Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bàn chân bẹt có nguy hiểm không? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị bàn chân bẹt

Ngày 09/08/2023
Kích thước chữ

Bàn chân bẹt là tình trạng bất thường về đường cong sinh lý của bàn chân hay gặp. Bàn chân bẹt có thể gây ra những bất tiện trong cuộc sống hàng ngày và người bệnh có nhiều nguy cơ hơn mắc các bệnh khác như cong vẹo cột sống... Tuy nhiên lại ít người để ý đến những thay đổi này để sớm điều trị.

Hiểu rõ về bàn chân bẹt là cần thiết để nhận biết và ứng phó kịp thời. Bài viết này tập trung trình bày về nguyên nhân, triệu chứng, tác động của bàn chân bẹt, cùng với những biện pháp phòng ngừa và điều trị. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về bàn chân bẹt cũng như các dấu hiệu nhận biết để có thể kịp thời phát hiện và điều trị.

Bàn chân bẹt là gì?

Bàn chân bẹt là hiện tượng bất thường về cấu trúc của bàn chân khi gan bàn chân bằng phẳng, không có độ lõm làm mặt bàn chân tiếp xúc hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn với mặt đất, từ đó gây ra những ảnh hướng đến chức năng của chân. Bàn chân bẹt có thể xảy ra từ khi còn nhỏ hoặc phát triển trong quá trình lớn lên, và có thể ảnh hưởng đến cả nam và nữ.

Bàn chân bẹt có nguy hiểm không 2
Bàn chân bẹt có thể ảnh hưởng đến cả nam và nữ

Bình thường, hầu như trẻ sơ sinh đều có hiện tượng bàn chân bẹt do ở trẻ có lớp mỡ dày khiến chúng ta khó quan sát được vòm khung xương. Trong quá trình trưởng thành, hệ thống dây chằng phát triển sẽ hình thành vòm bàn chân. Vậy nên, các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thường do bẩm sinh hoặc một số yếu tố tác động lên quá trình trưởng thành của người bệnh có bàn chân bẹt.

Những nguyên nhân nào có thể dẫn tới bàn chân bẹt?

Một số nguyên nhân có thể dẫn đến bàn chân bẹt như:

  • Yếu tố di truyền: Nếu một người trong gia đình có bàn chân bẹt, khả năng cao người khác trong gia đình cũng có nguy cơ bị tình trạng này. Ngoài ra, bàn chân bẹt có thể đi cùng các bệnh di truyền như Hội chứng Down, Hội chứng Marfan hoặc hội chứng Ehlers – Danlos…
  • Phát triển bất thường: Cơ, gân, và xương của chân không phát triển đúng cách có thể dẫn đến bàn chân bẹt.
  • Chấn thương chân: Một chấn thương mắt cá chân có thể làm suy yếu các cơ và gân hỗ trợ vòm chân.
  • Bệnh lý: Một số bệnh lý như bệnh lý cơ xương khớp, bại não hoặc bệnh tiểu đường có thể gây ra bàn chân bẹt.
  • Sử dụng giày không phù hợp: Việc sử dụng giày không phù hợp, đặc biệt là giày không có thiết kế cho vòm chân trong một thời gian dài có thể góp phần vào tình trạng bàn chân bẹt.
  • Quá trình lão hóa: Một số người có thể có hiện tượng bàn chân bẹt khi lão hóa, khi các cơ và mô mềm trong chân trở nên yếu và mất đi tính đàn hồi.
Bàn chân bình thường của trẻ 1
Cơ, gân, xương của chân không phát triển đúng cách có thể dẫn đến bàn chân bẹt

Các biểu hiện và triệu chứng của bàn chân bẹt

Để nhận biết bàn chân bẹt, chúng ta có thể dựa vào một số triệu chứng sau:

  • Mất vòm chân: Một trong những biểu hiện rõ rệt của bàn chân bẹt là mất vòm chân tự nhiên.
  • Đau: Bàn chân bẹt thường gây ra đau ở bàn chân, đặc biệt sau khi hoạt động lâu hoặc đi bộ nhiều. Điều này có thể do mất đi sự hấp thụ lực của vòm chân, khiến các mô và cơ trong chân phải làm việc nặng hơn.
  • Sưng và viêm: Bàn chân bẹt có thể gây ra sưng và viêm ở các điểm tiếp xúc lâu ngày, chẳng hạn như mặt trong của bàn chân hoặc khớp mắt cá chân.
  • Khó khăn trong việc tìm giày phù hợp: Bàn chân bẹt có hình dạng bất thường, do đó, việc tìm giày phù hợp có thể trở nên khó khăn.

Bàn chân bẹt có nguy hiểm không?

Bàn chân bẹt có thể không gây nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh, tuy nhiên nếu không có biện pháp can thiệp sớm, bệnh có thể gây biến dạng cấu trúc xương khớp dẫn đến một số vấn đề sức khỏe như:

  • Viêm khớp, viêm gân Achilles, viêm cân gan chân…
  • Gai xương: Là những cấu trúc xương cứng, nhẵn hình thành ở đầu xương có khớp bị tổn thương.
  • Biến dạng khớp ngón chân cái, ngón chân hình búa.
  • Cong vẹo cột sống.
  • Đau vùng hông, thắt lưng, đầu gối.
  • Đau xương cẳng chân.
  • Thoái hóa khớp gối.

Bên cạnh đó, người có bàn chân bẹt có dáng đi bất thường và có thể ảnh hưởng đến tổng quan thẩm mỹ của người bệnh. Tình trạng này có thể gây tâm lý nhạy cảm, tự ti với ngoại hình, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ.

Viêm gân Achilles 3
Bàn chân bẹt có thể dẫn đến viêm gân Achilles

Chẩn đoán bàn chân bẹt

Mặc dù bàn chân bẹt thường có thể phát hiện qua quan sát bằng mắt thường. Tuy nhiên, để tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này cần thực hiện một số kĩ thuật khác để có thể đưa ra chẩn đoán và phương án điều trị.

  • Quan sát: Quan sát hình dáng bàn chân, dáng đi, tư thế đứng bất thường của người bệnh.
  • Kiểm tra dấu chân: Phương pháp này kiểm tra diện tích bàn chân tiếp xúc với mặt đất. Bàn chân càng bẹt thì dấu chân in lên có diện tích càng lớn.
  • Chụp X – quang, chụp cắt lớp vi tính (CT) là lý tưởng để chẩn đoán các bất thường về góc và sự thẳng hàng theo giải phẫu của xương bàn chân.
  • Siêu âm: Có thể được sử dụng để cung cấp hình ảnh chi tiết về tổn thương xương và mô mềm, lý tưởng cho những người viêm gân, hoặc chấn thương gân gót Achilles.
Phim chụp X-quang của bàn chân bẹt 4
Phim chụp X-quang của bàn chân bẹt 

Các phương pháp điều trị

Nhìn chung đối với trẻ em, hiện tượng bàn chân bẹt là hiện tượng sinh lý bình thường và chưa cần điều trị. Vậy nên các phương pháp hiện nay thường được áp dụng với người lớn. Có thể chia thành phương pháp điều trị không xâm lấn và phẫu thuật

Điều trị không xâm lấn

Những phương pháp này tập chung chủ yếu vào cải thiện chế độ sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Thường áp dụng với những người bệnh có triệu chứng nhẹ. Có thể kể đến như:

  • Thay đổi thói quen tập thể dục, mát xa chân.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và nghỉ ngơi, chườm đá để giảm viêm, giảm đau.
  • Vật lý trị liệu để kéo dài và cải thiện độ linh hoạt và khả năng vận động của xương khớp.
  • Sử dụng các thiết bị hỗ trợ như nẹp chỉnh hình bàn chân hoặc giày đặt làm riêng.
Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) theo chỉ định của bác sĩ có thể làm giảm các triệu chứng đau 5
Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) theo chỉ định của bác sĩ

Phẫu thuật

Thường áp dụng với những ca bệnh chấn thương hoặc bẩm sinh. Phương pháp này có thể cải thiện hoàn toàn tình trạng bàn chân bẹt cũng như có thể tạo hình cho bàn chân. Tuy nhiên, phương pháp này thường tốn kém và lâu hồi phục hơn cách điều trị không xâm lấn cũng như tiềm ẩn một số nguy cơ trong quá trình phẫu thuật và hậu phẫu.

Thông tin trong bài viết đã cung cấp đến bạn đọc các nội dung xoay quanh tình trạng bàn chân bẹt có nguy hiểm không, qua đó hy vọng giúp mọi người hiểu hơn về căn bệnh này. Chủ động theo dõi các triệu chứng xuất hiện của bệnh và can thiệp điều trị sớm để đạt kết quả tốt nhất

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin