Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tâm lý - Tâm thần

Bạo lực tinh thần là gì? Nỗi đau vô hình về mặt tâm lý và những hệ lụy của nó

Ngày 14/08/2024
Kích thước chữ

Bạo lực tinh thần là một vấn nạn phức tạp, đã và đang diễn ra thường xuyên trong xã hội ngày nay. Hình thức bạo lực này không để lại những vết thương thể xác nhưng lại để lại những hậu quả nặng nề đối với sức khỏe tâm lý của nạn nhân. Vậy bạo lực tinh thần cụ thể là gì và làm cách nào để nhận biết và phòng tránh vấn nạn này? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết sau nhé!

Nhắc đến bạo lực, người ta thường nghĩ đến những câu chuyện về đánh đập, hành hạ thể xác, gây thương tích trên cơ thể. Tuy nhiên, bạo lực tinh thần lại là một nỗi đau “vô hình”, nạn nhân của vấn nạn này phải gánh chịu tâm lý nặng nề và sự tổn thương sâu sắc trong tâm hồn. Để hiểu hơn về bạo lực tinh thần, bạn có thể tham khảo bài viết sau đây.

Bạo lực tinh thần là gì?

Hiện nay có không ít người có tư tưởng hành xử bạo lực, đè nén tinh thần người khác và cho rằng việc mình đang làm là dạy dỗ, yêu thương. Đây là bắt nguồn của vấn nạn bạo lực tinh thần. Vậy bạo lực tinh thần có ý nghĩa cụ thể là gì?

Khái niệm bạo lực tinh thần

Bạo lực tinh thần thực chất là một dạng bạo hành phổ biến đã có từ xa xưa, trong thời đại đổi mới, khái niệm này càng được giải thích và chứng minh một cách rõ ràng hơn. Hình thức bạo lực này không kém gì so với bạo lực thể chất, nạn nhân liên tục bị chì chiết bởi những lời lẽ cay nghiệt, xúc phạm nặng nề. Ngoài ra, kẻ bạo hành cũng có thể đè nén tinh thần nạn nhân bằng cách sử dụng sự im lặng trong mọi vấn đề.

Bạo lực tinh thần là gì? Nỗi đau vô hình về mặt tâm lý và những hệ lụy của nó 1
Nạn nhân của bạo lực tinh thần liên tục bị chì chiết bởi những lời lẽ cay nghiệt, nặng nề

Tuy không để lại vết thương trên thân thể, hình thức bạo lực này lại rất đa dạng và dẫn đến những tổn thương vô cùng nghiêm trọng cho nạn nhân. Đôi lúc, nạn nhân và những người xung quanh cũng hoàn toàn không thể nhận ra sự bạo lực này. Có nhiều trường hợp nạn nhân sẽ phải hứng chịu cả tổn thương tinh thần và cả thể xác, lâu dần sẽ khiến nạn nhân mất đi khả năng phản kháng và dẫn tới những hệ lụy nặng nề về sau.

Dấu hiệu của bạo lực tinh thần

Bạo lực tinh thần rất khó để nhận biết. Để nhận biết dấu hiệu bạn hoặc những người xung quanh bạn đang trải qua bạo lực tinh thần và kịp thời ngăn chặn, bạn nên tham khảo một số dấu hiệu dưới đây:

  • Sỉ nhục và chê bai bạn trước mặt người khác bằng những lời đùa giỡn cợt nhả, ác ý.
  • Tìm cách kiểm soát bất kỳ hành động và lời nói nào của bạn.
  • Khinh thường cảm xúc của bạn và khiến bạn cảm thấy không thoải mái, sợ hãi khi ở cạnh.
  • Luôn chỉ trích và soi mói hành động của bạn.
  • Thao túng tâm lý và khiến bạn nghĩ rằng suy nghĩ của mình là sai trái.
  • Coi thường thành quả và ước mơ của bạn, liên tục lặp lại thất bại và lỗi lầm của bạn.
  • Đánh giá thấp năng lực và coi thường, cho rằng bạn không đủ nhận thức.
  • Rêu rao bí mật, chuyện riêng tư của bạn cho người khác mà không có sự cho phép.
  • Tỏ thái độ trịch thượng và cho rằng hành động bạo hành của mình là đang giúp đỡ bạn, yêu cầu bạn phải biết ơn vì điều đó.
  • Tìm mọi cách để buộc tội và chứng minh bạn là người sai trong những cuộc cãi vã.
Bạo lực tinh thần là gì? Nỗi đau vô hình về mặt tâm lý và những hệ lụy của nó 2
Kẻ bạo hành sẽ luôn chỉ trích và soi mói hành động của bạn

Bạo lực tinh thần đối với pháp luật

Luật Phòng chống Bạo lực gia đình năm 2022 đã giải thích rằng bạo lực gia đình bao gồm những hành vi cố ý gây tổn hại cả về tinh thần lẫn thể xác, tình dục và kinh tế đối với thành viên trong gia đình. Hành vi bạo lực gia đình đã bao gồm: Ngược đãi, đánh đập, đe dọa, lăng mạ, chì chiết và những hành vi xúc phạm danh dự, kiểm soát và gây áp lực tâm lý cho nạn nhân. Không chỉ trong phạm vi gia đình, bạo lực tinh thần còn tồn tại trong nhiều mối quan hệ xã hội khác nhau. Dù là dưới hình thức nào, việc xâm hại tinh thần và thể xác của người khác đều được xem là hành vi sai trái đối với pháp luật, người bị hại có quyền phản kháng và nhờ đến sự can thiệp của các cơ quan chức năng, sự hỗ trợ của các tổ chức có thẩm quyền.

Những hệ lụy bạo lực tinh thần mang lại

Những nỗi đau bạo lực tinh thần rất khó để xóa nhòa, nạn nhân sẽ gánh chịu những tổn thương nặng nề về mặt tâm lý, cụ thể như sau:

Chấn thương tâm lý

Bạo lực tinh thần không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của nạn nhân mà còn để lại những chấn thương tâm lý sâu sắc và kéo dài, đặc biệt là đối với trẻ em trong độ tuổi phát triển. Không khí nặng nề và u uất trong môi trường sống sẽ khiến trẻ phát triển tâm lý bất ổn, có thể trở nên lệch lạc về mặt nhận thức và ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của trẻ. 

Các hành vi chửi bới, chê bai và ép buộc sẽ khiến trẻ trở nên mặc cảm, tự ti và nảy sinh ý muốn chống đối. Những lời lẽ ác ý đến từ những người lớn xung quanh sẽ dần để lại những vết thương lòng sâu sắc cho trẻ và ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ sau này. Chấn thương tâm lý thường rất khó chữa lành và có thể gây nên những ảnh hưởng tiêu cực sâu sắc đến suốt cuộc đời đối với nạn nhân của bạo lực tinh thần.

Bạo lực tinh thần là gì? Nỗi đau vô hình về mặt tâm lý và những hệ lụy của nó 3
Bạo lực tinh thần để lại những chấn thương tâm lý sâu sắc và kéo dài

Rơi vào căn bệnh trầm cảm

Bạo lực tinh thần bản chất là gây áp lực lên người bị hại, hạ thấp nhân phẩm và giá trị của họ, khiến họ phải tuân theo ý muốn của kẻ bạo hành. Do vấn nạn này là một vấn nạn ngầm, âm thầm bào mòn lý trí và tự trọng của nạn nhân mà không để lại bất cứ dấu vết hay bằng chứng nào trên cơ thể họ. Người bị bạo hành cũng dễ đánh mất ý chí phản kháng, họ không thể chống cự vì sự e ngại được hình thành trong tâm trí qua quá trình dài bị sỉ nhục và hạ thấp.

Bạo lực tinh thần bào mòn và gặm nhấm ý chí của nạn nhân, khiến họ trở nên nhu nhược và dần dần đẩy họ vào sự tiêu cực không lối thoát, một căn bệnh mang tên trầm cảm. Không chỉ phụ nữ mà nam giới cũng có thể vướng phải vấn nạn bạo lực tinh thần, vấn nạn này chính là bước khởi đầu dẫn đến căn bệnh trầm cảm và những bệnh lý về tâm lý khác do nạn nhân phải sống trong môi trường u uất, bị bào mòn tâm lý một thời gian dài và thường xuyên.

Một số biện pháp ngăn chặn bạo lực tinh thần

Để loại bỏ vấn nạn bạo lực tinh thần, người bị hại nên đứng lên mạnh mẽ đòi lại sự công bằng cho bản thân, xã hội nên bảo vệ những nạn nhân của bạo hành. Bạn có thể tìm hiểu một số giải pháp để ngăn chặn bạo lực tinh thần như sau:

  • Đối chất với kẻ bạo hành: Người bị hại không nên nhẫn nhục và chịu đựng mà nên mạnh mẽ yêu cầu kẻ bạo hành chấm dứt những hành vi sai trái của mình. Việc bạn chủ động tìm kiếm công bằng với sự dứt khoát sẽ khiến đối phương phải dè chừng.
  • Cắt đứt mối quan hệ với kẻ bạo hành: Nếu không thể thay đổi tình huống chỉ bằng việc đối chất thẳng thắn, bạn nên cắt đứt tất cả mối quan hệ với kẻ bạo hành để bảo vệ bản thân.
  • Hàn gắn vết thương lòng: Bạn nên tự chữa lành cho bạn thân hoặc nhờ đến sự giúp đỡ của những người xung quanh. Bạn nên ưu tiên tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý để nhận được sự hỗ trợ cần thiết nhất.
  • Tìm kiếm sự giúp đỡ: Trong trường hợp kẻ bạo hành không thỏa hiệp với lời nói và liên tục tìm kiếm bạn sau khi đã cắt đứt mối quan hệ, bạn nên thu thập bằng chứng bị uy hiếp và đe dọa, sau đó tìm đến sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng và những người đáng tin cậy.
  • Tập yêu thương và hoàn thiện bản thân: Bạn nên học cách yêu thương và chăm sóc cho đời sống tinh thần của bản thân, rèn luyện bản thân và nâng cao năng lực của mình. Người biết yêu thương bản thân sẽ hiểu được giá trị của mình và không dễ bị đánh gục bởi những kẻ bạo hành tinh thần.
Bạo lực tinh thần là gì? Nỗi đau vô hình về mặt tâm lý và những hệ lụy của nó 4
Người biết yêu thương bản thân sẽ không dễ bị đánh gục bởi những kẻ bạo hành 

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn nạn bạo lực tinh thần. Nếu bạn hoặc những người xung quanh bạn đang là nạn nhân của bạo lực tinh thần, hãy dũng cảm đứng lên đòi lại công bằng cho bản thân và bảo vệ những người thân của mình. Mỗi cá nhân cần phải lên án mạnh mẽ vấn nạn này vì một xã hội tươi đẹp hơn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin