Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chuyển dạ đình trệ: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chuyển dạ đình trệ hay còn gọi là chuyển dạ ngưng tiến triển. Nếu tình trạng này không được chẩn đoán và xử trí kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng cho mẹ và thai nhi.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Chuyển dạ đình trệ là gì?

Chuyển dạ là quá trình sinh lý tự nhiên, xuất hiện các cơn gò tử cung đều đặn làm giãn nở cổ tử cung (hay còn gọi là xóa mờ cổ tử cung), kết quả là làm cho thai và nhau thai được đưa ra khỏi bụng mẹ. Thời gian xảy ra thưởng là khi thai từ 37-42 tuần. Có 3 giai đoạn của chuyển dạ bình thường mà mẹ có thể trải qua:

  • Giai đoạn 1: Giai đoạn xóa mờ cổ tử cung hay giai đoạn làm cho cổ tử cung giãn ra. Thường kéo dài khoảng 15 giờ.
  • Giai đoạn 2: Giai đoạn sổ thai. Tùy vào là con rạ hay con so mà thời gian sổ thai có thể kéo dài từ 20-60 phút.
  • Giai đoạn 3: Giai đoạn sổ nhau thai. Việc sổ nhau thai có thể kéo dài từ 5-30 phút.

Chuyển dạ đình trệ hay chuyển dạ ngưng tiến triển gồm chuyển dạ kéo dài và chuyển dạ tắc nghẽn và có các đặc điểm như sau:

  • Chuyển dạ tắc nghẽn: Là tình trạng em bé không ra khỏi xương chậu vì bị tắc nghẽn trong quá trình sinh nở mặc dù tử cung vẫn co bóp bình thường. Các nguyên nhân chính của quá trình chuyển dạ tắc nghẽn bao gồm em bé lớn hoặc có vị trí bất thường, xương chậu nhỏ và các vấn đề với đường sinh của mẹ.
  • Chuyển dạ kéo dài: Là tình trạng chuyển dạ kéo dài hơn 25 giờ trở lên đối với người sinh con đầu lòng và 20 giờ trở lên đối với những người đã từng sinh con ít nhất một lần. Ngược lại, một cơn chuyển dạ thông thường kéo dài (trung bình) từ 12-24 giờ đối với lần sinh đầu tiên và 8-10 giờ đối với những lần sinh tiếp theo. Chuyển dạ kéo dài có thể là kết quả của nhiều vấn đề khác nhau, chẳng hạn như thai nhi dị dạng, các vấn đề về co bóp tử cung hoặc hẹp cổ tử cung và mất cân đối vùng đầu chậu.

Chuyển dạ đình trệ không phổ biến, nó ảnh hưởng đến khoảng 8% số sản phụ. Tuy nhiên, nó làm cho khoảng 1/3 số sản phụ phải can thiệp sinh mổ. Thông thường, nếu tình trạng của thai nhi và mẹ không đặc biệt nghiêm trọng hoặc đe dọa đến sức khỏe, các bác sĩ sẽ thực hiện hỗ trợ sinh nở qua đường âm đạo nhằm tránh các phương pháp phẫu thuật lấy thai nhi.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của chuyển dạ đình trệ

Đầu tiên, bạn cần nên biết các dấu hiệu bạn sắp chuyển dạ để có thể đến cơ sở y tế sớm nhất. Việc nhận biết dấu hiệu chuyển dạ sẽ giúp bạn và bác sĩ chuẩn bị cho cuộc sinh của bạn an toàn và thuận lợi nhất có thể. Các dấu hiệu của chuyển dạ bao gồm:

  • Cơn gò tử cung: Cơn gò xuất hiện khi các cơ tử cung co lại như nắm tay và sau đó thư giãn. Các cơn này giúp đẩy em bé ra ngoài. Khi bạn chuyển dạ thực sự, các cơn gò kéo dài khoảng 30 đến 70 giây và cách nhau khoảng 5 đến 10 phút. Chúng mạnh đến mức bạn không thể đi lại hoặc nói chuyện trong thời gian đó. Các cơn trở nên đau nhiều hơn và xuất hiện nhiều hơn theo thời gian.
  • Cảm thấy đau ở bụng và lưng dưới: Cơn đau này không biến mất khi bạn di chuyển hoặc thay đổi tư thế.
  • Tăng tiết dịch âm đạo: Dịch âm đạo có thể trong, màu hồng hoặc hơi có máu (màu nâu hoặc hơi đỏ). Nó có thể xảy ra vài ngày trước khi chuyển dạ hoặc khi bắt đầu chuyển dạ. Nếu bạn bị chảy máu đỏ tươi hoặc nếu máu chảy nhiều, hãy liên hệ ngay với bác sĩ.
  • Vỡ nước ối: Khi vỡ ối, bạn có thể cảm thấy một dòng nước chảy mạnh ra ngoài.
  • Cảm thấy em bé di chuyển thấp hơn vào xương chậu của bạn: Nó có thể xảy ra vài tuần hoặc thậm chí chỉ vài giờ trước khi quá trình chuyển dạ của bạn bắt đầu.

Dấu hiệu chính của chuyển dạ đình trệ là thời gian chuyển dạ kéo dài, kéo dài hơn 25 giờ trở lên đối với người sinh con đầu lòng và 20 giờ trở lên đối với những người đã từng sinh con ít nhất một lần. Ngoài ra, còn có dấu hiệu như cổ tử cung giãn nở không đủ, em bé không xuống dù mẹ đã rặn hơn 1 giờ.

Biến chứng của chuyển dạ đình trệ

Chuyển dạ đình trệ có thể nguy hiểm cho cả mẹ và em bé. Các biến chứng bao gồm:

  • Thai nhi khó chịu do nồng độ oxy giảm;
  • Chảy máu trong đầu thai nhi (xuất huyết nội sọ);
  • Nguy cơ chấn thương lâu dài cho trẻ sơ sinh như bệnh não do thiếu oxy-thiếu máu cục bộ (HIE) hoặc bại não;
  • Nhiễm trùng tử cung;
  • Nhiễm khuẩn sau sinh;
  • Băng huyết sau sinh;

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của chuyển dạ. Việc nhận biết chuyển dạ thực sự và gặp bác sĩ sớm sẽ giúp chuẩn bị cho cuộc sinh của bạn. Giúp giảm nguy cơ vào tình trạng chuyển dạ đình trệ và đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến chuyển dạ đình trệ

Nguyên nhân chuyển dạ đình trệ bao gồm:

Do mẹ:

Do thai nhi:

  • Thai nhi to (>3,5kg);
  • Ngôi thai bất thường (trán/ mặt/ mông/ vai);
  • Thai bất thường (não úng thủy, bụng cóc…);
  • Dây rốn ngắn.
Chuyển dạ đình trệ: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 4
Em bé nặng cân (>3,5 kg) có thể là nguyên nhân gây chuyển dạ đình trệ

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc chuyển dạ đình trệ

Những đối tượng có nguy cơ mắc chuyển dạ đình trệ bao gồm:

  • Mẹ suy dinh dưỡng;
  • Đa thai;
  • Di truyền;
  • Mẹ mang thai lần đầu.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải chuyển dạ đình trệ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chuyển dạ đình trệ bao gồm:

  • Mẹ hút thuốc lá;
  • Mẹ lớn tuổi;
  • Mẹ căng thẳng, lo âu, sợ hãi;
  • Mẹ không bổ sung đủ các chất dinh dưỡng đặc biệt là canxi và vitamin D;
  • Dị tật thai.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán chuyển dạ đình trệ

Bác sĩ có thể biết liệu bạn có tình trạng chuyển dạ đình trệ không bằng cách khám tổng quát, khám bụng, khám âm đạo và kiểm tra cổ tử cung của bạn xem có giãn nở hay không. Trong giai đoạn đầu, cổ tử cung của bạn sẽ giãn ra đến 10 cm. Khi bạn đạt đến giai đoạn thứ hai, em bé của bạn sẽ di chuyển xuống đường âm đạo và sổ ra ngoài. Nếu em bé không được sinh ra sau tổng cộng 20 giờ có cơn gò tử cung thực sự, rất có thể bạn đang vào tình trạng chuyển dạ đình trệ. Ngoài ra, cần đánh giá kỹ lưỡng để tìm nguyên nhân gây chuyển dạ đình trệ để có phương pháp can thiệp hợp lý.

Chuyển dạ đình trệ: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 5
Bác sĩ chẩn đoán chuyển dạ đình trệ bằng hỏi bệnh và khám bệnh

Phương pháp điều trị chuyển dạ đình trệ

Tùy vào sức khỏe của mẹ và tình trạng, vị trí của em bé mà bác sĩ sẽ quyết định phương pháp xử trí phù hợp. Để sinh con đúng cách và an toàn, các bác sĩ thường sẽ can thiệp vào quá trình sinh con và tiến hành hỗ trợ sinh con qua đường âm đạo hoặc thực hiện sinh mổ.

  • Hỗ trợ sinh ngã âm đạo: Nếu tình trạng của thai nhi và mẹ không đặc biệt nghiêm trọng hoặc đe dọa đến sức khỏe, các bác sĩ sẽ thực hiện hỗ trợ sinh nở qua đường âm đạo. Có hai phương pháp hỗ trợ sinh nở qua đường âm đạo khác nhau mà các bác sĩ thường sử dụng là sử dùng kẹp hoặc hút chân không.
  • Phẫu thuật lấy thai: Cần phẫu thuật lấy thai ngay nếu có dấu hiệu thai suy, vỡ tử cung hoặc sa dây rốn. Nếu sinh mổ chậm trễ, em bé có thể bị tổn thương vĩnh viễn, chẳng hạn như bại não hoặc bệnh não do thiếu oxy-thiếu máu cục bộ (HIE).
Chuyển dạ đình trệ: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 6
Cần phẫu thuật lấy thai ngay nếu có dấu hiệu ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của mẹ và em bé

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của chuyển dạ đình trệ

Chế độ sinh hoạt:

  • Uống nhiều nước ít nhất 2 lít nước/ngày.
  • Bỏ rượu bia, thuốc lá.
  • Quản lý cân nặng.
  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết.
  • Giảm căng thẳng, chẳng hạn như tập thể dục, tập thiền, tập yoga và dành thời gian với bạn bè.
  • Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu chuyển dạ hoặc bạn đang lo lắng về bất kỳ triệu chứng của bản thân và thai nhi.

Chế độ dinh dưỡng:

Hãy liên hệ với chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn thực phẩm nên dùng và nên tránh trong quá trình mang thai và chuyển dạ của bạn.

Phương pháp phòng ngừa chuyển dạ đình trệ hiệu quả

Để phòng ngừa chuyển dạ đình trệ hiệu quả bạn cần phải:

  • Duy trì cân nặng bình thường;
  • Nghỉ ngơi, thư giãn;
  • Hoạt động thể chất và tập thể dục thường xuyên, hàng ngày;
  • Hạn chế cà phê và rượu;
  • Bỏ hút thuốc.
  • Tái khám định kỳ, tầm soát các dị tật thai nhi và đái tháo đường thai kỳ.
Chuyển dạ đình trệ: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 7
Tái khám định kỳ, tầm soát các dị tật thai nhi và đái tháo đường thai kỳ
Nguồn tham khảo
  1. Prolonged Labor (Failure to Progress): https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24752-prolonged-labor
  2. Prolonged Labor: Failure To Progress: https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/labor-and-birth/prolonged-labor/
  3. Overactive Bladder: https://www.urologyhealth.org/urology-a-z/o/overactive-bladder-(oab)
  4. Obstructed Labour: https://www.gfmer.ch/Obstetrics_simplified/obstructed_labour.htm
  5. WHAT IS PROLONGED LABOR?: https://browntrialfirm.com/birth-injury-lawyer/prolonged-labor/

Các bệnh liên quan

  1. U bì buồng trứng

  2. Hiếm muộn

  3. Đẻ non

  4. Lạc nội mạc tử cung

  5. Nhiễm độc thai nghén

  6. Nhiễm trùng ối

  7. Ung thư cổ tử cung giai đoạn I

  8. Mãn dục nam

  9. Nhau bám thấp

  10. Nhiễm khuẩn sau sinh