Làm sao để biết khi nào cổ tử cung mở? Mẹ bầu cần lưu ý những gì khi xuất hiện dấu hiệu cổ tử cung mở? Là những thắc mắc được rất nhiều mẹ bầu, đặc biệt là những chị em đang ở những ngày cuối của thai kỳ quan tâm. Để hiểu hơn về vấn đề này và chuẩn bị cho hành trình “vượt cạn” an toàn, hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.
Thông thường, trong quá trình khám sức khỏe thai kỳ, mẹ bầu sẽ được bác sĩ tư vấn những dấu hiệu cảnh báo sinh và thời gian dự sinh cụ thể để mẹ có thể chuẩn bị chu đáo cho việc chào đón con yêu. Vậy nên, các mẹ bầu không cần quá lo lắng, hãy thư giãn, theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân và chỉ cần đến bệnh viện nếu xuất hiện các dấu hiệu cổ tử cung mở.
5 dấu hiệu cổ tử cung mở dễ nhận biết nhất
Cổ tử cung mở đồng nghĩa với việc “thiên thần” nhỏ của bạn đã sẵn sàng cho việc chào đời. Dưới đây là 5 dấu hiệu cổ tử cung mở mà bạn có thể nhận biết khá dễ dàng mà không cần dựa vào việc thăm khám.
Chảy nước ối: Chảy nước ối là biểu hiện quá trình chuyển dạ của mẹ bầu đã bắt đầu, lúc này, cơ thể sẽ gây áp lực lên buồng tử cung nhằm mục đích đẩy thai nhi ra ngoài. Mẹ bầu sẽ thấy nước chảy qua âm đạo không kiểm soát vì màng ối vỡ. Đây là dấu hiệu cảnh báo cổ tử cung mở rõ ràng nhất.
Co thắt gò tử cung: Mẹ bầu sẽ cảm thấy tử cung co rút liên tục với tần suất 5 - 10 phút/ lần, mỗi lần có thể kéo dài từ 15 - 60 giây. Khi triệu chứng này xuất hiện, thai phụ sẽ thấy rất khó chịu và mệt mỏi. Thường thì các cơn gò tử cung sẽ bắt đầu xuất hiện khi mẹ bầu bước vào giai đoạn giữa của thai kỳ, nhưng ít gây ảnh hưởng đến mẹ bầu. Vậy nên, khi những cơn gò tử cung này diễn ra liên tục với mức độ thường xuyên, thì có nghĩa, mẹ bầu sắp sửa sinh rồi đấy!
Âm đạo đau nhói, ra nhớt hồng: Âm đạo đột nhiên đau buốt và cơn đau xuất hiện chớp nhoáng. Ngoài ra, mẹ bầu còn xuất hiện tình trạng ra nhớt nhầy màu hồng hoặc nâu cuối thai kỳ. Việc này xảy ra là do em bé xoay đầu, đổi vị trí, việc này cũng làm cho cổ tử cung giãn nở.
Xuất hiện đường màu tím: Dấu hiệu cổ tử cung mở và mẹ bầu sắp sinh tiếp theo mà bạn có thể nhận biết dễ dàng là cơ thể sẽ có một đường màu tím hoặc màu nâu xuất hiện ở phần hậu môn đến khe mông. Đường này càng dài thì chứng tỏ cổ tử cung càng giãn nở nhiều. Tuy nhiên, muốn kiểm tra theo cách này, mẹ bầu sẽ cần người hỗ trợ.
Đau lưng, chuột rút: Mẹ bầu đau lưng và bị chuột rút ngay ở phần xương mu, cảm giác phần bụng dưới đau âm ỉ, lưng nhức mỏi,... Đây là biểu hiện tử cung giãn nở và mẹ bầu sắp chuyển dạ.
Những điều cần lưu ý khi cổ tử cung mở
Khi bước vào giai đoạn chờ sinh, mẹ bầu nào cũng sẽ rất lo lắng, tuy nhiên, các chị em đừng quá áp lực nhé. Khi phát hiện cơ thể xuất hiện các dấu hiệu cổ tử cung giãn và mở, mẹ bầu hãy lưu ý một số vấn đề sau để quá trình sinh con thuận lợi hơn:
Giữ tinh thần thư giãn: Hãy nghe một bản nhạc nhẹ nhàng, xem một video yêu thích, một bộ phim hay hoặc thiền định nhẹ nhàng để giữ cho tinh thần thoải mái nhất. Đừng quá hoang mang, vì lo lắng càng nhiều, mẹ bầu càng dễ bị ảnh hưởng tâm lý.
Đi bộ: Hãy đi bộ nhẹ nhàng và chậm rãi, thả lỏng cơ thể, điều này giúp cổ tử cung giãn nở tốt hơn, hạn chế sự khó chịu của các cơn co thắt.
Tắm nước ấm: Hãy lau người hoặc tắm bằng nước ấm, bởi nó sẽ giúp cơ thể được thoải mái, thư giãn, giúp máu lưu thông tốt hơn.
Xoa bóp vòng một: Khoa học đã chứng minh massage vòng một sẽ giúp oxytocin được giải phóng và giúp tử cung mở tốt hơn, từ đó cơn chuyển dạ cũng diễn ra nhanh hơn. Hãy cố gắng massage vòng 2 - 3 phút và cứ cách 10 phút thì lặp lại một lần.
Cổ tử cung mở bao nhiêu thì có thể sinh con?
Việc cổ tử cung mở bao nhiêu sẽ quyết định bạn sinh thường hay sinh mổ. Tuy nhiên, thời gian cổ tử cung mở cũng sẽ khác nhau đối với từng người, có người nhanh, có người chậm. Theo các chuyên gia y tế thì độ mở cổ tử cung thường sẽ tùy thuộc vào giai đoạn, cụ thể như sau:
1 - 4cm: Đây là giai đoạn đầu, thường thì hầu hết cổ tử cung của mẹ bầu nào cũng sẽ mở được ở mức này.
4 - 7cm: Đây là giai đoạn chuyển dạ tích cực, khi cổ tử cung mở ở mức này, các cơn đau thắt bụng sẽ xuất hiện nhiều hơn, mẹ bầu sẽ khá mệt mỏi.
7 - 9cm: Lúc này, thai nhi đã gần như sẵn sàng chào đời, vị trí thai thường ở ngay gần cổ tử cung. Lúc này bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ bầu cách rặn sinh.
10cm: Thường thì không phải mẹ bầu nào cũng sẽ mở được cổ tử cung ở mức này. Nhưng đây là mức tốt nhất để sinh em bé theo cách thông thường.
Nếu cổ tử cung của mẹ bầu không thể giãn nở nhiều hoặc em bé quá to, bác sĩ sẽ áp dụng biện pháp rạch tầng sinh môn hoặc cho sinh mổ.
Hy vọng những thông tin được chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ giúp các mẹ bầu hiểu hơn về dấu hiệu cổ tử cung mở. Việc sinh con là thiên chức cao quý nhưng cũng khá nguy hiểm, vậy nên, các chị em hãy lưu ý chăm sóc bản thân và thăm khám sức khỏe định kỳ trong suốt quá trình mang thai, để bảo vệ bản thân lẫn thai nhi tốt nhất nhé.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.