Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ảnh hưởng của bụi đến sức khoẻ con người và cách hạn chế

Ngày 22/08/2022
Kích thước chữ

Ảnh hưởng của bụi đến sức khỏe con người là vô cùng nghiêm trọng, chúng có thể gây ra nhiều bệnh về đường hô hấp, tim mạch,... Vậy làm thế nào để hạn chế việc này? Tất cả sẽ được trình bày trong bài viết dưới đây.

Bụi luôn tồn tại trong không khí dưới rất nhiều dạng, nhiều kích thước. Mỗi loại sẽ gây ra ảnh hưởng khác nhau đối với người hít phải chúng. Vậy ảnh hưởng của bụi đến sức khỏe con người như thế nào?

Thực trạng bụi trong không khí hiện nay

Chắc hẳn bụi đã không còn xa lạ gì đối với đời sống của chúng ta. Không chỉ tồn tại ở ngoài trời mà ngay trong chính ngôi nhà của bạn cũng có rất nhiều bụi. Đây là hỗn hợp của nhiều chất phức tạp, tồn tại ở cả dạng lỏng lẫn thể rắn. Chúng lơ lửng trong không khí và có khả năng bám lại trên các đồ vật, thiết bị trong nhà. 

Vài năm trở lại đây, nồng độ bụi ở trong không khí ngày càng tăng cao. Nguyên nhân chủ yếu là từ các hoạt động của con người như khí thải của các nhà máy, các công trình xây dựng, đốt rác,… Điều này khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên nghiêm trọng hơn. Đặc biệt các loại bụi độc hại còn làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chính con người.

Ảnh hưởng của bụi đến sức khoẻ con người và cách hạn chế 1

Tình trạng bụi hiện nay 

Phân loại bụi

Phân loại theo nguồn gốc

  • Bụi hữu cơ: Nguồn gốc từ các loài động vật như lông thú, len, tóc,... hoặc thực vật như lúa, gạo, gai, bông, đay, rơm, gỗ,...
  • Bụi nhân tạo: Đến từ các hóa chất nhân tạo như cao su, bụi nhựa hóa học, hóa chất trừ sâu bệnh,...
  • Bụi vô cơ: Nguồn gốc từ các kim loại, khoáng chất như là bụi than, đất đá, thạch anh, đồng, chì, sắt, kẽm, silic,...

Phân loại theo kích thước

  • Loại bụi với kích thước trên 10mm có thể hiểu là bụi thực sự, dễ lắng, không đi vào được phế nang và thường sẽ đọng lại ở mũi.
  • Bụi có kích thước trong khoảng từ 5 -10mm được gọi là bụi cơ bản. Loại bụi này có thể đi vào được phổi nhưng lại bị đào thải ra ngoài.
  • Bụi có kích thước trong khoảng từ 0,1 đến nhỏ hơn 5mm. Đây là loại vô cùng nguy hiểm bởi chúng có thể chui vào tận phế nang phổi, rồi đọng lại gây xơ hóa.
  • Bụi dưới 0,1mm như là khói, không ở lại phế nang.

Phân theo tác hại 

  • Những loại bụi gây nhiễm độc chung: Như chì, thủy ngân, benzen,...
  • Bụi gây viêm mũi, dị ứng, hen, nổi ban: Bụi đến từ bông, gai, phân hóa học hoặc một số tinh dầu gỗ,...
  • Bụi sinh ra ung thư: Bụi quặng và các chất phóng xạ khác, hợp chất của crom, asen,...
  • Bụi gây ra nhiễm trùng: Lông, xương tóc,...
  • Bụi gây xơ hóa phổi: Bụi amiăng, thạch anh,...

Ảnh hưởng của bụi đến sức khoẻ con người và cách hạn chế 2

Bụi có rất nhiều loại từ nhiều nguồn khác nhau

Ảnh hưởng của bụi đến sức khoẻ con người và những lĩnh vực khác

Một số bệnh thường gặp phải khi tiếp xúc với bụi là:

Bệnh nhiễm bụi phổi

Đây là một loại bệnh thường gặp nhất trong các bệnh nghề nghiệp. Bệnh gây ra do nguyên nhân chính là thường xuyên hít thở phải bụi khoáng và kim loại. Từ đó dẫn đến hiện tượng xơ hoá phổi, làm suy giảm các chức năng hô hấp. Tuỳ theo từng loại bụi hít phải mà có thể gây nên các bệnh bụi phổi khác nhau. Dưới đây chính là một số bệnh phổi thường gặp:

  • Silicose: Do nhiễm phải bụi silic, thường gặp ở các thợ mỏ, thợ khoan đá,... bên cạnh đó là những nơi sản xuất có SiO2 ở nhiệt độ cao như làm gốm sứ, gạch chịu lửa,…
  • Asbestose: Do phổi nhiễm phải bụi asbest, thường thấy ở các thợ mỏ và chế biến asbest.
  • Berlioz: Do phổi nhiễm bụi berili, thợ chế tạo có sinh ra bụi huỳnh quang thường mắc phải loại bệnh này. 
  • Aluminosis: Do phổi nhiễm phải bụi boxit, đất sét (hay còn gọi là bệnh Shaver).
  • Anthracose: Do phổi nhiễm bụi than (đôi khi có kèm Silicose), thường thấy ở những thợ mỏ và dân cư sống trong khu vực thành phố.
  • Siderose: Do phổi nhiễm bụi sắt, thường gặp ở những người chế hóa quặng sắt, luyện kim, hàn điện.

Ảnh hưởng của bụi đến sức khoẻ con người và cách hạn chế 3

Bệnh bụi nhiễm phổi 

Bệnh về đường hô hấp

Tùy theo nguồn gốc mà có thể sinh ra các loại bệnh như sau: Viêm mũi, viêm họng, khí phế quản. Cụ thể: 

  • Các loại bụi hữu cơ khi dính vào niêm mạc có thể gây ra viêm phù thũng, tiết nhiều niêm dịch. 
  • Các loại bụi vô cơ rắn, với cạnh sắc nhọn, ban đầu thường chỉ gây ra viêm mũi, tiết nhiều niêm dịch, khiến cho người bệnh hít thở khó khăn. Nếu để lâu ngày có thể khiến teo mũi, suy giảm chức năng giữ lọc bụi, khiến cho bệnh phổi nhiễm bụi dễ phát sinh. 
  • Các loại bụi như kim loại như crom, asen, bụi len, mangan, photphat,… có thể gây ra bệnh viêm loét vách mũi, viêm mũi, viêm phế quản, khiến cho khả năng miễn dịch của phổi giảm sút. 

Các bệnh ngoài da

Bụi có thể tác động đến tuyến nhờn làm da ngày càng khô, dễ phát sinh các bệnh về da. Ví dụ như viêm da trứng cá, lở loét da,...

Ảnh hưởng của bụi đến sức khoẻ con người và cách hạn chế

Bệnh ngoài da do tiếp xúc nhiều với bụi 

Bệnh gây ra tổn thương mắt

Tiếp xúc trực tiếp với bụi mà không có dụng cụ bảo hộ có thể khiến chúng bay vào mắt gây ra kích thích màng tiếp hợp, viêm mi mắt, sinh ra mộng mắt, nhài quạt,… Ngoài ra, bụi còn có thể khiến thị lực giảm sut, bỏng giác mạc, thậm chí gây mù mắt.

Bệnh đường tiêu hoá

Các loại bụi kim loại có thể làm tổn thương đến niêm mạc dạ dày, gây ra rối loạn tiêu hoá.

Những tác hại của bụi đối với thực vật

Hầu hết những chất có trong không khí ô nhiễm đều gây ra ảnh hưởng xấu đến thực vật. Cụ thể, khi bị tiếp xúc với những chất này, cây cối thường chậm phát triển hơn, cho năng suất thấp, cháy lá, khô cây. Bên cạnh đó là làm giảm khả năng quang hợp của cây do bề mặt lá bị che lấp.

Những tác hại đối với vật liệu

Một số những loại bụi khi tiếp xúc lâu ngày với đồ vật, vật liệu bằng kim loại sẽ gây ra phản ứng ăn mòn.

Phương pháp hạn chế bụi 

  • Sử dụng máy lọc không khí và thường xuyên thay bộ lọc của máy định kỳ.
  • Lau dọn kỹ càng để loại bỏ bụi bẩn trong nhà.
  • Sử dụng máy hút bụi và đảm bảo rằng máy luôn hoạt động tốt, phát huy được hiệu quả tối đa.
  • Lau nhà và quét nhà thường xuyên.
  • Sử dụng vải microfiber để lau bụi hiệu quả.
  • Vệ sinh sạch sẽ những đồ vật lâu ngày không sử dụng.
  • Bỏ đi những đồ vật không cần thiết như: Thùng carton, giấy báo cũ, quần áo cũ,... 
  • Giặt giũ rèm cửa, chăn mền, nệm thảm thường xuyên.
  • Đeo khẩu trang lọc bụi mịn khi ra khỏi nhà.

Ảnh hưởng của bụi đến sức khoẻ con người và cách hạn chế 5

Giặt chăn màn thường xuyên có thể hạn chế lượng bụi trong nhà 

Trên đây chính là những ảnh hưởng nghiêm trọng của bụi đến sức khỏe con người và phương pháp hạn chế những tác động đó. Hãy tự ý thức bảo vệ bản thân và gia đình khỏi tác nhân gây hại nguy hiểm này nhé!

Xem thêm: Bụi mịn PM2.5 là gì? Những tác hại mà chúng mang lại

Thảo My 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin