Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Ăn đu đủ lúc đói có được không? Ăn như thế nào cho đúng?

Ngày 13/12/2022
Kích thước chữ

Đu đủ là loại quả mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe và rất dễ ăn, chế biến được nhiều món ngon hấp dẫn. Thế nhưng, chúng ta có thể ăn đu đủ lúc đói được không?

Đu đủ là loại quả tốt cho sức khỏe. Chúng rất phổ biến ở Việt Nam và đây là loại cây dễ trồng. Đu đủ chín hay đu đủ sống đều mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể khi bạn ăn đúng cách. Vậy ăn đu đủ lúc đói có được không? Cần lưu ý những điều gì khi ăn để đảm bản an toàn cho sức khỏe?

Ăn đu đủ tốt cho sức khỏe thế nào?

Quả đu đủ chính là thực phẩm giàu Vitamin C nên rất tốt cho cơ thể. Đu đủ có hàm lượng dinh dưỡng cao và chứa ít calo. Trong đu đủ giàu các Vitamin và khoáng chất như đạm, chất béo, chất xơ, đường, Canxi, Magie, Kali, Vitamin C, Thiamin, Riboflavin, Niacin, Vitamin B6, Folate,... Đặc biệt, chúng còn chứa nhiều Lycopene - Một chất chống oxy hóa rất có lợi cho cơ thể.

Ăn đu đủ lúc đói có được không? Ăn như thế nào cho đúng? 1 Ăn đu đủ rất tốt cho sức khoẻ

Trước khi tìm hiểu nên ăn đu đủ lúc đói hay không ta cần điểm qua một số tác dụng tuyệt vời của loại quả này:

  • Chống lão hoá: Trong đu đủ chứa nhiều Vitamin A, C, E và Beta-carotene. Đây đều là những chất chống oxy hoá tốt, làm ngăn ngừa sự tổn thương do các gốc tự do gây ra. Vậy nên khi ăn nhiều đu đủ, cơ thể sẽ hạn chế sinh ra các gốc tự do gây hại và giúp da dẻ mịn màng, trẻ khoẻ hơn.
  • Giảm cân: Quả đu đủ có vị ngọt thanh do lượng đường không cao như chuối, anh đào, nho nên rất thích hợp cho người ăn kiêng. Đặc biệt lượng calo trong đu đủ rất thấp nên có thể đưa loại quả này vào thực đơn giảm cân, ăn kiêng.
  • Tốt cho mắt: Chất Zeaxanthin có trong đu đủ sẽ bảo vệ sức khỏe thị giác, ngăn ngừa nguy cơ thoái hoá điểm vàng. 
  • Ngừa hen suyễn: Đu đủ là nguồn cung cấp Beta - carotene cực kỳ tốt với bệnh nhân hen suyễn. Việc bổ sung đu đủ thường xuyên sẽ giúp hạn chế cơn hen tái phát.
  • Hỗ trợ sức khỏe xương khớp: Đu đủ giàu Vitamin K, chính nhờ Vitamin K sẽ cải thiện khả năng hấp thụ Canxi và làm giảm hàm lượng Canxi bị đào thải ra ngoài cơ thể qua quá trình bài tiết. Vậy nên ăn đu đủ nhiều cũng là cách duy trì hệ xương vững chắc. 
  • Cải thiện bệnh tiểu đường: Chế độ ăn giàu chất xơ rất lý tưởng cho bệnh nhân tiểu đường type 1 và type 2. Trong đu đủ giàu chất xơ, ít đường nên là thực phẩm phù hợp cho bệnh nhân đái tháo đường.
  • Cải thiện tiêu hoá: Với những ai đang bị táo bón, nặng bụng, họ nên bổ sung đu đủ bởi quả này có chứa một loại enzyme có khả năng hỗ trợ tiêu hoá tốt. Đặc biệt, lượng chất xơ và nước trong đu đủ cao sẽ duy trì sức khỏe đường ruột ổn định. 
  • Ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm: Chính chất Choline trong đu đủ góp phần duy trì cấu trúc các màng tế bào và cải thiện việc truyền tải các xung thần kinh, từ đó tăng cường hấp thu chất béo, giảm các triệu chứng viêm nhiễm. 

Có thể thấy đu đủ là loại quả giàu dưỡng chất và rất tốt cho sức khoẻ tổng thể. Kể cả đu đủ xanh hay đu đủ chín đều sở hữu những lợi ích trên. Vậy nên, bạn có thể chọn ăn đu đủ lúc còn xanh hoặc ăn đu đủ đã chín vàng tùy theo sở thích. 

Ăn đu đủ lúc đói có sao không?

Như đã đề cập ở trên, đu đủ có tác dụng giảm cân bởi chúng ít calo và ít đường. Vậy nên nhiều người muốn ăn đu đủ khi đói nhưng lại sợ cách ăn này gây hại. Bạn không cần phải lo ngại vấn đề này. Chúng ta có thể ăn đu đủ khi đói bởi quả đu đủ ít axit, giàu chất xơ. Khi ăn lúc đói có thể làm xoa dịu dạ dày, tạo cảm giác dễ chịu cho đường tiêu hoá. Bạn có thể ăn đu đủ như bữa tráng miệng hay ăn vào bữa chính đều được. 

Ăn đu đủ lúc đói có được không? Ăn như thế nào cho đúng? 2 Ăn đu đủ lúc đói giúp cơ thể nhanh no hơn

Tuy nhiên, một điều cần chú ý là bạn chỉ nên ăn đu đủ ở lượng vừa phải. Bởi lẽ, bất kỳ thực phẩm nào tiêu thụ quá liều lượng đều gây hại cho cơ thể. Mỗi ngày nên ăn từ 500-700gr đu đủ. Nếu ai đang kiêng đường thì nên chế biến đu đủ xanh để ăn. Những người ăn kiêng muốn giảm cân hiệu quả nên bổ sung đu đủ vào thực đơn bữa chính, tốt nhất là bữa trưa. 

Nếu ăn đu đủ quá nhiều thì sẽ gây nên một số hệ luỵ như:

  • Vàng da: Chất Beta caroten trong đu đủ khi tích luỹ trong cơ thể quá cao sẽ khiến lòng bàn chân, lòng bàn tay, thậm chí da mặt bị vàng. 
  • Tiêu chảy: Đu đủ rất tốt cho người bị táo bón nhưng ngược lại đối với ai đang rối loạn tiêu hoá, thậm chí bị tiêu chảy thì ăn đu đủ vào sẽ bị bệnh nặng hơn.
  • Co thắt tử cung: Chất nhựa có nhiều trong đu đủ xanh sẽ khiến phụ nữ có nguy cơ co thắt tử cung. Vậy nên những ai đang mang thai không nên ăn đu đủ xanh bởi khả năng cao sẽ bị sảy thai, sinh non. 
  • Sỏi thận: Đu đủ giàu Vitamin C nên nếu ăn quá nhiều thì sẽ dễ làm dư thừa lượng Vitamin C, từ đó gây sỏi thận.

Các món ăn ngon chế biến từ đu đủ

Sau đây là một số món ăn được nấu từ đu đủ xanh hoặc đu đủ chín mà ai cũng có thể tham khảo:

Đu đủ xanh hầm xương

Bạn cần chuẩn bị xương heo, đu đủ xanh, hành ngò và những gia vị thông dụng là có thể tạo nên một món hầm thơm ngon. Đầu tiên, bạn hãy làm sạch xương heo bằng cách trụng sơ với nước sôi và rửa sơ qua lại với nước lạnh. Đu đủ đen đi gọt vỏ, bỏ hạt rồi thái thành miếng vừa ăn. Sau đó, bạn hầm xương cho nhừ khoảng 20 phút và cho tiếp đu đủ vào ninh khoảng 10 phút. Cuối cùng thêm gia vị cho vừa miệng và rải hành ngò vào là hoàn thành. 

Nộm đu đủ xanh

Bạn nên chọn quả đu đủ xanh nhưng hơi hường một chút thì món nộm sẽ ngon hơn. Nguyên liệu cần có để tạo nên món ăn nộm đu đủ gồm đu đủ xanh, tai heo, tôm tươi, cà rốt, đậu phộng, chanh, ớt, tỏi, ngò và các gia vị thông thường.

Món ăn này cần sơ chế nguyên liệu thật sạch. Đu đủ và cà rốt thì gọt vỏ, bào sợi rồi ngâm với nước muối, sau đó xả sạch, vắt ráo nước. 

Ăn đu đủ lúc đói có được không? Ăn như thế nào cho đúng? 3 Nộm đu đủ là món ăn dễ chế biến và ngon miệng

Tiếp đến cho tai heo đã rửa sạch đem đi luộc chín rồi vớt ra ngâm nước đá, sau đó thái mỏng. Tôm rửa sạch luộc chín và lột vỏ sạch sẽ. Bạn pha nước mắm chua ngọt với tỷ lệ 3 muỗng nước mắm, 3 muỗng đường, 1 chén nhỏ nước đun sôi để nguội cùng chanh và ớt rồi khuấy cho hoà tan. Cuối cùng bỏ tỏi băm vào.

Để hoàn thành món ăn chỉ cần trộn đu đủ, cà rốt, tai heo, tôm cùng nước mắm chua ngọt lại. Sau đó trang trí thêm đậu phộng đã rang lên trên cùng ít ngò là xong. 

Sinh tố đu đủ

Với đu đủ chín có thể gọt vỏ, bỏ hạt rồi ăn trực tiếp. Nhưng nếu muốn phá cách cho mới lạ thì nên chế biến thành sinh tố đu đủ. Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm đu đủ chín, sữa tươi, sữa đặc, kem tươi, đá bào cùng một chiếc máy xay sinh tố.

Đầu tiên, bạn gọt vỏ đu đủ, bỏ hết hạt và cắt thành miếng nhỏ. Sau đó, bạn cho đu đủ vào máy xay sinh tố cùng kem tươi, sữa đặc, sữa tươi, đá bào vào xay nhuyễn. Vậy là đã có ly sinh tố thơm ngon. Bạn có thể kết hợp thêm bơ, chuối, táo để tạo thành sinh tố mix trái cây đa dạng.

Trên đây là những chia sẻ về thắc mắc ăn đu đủ lúc đói có sao không. Hy vọng sau khi đọc bài viết bạn có thể biết cách ăn loại quả này sao cho hợp lý để đem đến lợi ích tốt nhất cho sức khỏe.

Bảo Thanh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin