Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

7 loại thuốc phổ biến nhất định không dùng cùng nước ép bưởi

Ngày 13/07/2024
Kích thước chữ

Thành phần có trong bưởi và nước ép bưởi có thể tương tác với một số loại thuốc và làm ảnh hưởng đến tác dụng của chúng khi uống. Lưu ngay 7 loại thuốc phổ biến nhất định không dùng cùng nước ép bưởi để tham khảo khi cần nhé!

Bưởi và nước ép bưởi tuy rất giàu vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe, nhưng lại chứa thành phần có thể tương tác với một số loại thuốc gây ảnh hưởng đến tác dụng của chúng. Trong bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ tổng hợp 7 loại thuốc phổ biến nhất định không dùng cùng nước ép bưởi mà bạn cần lưu ý, tham khảo ngay nhé!

Thuốc chống dị ứng Fexofenadine (Allegra)

Allegra là loại thuốc kháng Histamine thường được sử dụng để làm giảm các triệu chứng nghẹt mũi, chảy nước mắt,... Nhưng khi sử dụng Allegra, bạn không nên ăn bưởi hoặc uống nước ép bưởi vì chúng có thể làm giảm hiệu quả của thuốc. Bưởi là một trong số ít loại thực phẩm có tác động tiêu cực đến Allegra, do nước ép bưởi làm giảm lượng Fexofenadine (hoạt chất của Allegra) trong cơ thể.

7 loại thuốc phổ biến nhất định không dùng cùng nước ép bưởi 1
Nước ép bưởi không nên uống kèm thuốc chống dị ứng Fexofenadine (Allegra)

Ngoài ra, nước ép táo và cam cũng cần tránh sử dụng cùng thuốc Fexofenadine. Những loại nước ép này chứa các hợp chất có thể gây cản trở quá trình hấp thụ thuốc qua đường ruột. Theo một nghiên cứu đăng trên Journal of Pharmaceutical Sciences, các loại đồ uống này có thể làm giảm khả năng hấp thụ Allegra khoảng 85%.

Thuốc trị mỡ máu statin (lipitor, mevacor và zocor)

Bưởi là loại thực phẩm có chứa hàm lượng calo thấp, nhưng lại rất giàu chất chống oxy hóa và tốt cho tim mạch nhằm giảm cholesterol. Tuy nhiên, nếu bạn đang sử dụng thuốc statin để giảm cholesterol, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để xem bạn có thể ăn kèm bưởi hay không. Một số loại statin như Simvastatin (Zocor) và Atorvastatin (Lipitor) có thể tương tác với thành phần có trong bưởi và nước ép bưởi, dẫn đến tăng nồng độ thuốc trong cơ thể. Điều này có thể gây tổn thương gan và cơ, làm tăng nguy cơ suy thận.

Để tránh các tác động không mong muốn, bạn có thể chuyển sang các loại statin ít hoặc không có tương tác với bưởi như Pravastatin (Pravachol), Fluvastatin (Lescol), Rosuvastatin (Crestor) và Pravastatin (Livalo).

Thuốc hạ huyết áp Nifedipine

Thuốc Nifedipine thường được dùng để điều trị tăng huyết áp. Nếu bạn đang sử dụng loại thuốc này thì không nên sử dụng kèm với nước ép bưởi. Điều này có thể làm tăng khả dụng sinh học của Nifedipine và quá trình làm rỗng dạ dày cũng bị chậm lại, khiến thuốc lưu lại trong cơ thể lâu hơn. Từ đó có thể gây hạ huyết áp quá mức, chóng mặt hoặc té ngã.

Bưởi cũng có thể làm giảm hiệu quả hoạt động của một loại thuốc hạ huyết áp khác là Felodipine (Plendil). Một nghiên cứu cho thấy, việc uống nước ép bưởi có thể làm tăng nồng độ thuốc Felodipine trong máu lên gấp 3 lần. Một nghiên cứu khác cũng ghi nhận rằng, nồng độ Felodipine trong máu tăng lên từ 32 - 99% sau khi uống nước ép bưởi.

Thuốc trị rối loạn cương dương Viagra (Sildenafil)

Từ năm 2002, đã có nhiều nghiên cứu xác nhận rằng không nên sử dụng bưởi cùng với thuốc trị rối loạn cương dương. Do ảnh hưởng đến enzyme CYP3A4, bưởi có thể khiến cho loại thuốc trị bất lực này trở nên mạnh hơn rất nhiều.

7 loại thuốc phổ biến nhất định không dùng cùng nước ép bưởi 2
Không nên sử dụng bưởi cùng với thuốc trị rối loạn cương dương

Theo nghiên cứu của Harvard, sự kết hợp giữa viagra và nước ép bưởi có thể gây ra một số tác dụng phụ như mặt đỏ bừng, huyết áp thấp, đau đầu. Thậm chí, có thể trở nên độc hại hơn. Để thuốc đạt hiệu quả tốt nhất và hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn, người dùng nên tuân thủ các hướng dẫn về chế độ ăn uống từ bác sĩ hoặc dược sĩ và đọc kỹ nhãn bao bì.

Thuốc điều trị tâm thần

Bưởi được biết đến với khả năng làm tăng hiệu quả của nhiều loại thuốc điều trị tâm thần như Valium, Zoloft, Versed, Halcyon, Tegretol,... Ngoài ra, cơ chế ngăn chặn enzyme của bưởi có thể làm ảnh hưởng đến thuốc giải lo âu, thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm và các hợp chất hỗ trợ nhận thức, làm tăng rủi ro gặp phải các tương tác nguy hiểm.

Việc ăn bưởi hoặc uống nước ép bưởi cũng có thể làm tăng nồng độ Valium (Diazepam) và Zoloft (Sertraline) trong máu, gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như chóng mặt hoặc buồn ngủ.

Thuốc chống thải ghép (Neoral và Sandimmune)

Những người cấy ghép nội tạng cần dùng thuốc chống đào thải, trong đó có các loại thuốc ức chế miễn dịch như Cyclosporine (Neoral hoặc Sandimmune). Khi sử dụng cùng những thuốc này, nước ép bưởi có thể kéo dài thời gian hoặc tăng lượng thuốc tồn tại trong cơ thể. Điều này sẽ khiến nồng độ thuốc tăng cao hơn, có thể gây tổn thương cơ quan hoặc các tác động tiêu cực khác.

Một số loại thuốc điều trị nhịp tim bất thường (Amiodarone)

Nhiều loại thuốc điều trị rối loạn nhịp tim không đều như Nexterone, Cordarone và Pacerone đều chứa Amiodarone. Bưởi sẽ ức chế enzyme CYP3A4, dẫn đến làm tăng khả năng hấp thu của các thuốc này và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

7 loại thuốc phổ biến nhất định không dùng cùng nước ép bưởi 3
Sử dụng nước ép bưởi cùng Amiodarone có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhịp tim

Trong trường hợp của Amiodarone, việc sử dụng cùng nước ép bưởi có thể gây tác động tiêu cực đến nhịp tim (loạn nhịp tim), khiến tình trạng rối loạn nhịp tim trở nên trầm trọng hơn, gây chóng mặt hoặc nhiễm độc thuốc.

Trên đây là bài viết tổng hợp 7 loại thuốc phổ biến nhất định không dùng cùng nước ép bưởi. Trường hợp nếu đang sử dụng thuốc tương tác với bưởi, bạn nên ngừng tiêu thụ hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ về việc chuyển sang các sản phẩm thay thế khác.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin