Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Fenoterol: Thuốc chủ vận beta2 chọn lọc

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Fenoterol

Loại thuốc

Thuốc chủ vận beta2 chọn lọc; thuốc giãn phế quản.

Dạng thuốc và hàm lượng

Fenoterol hydrobromid:

  • Bình xịt khí dung hít định liều: 100 - 200 mcg/liều xịt (200 liều);
  • Dung dịch phun sương: 0,25 mg - 0,625 mg - 1 mg/ml;
  • Ống tiêm: 0,5 mg (0,05 mg/ml);
  • Viên nén: 2,5 mg; 5 mg;
  • Siro: 0,05%. 

Fenoterol hydrobromid và ipratropium bromid kết hợp: 

  • Bình xịt khí dung hít, bột hít: Mỗi liều xịt chứa 50 microgam fenoterol hydrobromid và 20 microgam ipratropium bromid (200 liều);
  • Bình xịt định liều dạng phun sương: Ipratropium bromide khan - 0,02 mg/nhát xịt; fenoterol hydrobromide - 0,05 mg/nhát xịt;
  • Dung dịch khí dung: Ipratropium bromide khan – 250 mcg/ml; fenoterol hydrobromide – 500 mcg/ml; ipratropium bromide – 25 mg/100ml; fenoterol hydrobromide – 50 mg/100ml.

Chỉ định

Điều trị cơn hen phế quản cấp. 

Cũng có thể dùng điều trị triệu chứng co thắt phế quản có kèm viêm phế quản, khí phế thũng, giãn phế quản hoặc những bệnh phổi tắc nghẽn khác. 

Dự phòng cơn hen do gắng sức. 

Điều trị chuyển dạ sớm.

Dược lực học

Fenoterol là thuốc chủ vận chọn lọc trên thụ thể beta2, có thể kích thích thụ thể beta1 nếu sử dụng liều cao. Việc gắn các thụ thể beta2 hoạt hóa adenyl cyclase qua protein Gs có đặc tính kích thích.

Fenoterol làm giãn cơ trơn phế quản và mạch máu, chống lại tác nhân gây co thắt phế quản (histamine, methacholine, không khí lạnh, các dị nguyên).

Nồng độ cao trong huyết tương gây ức chế co bóp tử cung, phân hủy lipid và glycogen, tăng glucose và giảm kali huyết – gây nên bởi sự tăng hấp thu K+ chủ yếu vào cơ vân.

Tác dụng chủ vận beta trên tim như tăng nhịp và co bóp do tác dụng trên mạch của fenoterol, kích thích thụ thể beta2. Fenoterol có thể kéo dài khoảng QT. 

Động lực học

Hấp thu

Thời gian fenoterol bắt đầu có tác dụng sau khi hít liều 200 - 400 mcg là 5 phút, sau khi uống liều 5 mg là 30 - 60 phút, sau khi tiêm dưới da liều 0,16 mg là 30 phút. 

Thời gian đạt được tác dụng giãn phế quản tối đa sau khi hít là 0,5 - 1 giờ, sau khi uống là 2 - 3 giờ. 

Thời gian tác dụng kéo dài của 1 liều duy nhất, sau khi hít là 3 - 5 giờ, sau khi uống là 6 - 7 giờ, sau khi tiêm dưới da liều 0,08 - 0,16 mcg là 1 giờ. 

Sau khi hít, fenoterol được hấp thu một phần qua đường hô hấp và một phần qua đường tiêu hóa. 

Phân bố

Khoảng 40% thuốc liên kết với protein huyết tương.

Chuyển hóa

Chuyển hóa chủ yếu (90%) tại gan nhờ liên hợp với acid glucuronic và acid sulfuric. Với liều thông thường, nồng độ thuốc trong huyết thanh rất thấp. Không có tương quan giữa nồng độ thuốc trong huyết thanh và hiệu lực giãn phế quản. Thời gian bán thải của thuốc khoảng 7 giờ.

Thải trừ

Fenoterol được thải trừ chủ yếu qua thận và mật dưới dạng các dẫn xuất liên hợp sulfonic, chỉ có dưới 2% là ở dạng không biến đổi.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Sử dụng đồng thời các thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc kháng cholinergic và các dẫn xuất xanthin đường toàn thân (như theophylline) có thể làm tăng phản ứng bất lợi.

Thuốc kháng beta có thể làm giảm nghiêm trọng tác dụng giãn phế quản của fenoterol.

Giảm kali máu do fenoterol có thể tăng lên khi sử dụng kết hợp với dẫn xuất xanthine, corticosteroid và lợi tiểu, cần lưu ý ở bệnh nhân tắc nghẽn đường hô hấp nặng.

Thận trọng sử dụng fenoterol ở bệnh nhân đang dùng thuốc ức chế monoamine oxidase hoặc thuốc chống trầm cảm ba vòng do có thể làm tăng tác dụng của fenoterol.

Thuốc gây mê dạng hít halogen hydrocarbon như halothane, trichloroethylene và enflurane có thể làm tăng tác dụng trên tim của chất chủ vận beta.

Chống chỉ định

Tiền sử quá mẫn nghiêm trọng với fenoterol.

Phì đại cơ tim có tắc nghẽn; loạn nhịp tim nhanh.

Liều lượng & cách dùng

Người lớn

Dạng fenoterol hydrobromid: 

Tắc đường thở còn hồi phục:

Dạng xịt định liều:

  • Hít 1 - 2 liều xịt (100 mcg/xịt) cho tới 3 - 4 lần/ngày.
  • Nếu không đỡ dùng liều cao hơn (200 mcg/xịt, 1 - 2 lần xịt, có thể tới 3 lần xịt/ngày).
  • Liều không được quá 400 mcg cách 6 giờ/lần hoặc 1,6 mg trong 24 giờ. Không nên dùng liều cao cho trẻ dưới 16 tuổi.

Dung dịch phun sương 

  • Liều thường dùng: 0,5 - 1,25 mg tùy theo mức độ nặng của cơn hen, có thể tăng liều tối đa tới 2 mg/ngày.

Uống: 

  • Liều 5 - 10 mg/lần, 3 lần/ngày.

Dự phòng hen do gắng sức:

  • Hít 0,6 đến 1 mg trước khi gắng sức.

Dạng kết hợp fenoterol hydrobromid và ipratropium bromid: 

Bình xịt khí dung hít, bột hít: Mỗi liều xịt chứa 50 mcg fenoterol hydrobromid và 20 mcg ipratropium bromid: 

  • Điều trị cơn hen: Dùng ngay 2 liều xịt (chứa 100 microgam fenoterol và 40 microgam ipratropium bromid) để làm giảm nhanh triệu chứng. Trong trường hợp hô hấp vẫn chưa được cải thiện thì xịt thêm 2 liều sau vài phút.
  • Điều trị cách quãng và điều trị dài hạn: 100 microgam fenoterol hydrobromid và 40 microgam ipratropium bromid (2 liều xịt) mỗi lần, ngày 2 - 4 lần, tối đa 16 liều xịt/ngày.

Dung dịch khí dung: (người lớn, kể cả người cao tuổi) và thanh thiếu niên trên 12 tuổi 1ml chứa 250 mcg ipratropium bromide khan + 500 mcg fenoterol hydrobromide:

  • Điều trị cơn hen cấp: 1ml (20 giọt) là đủ để giảm nhanh triệu chứng trong nhiều trường hợp cơn hen cấp nhẹ đến trung bình.
  • Trong trường hợp nặng, bệnh nhân đang cấp cứu không đáp ứng với liều trên, có thể cần dùng liều cao hơn đến 2,5 ml (50 giọt)
  • Trong trường hợp đặc biệt có thể dùng liều đến 4,0 ml (80 giọt) dưới sự giám sát của bác sĩ.
  • Co thắt phế quản trung bình hoặc cần thông khí hỗ trợ thì nên dùng liều thấp hơn 0,5 ml (10 giọt).

Trẻ em

Dạng fenoterol hydrobromid: 

Tắc đường thở còn hồi phục:

  • Trẻ em trên 6 tuổi: 1 xịt (100 mcg) cho tới 3 lần/ngày.

Dung dịch phun sương: 

  • Trẻ em từ 5 đến 14 tuổi: 0,1 - 1 mg/liều.

Uống: 

  • Trẻ em từ 6 đến 16 tuổi: 2,5 - 7,5 mg/liều, uống 3 lần/ngày hoặc 0,8 mg/kg/ngày, chia làm 3 liều. 
  • Trẻ em từ 2 đến 5 tuổi: Uống siro fenoterol 0,1 mg/kg/liều.

Dự phòng hen do gắng sức:

  • Hít 1 liều 200 mcg trước khi gắng sức.

Dạng kết hợp fenoterol hydrobromid và ipratropium bromid:

Bình xịt khí dung hít, bột hít: Trẻ em trên 6 tuổi sử dụng như liều người lớn.

Dung dịch khí dung: 

Trẻ em 6-12 tuổi:

  • Cơn hen cấp: 0,5 – 1 ml (10 – 20 giọt) là đủ để giảm nhanh triệu chứng trong nhiều trường hợp.
  • Trong trường hợp nặng, có thể cần liều cao đến 2 ml (40 giọt).
  • Trong trường hợp nặng đặc biệt có thể dùng liều đến 3,0 ml (60 giọt) dưới dự giám sát của bác sĩ)
  • Co thắt phế quản trung bình hoặc cần hỗ trợ thông khí thì nên dùng liều thấp hơn 0,5 ml (10 giọt).

Trẻ em dưới 6 tuổi (thể trọng dưới 22 kg):

Do thông tin còn giới hạn ở nhóm tuổi này nên khuyến cáo dùng theo liều sau dưới sự giám sát của bác sĩ:

  • Khoảng 25 mcg ipratropium bromide + 50 mcg fenoterol hydrobromide/kg thể trọng/liều, tối đa 0,5 ml (10 giọt)/ lần x 3 lần/ ngày.

Đối tượng khác

Phụ nữ có thai: 

Điều trị chuyển dạ sớm:

Liều gợi ý: Truyền tĩnh mạch 0,5 - 3 mcg/phút, tối đa 4 mcg/phút cho tới khi hết cơn co tử cung, sau đó uống 5 mg sau mỗi 3 - 6 giờ. Cần cân nhắc khi quyết định cơn co tử cung giảm khoảng 60% trong vòng 15 - 30 phút.

Tác dụng phụ

Những ADR chủ yếu của thuốc chủ vận beta-adrenergic là do sự hoạt hóa quá mức các thụ thể beta-adrenergic. Người có bệnh tim mạch có nguy cơ đặc biệt về ADR. Tuy vậy có thể giảm khả năng xảy ra ADR ở người có bệnh phổi bằng cách dùng thuốc hít thay vì dùng thuốc uống hoặc tiêm. 

Thường gặp 

Run cơ (thường được dung nạp), tình trạng kích động, chóng mặt, đau đầu.

Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, tăng huyết áp.

Ù tai, ho, khô miệng, viêm họng, khó thở, buồn nôn, nôn. 

Ít gặp 

Giảm kali huyết nặng (với liều cao).

Kích ứng tại chỗ, co thắt phế quản nghịch lý (khi dùng hít).

Giảm huyết áp tâm trương, tăng huyết áp tâm thu, loạn nhịp tim (với liều cao).

Nhược cơ, đau cơ, co cứng cơ, toát mồ hôi.

Hiếm gặp

Phản ứng da, dị ứng.

Lưu ý

Lưu ý chung

Phải thận trọng dùng fenoterol với:

  • Người bệnh đang có (hoặc dễ bị) tăng nhãn áp góc đóng;
  • Người mắc bệnh tim mạch (ví dụ: Tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, suy cơ tim, loạn nhịp tim);
  • Người uống digitalis hoặc thuốc lợi tiểu (thuốc chủ vận chọn lọc beta2 dễ gây hoặc làm nặng thêm loạn nhịp tim đang có, do tác dụng trực tiếp làm tăng nhịp tim hoặc do gây hạ kali huyết);
  • Cường giáp;
  • Đái tháo đường chưa được kiểm soát;
  • U tế bào ưa crom;
  • Tắc nghẽn đường tiểu (như phì đại tuyến tiền liệt hoặc tắc nghẽn cổ bàng quang).

Cần thận trọng với người suy gan và rối loạn chức năng thận.

Tăng sử dụng fenoterol một cách thường xuyên có thể làm giảm hiệu quả kiểm soát bệnh. Nếu tắc nghẽn phế quản nặng lên, tăng liều fenoterol lên quá liều khuyến cáo trong thời gian dài có thể gây nguy hiểm.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Các thuốc giãn phế quản dùng tương đối an toàn trong khi mang thai. Không có dữ liệu về ảnh hưởng của fenoterol đối với người mang thai. Tuy vậy, cần sử dụng thận trọng, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Nên lưu ý đến tác dụng ức chế co thắt tử cung của fenoterol.

Không có báo cáo về dị tật bẩm sinh hoặc dị dạng bào thai liên quan tới fenoterol.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Fenoterol có bài tiết trong sữa, cần sử dụng thận trọng thuốc này ở người đang cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Bệnh nhân sử dụng fenoterol có thể bị chóng mặt, run, rối loạn điều tiết, giãn đồng tử và nhìn mờ trong thời gian điều trị, cần cẩn trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc.

Quá liều

Quá liều Fenoterol và xử trí

Quá liều và độc tính

Triệu chứng: Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, run, tăng huyết áp, hạ huyết áp, đau thắt ngực, loạn nhịp và đỏ bừng mặt. Ngoài ra còn có thể bị nhiễm toan chuyển hóa.

Cách xử lý khi quá liều

Giảm liều hoặc ngừng thuốc; nếu uống quá liều, rửa dạ dày. 

Các thuốc ức chế có chọn lọc thụ thể beta là thuốc giải độc đặc hiệu. Cho một thuốc chẹn beta-adrenergic chọn lọc với tim (ví dụ, acebutolol, atenolol, metoprolol) nếu cần để điều trị loạn nhịp tim, tuy vậy, phải dùng thận trọng thuốc chẹn beta, vì có thể gây co thắt phế quản hoặc cơn hen nặng; điều trị hỗ trợ.

Quên liều và xử trí

Nếu quên sử dụng một liều thuốc, hãy sử dụng càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và sử dụng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không sử dụng gấp đôi liều đã quy định.

Nguồn tham khảo

Tên thuốc: Fenoterol

1. Dược thư Quốc gia Việt Nam: Chuyên luận Fenoterol – trang 653.

2. Drugbank.vn:

Ngày cập nhật: 25/7/2021

Các sản phẩm có thành phần Fenoterol

  1. Dung dịch Berodual Boehringer hỗ trợ giãn phế quản (20ml)

  2. Dung dịch Berodual Boehringer hỗ trợ giãn phế quản (10ml)