diagnosis and treatment. J Curr Ophthalmol. 2018 Oct 19;31(1):16-23. doi: 10.1016/j.joco.2018.09.008.
  5. Acanthamoeba Keratitis: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21560-acanthamoeba-keratitis

Các bệnh liên quan

  1. Viêm võng mạc sắc tố

  2. Tắc động mạch võng mạc trung tâm

  3. Tật không nhãn cầu

  4. Mù màu

  5. Viêm võng mạc

  6. Suy giảm thị lực

  7. Vẩn đục dịch kính

  8. Khô mắt

  9. Tật mắt nhỏ

  10. Nấm mắt