Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Aminocaproic Acid

Aminocaproic Acid: Thuốc điều trị và dự phòng chống xuất huyết

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Aminocaproic acid

Loại thuốc

Thuốc cầm máu; chất ức chế quá trình phân hủy fibrin

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Dung dịch tiêm 250 mg/ml
  • Siro 0,25 g /ml
  • Viên nén 500 mg; 1000 mg

Chỉ định

Aminocaproic acid được chỉ định dùng trong các trường hợp sau:

Chảy máu do hoạt động tiêu sợi huyết tăng cao

Điều trị chảy máu nhiều do tăng tiêu sợi huyết toàn thân và tiêu sợi huyết niệu. Trong những tình huống nguy hiểm đến tính mạng, có thể phải truyền các sản phẩm máu thích hợp và các biện pháp khẩn cấp khác.

Tiêu sợi huyết toàn thân thường có thể liên quan đến các biến chứng phẫu thuật sau phẫu thuật tim (có hoặc không có thủ thuật bắc cầu tim) và phẫu thuật nối mạch máu gan, rối loạn huyết học như giảm tiểu cầu vô bào (thiếu máu bất sản kèm theo), bong nhau thai cấp tính và đe dọa tính mạng, xơ gan và bệnh ung thư như ung thư biểu mô tuyến tiền liệt, phổi, dạ dày và cổ tử cung.

Tiêu sợi huyết niệu liên quan đến các biến chứng của chấn thương nặng, thiếu oxy và sốc, và được biểu hiện bằng tiểu máu do phẫu thuật, đặc biệt là sau phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt và cắt thận, hoặc trong tiểu máu không phẫu thuật kèm theo bệnh đa nang hoặc ung thư đường sinh dục.

Được sử dụng kết hợp với liệu pháp heparin ở những bệnh nhân bị bệnh bạch cầu cấp tính nguyên bào tủy, bắt đầu điều trị khi nồng độ α2 - antiplasmin ( chất ức chế α2 -plasmin) trong huyết tương giảm xuống < 40% mức bình thường.

Xuất huyết mắt

Được sử dụng hiệu quả để phòng ngừa xuất huyết mắt thứ phát ở những bệnh nhân mắc bệnh xuất huyết tiền phòng sau chấn thương

Bệnh xuất huyết di truyền Telangiectasia

Đã được sử dụng bằng đường uống để kiểm soát bệnh giãn mạch máu xuất huyết di truyền.

Dược lực học

Acid Aminocaproic có tác dụng ức chế phân hủy fibrin thông qua cơ chế ức chế các chất hoạt hóa plasminogen và ức chế hoạt động của fibrinolysin (antiplasmin).

Động lực học

Hấp thu

Hấp thu nhanh chóng và hoàn toàn qua đường tiêu hóa; nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được trong vòng 1 giờ sau khi dùng liều 5g. Nồng độ thuốc trong huyết tương có thể cao hơn ở bệnh nhân suy thận nặng.

Phân bố

Phân phối vào các khoang ngoại mạch cũng như nội mạch, thâm nhập vào các tế bào hồng cầu và các tế bào cơ thể khác.

Không có thông tin Acid Aminocaproic phân phối vào sữa hay không.

Thuốc không liên kết với protein huyết tương

Chuyển hóa

Phần lớn thuốc không được chuyển hóa

Thải trừ

Thải trừ chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng không thay đổi và một phần nhỏ dưới dạng chất chuyển hóa acid adipic

Thời gian bán thải là 2 giờ

Loại bỏ bằng cách chạy thận nhân tạo và có thể được loại bỏ bằng thẩm phân phúc mạc.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Phối hợp Acid Aminocaproic với phức hợp chất chống ức chế đông máu, phức hợp prothrombin và phức hợp yếu tố IX làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối.

Hiệu quả điều trị giảm khi dùng chung Acid Aminocaproic với các chất chống đông máu như Alteplase, Anistreplase, Reteplase, Streptokinase, Tenecteplase, Ticagrelor, Urokinase

Carfilzomib đôi khi có thể gây ra cục máu đông nguy hiểm và sử dụng nó cùng với Acid Aminocaproic có thể làm tăng nguy cơ. Ngoài ra, nguy cơ gia tăng theo tuổi tác, hút thuốc lá, huyết áp cao hoặc cholesterol cao. Cục máu đông có thể dẫn đến các biến chứng như đau tim, thuyên tắc phổi (tắc nghẽn động mạch phổi) và đột quỵ.

Aminocaproic Acid nên được dùng thận trọng ở bệnh nhân đang điều trị với tretinoin.

Chống chỉ định

Không nên sử dụng Acid Aminocaproic khi có bằng chứng về quá trình đông máu nội mạch đang hoạt động.

Khi không chắc chắn nguyên nhân chảy máu là do tiêu sợi huyết nguyên phát hay đông máu nội mạch lan tỏa (DIC), cần phải phân biệt rõ nguyên nhân này trước khi dùng Aminocaproic Acid.

Liều lượng & cách dùng

Lưu ý khi dùng Aminocaproic Acid bằng đường tiêm truyền tĩnh mạch thì tránh truyền nhanh do có thể gây hạ huyết áp, nhịp tim chậm hoặc loạn nhịp tim

Đối với dịch truyền ban đầu (liều nạp), thêm 4 – 5 g Acid Aminocaproic (16 – 20 mL thuốc tiêm) vào 250 mL dung dịch pha loãng. Truyền 4–5 g trong 1 giờ ở người lớn

Đối với dịch truyền duy trì, thêm 1 g Acid Aminocaproic (4 mL thuốc tiêm) vào 50 mL dung dịch pha loãng để tạo ra nồng độ cuối cùng khoảng 20 mg/mL. Truyền 1 g mỗi giờ ở người lớn.

Người lớn

Chảy máu do hoạt động tiêu sợi huyết tăng cao:

  • Đường uống: Liều 5 g trong giờ đầu tiên, sau đó uống 1 – 1,25 g mỗi giờ trong khoảng 8 giờ tiếp theo hoặc cho đến khi kiểm soát được tình trạng chảy máu.

Đường truyền tĩnh mạch:

  • Liều ban đầu (liều nạp) là 4–5 g truyền trong 1 giờ.
  • Liều duy trì là 1 g mỗi giờ trong khoảng 8 giờ tiếp theo hoặc cho đến khi kiểm soát được tình trạng chảy máu.

Xuất huyết mắt:

  • Đường uống: Liều 100 mg/kg (tối đa 5 g) cứ 4 giờ một lần, trong 5 ngày. Liều lượng tối đa hàng ngày là 30 g, liều lượng hàng ngày thấp hơn cũng có thể có hiệu quả

Kiểm soát giãn mạch máu xuất huyết di truyền:

  • Đường uống: Dùng liều 1 hoặc 1,5 g x 2 lần / ngày trong 1–2 tháng đầu, tiếp theo là 1 – 2 g mỗi ngày

Trẻ em

Chảy máu do hoạt động tiêu sợi huyết tăng cao:

  • Đường uống: Liều khởi đầu là 100 mg /kg hoặc 3 g/ m2 trong giờ đầu tiên, sau đó dùng liều 33,3 mg / kg mỗi giờ hoặc 1 g/m2 mỗi giờ (tối đa 18g /m2 trong 24 giờ).
  • Đường truyền tĩnh mạch: Liều ban đầu (liều nạp) là 100 mg/kg hoặc 3 g/m2 truyền trong hơn 1 giờ. Sau đó dùng liều duy trì 33,3 mg/kg mỗi giờ hoặc 1 g/m2 mỗi giờ (tối đa 18 g/m2 trong 24 giờ).

Lưu ý: Nhà sản xuất tuyên bố rằng an toàn và hiệu quả không được thiết lập ở bệnh nhi. Liều trên đây chỉ là đề nghị của một số chuyên gia

Tác dụng phụ

Thường gặp

Buồn nôn, nôn, chuột rút, đau bụng, tiêu chảy, chóng mặt, khó chịu, sốt, sưng tấy kết mạc, khó thở, nghẹt mũi, nhức đầu, phù nề, ngứa, phát ban.

Không xác định tần suất

  • Nhịp tim chậm, hạ huyết áp, thiếu máu cục bộ ngoại vi, huyết khối
  • Phản ứng dị ứng và phản vệ, mẩn ngứa, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm, đau và hoại tử.
  • Mất bạch cầu hạt, rối loạn đông máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu
  • Yếu cơ, đau cơ, bệnh cơ, viêm cơ, tiêu cơ vân
  • Lú lẫn, co giật, mê sảng, chóng mặt, ảo giác, tăng áp nội sọ, đột quỵ, ngất.
  • Thuyên tắc phổi, ù tai, giảm thị lực, chảy nước mắt

Lưu ý

Lưu ý chung

Nên tránh tiêm tĩnh mạch nhanh thuốc vì điều này có thể gây hạ huyết áp, nhịp tim chậm hoặc rối loạn nhịp tim.

Viêm tắc tĩnh mạch, có thể xảy ra với tất cả các liệu pháp tiêm tĩnh mạch, cần được đề phòng bằng cách chú ý nghiêm ngặt đến việc đưa kim vào đúng cách và cố định vị trí của nó.

Ở những bệnh nhân bị chảy máu đường tiết niệu trên, sử dụng Acid Aminocaproic đã được biết là có thể gây tắc nghẽn nội thận dưới dạng huyết khối mao mạch cầu thận hoặc cục máu đông trong bể thận và niệu quản. Vì lý do này, không nên sử dụng Acid Aminocaproic trong bệnh tiểu máu có nguồn gốc từ đường tiết niệu trên, trừ khi lợi ích có thể có lớn hơn nguy cơ.

Xuất huyết cơ tim và thoái hóa mỡ của cơ tim đã được quan sát thấy trong một số thử nghiệm trên động vật

Yếu cơ xương kèm theo hoại tử các sợi cơ đã được báo cáo sau khi dùng thuốc kéo dài. Biểu hiện lâm sàng có thể từ đau cơ nhẹ với biểu hiện yếu và mệt mỏi đến bệnh cơ gần nặng với tiêu cơ vân, myoglobin niệu và suy thận cấp. Các enzym cơ, đặc biệt là creatine phosphokinase (CPK) tăng cao. Mức CPK nên được theo dõi ở những bệnh nhân điều trị lâu dài. Nên ngừng sử dụng Acid Aminocaproic nếu ghi nhận sự gia tăng CPK. Các triệu chứng được cải thiện sau khi ngưng sử dụng Acid Aminocaproic, tuy nhiên, hội chứng có thể tái phát nếu Acid Aminocaproic được sử dụng lại.

Khả năng tổn thương cơ tim cũng cần được xem xét khi bị bệnh cơ xương.

Chỉ nên sử dụng trong các trường hợp cấp tính, đe dọa tính mạng liên quan đến xuất huyết do tăng tiêu sợi huyết đã được xác nhận bởi các xét nghiệm chẩn đoán.

Đã có ghi nhận về trường hợp suy giảm thần kinh (não úng thủy, thiếu máu não, co thắt mạch não) liên quan đến việc sử dụng thuốc tiêu sợi huyết trong điều trị xuất huyết dưới nhện.

Nguy cơ cục máu đông trong cơ thể không ly giải tự nhiên được khi sử dụng Acid Aminocaproic.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Người ta không biết liệu Acid Aminocaproic có thể gây hại cho thai nhi khi dùng cho phụ nữ mang thai hoặc có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay không. Aminocaproic Acid chỉ nên được dùng cho phụ nữ có thai khi thật cần thiết

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Không biết liệu Acid Aminocaproic có được phân phối vào sữa hay không; thận trọng nếu dùng cho phụ nữ đang cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Một số tác dụng phụ của thuốc như gây buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc nên cần thông báo cho bệnh nhân biết về các nguy cơ này

Quá liều

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Một số trường hợp quá liều cấp tính với Acid Aminocaproic tiêm tĩnh mạch đã được báo cáo. Các tác động từ không có phản ứng, hạ huyết áp thoáng qua đến suy thận cấp nặng dẫn đến tử vong.

Cách xử lý khi quá liều

Chưa có phương pháp điều trị quá liều, mặc dù có bằng chứng cho thấy Acid Aminocaproic được loại bỏ bằng thẩm tách máu và có thể được loại bỏ bằng thẩm phân phúc mạc.

Nguồn tham khảo