Khi người mẹ có nhóm máu Rh âm mang thai đứa con có nhóm máu Rh dương dẫn đến hiện tượng huyết tán ở trẻ sơ sinh (bệnh Rhesus) gọi là bất đồng nhóm máu mẹ con. Hãy tham khảo bài viết sau đây để tìm hiểu xem căn bệnh này có nguy hiểm không, cách chữa trị ra sao nhé!
Bất đồng nhóm máu mẹ con là gì?
Bất đồng nhóm máu ABO thường gặp ở mẹ có nhóm máu O và trẻ có nhóm máu A hoặc B
Có nhiều hệ thống nhóm máu nhưng quan trọng nhất là hệ ABO và hệ Rh. Hệ nhóm máu Rh được quy định bởi kháng nguyên D, C, c, E, e trong khi hệ ABO được quy định bởi kháng nguyên A, B trên bề mặt hồng cầu.
Hiện tượng bất đồng nhóm máu mẹ con xảy ra khi nhóm máu của thai không tương thích với nhóm máu người mẹ. Trong quá trình mang thai, máu của thai nhi đi vào máu mẹ do một lý do nào đó, khởi phát quá trình tạo kháng thể, từ máu người mẹ kháng thể qua hàng rào nhau thai gây hiện tượng thiếu máu tán huyết vàng da ở trẻ sơ sinh. Có hai trường hợp như sau:
- Bất đồng nhóm máu ABO: Phổ biến ở bà mẹ có nhóm máu O và con có nhóm máu A hoặc B. Do cơ thể của người mẹ nhóm máu O có đồng kháng thể 7S-IgG chiếm ưu thế, có khả năng xuyên qua nhau thai. Trong khi ở những bà mẹ có nhóm máu A hoặc B, đồng kháng thể 19S-IgM không thể qua nhau thai do có kích thước lớn.
- Bất đồng nhóm máu hệ Rh: Trường hợp xảy ra khi mẹ mang nhóm máu Rh(-) và con mang nhóm máu Rh(+). Tuy hiếm gặp nhưng bất đồng nhóm máu hệ Rh gây thiếu máu tán huyết ở trẻ sơ sinh rất nặng nề.
Tác hại của bất đồng nhóm máu mẹ con
Những em bé sinh ra sẽ bị vàng da, thiếu máu, lượng sắt dự trữ trong máu thấp và lượng bilirubin trong máu tăng cao. Bất đồng nhóm máu ABO gây thiếu máu tán huyết có thể xảy ra ngay từ đứa con thứ nhất với biểu hiện vàng da sáng, xuất hiện khoảng 2 - 3 ngày sau sinh, phân vàng, nước tiểu trong.
Lượng bilirubin trong máu sẽ nhanh chóng giảm xuống nếu được phát hiện và điều trị sớm, bilirubin gián tiếp sẽ chuyển sang dạng trực tiếp, đào thải ra ngoài mà không gây tác hại gì. Tuy nhiên sau 5 ngày không được phát hiện và điều trị, lượng bilirubin gián tiếp tăng cao vượt qua hàng rào máu não dẫn đến nhiễm độc não. Trẻ sẽ có những bất thường về thần kinh như tăng trương lực cơ, tứ chi duỗi cứng vặn xoắn. Lúc này việc điều trị thường không đem lại kết quả tốt, trẻ có thể mang những di chứng thần kinh suốt đời hoặc có nguy cơ tử vong.
Bất đồng nhóm máu mẹ con gây thiếu máu tán huyết vàng da ở trẻ sơ sinh
Bất đồng yếu tố Rh giữa mẹ và con gây thiếu máu tán huyết có thể xảy ra từ đứa con đầu lòng nếu lượng kháng thể trong cơ thể mẹ cao. Nhưng ở những lần mang thai sauhiện tượng này thường xảy ra với mức độ ngày càng nặng. Bilirubin gián tiếp trong cơ thể trẻ thường rất cao, dễ dẫn đến các di chứng thần kinh. Ở thể nặng, từ khi còn trong bụng mẹ, trẻ bị tan máu mạnh; khi sinh ra da trẻ vàng đậm do thiếu máu, suy tim, gan lách to, phù toàn thân, trẻ thường tử vong sớm sau khi đẻ.
Điều trị tình trạng thiếu máu tán huyết ở trẻ
Các phương pháp điều trị đặc hiệu là thay máu và chiếu đèn. Các phương pháp điều trị hỗ trợ là duy trì đủ năng lượng, đủ dịch và điều trị những yếu tố nguy cơ có thể làm nặng thêm tình trạng vàng da như ngạt, nhiễm trùng, sử dụng thuốc gây tán huyết...
Phương pháp chiếu đèn
Là phương pháp điều trị chi phí thấp mà hiệu quả, được chỉ định cho tất cả trẻ vàng da, tăng bilirubin gián tiếp trên 13mg%. Có thể dùng đèn ánh sáng xanh hoặc ánh sáng trắng, để cách xa trẻ 50cm, bước sóng 420 - 480 nm, phân bố đều 55 - 6 Uw/cm2/nm. Năng lượng ánh sáng đã biến bilirubin trực tiếp thành dạng đồng phân không độc hoặc gián tiếp có thể được đào thải ra ngoài. Khi chiếu đèn, đặt trẻ trong lồng ấp, che mắt và bộ phận sinh dục, không mặc quần áo để ánh sáng chiếu trực tiếp lên da trẻ. Cách 3 giờ đổi tư thế trẻ một lần, chiếu liên tục cho tới khi mức bilirubin gián tiếp giảm xuống mức bình thường.
Phương pháp thay máu
Chỉ dùng phương pháp thay máu khi trẻ có dấu hiệu vàng da do bất đồng nhóm máu mẹ con nặng với biểu hiện như bú kém hoặc bỏ bú, vàng da sậm lòng bàn tay và bàn chân, có triệu chứng nhiễm độc thần kinh. Ở trẻ > 2 kg, bilirubin gián tiếp của trẻ cao trên 20mg% hoặc trên 10mg% ở trẻ < 1kg.
Lựa chọn nhóm máu để thay tùy thuộc vào nhóm máu của mẹ và con, lượng máu thay từ 160 - 200 ml/kg, tức gấp đôi lượng máu của trẻ. Khi thay máu phải đảm bảo vô trùng, trước khi thay phải kiểm tra kỹ máu, ngâm ấm bịch máu, nếu trẻ bị kích thích thì tiêm thuốc an thần. Trong quá trình thay máu, theo dõi chặt chẽ thân nhiệt, đảm bảo tuần hoàn, hô hấp, đề phòng các tai biến có thể xảy ra như sốc, hạ thân nhiệt, rối loạn tuần hoàn, tắc mạch do khí, nhiễm trùng...
Phương pháp chiếu đèn áp dụng cho trẻ vàng da tăng bilirubin
Biện pháp phòng ngừa yếu tố tán huyết
Trước khi mang thai, việc khám và sàng lọc có vai trò rất quan trọng, giúp chủ động phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
Nếu hiện tượng bất đồng nhóm máu hệ ABO đã có trong lần sinh nở đầu tiên, lần sinh thứ hai nên cách xa lần đầu để lượng kháng thể trong cơ thể giảm xuống, sẽ tốt hơn cho sản phụ và thai nhi.
Khi phụ nữ có nhóm máu Rh âm có thai, bác sĩ sẽ chỉ định dùng hai liều huyết thanh miễn dịch Rh trong thời gian mang thai. Liều đầu tiên được chỉ định vào tuần thứ 28 của thai kỳ và liều thứ 2 trong vòng 72 giờ sau sinh. Những kháng thể trong hai liều thuốc trên sẽ chủ động phá hủy và ngăn chặn những tế bào hồng cầu Rh dương từ thai nhi qua máu mẹ, làm giảm sự tiếp xúc của cơ thể mẹ với hồng cầu Rh dương và ngăn ngừa cơ thể mẹ sản xuất kháng thể Rh. Nhờ đó, lần mang thai tiếp theo sẽ không gặp hiện tượng bất đồng nhóm máu mẹ con nữa.
Tóm lại, việc khám tiền hôn nhân là bước chuẩn bị rất quan trọng cho quá trình sinh sản sau này của phụ nữ. Để phòng ngừa được yếu tố tán huyết ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé sau này, mẹ nên xét nghiệm nhóm máu với yếu tố Rh khi chuẩn bị kết hôn hoặc mang thai.
Quỳnh Trang
Nguồn tham khảo: Tổng hợp