Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ăn sữa chua có thực sự làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2?

Ngày 16/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sữa chua là một chế phẩm từ sữa chứa nhiều vi khuẩn có lợi cho sức khỏe hệ tiêu hóa và niêm mạc ruột. Sữa chua cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, ăn sữa chua có thực sự làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2?

Mới đây, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra ý kiến về vấn đề ăn sữa chua có thực sự làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 hay không. Theo đó, FDA sẽ không phản đối việc các nhà sản xuất quảng cáo rằng sản phẩm sữa chua có thể làm giảm nguy cơ mắc căn bệnh mãn tính này, miễn là không gây hiểu lầm cho người tiêu dùng vì bằng chứng vẫn chưa rõ ràng.

Ý kiến của FDA khi đưa thông tin về sữa chua và tiểu đường tuýp 2

Kể từ ngày 01/03/2024, FDA đã có thông báo rằng họ sẽ không phản đối việc một số nhà sản xuất đưa ra thông tin về việc tiêu thụ sữa chua có thể làm giảm nguy cơ mắc phải bệnh tiểu đường tuýp 2, miễn là chúng được diễn đạt không gây hiểu lầm cho người dùng, phải nêu rõ rằng điều này chưa có bằng chứng khoa học chứng minh cụ thể.

FDA yêu cầu phải có từ ngữ cụ thể xung quanh những thông tin này. Vì họ e ngại rằng, nếu các nhà sản xuất diễn đạt không rõ ràng, nhiều người có thể lầm tưởng rằng sữa chua là phương pháp thần kỳ để phòng ngừa bệnh tiểu đường loại 2. Hai cách diễn đạt được phép sử dụng bao gồm:

  • “Ăn sữa chua thường xuyên, ít nhất 2 cốc (3 phần ăn) mỗi tuần, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. FDA đã kết luận rằng có rất ít thông tin hỗ trợ cho tuyên bố này.”
  • “Ăn sữa chua thường xuyên, ít nhất 2 cốc (3 phần ăn) mỗi tuần, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 theo bằng chứng khoa học hạn chế.”
Ăn sữa chua có thực sự làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường? 1
Chưa có bằng chứng khoa học cụ thể về việc ăn sữa chua có thể làm giảm nguy cơ tiểu đường tuýp 2

Theo Caroline Thomason - một chuyên gia dinh dưỡng và nhà giáo dục về bệnh tiểu đường tại phòng khám tư nhân ở Washington cho biết: “Có thể gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng khi cho rằng sữa chua có thể là một giải pháp nhanh chóng cho lượng đường trong máu của họ, điều này chắc chắn không xảy ra vì không phải tất cả các loại sữa chua đều lý tưởng để duy trì lượng đường trong máu ổn định". Tuy nhiên, một số nghiên cứu về sữa chua và bệnh tiểu đường tuýp 2 vẫn đầy hứa hẹn.

Ăn sữa chua có thực sự ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2?

Từ lâu, sữa chua được biết đến là một loại thực phẩm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhờ vào hàm lượng men vi sinh và protein dồi dào. Một phân tích được gộp từ 13 nghiên cứu liên quan đã được đăng trên tạp chí Journal of Nutrition cho rằng, việc bổ sung sữa chua vào thực đơn dinh dưỡng có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 ở những người lớn tuổi khỏe mạnh.

Caroline Thomason cũng cho biết, sữa chua là một nguồn cung cấp protein và giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, có thể giúp điều chỉnh các tín hiệu đói vào cuối ngày, đặc biệt có lợi cho sức khỏe nếu dùng vào bữa sáng. Bên cạnh đó, men vi sinh có thể là một phương pháp để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 nhờ vào khả năng giảm viêm (theo nghiên cứu năm 2023). 

Ăn sữa chua có thực sự làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường? 2
sữa chua là một nguồn cung cấp protein và giúp điều chỉnh lượng đường trong máu

Năm 2022, một đánh giá năm trên tạp chí The Journal of Dairy Science đã phát hiện ra hầu hết các nghiên cứu liên quan đều cho thấy sữa lên men có tác dụng chống lại sự phát triển của bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, cũng có một số nghiên cứu khác không cho ra cùng kết quả. Một phân tích tổng hợp vào năm 2029 trên tạp chí Nutrients cho thấy, sữa chua chứa men vi sinh nhưng không có tác dụng với lượng đường huyết và insulin lúc cơ thể đang đói hoặc kháng insulin. Một số loại sữa chua thậm chí còn có thể gây bất lợi cho những người đang mắc hoặc có nguy cơ mắc phải bệnh tiểu đường tuýp 2, bởi trên thị trường không ít loại sữa chua được làm ngọt bằng lượng lớn đường bổ sung, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đối với lượng đường trong máu.

Cách chọn sữa chua cho bệnh nhân tiểu đường

Khi lựa chọn sữa chua cho người bệnh tiểu đường, đầu tiên cần chú ý đến thông tin về hàm lượng dinh dưỡng của sản phẩm ghi trên nhãn, bao bì. Nên lựa chọn loại sữa chua có lượng carbohydrate dưới 15 gam cho mỗi khẩu phần ăn. Nếu là sữa chua có đường, hãy chọn sản phẩm có từ 10 gam đường trở xuống. Tuy nhiên, sữa chua không đường vẫn là sự lựa chọn tốt hơn cho người bệnh tiểu đường. Nên chọn loại sữa chua giàu protein (như sữa chua Hy Lạp nguyên chất) để đảm bảo lượng đường huyết ổn định và điều chỉnh cảm giác thèm ăn. 

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, người bệnh tiểu đường nên lựa chọn các loại sữa chua không chứa đường, hương vị, ít hoặc không có chất béo. Tuy nhiên, nếu sữa chua không đường không phù hợp với sở thích của bạn, bạn có thể lựa chọn loại sữa chua được làm ngọt bằng chất tạo ngọt nhân tạo hoặc các thành phần như Stevia, chúng sẽ không làm tăng thêm lượng đường trong máu của bạn. 

Ăn sữa chua có thực sự làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường? 2
Người bệnh tiểu đường nên lựa chọn các loại sữa chua không chứa đường

Chế độ ăn kiêng giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2

Sữa chua có thể mang lại lợi ích cho lượng đường trong máu, nhưng nó không phải là loại thực phẩm duy nhất có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, các loại thực phẩm như đậu, quả mọng, hạnh nhân, yến mạch, rau củ,... đều có thể giúp duy trì mức đường huyết ổn định.

Nhìn chung, chế độ ăn có lợi cho sức khỏe như chế độ ăn Địa Trung Hải hoặc DASH cũng có thể kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), ăn uống theo chế độ ăn Địa Trung Hải có những lợi ích như cải thiện mức huyết sắc tố A1C và cholesterol.

Nếu bạn yêu thích sữa chua, bạn hoàn toàn có thể bổ sung nó như một món ăn nhẹ, miễn là nó ít đường và giàu protein. Caroline Thomason cũng cho biết: “Nếu bạn đã mắc bệnh tiểu đường, thì sữa chua có thể là một thực phẩm giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu và cung cấp một lượng protein lành mạnh cũng như men vi sinh hỗ trợ sức khỏe đường ruột."

Ăn sữa chua có thực sự làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường? 4
Chế độ ăn DASH có thể kiểm soát lượng đường trong máu

Trên đây là những thông tin chúng tôi cung cấp đến bạn về ý kiến của FDA đối với việc các nhà sản xuất đưa thông tin sản phẩm sữa chua có thể làm giảm nguy cơ mắc phải bệnh tiểu đường tuýp 2. Hy vọng với bài viết, bạn đã hiểu hơn về vấn đề này, cũng như có thể nắm được một số lợi ích của sữa chua cũng như cách lựa chọn sữa chua cho bệnh nhân tiểu đường. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm