Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nhiễm leptospira (Leptospirosis) là gì? Tác nhân gây bệnh, yếu tố nguy cơ và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Leptospirosis là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi khuẩn thuộc giống Leptospira. Vi khuẩn được lây truyền chủ yếu khi con người tiếp xúc với nước tiểu động vật mắc bệnh hoặc môi trường ô nhiễm nước tiểu. Người mắc bệnh có thể biểu hiện một loạt các triệu chứng khác nhau và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Bên cạnh đó, một số người nhiễm leptospira có thể không có triệu chứng gì. Nếu không được điều trị, bệnh Leptospirosis có thể dẫn đến tổn thương thận, viêm màng não, suy gan, suy hô hấp, thậm chí tử vong.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nhiễm Leptospira là gì? 

Bệnh leptospira (Leptospirosis) là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi khuẩn thuộc giống Leptospira ảnh hưởng đến con người và động vật. Bệnh này phổ biến ở các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới, đặc biệt những nơi có lượng mưa lớn.

Leptospira được lây truyền chủ yếu khi con người tiếp xúc với nước tiểu động vật mắc bệnh hoặc môi trường ô nhiễm nước tiểu. Người mắc bệnh có thể biểu hiện một loạt các triệu chứng khác nhau và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.

Bên cạnh đó, một số người nhiễm leptospira có thể không có triệu chứng gì. Nếu không được điều trị, bệnh Leptospirosis có thể dẫn đến tổn thương thận, viêm màng não, suy gan, suy hô hấp, thậm chí tử vong.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Leptospirosis

Khoảng thời gian từ khi một người tiếp xúc với nguồn ô nhiễm đến khi phát bệnh là từ 2 ngày đến 4 tuần. Bệnh thường bắt đầu đột ngột với sốt và các triệu chứng khác. Bệnh Leptospirosis có thể xảy ra trong hai giai đoạn:

Giai đoạn đầu triệu chứng có thể có bao gồm: 

  • Sốt cao;

  • Ớn lạnh;

  • Nhức đầu;

  • Đau cơ;

  • Nôn ói;

  • Tiêu chảy.

Nhiều trong số các triệu chứng này có thể bị nhầm với các bệnh khác. Ngoài ra, một số người bị nhiễm bệnh có thể không có triệu chứng gì. Sau đó, bệnh nhân có thể khỏi bệnh một thời gian nhưng lại tái phát.

Nếu giai đoạn thứ hai xảy ra, các triệu chứng sẽ biểu hiện nghiêm trọng hơn. Người bệnh có thể bị suy thận, suy gan hoặc viêm màng não với những triệu chứng nặng nề hơn như:

  • Vàng da, vàng mắt;

  • Tiểu ít;

  • Ban xuất huyết, xuất huyết các cơ quan;

  • Sốc.

Bệnh kéo dài từ vài ngày đến 3 tuần hoặc lâu hơn. Nếu không điều trị, có thể mất vài tháng để phục hồi hoặc có thể dẫn đến tử vong.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Leptospirosis

Leptospirosis là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi xoắn khuẩn Leptospira ảnh hưởng đến con người và động vật. Vi khuẩn lây lan qua nước tiểu của động vật bị nhiễm bệnh, chúng có thể xâm nhập vào nước hoặc đất và có thể tồn tại ở đó hàng tuần đến hàng tháng. Có nhiều loại động vật hoang dã và vật nuôi khác nhau mang vi khuẩn này, như: 

  • Gia súc;

  • Lợn;

  • Ngựa;

  • Chó;

  • Loài gặm nhấm;

  • Động vật hoang dã.

Khi những con vật này bị nhiễm bệnh, chúng có thể không có triệu chứng của bệnh.

Động vật bị nhiễm bệnh có thể tiếp tục bài tiết vi khuẩn ra môi trường liên tục hoặc thỉnh thoảng trong vài tháng đến vài năm.

Con người có thể bị nhiễm bệnh do:

  • Tiếp xúc với nước tiểu (hoặc các chất dịch cơ thể khác, ngoại trừ nước bọt) từ động vật bị nhiễm bệnh.

  • Tiếp xúc với nước, đất hoặc thức ăn bị nhiễm nước tiểu của động vật bị nhiễm bệnh.

  • Vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể qua da hoặc niêm mạc (mắt, mũi hoặc miệng), đặc biệt nếu da bị tổn thương hoặc trầy xước. 

  • Uống nước bị ô nhiễm cũng có thể gây nhiễm trùng. 

Sự lây truyền từ người sang người là rất hiếm.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Leptospirosis?

Bệnh Leptospirosis xảy ra trên toàn thế giới, nhưng phổ biến nhất ở vùng khí hậu ôn đới hoặc nhiệt đới. Những người cần làm việc ngoài trời hoặc cần tiếp xúc với động vật mang vi khuẩn là yếu tố nguy cơ mắc bệnh Leptospirosis, chẳng hạn như:

  • Nông dân;

  • Công nhân vùng mỏ;

  • Công nhân cống rãnh;

  • Công nhân lò mổ;

  • Bác sĩ thú y và người chăm sóc động vật;

  • Công nhân ở xưởng cá;

  • Nông dân chăn nuôi bò sữa;

  • Quân nhân.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Leptospirosis

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Leptospirosis, bao gồm:

  • Nghề nghiệp liên quan đến làm việc ngoài trời hoặc tiếp xúc động vật.

  • Bơi lội, lội nước, chèo thuyền và đi bè, cắm trại ở các hồ và sông bị ô nhiễm đặc biệt ở nơi khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Leptospirosis

Để chẩn đoán bệnh leptospirosis, bác sĩ cần xét nghiệm máu để tìm kháng thể chống lại vi khuẩn. Nếu bạn đã từng mắc bệnh trước đây, xét nghiệm máu có thể cho kết quả dương tính giả (hoặc cho thấy có kháng thể từ lần nhiễm trùng trước đó). Vì vậy, bác sĩ có thể sẽ làm thêm xét nghiệm thứ hai vào khoảng một tuần sau đó để đảm bảo kết quả là chính xác.

Ngoài ra, bác sĩ còn cần đề nghị thêm một số xét nghiệm giúp đánh giá mức độ ảnh hưởng của bệnh ở các cơ quan và khảo sát biến chứng. Tuỳ vào biểu hiện lâm sàng mà các xét nghiệm có thể được thực hiện như: 

  • Công thức máu;

  • Tổng phân tích nước tiểu;

  • Chức năng thận;

  • Chức năng đông máu;

  • Chức năng gan; 

  • Chọc dò dịch não tuỷ;

  • Siêu âm đường mật;

  • Điện tâm đồ (ECG).

Phương pháp điều trị Leptospirosis hiệu quả

Liệu pháp kháng sinh được khuyến cáo để điều trị nhiễm Leptospira ngay khi có các yếu tố lâm sàng và dịch tễ gợi ý và nên sử dụng sớm nhất có thể dù ở bất kỳ thời điểm nào của bệnh. 

Điều trị bằng kháng sinh đường uống có thể bao gồm:

  • Doxycycline;

  • Ampicillin hoặc amoxicillin;

  • Azithromycin hoặc clarithromycin;

  • Fluoroquinolon như ciprofloxacin hoặc levofloxacin.

Thuốc kháng sinh cho bệnh leptospirosis cần nhập viện bao gồm:

  • Penicillin G tiêm tĩnh mạch;

  • Tiêm tĩnh mạch cephalosporin thế hệ thứ ba (cefotaxim và ceftriaxone);

  • Ampicillin tiêm tĩnh mạch hoặc amoxicillin;

  • Erythromycin tiêm tĩnh mạch (ở phụ nữ có thai dị ứng với penicilin).

Bệnh nhân mắc bệnh Leptospirosis nặng cũng cần điều trị hỗ trợ và theo dõi cẩn thận các biến chứng trên thận, gan, huyết học và hệ thần kinh trung ương. Nếu suy thận nặng nên thẩm phân phúc mạc hay lọc máu sớm.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nhiễm Leptospira

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

Để mang lại hiệu quả tối đa và đẩy nhanh quá trình hồi phục, bạn nên tuân thủ chế độ ăn kiêng, không gây gánh nặng cho gan, đồng thời đưa vào chế độ ăn kiêng:

  • Các chế phẩm không ngọt, các loại nước ép trái cây;
  • Các loại ngũ cốc, đặc biệt là bột yến mạch;
  • Sữa chua;
  • Bánh mì, bánh quy;
  • Củ cà rốt, bí ngô;
  • Cá, thịt bò.

Việc tuân thủ chế độ ăn uống sẽ giúp tránh được những cơn đau và biến chứng cho người bệnh.

Phương pháp phòng ngừa Leptospirosis hiệu quả

 Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tránh nước bị ô nhiễm bằng cách tránh bơi lội, tiếp xúc với nước, chèo thuyền hoặc câu cá ở các khu vực có khả năng bị ô nhiễm.

  • Sử dụng các biện pháp bảo vệ thích hợp khi phải làm việc ở nơi có khả năng bị ô nhiễm. 

  • Cung cấp ủng, găng tay, tạp dề, đồ bảo hộ cho những người làm nghề có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh.

  • Tránh xa động vật bị nhiễm bệnh, đặc biệt là động vật gặm nhấm trong các khu dân cư, nông thôn và các khu cắm trại. Cần diệt chuột thường xuyên.

  • Cách ly vật nuôi bị nhiễm khuẩn để phòng ngừa nước tiểu của động vật mắc bệnh làm ô nhiễm nơi ở, nơi làm việc và các khu cắm trại. 

  • Tiêm chủng cho gia súc, vật nuôi có thể ngừa được nhiều tuýp leptospira khác nhau. 

  • Tiêm chủng cho đối tượng có nguy cơ cao.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.cdc.gov/leptospirosis/symptoms/index.html 
  2. https://www.webmd.com/a-to-z-guides/what-is-leptospirosis 
  3. https://emedicine.medscape.com/article/220563-overview#a1

Các bệnh liên quan

  1. Dịch hạch

  2. Bệnh thận do HIV

  3. Viêm gan E

  4. Áp xe vú

  5. Tả

  6. Sán dây lợn

  7. Nhiễm ấu trùng sán lợn

  8. Sán dây cá

  9. Giun tim

  10. Nhiễm giun tóc