Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bàn chân Charcot ở bệnh nhân tiểu đường

Ngày 25/03/2023
Kích thước chữ

Bàn chân Charcot là một biến chứng tiểu đường nguy hiểm, mang tính chất đa yếu tố nên rất khó kiểm soát. Vì vậy, người bệnh tiểu đường cần hiểu rõ để nâng cao ý thức phòng ngừa biến chứng này.

Bàn chân Charcot là một biến chứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm của bệnh tiểu đường. Nó là một biến chứng phát triển nhanh chóng của bàn chân, dẫn đến sự suy yếu và biến dạng. Tình trạng này thường xảy ra ở những người bị đái tháo đường trong nhiều năm và có tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của họ. Vậy dấu hiệu để nhận biết bàn chân Charcot và cách chăm sóc ra sao? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu ngay trong những thông tin sau nhé!

Bàn chân Charcot là gì? 

Bàn chân Charcot là một biến chứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm ở bệnh nhân bị tổn thương thần kinh ngoại vi, đặc biệt là những người mắc bệnh tiểu đường. Bàn chân Charcot là kết quả của những tổn thương diễn tiến từ từ, huỷ hoại đến xương, khớp và các mô mềm trong bàn chân hoặc mắt cá chân.

Từ đó, xương trở nên yếu hơn và dễ gãy, trật khớp, sai khớp. Nếu không được phát hiện và can thiệp sớm, các khớp trong bàn chân sẽ sụp đổ và bàn chân bị biến dạng. Chân bị biến dạng có thể gây ra những vết loét nghiêm trọng và vết những vết loét hở nhiễm trùng nặng, bệnh nhân có thể phải đoạn chi.

Tuy nhiên vì diễn tiến trong âm thầm nên biến chứng bàn chân Charcot thường được phát hiện trễ, dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm khác. 

Bàn chân Charcot ở bệnh nhân tiểu đường 1Bàn chân Charcot là một biến chứng thần kinh tiểu đường nguy hiểm 

Bàn chân Charcot thường gặp ở đối tượng nào? 

Bàn chân Charcot thường được biết đến là một biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, rộng hơn đây là một triệu chứng chung của những người bệnh thần kinh ngoại vi. Sở dĩ được biết đến là một biến chứng tiểu đường nguy hiểm vì bàn chân Charcot có thể diễn ra ở bệnh nhân tiểu đường lâu năm và gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của bệnh nhân. 

Nguyên nhân gây ra biến chứng bàn chân Charcot 

Cho đến nay các nghiên cứu vẫn chưa đưa ra được kết luận chính xác những nguyên nhân riêng lẻ dẫn đến bàn chân Charcot mà biến chứng này được xem là đa yếu tố. Trong đó nhiều trường hợp biến chứng bàn chân Charcot thường xuất phát từ một vết bầm tím hay chấn thương ở chân không được phát hiện kịp thời. Bởi những người mắc bệnh thần kinh ngoại vi sẽ bị mất cảm giác ở vùng chi dưới, khiến họ không cảm nhận được cơn đau do tổn thương ở chân. Từ đó, các vấn đề về bàn chân và mắt cá chân không được điều trị đúng cách, sự biến dạng có thể trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn đến vết loét và nhiễm trùng. Ngoài ra, bàn chân Charcot cũng đã được ghi nhận là một biến chứng sau cấy ghép nội tạng ở bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. 

Bên cạnh đó, biến chứng bàn chân Charcot cũng có thể xuất phát từ những dị tật ở chân, ở người lâu ngày không vận động, di chuyển hoặc suy giảm thị lực. 

Bàn chân Charcot ở bệnh nhân tiểu đường 2Bàn chân Charcot là một biến chứng đa yếu tố nên rất khó để quản lý

Các triệu chứng của bàn chân Charcot 

Các triệu chứng của bàn chân Charcot bao gồm sưng to, đỏ và đau rát không đáp ứng với các loại thuốc giảm đau thông thường. Theo diễn tiến bệnh thì bàn chân của bệnh nhân sẽ dễ bị gãy xương từ bên trong và dẫn đến hàng loạt triệu chứng của nhiễm trùng, phù nề. 

Những phương pháp điều trị chứng bàn chân Charcot 

Có thể phải mất vài tháng để cải thiện biến chứng bàn chân Charcot. Chìa khóa trong việc điều trị là bạn cần kiểm soát đường huyết và giảm tải trọng lượng lên chân bị thương, cụ thể như sau: 

  • Nghỉ ngơi và hạn chế di chuyển chân: Bác sĩ có thể chỉ định cho bạn bó bột chân và trong 2 - 3 tháng và thường xuyên kiểm tra, thay bột. Song song đó để hỗ trợ đi lại bác sĩ cũng hướng dẫn cho bệnh nhân dùng nạng hoặc xe lăn. 
  • Ngăn chặn sự phát triển của tổn thương mới trên bàn chân và mắt cá chân: Sau khi tháo bột và tình trạng nhiễm trùng ở chân được cải thiện, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân sử dụng giày dành riêng cho người tiểu đường. Những loại giày chuyên dụng này giúp giảm áp lực chèn ép lên những vị trí tổn thương trên bàn chân. Từ đó ngăn ngừa nguy cơ gây ra loét chân. Đồng thời một số loại thuốc cũng được chỉ định cho bệnh nhân để ngăn ngừa biến chứng bàn chân Charcot. 
  • Phẫu thuật là phương án cuối cùng được chỉ định cho bệnh nhân nếu tổn thương không thể phục hồi bằng cách bó bột hay mang giày chuyên nghiệp. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ cũng sẽ tiến hành sắp xếp lại các khớp xương giúp chúng ổn định hơn. 

Bàn chân Charcot ở bệnh nhân tiểu đường 3

Bệnh nhân tiểu đường nên đi thăm khám bác sĩ thường xuyên và chú ý chăm sóc thân thể

Phòng ngừa biến chứng bàn chân ở người tiểu đường 

Biến chứng bàn chân Charcot rất khó để kiểm soát và nguy cơ phải đoạn chi cao, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh. Vì thế mà bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tiểu đường nên lưu ý một số điều sau đây để chăm sóc bàn chân tốt hơn: 

  • Luôn dùng thuốc điều trị tiểu đường hoặc insulin theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. 
  • Thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để hỗ trợ kiểm soát đường huyết. 
  • Mỗi ngày nên rửa chân bằng nước ấm kết hợp với mát xa nhẹ nhàng. 
  • Lau khô chân, nhất là các vùng kẽ ngón chân, tránh để chân ẩm ướt. 
  • Nếu da bàn chân khô ráp thì nên bôi kem dưỡng ẩm sau khi làm sạch. Bởi khô nứt gót chân cũng là tiền đề cho những tổn thương mô khó lành ở bệnh nhân tiểu đường. 
  • Mang giày, dép bít mũi và lựa chọn kích cỡ thoải mái, vừa chân. 
  • Thường xuyên kiểm tra chân và xử trí ngay khi có những vết thương nhẹ. 
  • Nếu phát hiện vết bầm tím, trầy xước hay tổn thương nghiêm trọng thì nên lập tức đi khám bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn chăm sóc cho phù hợp. 
  • Tăng cường vận động để tăng cường máu lưu thông đến bàn chân. 

Bàn chân Charcot là một biến chứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm cho bệnh nhân tiểu đường. Hy vọng qua bài viết trên đây có thể giúp nâng cao nhận thức của bệnh nhân về việc chăm sóc bàn chân tiểu đường, ngăn ngừa nguy cơ phát triển biến chứng bàn chân Charcot. 

Quỳnh Vi

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin