Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Hydrocodone

Hydrocodone: Thuốc giảm đau nhóm opioid

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Hydrocodone.

Loại thuốc

Thuốc giảm đau nhóm opioid.

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nang phóng thích kéo dài (ER): 10 mg, 15 mg, 20 mg, 30 mg, 40 mg, 50 mg.

Viên nén phóng thích kéo dài (ER): 20 mg, 30 mg, 40 mg, 60 mg, 80 mg, 100 mg, 120 mg.

Viên nén: 5 mg

Si rô: 1 mg/ml.

Chỉ định

Thuốc Hydrocodone chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Kiểm soát triệu chứng ho khan, ho dai dẳng gây kiệt sức.
  • Kiểm soát cơn đau nặng, dùng định kỳ mỗi ngày, điều trị lâu dài và là lựa chọn điều trị thay thế khi các opioid khác không đáp ứng đủ.
  • Cảnh báo chỉ định hạn chế: Thuốc Hydrocodone dạng ER chỉ nên được dùng khi các lựa chọn điều trị thay thế khác (ví dụ: Thuốc giảm đau nonopioid, opioid giải phóng tức thời) không hiệu quả, không dung nạp, hoặc không giảm đau đủ.
  • Hydrocodone ER không được chỉ định như một loại thuốc giảm đau khi cần thiết.

Dược lực học

Hydrocodone liên kết với các thụ thể opioid trong thần kinh trung ương, gây ra sự ức chế đường đau hướng tâm, làm thay đổi nhận thức và phản ứng với cơn đau; gây suy nhược thần kinh trung ương. Hydrocodone có tác dụng ức chế trung tâm ho.

Động lực học

Hấp thu

Thời gian đạt nồng độ đỉnh trong máu của dạng thuốc lỏng là 0,83 - 1,33 giờ, viên nén ER là 14 - 16 giờ.

Phân bố

Thể tích phân bố 1300 - 1400 L. Tỷ lệ gắn protein là 30%.

Chuyển hóa

Chuyển hóa chủ yếu qua CYP3A4 và một phần qua CYP2D6.

Thải trừ

Thải trừ qua nước tiểu.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Tương tác thuốc có thể ảnh hưởng đến hoạt động của thuốc hoặc gây ra các tác dụng phụ. Nên báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ danh sách những thuốc và các thực phẩm chức năng bạn đang sử dụng. Không nên dùng hay tăng giảm liều lượng của thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Abametapir, aprepitant, clofazimine, fusidic acid: Có thể làm tăng nồng độ trong huyết thanh của Hydrocodone.

Deferasirox: Có thể làm giảm nồng độ trong huyết thanh của Hydrocodone.

Alizapride, amphetamine, azelastine, brimonidine, bromopride, bromperidol, chlormethiazole, chlorphenesine carbamate, droperidol, lisuride, lofexidine, magnesium sulfate, metoclopramide, minocycline: Tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương của Hydrocodone.

Thuốc ức chế MAO: Tăng tác dụng phụ / độc tính của Hydrocodone.

Thuốc Naltrexone: Giảm hiệu quả điều trị của Hydrocodone.

Alvimopan, blonanserin, sản phẩm chức cannabinoid, desmopresin, thuốc lợi tiểu, eluxadoline, flunitrazepam, methotrimeprazine: Làm tăng tác dụng phụ / độc tính của thuốc phối hợp.

Tương tác với thực phẩm

Rượu: Dùng rượu trong quá trình điều trị với Hydrocodone làm tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương của Hydrocodone.

Chống chỉ định

Không dùng thuốc Hydrocodone trong các trường hợp sau:

  • Quá mẫn (ví dụ: Sốc phản vệ) với Hydrocodone hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Tắc nghẽn đường tiêu hóa, bao gồm liệt ruột (đã biết hoặc nghi ngờ); suy giảm hô hấp đáng kể; hen phế quản cấp tính hoặc nặng trong điều kiện không được giám sát hoặc không có thiết bị hồi sức.
  • Chống chỉ định khi bệnh nhân trong tình trạng có thể cần phẫu thuật bụng (ví dụ viêm ruột thừa cấp tính hoặc viêm tụy); tắc nghẽn đường thở mãn tính; suy hô hấp cấp tính, nồng độ carbon dioxide tăng cao trong máu và tâm phế mạn; nghiện rượu cấp tính.
  • Chống chỉ định khi bệnh nhân trong tình trạng mê sảng và co giật; suy nhược thần kinh trung ương nghiêm trọng, tăng áp lực não tủy hoặc nội sọ, và chấn thương đầu; đang sử dụng hoặc sử dụng trong vòng 14 ngày chất ức chế monoamine oxidase; bệnh nhi < 6 tuổi.
  • Dữ liệu về phản ứng dị ứng chéo đối với các opioid còn hạn chế. Tuy nhiên, do sự tương đồng về cấu trúc hóa học và / hoặc tác dụng dược lý, không thể loại trừ khả năng nhạy cảm chéo một cách chắc chắn.

Liều lượng & cách dùng

Người lớn

Liều dùng thông thường trong điều trị ho (dạng siro và viên nén):

  • Liều thông thường: 5 mg mỗi 4 giờ sau bữa ăn và trước khi đi ngủ với thức ăn hoặc một ly sữa.
  • Liều tối đa mỗi lần uống: 15 mg / liều.
  • Tổng liều tối đa hàng ngày: 30 mg trong 24 giờ.

Liều dùng thông thường trong giảm đau (dạng ER):

  • Viên nén ER: Liều khởi đầu thường dùng 20 mg x 1 lần / ngày. Có thể tăng liều với mức tăng từ 10 đến 20 mg mỗi 3 đến 5 ngày khi cần thiết để đạt được hiệu quả giảm đau đầy đủ.
  • Viên nang ER: Liều khởi đầu thường dùng 10 mg mỗi 12 giờ. Có thể tăng liều với liều lượng tăng thêm 10 mg mỗi 12 giờ một lần trong 3 đến 7 ngày khi cần thiết để đạt được hiệu quả giảm đau đầy đủ.

Trẻ em

Liều dùng thông thường trong điều trị ho (dạng siro và viên nén phóng thích tức thời):

  • Trẻ em trên 12 tuổi:Dùng 5 mg cách nhau ít hơn 4 giờ, sau bữa ăn và trước khi đi ngủ với thức ăn hoặc một ly sữa. Liều tối đa mỗi lần uống: 10 mg / liều. Tổng liều tối đa hàng ngày: 30 mg trong 24 giờ.
  • Tuổi từ 6 đến 12 tuổi: Dùng 1,5 mg, cách nhau ít hơn 4 giờ, sau bữa ăn và trước khi đi ngủ với thức ăn hoặc một ly sữa. Liều tối đa mỗi lần uống: 5 mg / liều. Tổng liều tối đa hàng ngày: 15 mg trong 24 giờ.
  • Thuốc Hydrocodone chống chỉ định ở bệnh nhân dưới 6 tuổi do lo ngại về tính an toàn (ức chế hô hấp).

Đối tượng khác

Liều dùng thông thường trong điều trị ho (dạng siro và viên nén phóng thích tức thời):

  • Người cao tuổi: Khuyên dùng bắt đầu ở liều thấp.

Liều dùng thông thường trong trường hợp giảm đau (dạng ER):

Bệnh nhân suy thận:

Viên nén ER:

  • Suy thận nhẹ: Không cần điều chỉnh liều lượng.
  • Suy thận trung bình đến nặng: Bắt đầu với 50% liều bình thường ban đầu; chỉnh liều cẩn thận; giám sát chặt chẽ.
  • Bệnh thận giai đoạn cuối: Bắt đầu với 50% liều bình thường ban đầu; chỉnh liều cẩn thận; giám sát chặt chẽ.

Viên nang ER: Không có hướng dẫn điều chỉnh liều lượng cụ; bắt đầu điều trị với liều thấp và theo dõi chặt chẽ.

Bệnh nhân suy gan:

  • Suy gan nhẹ và vừa: Không cần chỉnh liều
  • Suy gan nặng:
    • Viên nén ER: Bắt đầu với 50% liều bình thường ban đầu, giám sát chặt chẽ.
    • Viên nang ER: 10 mg mỗi 12 giờ; theo dõi chặt chẽ

Người cao tuổi: Tham khảo liều người lớn, bắt đầu từ mức thấp của khoảng liều; theo dõi chặt chẽ.

Lưu ý: Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.

Tác dụng phụ

Khi sử dụng thuốc Hydrocodone, bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ADR).

Thường gặp

Táo bón, buồn nôn, tăng huyết áp, phù ngoại vi, nhức đầu, ớn lạnh, an thần, lo lắng, mất ngủ, chóng mặt, buồn ngủ, mệt mỏi, trầm cảm, té ngã, hôn mê, đau nửa đầu, đau, dị cảm, ngứa, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi ban đêm, phát ban trên da, mất nước, bốc hỏa, hạ kali máu, tăng gamma-glutamyl transferase, tăng cholesterol huyết thanh, nôn, khó tiêu, viêm dạ dày ruột, đau bụng trên, viêm dạ dày ruột do virus, tiêu chảy, đau bụng, giảm cảm giác thèm ăn, đầy hơi, đau bụng, trào ngược dạ dày thực quản, nhiễm trùng đường tiết niệu, vết bầm tím, cúm, đau lưng, co thắt cơ, run, đau khớp, gãy xương (bàn chân), chấn thương khớp, bong gân, đau chân tay, đau cơ xương, đau cơ, đau cổ, viêm xương khớp, ù tai, viêm phế quản, nghẹt mũi, viêm mũi họng, đau hầu họng, viêm xoang, nhiễm trùng đường hô hấp trên, ho, khó thở, sốt.

Ít gặp

Chướng bụng, suy nghĩ bất thường, kích động, thay đổi trạng thái tâm thần, sốc phản vệ, cảm giác nghẹn, lú lẫn, giảm ham muốn tình dục, mẫn cảm do thuốc, cai thuốc, nuốt khó, phù, ban đỏ, tắc nghẽn thực quản , đỏ bừng, thiểu năng sinh dục, hạ huyết áp, thiếu oxy, tăng khát, tắc ruột, cáu kỉnh, khó chịu, thay đổi tâm trạng, co giật cơ, lệ thuộc opioid, hạ huyết áp thế đứng, đánh trống ngực, viêm tụy, liệt, kéo dài khoảng QT trên ECG , suy hô hấp, nôn khan, ngất, bí tiểu, suy nhược.

Lưu ý

Trước khi sử dụng thuốc bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo thông tin bên dưới.

Lưu ý chung

Tác dụng trên tim mạch: Đã quan sát thấy kéo dài khoảng QT khi dùng hydrocodone ER liều 160 mg / ngày. Thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân suy tim, loạn nhịp tim, bất thường về điện giải, hoặc đang sử dụng các loại thuốc khác được biết là kéo dài khoảng QTc.

Thuốc có thể gây suy nhược thần kinh trung ương, có thể làm suy giảm khả năng thể chất hoặc tinh thần.

Thuốc có thể gây táo bón. Xem xét các biện pháp phòng ngừa (ví dụ, thuốc làm mềm phân, tăng chất xơ) để giảm khả năng bị táo bón.

Có thể gây hạ huyết áp nghiêm trọng (bao gồm hạ huyết áp tư thế đứng và ngất); Thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân giảm thể tích tuần hoàn, bệnh tim mạch (bao gồm cả nhồi máu cơ tim cấp), hoặc các thuốc có thể làm tăng tác dụng hạ huyết áp (kể cả phenothiazin hoặc thuốc gây mê toàn thân).

Thận trọng khi sử dụng cho những bệnh nhân có phản ứng quá mẫn với các chất chủ vận opioid dẫn xuất phenanthrene khác (codeine, hydromorphone, levorphanol, oxycodone, oxymorphone).

Có thể xảy ra suy hô hấp nghiêm trọng, đe dọa tính mạng hoặc tử vong.

Thận trọng khi sử dụng cho các bệnh nhân: Đau bụng cấp (thuốc có thể làm che lấp triệu chứng lâm sàng gây khó khăn cho việc chẩn đoán), suy thượng thận, kể cả bệnh Addison, rối loạn chức năng đường mật hoặc viêm tụy cấp, suy giảm ý thức hoặc hôn mê, mê sảng, chấn thương đầu, tổn thương nội sọ hoặc tăng áp lực nội sọ (ICP).

Thận trọng khi sử dụng cho các bệnh nhân: Suy gan, suy thận từ trung bình đến nặng, trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn căng thẳng sau chấn thương, béo phì, tăng sản tuyến tiền liệt và / hoặc hẹp đường tiết niệu, loạn thần do ngộ độc chất, bệnh hô hấp (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, thiếu oxy,…), tiền sử rối loạn động kinh, rối loạn liên quan đến giấc ngủ (ví dụ, ngưng thở khi ngủ trung ương [CSA], giảm oxy máu), rối loạn chức năng tuyến giáp, bệnh nhân suy nhược, người cao tuổi, trẻ sơ sinh.

Việc ngừng thuốc đột ngột ở những bệnh nhân phụ thuộc vào opioid có thể dẫn đến triệu chứng cai nghiêm trọng.

Việc sử dụng thuốc có thể khiến bệnh nhân có nguy cơ nghiện thuốc và lạm dụng, có khả năng dẫn đến quá liều và tử vong.

Vô tình uống dù chỉ một liều, đặc biệt là ở trẻ em, có thể dẫn đến quá liều Hydrocodone gây tử vong.

Thuốc opioid làm giảm nhu động ruột; theo dõi tình trạng giảm nhu động ruột ở bệnh nhân sau phẫu thuật dùng opioid.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Opioid đi qua nhau thai. Sử dụng Hydrocodone kéo dài trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến hội chứng cai opioid ở trẻ sơ sinh, có thể đe dọa tính mạng nếu không được nhận biết và điều trị. Hydrocodone không thường được sử dụng để điều trị đau khi chuyển dạ và ngay sau khi sinh hoặc đau mãn tính không do ung thư ở phụ nữ mang thai hoặc những người có thể mang thai.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Hydrocodone và chất chuyển hóa có hoạt tính Hydromorphone có trong sữa mẹ. Thuốc giảm đau nonopioid được ưu tiên sử dụng cho phụ nữ đang cho con bú, những người cần kiểm soát cơn đau trong thời kỳ hậu sản hoặc phẫu thuật ngoài thời kỳ hậu sản. Khi mẹ cần điều trị bằng Hydrocodone, liều không được vượt quá 30 mg / ngày.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Có thể gây suy nhược thần kinh trung ương, có thể làm suy giảm khả năng thể chất hoặc tinh thần; bệnh nhân phải được cảnh báo khi thực hiện các công việc đòi hỏi sự tỉnh táo về tinh thần (ví dụ: Vận hành máy móc, lái xe).

Quá liều

Quá liều Hydrocodone và xử trí

Quá liều và độc tính

Các triệu chứng quá liều có thể bao gồm buồn ngủ nghiêm trọng, đồng tử nhỏ như đầu kim, thở chậm hoặc ngừng thở.

Cách xử lý khi quá liều

Đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được hỗ trợ nếu nghi ngờ quên liều.

Dùng than hoạt tính nếu bệnh nhân vừa uống thuốc và chưa có triệu chứng ngộ độc.

Điều trị hỗ trợ và Naloxone (chất đối kháng opioid) có thể được chỉ định.

Quên liều và xử trí

Bỏ qua bất kỳ liều nào đã quên nếu gần đến lúc dùng liều tiếp theo. Không sử dụng hai liều cùng một lúc.

Nguồn tham khảo

Tên thuốc: Hydrocodone

1) Uptodate:
https://www.uptodate.com/contents/hydrocodone-drug-information?search=hydrocodone&selectedTitle=1~105&usage_type=panel&display_rank=1&kp_tab=drug_general&source=search_result

2) Micromedex:

https://www.micromedexsolutions.com/micromedex2/librarian/CS/ECB1A4/ND_PR/evidencexpert/ND_P/evidencexpert/DUPLICATIONSHIELDSYNC/AE8738/ND_PG/evidencexpert/ND_B/evidencexpert/ND_AppProduct/evidencexpert/ND_T/evidencexpert/PFActionId/evidencexpert.DoIntegratedSearch?SearchTerm=hydrocodone&UserSearchTerm=hydrocodone&SearchFilter=filterNone&navitem=searchALL#

4) Drugbank online:

https://go.drugbank.com/drugs/DB00956

5) Drugs.com:

https://www.drugs.com/pro/hycodan.html

https://www.drugs.com/hydrocodone.html

6) Tờ HDSD Hycodan:

https://pdf.hres.ca/dpd_pm/00039123.PDF

Ngày cập nhật: 31/7/2021