Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh ấu trùng da di chuyển: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh ấu trùng da di chuyển là một bệnh nhiễm trùng da do ấu trùng giun móc từ mèo, chó và động vật khác. Khi bị nhiễm bệnh, ấu trùng di chuyển dưới bề mặt da và gây ra các đường hoặc vết đỏ ngứa. Bệnh ấu trùng da di chuyển dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh ở da khác nên cần được bác sĩ thăm khám để chẩn đoán và điều trị đúng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh ấu trùng da di chuyển là gì?

Bệnh ấu trùng da di chuyển (Cutaneous larva migrans – creeping eruption) là một hội chứng lâm sàng bao gồm một vệt đỏ di chuyển theo đường thẳng hoặc hình rắn ở da; một thuật ngữ y khoa thường được nói đến là “phun trào leo thang”.

Bệnh do ấu trùng giun móc động vật gây ra, trong đó Ancylostoma Braziliense là loài thường gặp nhất ở người. Những con giun móc này thường sống trong ruột của vật nuôi trong nhà như chó, mèo và thải trứng qua phân xuống đất (thường là vùng cát của bãi biển hoặc dưới nhà). Con người bị nhiễm bệnh do tiếp xúc với đất bị ô nhiễm phân của động vật. Ấu trùng giun móc có thể chui qua lớp da nguyên vẹn nhưng vẫn bị giữ lại ở lớp hạ bì da.

Giun móc gây bệnh ấu trùng di chuyển được phân bố trên toàn thế giới. Trong đó, nhiễm trùng thường xuyên hơn ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới như Đông Nam Á, Châu Phi, Nam Mỹ, Caribe, Bắc Úc và các vùng phía Đông Nam của Hoa Kỳ. Bệnh này thường xảy ra vào mùa mưa. Những người thường xuyên đi biển và trẻ em có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn. Tính chất lưu hành của bệnh này phụ thuộc vào hai yếu tố là vệ sinh kém và điều kiện môi trường. Các yếu tố môi trường cần thiết cho sự phát triển của ấu trùng bao gồm nhiệt độ từ 23 đến 30°C, đất mùn tơi xốp, nơi râm mát.

Bệnh xảy ra thường xuyên nhất ở chi dưới, vùng mông và sinh dục, ít gặp ở thân và chi trên. Ban đầu, một sẩn đỏ ngứa có thể phát triển tại vị trí ấu trùng xâm nhập. Trong vòng vài ngày sau đó, các vệt màu nâu đỏ nổi lên, ngứa ngáy dữ dội xuất hiện khi ấu trùng di chuyển với tốc độ vài mm (lên đến vài cm) mỗi ngày. Các tổn thương rộng khoảng 3mm và có thể dài tới 15 - 20mm, ấu trùng thường nằm trước vết phát ban từ 1 - 2cm. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ấu trùng da di chuyển

Triệu chứng thường xuất hiện từ 1 đến 5 ngày sau khi bạn nhiễm ấu trùng giun móc. Nhưng đôi khi có thể hơn 1 tháng mới xuất hiện. 

Mỗi người có thể có các triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Nổi vết sẩn đỏ tại vị trí giun móc xâm nhập. Sau đó, ấu trùng di chuyển trên da tạo nên các đường thẳng hoặc ngoằn ngoèo màu nâu đỏ.
  • Ngứa: Ngứa là triệu chứng chính của bệnh và có thể khá dữ dội, đôi khi có cảm giác nóng rát. Ngứa có thể nghiêm trọng đến mức gây mất ngủ. Vì các tổn thương của bệnh gây ngứa nên gãi có thể dẫn đến viêm da và nhiễm trùng do vi khuẩn.
  • Vết phồng rộp.
  • Chốc lở.
  • Viêm nang lông.

Các vị trí thường bị nhiễm ấu trùng giun móc nhất là bàn chân, khoảng kẽ giữa các ngón chân, bàn tay, đầu gối và mông.

Bệnh ấu trùng da di chuyển: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 4
Triệu chứng thường gặp ở người mắc bệnh ấu trùng da di chuyển

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh ấu trùng da di chuyển

Các biến chứng của bệnh bao gồm:

  • Biến chứng hay gặp nhất là nhiễm trùng thứ phát tại vùng tổn thương.
  • Phản ứng dị ứng tại chỗ hoặc toàn thân như mày đay.
  • Biến chứng phổi: Sự lây nhiễm vào máu sau đó đi đến phổi là biến chứng hiếm gặp của nhiễm bệnh ấu trùng da di chuyển. Biểu hiện thường gặp nhất là ho khan bắt đầu khoảng một tuần sau khi xâm nhập qua da. Cơn ho thường kéo dài từ một đến hai tuần nhưng hiếm khi kéo dài đến chín tháng. Chụp X-quang ngực có thể cho thấy thâm nhiễm thoáng qua. Tăng bạch cầu ái toan trong máu rất thường gặp.
  • Những người có hệ miễn dịch suy yếu khi bị nhiễm trùng có biểu hiện xuất huyết lan rộng và tổn thương ban xuất huyết.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Các triệu chứng của bệnh ấu trùng da di chuyển có thể trông giống như các bệnh ngoài da khác. Do đó, hãy gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời ngăn ngừa biến chứng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh ấu trùng da di chuyển

Nhiều loại giun móc có thể gây ra bệnh ấu trùng da di chuyển. Các loại phổ biến là:

  • Ancylostoma Braziliense: Giun móc chó, mèo được tìm thấy ở miền Trung và miền Nam Hoa Kỳ, Trung và Nam Mỹ và vùng Caribe.
  • Ancylostoma caninum: Giun móc chó được tìm thấy ở Úc.
  • Uncinaria stenocephala: Giun móc chó được tìm thấy ở châu Âu.
  • Bunostomum phlebotomum: Giun móc gia súc.

Chu kỳ phát triển của giun móc:

  • Trứng giun móc được thải ra trong phân chó (hoặc động vật khác) bị nhiễm bệnh và được giữ trong đất và cát bãi biển.
  • Chúng phát triển trong khoảng thời gian 1 - 2 tuần thành dạng ấu trùng truyền nhiễm (ấu trùng dạng sợi).
  • Ấu trùng dạng sợi có thể chui qua lớp da nguyên vẹn tiếp xúc với đất hoặc cát bị nhiễm phân.
  • Con người là vật chủ ngẫu nhiên và ấu trùng chỉ có thể xâm nhập vào lớp biểu bì của da. Điều này được giải thích là do ký sinh trùng này thiếu enzyme collagenase, một enzyme giúp thâm nhập qua màng đáy và lớp hạ bì của da. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp do không được điều trị kịp thời và hệ miễn dịch suy yếu, bệnh có thể bội nhiễm và xâm nhập vào cơ quan khác trong cơ thể.
Bệnh ấu trùng da di chuyển: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 5
Chu kỳ phát triển của giun móc

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh ấu trùng da di chuyển?

Mọi người ở mọi lứa tuổi, giới tính và chủng tộc đều có thể mắc bệnh ấu trùng da di chuyển nếu họ đã tiếp xúc với ấu trùng giun móc. Nó thường được tìm thấy ở các vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới. 

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh ấu trùng da di chuyển

Các nhóm có nguy cơ bao gồm những người có nghề nghiệp hoặc sở thích tiếp xúc với đất cát ẩm, bao gồm:

  • Những người đi biển chân trần và những người tắm nắng;
  • Trẻ em;
  • Nông dân;
  • Người làm vườn;
  • Thợ sửa ống nước;
  • Người chăm sóc thú cưng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh ấu trùng da di chuyển

Chẩn đoán bệnh ấu trùng da di chuyển thường dựa trên hỏi bệnh sử, tiền căn và khám lâm sàng là chủ yếu. Những bệnh nhân bị nhiễm bệnh thường có tiền sử tiếp xúc với đất hoặc cát bị ô nhiễm (đi chân trần hoặc nằm trên cát) và có vết thương đặc trưng trên da. 

Bệnh ấu trùng da di chuyển: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 6
Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử của bệnh nhân trong quá trình chẩn đoán

Việc đề nghị cận xét nghiệm máu được các hiệp hội báo cáo là không cần thiết do lượng bạch cầu ái toan hiếm khi tăng trong các trường hợp bệnh ấu trùng da di chuyển. Các xét nghiệm kỹ thuật cao như chụp cắt lớp, sinh thiết da ít khi được chỉ định trên lâm sàng vì độ nhạy chẩn đoán không cao và không cần thiết.

Chẩn đoán bệnh ấu trùng da di chuyển rất dễ nhầm lẫn với các bệnh ở da khác. Vì mỗi bệnh, mỗi nguyên nhân sẽ điều trị đặc hiệu khác nhau. Do đó, cần phải thăm khám kỹ lưỡng để chẩn đoán và điều trị đúng. Các bệnh cảnh thường nhầm lẫn với bệnh ấu trùng da di chuyển là:

  • Bệnh giun lươn;
  • Bệnh Gnathostomas;
  • Bệnh vảy nến;
  • Bệnh sán lá gan;
  • Viêm da tiếp xúc;
  • Bệnh chốc lở;
  • Bệnh ghẻ;
  • Nám bàn chân;
  • Viêm nang lông.

Phương pháp điều trị bệnh ấu trùng da di chuyển hiệu quả

Liệu pháp tẩy giun sán cho bệnh ấu trùng da di chuyển rất hiệu quả để làm giảm các triệu chứng và giảm khả năng bội nhiễm vi khuẩn.

Các lựa chọn điều trị bao gồm Ivermectin hoặc Albendazole. Phương pháp điều trị ưu tiên là Ivermectin (200mcg/kg uống một lần mỗi ngày trong một hoặc hai ngày). Một liều Ivermectin duy nhất mang lại tỷ lệ khỏi bệnh từ 94 đến 100%. Bệnh nhân bị viêm nang lông giun móc nên được điều trị bằng hai liều Ivermectin. 

Albendazole (400mg uống với bữa ăn nhiều chất béo trong 3 ngày) là một phương pháp điều trị thay thế nếu không có sẵn Ivermectin. Đối với những bệnh nhân có tổn thương lan rộng hoặc nhiều tổn thương, có thể dùng một liệu trình Albendazole kéo dài 7 ngày. Các triệu chứng thường biến mất trong vòng một tuần sau khi điều trị.

Thiabendazole bôi tại chỗ có hiệu quả trong việc giảm ngứa và ngăn chặn sự tiến triển của tổn thương, thường thấy được hiệu quả trong vòng hai ngày. Thuốc mỡ Albendazole 10% bôi tại chỗ cũng đã được báo cáo là có hiệu quả khi dùng ba lần mỗi ngày trong 10 ngày.

Ngoài các thuốc chống ký sinh trùng, thuốc kháng Histamin rất hữu ích trong việc kiểm soát ngứa. Ở những bệnh nhân có phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể điều trị triệu chứng bằng Corticosteroid tại chỗ.

Bệnh ấu trùng da di chuyển: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 7
Ivermectin là thuốc hàng đầu điều trị bệnh ấu trùng da di chuyển

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh ấu trùng da di chuyển

Chế độ sinh hoạt:

  • Trong quá trình điều trị, phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Tinh thần sống tích cực, lạc quan và hạn chế sự căng thẳng.
  • Khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường trong khi điều trị, hãy liên hệ với bác sĩ ngay.
  • Thăm khám định kỳ theo lịch hẹn.

Chế độ dinh dưỡng: Tham khảo ý kiến của các chuyên gia về chế độ dinh dưỡng trong quá trình điều trị bệnh.

Phương pháp phòng ngừa bệnh ấu trùng da di chuyển hiệu quả

Bạn có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Không nằm, ngồi trên đất cát.
  • Mang dép khi đi trên đất cát, đặc biệt là khu vực có thả rông chó mèo.
  • Tẩy giun định kỳ cho chó mèo.
  • Hộp cát và các cơ sở tương tự khác nơi trẻ em thường xuyên chơi đùa không nên cho thả rông chó và mèo.
  • Liên hệ với bác sĩ ngay nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ấu trùng da di chuyển, đặc biệt là khi xuất hiện các vết đỏ ngoằn ngoèo trên cơ thể.
Nguồn tham khảo
  1. Cutaneous Larva Migrans: https://www.msdmanuals.com/home/skin-disorders/parasitic-skin-infections/cutaneous-larva-migrans
  2. Creeping Eruption: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/creeping-eruption
  3. Cutaneous Larva Migrans: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK507706
  4. Cutaneous Larva Migrans: https://emedicine.medscape.com/article/1108784-overview
  5. Cutaneous Larva Migrans: https://www.sciencedirect.com/topics/pharmacology-toxicology-and-pharmaceutical-science/cutaneous-larva-migrans

Các bệnh liên quan

  1. Nấm móng

  2. Bệnh do nhiễm leishmania

  3. Bệnh virus Nipah

  4. Quai bị

  5. Ký sinh trùng

  6. Lỵ trực khuẩn

  7. Viêm màng não do liên cầu

  8. Nhiễm giun đũa

  9. Nhiễm ký sinh trùng

  10. Tả