Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

37 độ có sốt không? Sốt bao nhiêu độ cần đi khám?

Ngày 29/05/2024
Kích thước chữ

Sốt là một biểu hiện bình thường của cơ thể cho biết hệ miễn dịch đang hoạt động để chống lại tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, một số người vẫn không biết thân nhiệt bao nhiêu độ thì được coi là sốt? 37 độ có sốt không và số bao nhiêu độ cần đi khám?

Sốt là hiện tượng thân nhiệt cao hơn mức bình thường. Khi chúng ta bị sốt cũng là khi trong cơ thể đang xảy ra phản ứng chống lại nhiễm trùng của hệ miễn dịch. Sốt là một dấu hiệu cho biết bạn đang có hệ miễn dịch tốt nhưng sốt cao cũng khiến cơ thể mất nước, mệt mỏi, co giật… Vì vậy, nhận biết khi nào là sốt? Khi nào sốt cần uống thuốc? Khi nào sốt cần đi khám rất quan trọng. Vậy 37 độ có sốt không?

Nhiệt độ của cơ thể và những thông tin cần biết

Cơ thể của chúng ta có khả năng tự điều hòa thân nhiệt theo môi trường, theo từng thời điểm trong ngày, theo cường độ hoạt động một cách kỳ diệu. Nhiệt độ ở các phần sau bên trong cơ thể như cơ quan nội tạng, não… được gọi là nhiệt độ trung tâm. Nhiệt độ cơ thể bình thường có mức nhiệt độ trung tâm khoảng 36.5 - 37.1 độ C.

Các yếu tố ảnh hưởng đến thân nhiệt

Nhiệt độ của cơ thể con người có thể bị chi phối bởi các yếu tố khác nhau như:

  • Tuổi tác: Có một sự thực là những người tuổi càng cao thân nhiệt càng thấp, tuổi càng nhỏ thân nhiệt càng cao.
  • Giới tính: Nữ giới thường có thân nhiệt cao hơn bình thường từ 0.3 - 0.5 độ C vào giữa kỳ kinh nguyệt. Và vào cuối thai kỳ, thân nhiệt của bà bầu có thể tăng lên từ 0.5 - 0.8 độ C.
  • Cường độ vận động của cơ thể cũng liên quan đến thân nhiệt. Khi bạn vận động cơ càng nhiều thì thân nhiệt càng tăng lên. Đây cũng là một trong những lý do các vận động viên, người thường xuyên tập luyện hay lao động chân tay với cường độ cao có thân nhiệt cao hơn những người khác.
  • Nhiệt độ môi trường cũng ảnh hưởng đến thân nhiệt. Nhiệt độ môi trường càng nóng, thân nhiệt càng cao và ngược lại.
  • Các bệnh lý nhiễm khuẩn bên trong trong cơ thể có thể khiến thân nhiệt tăng lên. Các bệnh lý trong giai đoạn cấp tính có thể khiến thân nhiệt giảm xuống.
37 độ có sốt không? Sốt bao nhiêu độ cần đi khám 1
Thân nhiệt có thể tăng cao vì nhiều lý do khác nhau

Tình trạng rối loạn nhiệt độ cơ thể

Trước khi giải đáp thắc mắc 37 độ có sốt không, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về hiện tượng rối loạn nhiệt độ của cơ thể.

Hiện tượng này bao gồm hai trạng thái đối lập là tăng nhiệt độ và giảm nhiệt độ. Nhiệt độ cơ thể giảm xảy ra khi cơ thể bị mất nhiều nhiệt dẫn đến rối loạn thải nhiệt và sinh nhiệt. Nhiệt độ cơ thể tăng hay tăng thân nhiệt xảy ra khi cơ thể tích lũy nhiệt do hạn chế thải nhiệt hoặc tăng sinh nhiệt. Cũng có trường hợp tăng nhiệt độ do cả hai yếu tố giảm thải nhiệt và tăng sinh nhiệt.

Giải đáp thắc mắc: 37 độ có sốt không?

Hầu hết chúng ta đều cho rằng nhiệt độ cơ thể ở mức bình thường là 37 độ C. Tuy nhiên, xét trên phương diện khoa học điều này không hoàn toàn đúng. Vì không phải lúc nào cơ thể chúng ta cũng duy trì mức nhiệt độ này ổn định. Nhiệt độ bình thường của cơ thể có thể giao động cao hơn hoặc thấp hơn mức này một chút.

Sốt là gì? Sốt được định nghĩa là thân nhiệt tăng cao bất thường. Nhiệt độ cơ thể bất thường là:

  • Ở người lớn, nhiệt độ đo được trong miệng là trên 37.5 độ C, nhiệt độ đo trong tai trên 38.1 độ C và nhiệt độ đo trong hậu môn trên 37.6 độ C.
  • Ở trẻ em, nhiệt độ đo được trong tai trên 38 độ C và đo ở hậu môn trên 38 độ C.
  • Đo nhiệt độ ở nách bao nhiêu là sốt? Đối với cả người lớn và trẻ em, nhiệt độ đo được ở nách là 37.6 độ thì được xem là sốt.
37 độ có sốt không? Sốt bao nhiêu độ cần đi khám 2
37 độ có sốt không? Câu trả lời của các chuyên gia sức khỏe là không

Như vậy, với thắc mắc 37 độ có sốt không, câu trả lời là không. Nguyên nhân gây sốt có thể do hệ miễn dịch của cơ thể đang phản ứng để chống lại dấu hiệu nhiễm trùng. Một số trường hợp thân nhiệt có thể tăng do uống các loại thuốc kháng sinh, kháng histamin, opioids...

Một số bệnh lý cũng gây triệu chứng sốt như viêm khớp, chấn thương, cường giáp, ung thư, đau tim, đột quỵ… Ở trẻ em, sốt có thể xảy ra do mọc răng, sốt sau tiêm ngừa vắc xin, sốt do các loại virus gây ra.

Sốt trong trường hợp nào cần đi khám?

Trong hầu hết các trường hợp, sốt là một phản ứng khá bình thường của cơ thể và cũng khá thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Khi bị sốt, chúng ta có thể hạ sốt bằng uống thuốc hạ sốt, bù nước và chăm sóc cơ thể. Tuy nhiên, một số trường hợp sốt dưới đây cần đi khám sớm:

  • Trẻ sơ sinh từ 3 - 6 tháng tuổi sốt trên 38.5 độ C kèm triệu chứng bỏ bú, cáu gắt bất thường.
  • Trẻ trong độ tuổi 6 - 24 tháng tuổi đo nhiệt độ sốt trên 38.5 độ C, đã dùng thuốc hạ sốt nhưng không thể hạ sốt.
  • Trẻ em trong độ tuổi 2 - 4 tuổi sốt trên 38.5 độ C và có biểu hiện khó chịu, cáu gắt, uống thuốc hạ sốt không đáp ứng.
  • Trẻ em trên 4 tuổi sốt quá 38.9 độ C, cơn sốt kéo dài, có biểu hiện khó chịu trong người, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
  • Trường hợp sốt 37.5 độ kéo dài ở người lớn cũng rất nguy hiểm cần đi khám để tìm ra nguyên nhân.
  • Người lớn sốt cao trên 39 độ C liên tục hoặc sốt trong 3 ngày không hạ, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.

Nếu người bệnh có dấu hiệu sốt cao 3 ngày rồi phát ban kèm đau xương khớp, sưng hạch bạch huyết thì có thể là triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết. Hãy nhanh chóng đăng ký tiêm vắc xin sốt xuất huyết sớm nhất tại Long Châu để phòng ngừa bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng!

37 độ có sốt không? Sốt bao nhiêu độ cần đi khám 3
Theo dõi thân nhiệt khi sốt để đi khám kịp thời

Cách đo thân nhiệt chuẩn để biết có sốt hay không

Khi cảm nhận được thân nhiệt đang cao hơn mức bình thường, để biết ai đó có bị sốt không? Sốt nhẹ, vừa hay sốt cao? Có cần uống thuốc hạ sốt không? Bạn cần sử dụng nhiệt kế để đo nhiệt độ. Với thắc mắc 37 độ có sốt không, đến đây bạn đã có câu trả lời. Vậy đo nhiệt độ thế nào cho chuẩn xác?

Đo nhiệt độ ở trán

Nếu dùng máy đo hồng ngoại, bạn đặt đầu dò hồng ngoại giữa trán, cách trán 1 - 3cm rồi chờ 1 - 3 giây để đọc kết quả. Để có kết quả chính xác, bạn có thể đo thêm vài lần ở các vị trí khác.

Đo nhiệt độ ở nách

Nếu sử dụng nhiệt kế điện tử bạn cũng đặt đầu dò hồng ngoại giữa nách nhưng cần để sát vào da. Hãy để nhiệt kế đọc nhiệt độ trong ít nhất một phút để có kết quả chính xác nhất.

Đo nhiệt độ ở miệng

Khi đo nhiệt độ ở miệng bạn cần sử dụng nhiệt kế thủy ngân hoặc loại nhiệt kế điện tử có thiết kế đầu ngậm giống nhiệt kế thủy ngân. Bạn hãy vệ sinh nhiệt kế thật kỹ càng trước khi sử dụng. Hãy đặt đầu nhiệt kế ở dưới lưỡi, người bệnh ngậm chặt môi để giữ cố định nhiệt kế. Sau khoảng 1 - 2 phút, bạn có thể lấy nhiệt kế khỏi miệng và đọc kết quả. Nếu đo nhiệt độ ở miệng, tốt nhất bạn người bệnh không nên ăn, uống gì trong khoảng 10 phút để tránh việc đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh làm sai lệch kết quả.

Nếu đo nhiệt độ ở tai, bạn cần kéo nhẹ vành tai người bệnh và đưa đầu nhiệt kế vào ống tai để đo.

37 độ có sốt không? Sốt bao nhiêu độ cần đi khám 4
Sốt bao nhiêu độ cần uống thuốc sẽ tùy từng người và tùy trường hợp

Sốt 38 độ có cần uống thuốc không tùy từng trường hợp. Với người có tiền sử co giật khi sốt, tốt nhất họ nên uống hạ sốt khi thân nhiệt 38 độ. Còn nếu chưa từng bị co giật khi sốt, hầu hết các trường hợp thân nhiệt trên 38.5 độ C mới cần uống thuốc.

Tóm lại, 37 độ có sốt không? Theo các chuyên gia, nhiệt độ từ 36.5 đến khoảng 37 độ sẽ là mức nhiệt độ bình thường của cơ thể con người. Như vậy, không có hiện tượng sốt 37 độ. Đối với người lớn, khi nhiệt độ đo được ở trực tràng hoặc tai là 38.1 độ C, nhiệt độ đo được ở miệng hoặc nách là 37.6 độ thì được xem là sốt.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin