Bà bầu khi mang thai thường gặp phải những triệu chứng như đau lưng, mệt mỏi. Những lúc này, các mẹ thường chọn dầu gió để giảm đau. Tuy nhiên, bà bầu đau lưng có được bôi dầu gió không? Có cách nào giảm đau lưng ở bà bầu?
Dầu gió là dược phẩm thường có trong các gia đình Việt, dùng để thông mũi, giảm đau bụng hoặc trị đau đầu, vết côn trùng cắn. Tuy nhiên, đối với mẹ bầu thói quen sử dụng dầu gió có thể đem đến những hệ quả không tốt cho sức khoẻ vì một số loại dầu gió chống chỉ định ở phụ nữ mang thai. Vậy bà bầu đau lưng có được bôi dầu gió không?
Dầu gió có ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai không?
Trước khi tìm hiểu bà bầu đau lưng có được bôi dầu gió không, thì cùng xem qua thành phần của dầu gió gồm: Long não, bạc hà, thông, tràm trà, hương nhu,... Đặc biệt, long não và bạc hà là những chất có thể thấm qua da và nhau thai đi vào cơ thể của em bé. Do đó, việc sử dụng nhiều và liên tục dầu gió có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, khi mang thai, tốt nhất không nên sử dụng dầu gió thường xuyên hoặc nếu muốn sử dụng hãy cân nhắc kỹ thành phần và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Bà bầu đau lưng có được bôi dầu gió không?
Nhiều mẹ vô tình sử dụng dầu gió khi mang thai nên cảm thấy lo lắng. Nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo bà bầu không nên sử dụng dầu gió thường xuyên vì có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của thai nhi. Nhiều nghiên cứu cho thấy long não khi sử dụng với số lượng lớn có thể gây co bóp tử cung, rối loạn hệ thần kinh trung ương hoặc dị tật thai nhi, nguy hiểm hơn là dẫn đến thai chết lưu. Tinh dầu bạc hà có thể gây ra các vấn đề về hô hấp ở phụ nữ mang thai, ngừng tim và ngưng thở.
Ngoài ra, một số loại dầu gió còn chứa methyl salicylate, nếu bôi lên mũi sẽ làm khô chất nhầy có trong mũi. Như vậy, với câu hỏi bà bầu đau lưng có được bôi dầu gió không thì câu trả lời là không. Nếu mẹ bầu vô tình sử dụng dầu thì quan sát sức khỏe, ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ.
Cách bôi dầu gió đúng cách khi mang thai
Bà bầu cần hạn chế sử dụng dầu gió, sử dụng dầu gió hoặc bất kỳ thành phần dược phẩm nào khác, cần có chỉ định của bác sĩ. Nếu muốn sử dụng dầu gió khi mang thai, nên tuân thủ những quy tắc sau:
Tuyệt đối không nếm hoặc ngửi dầu gió, chỉ dùng bôi ngoài da.
Không bôi lên vết thương hở.
Nếu muốn sử dụng dầu gió để xông hơi hoặc ngâm trong bồn tắm, chỉ sử dụng tối đa 5ml dầu gió trong bồn nước.
Nếu bà bầu muốn làm ấm chân và cơ thể thì chỉ cần dùng 1 - 2 giọt dầu gió hoặc thay thế bằng dầu tràm.
Phụ nữ mang thai bị táo bón, cao huyết áp, suy nhược cơ thể không nên sử dụng dầu gió. Nếu muốn sử dụng phải được bác sĩ hướng dẫn cụ thể hoặc mua dầu gió dành riêng cho phụ nữ mang thai.
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe của mẹ và thai nhi, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
Nếu bà bầu vô tình sử dụng quá nhiều dầu gió khi mang thai và sau khi bôi dầu gió khoảng 5 phút đến 1 giờ, cơ thể có các triệu chứng như buồn nôn, mệt mỏi, thậm chí co giật, khó thở, hôn mê,... có thể coi là ngộ độc dầu gió. Triệu chứng nặng hay nhẹ tùy vào lượng dầu nhiều hay ít. Cần đưa đi cấp cứu sớm nhất có thể để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Một số lưu ý trong quá trình mang thai
Dù là dầu gió hay bất kỳ thực phẩm, mỹ phẩm nào có chứa tinh dầu bạc hà, bà bầu không nên sử dụng quá nhiều trong thời kỳ mang thai. Mẹ bầu nên lưu ý một số điều dưới đây:
Thuốc nhuộm tóc: Không nhuộm tóc khi đang mang thai vì các thành phần hóa học của thuốc nhuộm có thể xâm nhập vào cơ thể và ảnh hưởng đến em bé, có thể dẫn đến ung thư, dị tật thai nhi.
Cẩn thận với kem dưỡng da: Thành phần hóa học trong kem dưỡng da có thể ảnh hưởng đến thai nhi nên trước khi sử dụng mỹ phẩm hay kem dưỡng ẩm cần chú ý đến thành phần và hướng dẫn sử dụng.
Son môi: Son môi có chứa các thành phần hóa học như sáp, nước hoa, chất béo, thuốc nhuộm. Son môi dính vào môi và tiếp xúc trực tiếp với lượng thức ăn đưa vào cơ thể, nên có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé. Vì vậy, nếu muốn sử dụng son môi, hãy cẩn thận không để son dính vào thức ăn hoặc lau sạch trước khi ăn.
Mẹo dân gian chữa đau lưng cho bà bầu
Để thay thế dầu gió giảm đau lưng, mẹ bầu có thể sử dụng các mẹo dân gian như sau:
Dùng khăn lạnh: Mẹ bầu lấy một chiếc khăn bông sạch, ngâm vào nước lạnh, vắt khô rồi đắp lên lưng, cơn đau sẽ giảm đi rất nhiều. Phương pháp này tuy đơn giản nhưng cũng khá hiệu quả.
Tắm nước ấm: Tắm nước ấm là cách làm dịu thần kinh và giảm đau cơ, xương khớp hiệu quả. Mẹ bầu có thể lấy nước từ lá bưởi, sả, lá tía tô, ngải cứu, húng quế, bạc hà và gừng để tăng hiệu quả. Nước nóng sẽ tạo điều kiện cho máu lưu thông, tạo cảm giác dễ chịu và sảng khoái hơn.
Lá ngải cứu: Từ xa xưa, ngải cứu đã được biết đến như một loại cây thuốc có tác dụng điều hòa khí huyết, giảm đau lưng, đau đầu và giúp lưu thông máu lên não tốt hơn. Lá ngải cứu rất dễ trồng trong vườn nhà nên an toàn cho sức khỏe mẹ và bé. Cách dùng ngải cứu đơn giản nhất là xào với trứng hoặc nấu canh trứng ngải cứu. Chỉ cần ăn món này trong vòng một tuần, cơn đau sẽ giảm dần. Ngoài ra, bạn còn có thể làm nước uống. Đầu tiên rửa sạch lá, giã nát lấy nước, thêm mật ong và uống. Mật ong sẽ làm giảm vị đắng của ngải cứu.
Một chế độ ăn uống hợp lý không chỉ giúp bà bầu có đủ dinh dưỡng nuôi con mà còn hỗ trợ sức khỏe cho mẹ và giảm đau lưng hiệu quả. Ngoài thực đơn dinh dưỡng đa dạng và đầy đủ, bà bầu còn phải chú ý đến thói quen ăn uống như không ăn quá nhiều một lúc, chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, uống nhiều nước, ăn chậm, nhai kỹ. Ưu tiên bổ sung magie, canxi và vitamin tốt cho xương, tăng cường sức mạnh cột sống để hạn chế tình trạng đau lưng khi bé lớn hơn.
Tập những bài tập nhẹ nhàng để cải thiện tư thế, thư giãn cột sống, giảm áp lực lên các khớp giúp giảm đau lưng hiệu quả.
Như vậy, với những chia sẻ trên đã giải đáp bà bầu đau lưng có được bôi dầu gió không. Nếu bị đau lưng, mẹ bầu nên thay dầu gió bằng cách tắm nước ấm, chườm khăn lạnh và dùng lá ngải cứu để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.