Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Bromhexine

Bromhexine: Thuốc long đờm

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Bromhexine hydrochloride (Bromhexin hydrochlorid).

Loại thuốc

Thuốc long đờm.

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén: 4 mg, 8 mg.

Dung dịch uống 0,2%, lọ 60 ml và 150 ml (2 mg/1 ml, 10 mg/5 ml).

Cồn ngọt (elixir) 0,08%, lọ 30 ml và 60 ml (4 mg/5 ml). Dung dịch tiêm 0,2% (ống tiêm 4 mg/2 ml).

Một số chế phẩm phối hợp bromhexine với thuốc kháng khuẩn, thuốc long đờm, dưới dạng viên nén, sirô hoặc dung dịch uống.

Chỉ định

Thuốc Bromhexine được dùng trong các trường hợp sau:

  • Rối loạn tiết dịch phế quản, nhất là trong viêm phế quản cấp tính, đợt cấp tính của viêm phế quản mạn tính.
  • Bromhexine thường được dùng như một chất bổ trợ với kháng sinh, khi bị nhiễm khuẩn nặng đường hô hấp.
  • Bromhexine cũng đã được sử dụng đường uống và tại chỗ trong điều trị các hội chứng khô mắt liên quan đến sản xuất chất nhầy bất thường (hội chứng Sjögren’s), tuy nhiên còn mâu thuẫn.

Dược lực học

Bromhexine hydroclorid là chất có tác dụng long đờm. Do hoạt hóa tổng hợp sialomucin và phá vỡ các sợi acid mucopolysaccharid nên thuốc làm đờm lỏng hơn và ít quánh hơn. Giúp đờm từ phế quản thoát ra ngoài có hiệu quả.

Bromhexine ức chế thụ thể serine serine 2 xuyên màng (TMPRSS2) ở người. Việc kích hoạt TMPRSS2 đóng một vai trò quan trọng trong các bệnh hô hấp do virus như cúm A và Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS).

Sự ức chế kích hoạt thụ thể và sự xâm nhập của virus bằng bromhexine có thể có hiệu quả trong việc ngăn ngừa hoặc điều trị các bệnh đường hô hấp khác nhau, bao gồm COVID-19.

Nghiên cứu in vitro cho thấy tác dụng của ambroxol (một chất chuyển hóa của bromhexine) trên thụ thể enzym angiogensin 2 (ACE2), ngăn cản sự xâm nhập của glycoprotein ở vỏ ngoài của virus SARS-Cov-2 vào tế bào phế nang hoặc làm tăng tiết chất hoạt động bề mặt, ngăn cản sự xâm nhập của virus.

Khi uống, thường phải sau 2 - 3 ngày mới có tác dụng trên lâm sàng, nhưng nếu tiêm, chỉ sau khoảng 15 phút.

Bromhexine đã được uống liều 16 mg/lần, 3 lần/ngày hoặc dùng tại chỗ để điều trị hội chứng mắt khô kèm sản xuất dịch nhày bất thường (hội chứng Sjögren’s), nhưng kết quả không ổn định, chưa rõ, nên tác dụng này ít được áp dụng.

Động lực học

Hấp thu

Bromhexine hydroclorid hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, do chuyển hóa bước đầu ở gan rất mạnh nên sinh khả dụng khi uống chỉ đạt khoảng 20 %.

Thức ăn làm tăng sinh khả dụng của bromhexine hydroclorid. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được sau khi uống, từ 1/2 giờ đến 1 giờ.

Phân bố

Bromhexine hydroclorid phân bố rất rộng rãi vào các mô của cơ thể. Thuốc liên kết rất mạnh (95 - 99%) với protein huyết tương. Khi tiêm tĩnh mạch, thể tích phân bố của thuốc là 7 lít/kg. Bromhexine qua được hàng rào máu não và một lượng nhỏ qua được nhau thai.

Chuyển hóa

Bromhexine chuyển hóa chủ yếu ở gan. Đã phát hiện được ít nhất 10 chất chuyển hóa trong huyết tương, trong đó, có chất ambrosol là chất chuyển hóa vẫn còn hoạt tính. Ambroxol là một chất chuyển hóa của bromhexine.

Thải trừ

Khoảng 85 - 90% liều dùng được thải trừ qua nước tiểu, chủ yếu là dưới dạng các chất chuyển hoá, ở dạng liên hợp sulfo hoặc glucuro và một lượng nhỏ được thải trừ nguyên dạng. Bromhexine được thải trừ rất ít qua phân, chỉ khoảng dưới 4%. Thời gian bán thải của thuốc ở pha cuối là 13 - 40 giờ tuỳ theo từng cá thể.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Không phối hợp với thuốc làm giảm tiết dịch (giảm cả dịch tiết khí phế quản) như các thuốc kiểu atropin (hoặc anticholinergic) vì làm giảm tác dụng của bromhexine.

Không phối hợp với các thuốc chống ho.

Dùng phối hợp bromhexine với kháng sinh (amoxicilin, cefuroxim, erythromycin, doxycyclin) làm tăng nồng độ kháng sinh vào mô phổi và phế quản. Như vậy, bromhexine có thể có tác dụng như một thuốc bổ trợ trong điều trị nhiễm khuẩn hô hấp, làm tăng tác dụng của kháng sinh.

Tương tác với thực phẩm

Thức ăn làm tăng sinh khả dụng của bromhexine hydroclorid.

Tương kỵ thuốc

Dung dịch bromhexine hydroclorid ổn định ở pH < 6. Nếu pH > 6, thuốc bị kết tủa do giải phóng ra bromhexine dạng base. Vì vậy, không được trộn với các dung dịch kiềm, kể cả các dung dịch có pH trung tính.

Không được trộn bromhexine hydroclorid dạng dung dịch uống, cồn ngọt hoặc dung dịch tiêm với các thuốc khác, do nguy cơ tương kỵ về hóa lý.

Chống chỉ định

Mẫn cảm với bromhexine hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng

Người lớn

Viên nén, uống: 8 - 16 mg/lần, ngày uống 3 lần. Thời gian điều trị không quá 8 - 10 ngày trừ khi có ý kiến thầy thuốc.

Dung dịch uống: 10 mg/lần, ngày uống 3 lần (tương đương 1 thìa cà phê 5 ml dung dịch 0,2%/ lần, ngày uống 3 lần). Thời gian điều trị không được quá 8 - 10 ngày trừ khi có chỉ định của thầy thuốc.

Thuốc tiêm: Dành cho những trường hợp nặng hoặc các biến chứng sau phẫu thuật.

Liều tiêm 8 - 16 mg/ngày, chia làm 2 lần.

Trẻ em

Viên nén, uống:

  • Trẻ em trên 10 tuổi: 8 - 16 mg/lần, ngày uống 3 lần.
  • Thời gian điều trị không quá 8 - 10 ngày trừ khi có ý kiến thầy thuốc.

Dung dịch uống:

  • Trẻ em trên 10 tuổi: 10 mg/lần, ngày uống 3 lần (tương đương 1 thìa cà phê 5 ml dung dịch 0,2%/lần, ngày uống 3 lần).
  • Trẻ em dưới 10 tuổi: 0,5 mg/kg/ngày chia làm 2 - 4 lần.
  • Trẻ 5 - 10 tuổi: 4 mg/lần (1 thìa cà phê elixir) ngày uống 4 lần.
  • Trẻ từ 2 tuổi đến dưới 5 tuổi: 4 mg/lần (1/2 thìa cà phê elixir) ngày uống 2 lần.
  • Dưới 2 tuổi: 1 mg/lần (1/4 thìa cà phê elixir) ngày uống 3 lần.
  • Thời gian điều trị không được quá 8 - 10 ngày trừ khi có chỉ định của thầy thuốc.

Thuốc tiêm: Dành cho những trường hợp nặng hoặc các biến chứng sau phẫu thuật.

Trẻ em: 4 - 8 mg/ngày, chia làm 2 lần.

Đối tượng khác

Không có thông tin.

Cách dùng

Uống viên nén với 1 cốc nước. Dung dịch uống không được dùng để phun sương.

Dung dịch tiêm: Có thể tiêm bắp, tĩnh mạch chậm trong 2 - 3 phút. Dung dịch tiêm cũng có thể truyền tĩnh mạch cùng với dung dịch glucose 5% (pha tới 20 mg/500 ml), hoặc dung dịch tiêm natri clorid 0,9% (pha tới 40 mg/500 ml). Không được trộn với dung dịch kiềm vì thuốc sẽ bị kết tủa.

Tác dụng phụ

Thường gặp

Không có thông tin.

Ít gặp

Đau vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nhức đầu, chóng mặt, ra mồ hôi, ban da, mày đay.

Nguy cơ ứ dịch tiết phế quản ở người bệnh không có khả năng khạc đờm.

Hiếm gặp

Khô miệng, tăng enzym transaminase AST, ALT.

Hít phải bromhexine đôi khi gây ra ho hoặc co thắt phế quản ở những đối tượng mẫn cảm.

Lưu ý

Lưu ý chung

Trong khi dùng bromhexine cần tránh phối hợp với thuốc ho vì có nguy cơ ứ đọng đờm ở đường hô hấp.

Bromhexine, do tác dụng làm tiêu dịch nhầy, nên có thể gây huỷ hoại hàng rào niêm mạc dạ dày; vì vậy, khi dùng cho người bệnh có tiền sử loét dạ dày phải rất thận trọng.

Cần thận trọng khi dùng cho người bệnh hen, vì bromhexine có thể gây co thắt phế quản ở một số người dễ mẫn cảm.

Sự thanh thải bromhexine và các chất chuyển hóa có thể bị giảm ở người bệnh bị suy gan hoặc suy thận nặng, nên cần phải thận trọng và theo dõi.

Cần thận trọng khi dùng bromhexine cho người cao tuổi hoặc suy nhược quá yếu, trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 2 tuổi, vì không có khả năng khạc đờm có hiệu quả do đó càng tăng ứ đờm.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Chưa nghiên cứu tác dụng sinh quái thai của bromhexine ở động vật thí nghiệm. Chưa có nghiên cứu đầy đủ và có kiểm soát về dùng bromhexine cho người mang thai, vì vậy, không khuyến cáo dùng bromhexine cho người mang thai.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Còn chưa biết bromhexine có bài tiết vào sữa mẹ không. Vì vậy, không khuyến cáo dùng bromhexine cho phụ nữ nuôi con bú. Nếu cần dùng thì không cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Không hoặc ít ảnh hưởng khi vận hành máy móc hoặc lái xe.

Quá liều

Quá liều Bromhexine và xử trí

Quá liều và độc tính

Cho đến nay, chưa thấy có báo cáo về quá liều do bromhexine.

Cách xử lý khi quá liều

Nếu xảy ra trường hợp quá liều, cần điều trị triệu chứng và hỗ trợ.

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Nguồn tham khảo