Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tâm lý - Tâm thần

Bắt nạt là gì? Các hình thức, hậu quả và cách xử lý khi bị bắt nạt

Ngày 29/09/2024
Kích thước chữ

Hiện trạng bắt nạt học đường vẫn xảy ra thường xuyên tại nhiều trường học gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ em và thanh thiếu niên. Việc trẻ bị bắt nạt trong thời gian dài ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần của trẻ, nhưng người lớn lại không nhận biết được vấn đề này.

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trẻ bị bắt nạt, làm sao nhận biết trẻ đang bị bắt nạt và cách xử lý vấn đề này như thế nào? là những câu hỏi mà các bật phụ huynh đang rất quan tâm. Hãy tìm lời giải đáp chi tiết cho các thắc mắc này trong bài viết dưới đây.

Bắt nạt là gì?

Chúng ta nghe nhiều về tình trạng bắt nạt ở trường học. Vậy bắt nạt là gì? Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh, bắt nạt học đường là một hình thức bạo lực của giới trẻ đối với nạn nhân, kẻ bắt nạt là một cá nhân hay một nhóm người. 

Nguyên nhân dẫn đến hành vi bắt nạt là do sự mất cân bằng về sức mạnh thể chất, về quyền lực, tiền tài, địa vị xã hội hoặc các chuẩn mực khác. Những đứa trẻ bắt nạt thường to con, có địa vị xã hội cao hơn và nạn nhân là trẻ thấp bé, yếu hơn.

Hành vi bắt nạt có thể xảy ra lâu dài, nhiều lần khiến nạn nhân bị tổn hại lớn về thể chất, tâm lý, về khía cạnh giáo dục hay xã hội. Thông thường những người xung quanh khó nhận ra hành vi bắt nạt cho đến khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Bắt nạt là gì? Các hình thức, hậu quả và cách xử lý khi bị bắt nạt 1
Bắt nạt học đường là một hình thức bạo lực của giới trẻ đối với nạn nhân

Các hình thức bắt nạt

Để nhận ra trẻ đang bị bắt nạt, bạn có thể dựa trên các hình thức bắt nạt phổ biến sau:

Bắt nạt bằng lời nói

Người bắt nạt sử dụng lời nói hay viết ra những điều độc địa với nạn nhân như:

  • Lời trêu chọc, chế nhạo, chế giễu, lăng mạ, chửi bới.
  • Lời vu khống, tung tin đồn thất thiệt, nói không đúng sự thật.
  • Bình luận không đứng đắn về tình dục.
  • Đe dọa gây hại.

Bắt nạt trực tuyến

Bắt nạt trực tuyến hay bắt nạt qua mạng là hành vi bạo lực được thực hiện trên mạng thông qua các phương tiện như tin nhắn, hộp thư email, hội nhóm trên mạng, ứng dụng, cuộc trò chuyện trên các trang web. Cụ thể, kẻ bắt nạt sẽ thực hiện:

  • Gửi tin nhắn, gửi email cho nạn nhân những nội dung độc địa, không đúng sự thật, hình ảnh khiêu dâm, dọa gửi hình ảnh nhạy cảm của nạn nhân cho người khác.
  • Khủng bố tinh thần nạn nhân một cách riêng tư, ẩn danh hay công khai thông qua mạng.
  • Đăng thông tin không đúng sự thật trên các trang mạng xã hội nhằm dọa dẫm, nhục mạ nạn nhân.
  • Đăng hồ sơ giả, các video, hình ảnh trên trang web phản cảm.
  • Tấn công nhằm kiểm soát nạn nhân như liên tục hỏi nạn nhân ở đâu, làm gì, đi với ai,…
Bắt nạt là gì? Các hình thức, hậu quả và cách xử lý khi bị bắt nạt 2
Bắt nạt trực tuyến là gửi tin nhắn, gửi email cho nạn nhân những nội dung độc địa

Bắt nạt bằng vũ lực

Bắt nạt bằng vũ lực là hành vi gây thương tích, đau đớn lên cơ thể nạn nhân, cụ thể gồm các hành động như:

  • Gây tổn thương về thể chất như cấu véo, ngáng chân, xô đẩy, đẩy ngã, đánh, đấm đá nạn nhân.
  • Nhổ nước bọt vào nạn nhân.
  • Hành vi phá hoại tài sản.
  • Dọa dẫm, đe dọa, bắt buộc nạn nhân làm những điều họ không muốn.
  • Lấy hoặc cướp đồ cá nhân hay làm hỏng đồ của người khác.

Bắt nạt về xã hội

Bắt nạt về mặt xã hội là lời nói hay hành động làm tổn hại đến danh dự hay các mối quan hệ xã hội của nạn nhân, bao gồm:

  • Chủ động cô lập nạn nhân.
  • Vận động, bắt buộc người khác cô lập nạn nhân.
  • Truyền tin đồn không đúng sự thật.
  • Cố ý làm nạn nhân xấu hổ trước đám đông.

Biểu hiện của người bị bắt nạt là gì?

Để nhận ra trẻ đang bị bắt nạt, phụ huynh có thể dựa vào các dấu hiệu nhận biết sau:

  • Có những vết thương trên cơ thể không thể giải thích được.
  • Liên tục bị mất hoặc bị làm hỏng đồ dùng cá nhân, quần áo, trang sức,...
  • Xuất hiện các cơn đau ở nhiều vị trí khác trên cơ thể, thường xuyên cảm thấy không khỏe hay giả vờ ốm. 
  • Đột nhiên ăn uống vô độ hoặc chán ăn, bỏ ăn.
  • Khó ngủ, mất ngủ, thường xuyên gặp ác mộng.
  • Không muốn học, không muốn đến trường, kết quả học tập giảm sút.
  • Không muốn tương tác với bạn bè, không có bạn.
  • Thích ở một mình, tuyệt vọng, cô đơn, bất lực hoặc giảm lòng tự trọng.
  • Tự làm tổn thương, tự hủy hoại bản thân hoặc có ý định tự tử.
Bắt nạt là gì? Các hình thức, hậu quả và cách xử lý khi bị bắt nạt 3
Biểu hiện của trẻ bị bắt nạt là thích ở một mình, tuyệt vọng, cô đơn, bất lực

Hậu quả của việc bắt nạt

Hành vi bắt nạt gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ lâu dài cho đến khi trẻ trường thành. Nạn nhân bị bắt nạt có thể gặp những hậu quả sau:

  • Bị chấn thương về thể chất, cảm xúc, tinh thần, nghiêm trọng có thể tử vong.
  • Bị tổn thương lâu dài đến lòng tự trọng, có khả năng bị rối loạn lo âu, trầm cảm, cô đơn, cam chịu, tìm cách chống trả bằng bạo lực hoặc suy nghĩ cực đoan.
  • Nạn nhân bị bắt nạt có thể trở thành kẻ đi bắt nạt người khác. Kẻ bị bắt nạt có nguy cơ gặp phải các vấn đề về tâm thần hơn kẻ bắt nạt.

Về phía những người chứng kiến hành vi bắt nạt nhưng không ngăn chặn, họ có thể rơi vào tình trạng lo lắng, trầm cảm, việc học tập sa sút hoặc có nguy cơ sử dụng chất kích thích. 

Trẻ nên làm gì khi bị bắt nạt? Cách xử lý

Bắt nạt là hành vi xấu đáng bị lên án và cần có biện pháp xử lý kịp thời. Vậy trẻ làm gì khi bị bắt nạt?

Những điều trẻ nên làm khi bị bắt nạt 

Phụ huynh cần dạy trẻ khi bị bắt nạt, hãy thực hiện theo những điều sau:

  • Bình tĩnh: Hãy tập thở để giữ bình tĩnh, khiến kẻ bắt nạt thấy bạn vững vàng, khó bị lấn áp.
  • Không gây gổ: Khi bị bắt nạt, đừng gây hấn lại khiến đối phương làm bạn bị thương hoặc đổ lỗi cho bạn gây ra vấn đề.
  • Phớt lờ việc bị bắt nạt: Quay lưng và bỏ đi, cố gắng phớt lờ việc bị bắt nạt. Nếu đối phương cố tình ngăn chặn, hãy tỏ ra rõ ràng, cứng rắn. Thường xuyên bị bắt nạt thì nên đi cùng bạn bè.
  • Tìm sự giúp đỡ: Khi bị bắt nạt, hãy tìm sự giúp đỡ từ ba mẹ, thầy cô giáo, bạn bè để giúp ngăn chặn kẻ bắt nạt.
  • Hãy tham khảo thêm thông tin ở phòng tư vấn tâm lý để tìm ra những cách giúp bạn tránh bị bắt nạt.
Bắt nạt là gì? Các hình thức, hậu quả và cách xử lý khi bị bắt nạt 4
Khi trẻ bị bắt nạt, ba mẹ khuyến khích trẻ tìm kiếm sự tư vấn, hỗ trợ giải quyết vấn đề

Nếu trẻ đang bị bắt nạt trên mạng, bạn có thể giúp trẻ:

  • Báo cáo trực tuyến hành vi bắt nạt, các bài viết bị báo cáo sẽ bị gỡ nhanh chóng.
  • Hãy lưu giữ bằng chứng trẻ bị bắt nạt như tin nhắn, hình ảnh, video,… phòng khi bạn cần tố cáo hành vi của kẻ bắt nạt.
  • Khuyến khích trẻ tìm kiếm sự tư vấn, hỗ trợ giải quyết vấn đề từ gia đình, thầy cô, người lớn đáng tin cậy.
  • Cài đặt quyền riêng tư trên các nền tảng xã hội, chặn kẻ bắt nạt.

Nếu dùng các cách trên mà không hiệu quả, trẻ có thể xóa bỏ tài khoản trực tuyến của mình và chuyển sang dùng tài khoản mới. Chỉ nên cung cấp thông tin cá nhân cho những người đáng tin cậy.

Trẻ thấy người khác bị bắt nạt nên làm gì?

Nếu trẻ thấy bạn bè bị bắt nạt, trẻ có thể khuyến khích, giúp bạn tìm kiếm sự giúp đỡ. Hãy đồng hành với người bạn bị bắt nạt tìm đến những người đáng tin tưởng như thầy cô giáo, phụ huynh, bác bảo vệ,... để nói chuyện, chia sẻ về tình hình hiện tại và có biện pháp xử lý. Trường hợp bị bắt nạt tại trường học thì giáo viên chính là người đáng tin cậy nhất.

Đối tượng nào thường bị bắt nạt ở trường

Bắt nạt học đường có thể xảy ra ở bất kỳ ai, ở lứa tuổi nào nhưng thường tập trung vào một số cá nhân sau:

  • Trẻ bị xem là khác biệt: Trẻ mới nhập học, ăn bận khác lạ, trẻ bị thừa cân hay thiếu cân, trẻ bị cận thị,....
  • Trẻ có sức khỏe yếu, không đủ khả năng tự bảo vệ mình.
  • Trẻ tự ti, trầm cảm, có ý thức tự tôn về bản thân thấp.
  • Trẻ có ít bạn, ít được quan tâm trong lớp học.
  • Trẻ không hòa nhập tốt với môi trường, khiến người khác bực bội hoặc hay gây chú ý.

Ba mẹ nên làm gì khi con bị bắt nạt?

Khi con bị bắt nạt học đường, ba mẹ có thể áp dụng một vài gợi ý sau:

  • Ba mẹ cần giáo dục cho trẻ xác định được hành động bắt nạt, hướng dẫn trẻ cách chống lại nạn bắt nạt nói chung và bắt nạt trực tuyến nói riêng.
  • Khuyến khích trẻ sẵn sàng chia sẻ với ba mẹ nếu bị bắt nạt hay thấy bạn bị bắt nạt. 
  • Thường xuyên giao tiếp, lắng nghe con, gợi ý để con chia sẻ về bạn bè, trường lớp để kịp thời nhận ra sự việc bất thường, đồng thời trở thành người mà con tin tưởng.
  • Giáo dục con tôn trọng và tử tế với bạn bè, cần lên án, tố cáo hành vi sai trái, nhất là nạn bắt nạt.
  • Khuyến khích trẻ xây dựng cộng đồng bạn bè có cùng chí hướng để phòng ngừa nạn bắt nạt.
  • Làm quen với những nền tảng trực tuyến mà con đang sử dụng, giải thích cho trẻ về thế giới ảo, cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn trên internet và biện pháp phòng tránh.
  • Hãy cho trẻ thấy con không đối mặt với nạn bắt nạt một mình, mà luôn có ba mẹ, thầy cô đồng hành.
Bắt nạt là gì? Các hình thức, hậu quả và cách xử lý khi bị bắt nạt 5
Phụ huynh khuyến khích trẻ sẵn sàng chia sẻ nếu bị bắt nạt hay thấy bạn bị bắt nạt

Sau khi đọc bài viết trên, phụ huynh đã hiểu được những ảnh hưởng của nạn bắt nạt học đường và có biện pháp xử lý thích hợp. Ba mẹ nên theo dõi con thường xuyên để kịp thời nhận ra những dấu hiệu bất thường của con, từ đó ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng xảy ra. 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin