Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Tên thuốc gốc (Hoạt chất)
Trospium
Loại thuốc
Thuốc chống co thắt đường niệu - sinh dục, thuốc đối kháng muscarinic amoni bậc 4.
Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén phóng thích tức thời 20 mg.
Viên nang phóng thích kéo dài 60 mg.
Trospium được chỉ định trong điều trị bàng quang hoạt động quá mức (OAB) với các triệu chứng như tiểu không tự chủ, tiểu gấp và đi tiểu nhiều lần.
Trospium là một chất đối kháng muscarinic. Thuốc đối kháng tác dụng của acetylcholine trên các thụ thể muscarinic ở các cơ quan nội tiết của hệ đối giao cảm bao gồm cả bàng quang, làm giảm trương lực cơ trơn trong bàng quang.
Làm tăng dung tích và thể tích tối đa của bàng quang trong lần co bóp cơ Detrusor đầu tiên ở những bệnh nhân bị co thắt cơ Detrusor không tự chủ.
Thử nghiệm trên in vitro cho thấy trospium có ái lực rất thấp hoặc không đáng kể với thụ thể nicotinic so với thụ thể muscarinic.
Hấp thu của trospium từ đường tiêu hóa không hoàn toàn. Thức ăn, đặc biệt là chế độ ăn nhiều chất béo, làm giảm hấp thu của thuốc. Sau khi uống trospium, nồng độ tối đa trong huyết tương đạt được sau khoảng 5 giờ ở cả hai dạng phóng thích tức thời và phóng thích kéo dài.
Không vượt qua hàng rào máu não. Phân phối vào sữa ở chuột nhưng không biết có được phân phối vào sữa mẹ hay không. Tỷ lệ trospium liên kết với protein huyết tương khá cao (50 - 85%).
Sự chuyển hóa chưa được nghiên cứu đầy đủ; con đường chuyển hóa chính có thể là thủy phân este và sau đó là glucuronid hóa để tạo thành các chất chuyển hóa không hoạt tính. Được chuyển hóa rất ít bởi các CYP isoenzyme.
Trospium thải trừ phần lớn qua phân và một lượng nhỏ qua nước tiểu, chủ yếu ở dạng không đổi. Bài tiết chủ động qua ống thận là một con đường đào thải chính.
Thời gian bán thải của thuốc khoảng 20 giờ.
Phối hợp với trospium làm tăng tác dụng của các thuốc kháng cholinergic (như amantadine, thuốc chống trầm cảm ba vòng), tăng cường tác dụng làm nhịp tim nhanh của thuốc cường giao cảm beta, giảm hiệu quả của thuốc làm tăng nhu động ruột (ví dụ như metoclopramide).
Vì trospium có thể ảnh hưởng đến nhu động và bài tiết dạ dày - ruột, nên có thể làm thay đổi sự hấp thu của các thuốc dùng đồng thời khác.
Các loại thuốc như guar, cholestyramine và colestipol có thể gây ức chế hấp thu trospium. Do đó không khuyến cáo sử dụng đồng thời các thuốc này với trospium.
Các thuốc khác được thải trừ qua bài tiết tích cực ở ống thận (ví dụ: procainamide, pancuronium, morphin, vancomycin và tenofovir) khi dùng đồng thời với trospium có thể làm tăng nồng độ trong huyết thanh của trospium và / hoặc thuốc dùng chung.
Sử dụng đồng thời metformin có thể làm giảm nồng độ trospium trong huyết thanh.
Phối hợp trospium với các thuốc bổ sung kali đường uống có thể làm tăng nguy cơ tổn thương đường tiêu hóa trên.
Không nên uống rượu trong vòng 2 giờ sau khi dùng viên nang phóng thích kéo dài trospium. Ngoài ra, bệnh nhân nên được thông báo rằng rượu có thể làm tăng cảm giác buồn ngủ do thuốc kháng cholinergic gây ra.
Quá mẫn với trospium hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Chống chỉ định ở những bệnh nhân:
Bí tiểu.
Có bệnh về dạ dày - ruột nặng (bao gồm cả phình đại tràng nhiễm độc).
Bệnh nhược cơ.
Bệnh tăng nhãn áp góc hẹp.
Viên phóng thích kéo dài 60 mg không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi do thiếu dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả.
Viên phóng thích tức thời 20 mg chống chỉ định ở trẻ em dưới 12 tuổi.
Viên phóng thích tức thời: Liều khuyến cáo là 20 mg x 2 lần/ngày (tương ứng với 2 viên nén mỗi ngày).
Viên phóng thích kéo dài: Liều khuyến cáo là 60 mg Trospium/ngày vào buổi sáng (tương ứng với 1 viên nang mỗi ngày).
Thuốc nên được uống với một ly nước đầy và uống khi bụng đói (ít nhất một giờ trước bữa ăn).
Đối với bệnh nhân suy thận nặng (độ thanh thải creatinin dưới 30 ml / phút), liều khuyến cáo là:
Đối với bệnh nhân suy gan: Không được khuyến cáo ở bệnh nhân suy gan nặng.
Ở bệnh nhân lão khoa ≥ 75 tuổi:
Khô miệng, rối loạn tiêu hóa, táo bón, đau bụng, buồn nôn.
Nhịp tim nhanh, đau đầu, tức ngực, đầy hơi, tiêu chảy.
Chóng mặt, rối loạn thị lực, rối loạn vận động, bí tiểu, phát ban, đau cơ, đau khớp.
Rất hiếm: Phù mạch.
Rối loạn nhịp tim nhanh, ảo giác, lú lẫn, kích động, khó thở.
Mẩn ngứa, mày đay, hội chứng Stevens – Johnson (SJS), hội chứng hoại tử thượng bì nhiễm độc (TEN).
Suy nhược, tăng men gan, sốc phản vệ.
Trospium nên được sử dụng thận trọng cho những bệnh nhân:
Có các tình trạng tắc nghẽn của đường tiêu hóa như hẹp môn vị.
Bị tắc nghẽn đường tiểu có nguy cơ bí tiểu.
Với bệnh thần kinh tự chủ.
Thoát vị khe hoành liên quan đến viêm thực quản trào ngược.
Những người mà nhịp tim nhanh là không mong muốn, ví dụ như những người bị cường giáp, bệnh mạch vành và suy tim sung huyết.
Trospium chủ yếu được thải trừ qua thận. Đã quan sát thấy sự gia tăng rõ rệt nồng độ trong huyết tương ở những bệnh nhân suy thận nặng. Do đó, ở nhóm đối tượng này cũng như ở bệnh nhân suy thận nhẹ đến trung bình nên thận trọng.
Trước khi bắt đầu điều trị, cần loại trừ nguyên nhân do các bệnh khác gây ra, chẳng hạn như bệnh tim mạch, bệnh thận, bệnh đa polyp, nhiễm trùng hoặc khối u của cơ quan tiết niệu.
Phù mạch ở mặt, môi, lưỡi và/hoặc thanh quản đã được báo cáo. Phù mạch ở đường hô hấp trên có thể đe dọa tính mạng. Nếu lưỡi, hầu họng, hoặc thanh quản sưng do phù mạch, bệnh nhân nên ngừng sử dụng trospium ngay lập tức và được điều trị thích hợp.
Ở những bệnh nhân đang điều trị bệnh tăng nhãn áp góc hẹp, trospium chỉ nên được sử dụng nếu lợi ích lớn hơn nguy cơ và trong trường hợp đó bệnh nhân cần được theo dõi cẩn thận.
Trospium có liên quan đến tác dụng kháng cholinergic trên hệ thần kinh trung ương bao gồm chóng mặt, lú lẫn, ảo giác và buồn ngủ. Nếu bệnh nhân gặp tác dụng kháng cholinergic thần kinh trung ương, nên xem xét giảm liều hoặc ngừng thuốc.
Các nghiên cứu trên động vật không chỉ ra các tác động có hại trực tiếp hoặc gián tiếp đối với thai kỳ, sự phát triển của phôi thai/bào thai, sinh con hoặc sự phát triển của trẻ sau khi sinh. Cần thận trọng khi kê đơn cho phụ nữ có thai và chỉ sử dụng thuốc khi thực sự cần thiết.
Chưa có bằng chứng cho thấy liệu trospium có được phân phối vào sữa mẹ hay không. Do đó cần sử dụng một cách thận trọng ở phụ nữ cho con bú và chỉ dùng khi lợi ích điều trị lớn hơn nguy cơ có thể xảy ra đối với trẻ sơ sinh.
Do thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như chóng mặt, lú lẫn, ảo giác và buồn ngủ, cần khuyên bệnh nhân không nên lái xe hoặc vận hành máy móc cho đến khi họ biết thuốc trospium ảnh hưởng đến họ như thế nào.
Quá liều và độc tính
Các triệu chứng kháng cholinergic gia tăng được coi là dấu hiệu của nhiễm độc ví dụ như làm trầm trọng thêm chứng khô miệng, nhịp tim nhanh và rối loạn chức năng tiểu tiện. Cho đến nay, chưa có báo cáo về quá liều hoặc nhiễm độc nghiêm trọng ở người.
Cách xử lý khi quá liều Trospium
Trong trường hợp quá liều, cần thực hiện các biện pháp sau:
Rửa dạ dày và làm giảm hấp thu (ví dụ như dùng than hoạt tính).
Sử dụng pilocarpine tại chỗ cho bệnh nhân tăng nhãn áp.
Đặt ống thông tiểu ở bệnh nhân bí tiểu.
Điều trị bằng thuốc tác động trên hệ đối giao cảm (ví dụ: neostigmine) trong trường hợp có các triệu chứng nghiêm trọng.
Dùng thuốc chẹn beta trong trường hợp đáp ứng kém, nhịp tim nhanh rõ rệt và/hoặc tuần hoàn không ổn định.
Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định
Tên thuốc: Trospium
Ngày cập nhật: 20/06/2021