Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bầu ăn mận được không? Một số điều cần lưu ý khi mẹ bầu ăn mận

Ngày 04/01/2023
Kích thước chữ

Mận là loại trái cây phổ biến với hương vị đặc trưng và giá thành phải chăng. Mận miền Bắc và mận miền Nam khác nhau nhưng đều là loại quả được nhiều người ưa thích, đặc biệt là những phụ nữ mang thai. Vậy, mận có lợi ích gì? Bà bầu ăn mận được không?

Nhiều người cho rằng ăn quả mận sẽ gây nóng và có thể gây sảy thai nên nhiều mẹ bầu tránh sử dụng loại quả này. Thực hư chuyện này như thế nào và bà bầu ăn mận được không? Hãy theo dõi đến cuối bài viết để có được câu trả lời cho vấn đề này nhé!

Bầu ăn mận được không? Một số điều cần lưu ý khi mẹ bầu ăn mận 1 Bầu ăn mận được không?

Thành phần dinh dưỡng trong mận

Mận được phân biệt thành 2 loại là mận miền Bắc và mận miền Nam. Mận miền bắc có vị chua ngọt nhẹ, giòn và mọng nước. Mận miền Nam (hay còn gọi là quả roi) có vị ngọt và chua nhẹ, có ở cả 2 miền Bắc và Nam.

Thành phần dưỡng chất của 2 loại mận này khác nhau nhưng đều có định dưỡng cao. Dưới đây là thành phần dinh dưỡng của từng loại mận đã được nghiên cứu:

Thành phần và hàm lượng dinh dưỡng trong 100 gram mận Bắc, bao gồm:

  • Năng lượng: 20 kcal.
  • Protein: 0,6 gram.
  • Đường: 9,92 gram.
  • Chất xơ: 0,7 gram.
  • Vitamin B1: 0,06 mg.
  • Vitamin B2: 0,04 mg.
  • Vitamin PP: 0,5 mg.
  • Vitamin B5: 0,135 mg.
  • Vitamin C: 3 mg.
  • Sắt: 0,4 mg.
  • Canxi: 28 mg.
  • Magie: 7 mg.
  • Phốt pho: 20 mg.
  • Kẽm: 0,1 mg.
  • Kali: 157 mg.

Thành phần và hàm lượng dinh dưỡng trong 100 gram mận Nam, bao gồm:

  • Năng lượng: 25 kcal.
  • Carbohydrates: 5,7 gram.
  • Chất béo: 0,3 gram.
  • Protein: 0,60 gram.
  • Vitamin B1: 0,02 mg.
  • Vitamin B2: 0,03 mg.
  • Vitamin B3: 0,8 mg.
  • Vitamin C: 22,3 mg.
  • Canxi: 29 mg.
  • Magie: 5 mg.
  • Phốt pho: 8 mg.
  • Kẽm: 0,06 mg.

Qua đó cho thấy, dù là mận miền bắc hay mận miền Nam đều chứa nhiều vitamin và khoáng chất rất tốt cho sức khỏe con người. Vậy mẹ bầu ăn mận được không?

Bà bầu ăn mận được không?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mận chứa nhiều khoáng chất, các vitamin và chất xơ rất tốt cho sức khỏe của mẹ và thai nhi. 

Quả mận chứa nhiều vitamin, trong đó có vitamin A sẽ hỗ trợ cung cấp lượng lớn caroten hữu ích cho mẹ bầu. Bên cạnh đó, mận cũng chứa hàm lượng khoáng chất đáng kể có tác dụng cung cấp sắt cần thiết với phụ nữ mang thai và giảm các triệu chứng khó chịu của thai nghén. Đồng thời các loại mận đều chứa ít năng lượng, hàm lượng nước cao sẽ hạn chế bị béo phì, thành phần chất xơ sẽ giúp cơ thể hấp thụ lượng đường từ từ, tránh tình trạng tăng insulin gây nguy hiểm cho thai phụ và giúp cơ thể thải độc hiệu quả.

Tuy nhiên, bà bầu chỉ nên ăn mận với số lượng vừa phải, chỉ ăn khoảng 100 gram/ngày tương đương với 5 - 10 quả. Nếu đang sử dụng thuốc chữa bệnh thì nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ăn mận.

Bầu ăn mận được không? Một số điều cần lưu ý khi mẹ bầu ăn mận 2 Mẹ bầu có thể ăn được mận nhưng với số lượng vừa phải

Lợi ích của mận miền Bắc 

Mận miền bắc hay còn gọi là mận hậu hoặc mận Hà Nội, thường chín rộ vào khoảng tháng 5 - 7 hàng năm. Mận hậu mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như:

  • Bổ sung và cải thiện hấp thu sắt: Trong quả mận hậu chứa hàm lượng vitamin C khá lớn, điều này giúp người ăn mận hậu có thể tổng hợp và hấp thụ được nhiều hơn chất sắt từ các nguồn thực phẩm khác. Đồng thời vitamin C còn hỗ trợ ngăn cholesterol bị oxy hóa bên trong động mạch và giảm tình trạng bị xơ vữa hay xơ cứng động mạch.
  • Hỗ trợ hệ tiêu hóa: Chất xơ cùng các chất isatin và sorbitol có trong quả mận giúp kích thích hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn. Hơn nữa, chúng còn giúp điều trị các chứng bệnh khác như khó tiêu, táo bón và nóng trong người.
  • Làm đẹp da: Ngoài những công dụng tốt đối với sức khỏe, quả mận hậu còn giúp chị em làm đẹp da, giảm các vết mụn hay các vết nám xuất hiện trong thời kỳ mang thai. Hãy đem bã mận đi ép rồi đắp lên mặt hàng ngày, điều này giúp làn da của mẹ bầu sẽ đẹp mịn màng.
  • Giảm các triệu chứng ốm nghén: Quả mận hậu có vị chua chua ngọt ngọt rất kích thích vị giác sẽ giúp mẹ bầu giảm được các triệu chứng ốm nghén rất tốt. Vì thế các mẹ nên ăn một vài trái mận hậu trước bữa ăn hàng ngày sẽ giúp ngon miệng hơn.
  • Ngăn ngừa ung thư: Theo tạp chí Sức khỏe và Đời sống, các thành phần có trong quả mận hậu sẽ trung hòa được các gốc tự do gây ung thư. Từ đó góp phần bảo vệ cơ thể ngăn ngừa được một số bệnh ung thư. Các chất oxy hóa này còn hỗ trợ bảo vệ các tế bào thần kinh não và cải thiện trí nhớ tốt hơn.
Bầu ăn mận được không? Một số điều cần lưu ý khi mẹ bầu ăn mận 3 Mận hậu có tác dụng giúp mẹ bầu giảm nhẹ các triệu chứng của ốm nghén

Lợi ích của mận miền Nam

Mận miền Nam hay còn có tên gọi khác là quả roi, loại quả này chín quanh năm và có thể dễ dàng tìm mua được. Loại mận miền Nam đem lại một số lợi ích cho sức khỏe như:

  • Ngăn chặn sự mất nước trong cơ thể: Trong quả roi có chứa 93% là nước, sẽ giúp bổ sung nước cho cơ thể và tránh các bệnh như đau đầu, chóng hoặc nguy hiểm hơn có thể dẫn đến sinh non ở mẹ bầu. Vào mùa hè, có thể ăn trực tiếp quả roi hoặc ép thành nước uống sẽ có tác dụng giải nhiệt, giải độc tốt, đặc biệt là những người bị sốt hoặc mất nhiều nước do vận động mạnh.
  • Tăng cường sự hấp thu chất sắt: Tương tự mận miền Bắc, mận miền Nam cũng chứa hàm lượng vitamin C cao. Điều này giúp người ăn thức quả này sẽ tăng cường tổng hợp và hấp thụ sắt cho cơ thể tốt hơn. Ngoài ra còn hỗ trợ tăng cường sức đề kháng và giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
  • Tốt cho hệ tim mạch: Hàm lượng chất xơ và các chất dinh dưỡng có trong mận giúp giảm lượng cholesterol xấu trong máu, giúp ngăn ngừa nguy cơ dẫn đến bệnh mạch vành, đau tim và đột quỵ.
  • Tăng cường thị lực: Loại trái cây này là một nguồn cung cấp vitamin A và các khoáng chất như mangan, kali, riboflavin dồi dào. Do đó, nếu ăn nhiều quả roi sẽ giúp bảo vệ và tăng cường hoạt động cho mắt, giúp đôi mắt thêm sáng khỏe, giảm mờ mắt, khô mắt, quáng gà…
  • Làm đẹp da: Trong quả roi cũng chứa nhiều nước sẽ giúp bổ sung nước và các vitamin thiết yếu cho cơ thể. Đồng thời chống lại sự lão hóa, cải thiện làn da khô, thiếu sức sống và kích thích tái tạo tế bào da một cách nhanh chóng.
Bầu ăn mận được không? Một số điều cần lưu ý khi mẹ bầu ăn mận 4 Mận miền Nam hỗ trợ tăng cường sức khỏe tim mạch

Lưu ý khi mẹ bầu ăn mận

Một số điều cần lưu ý khi ăn mận, nhất là đối với những mẹ bầu ưa thích loại quả này. Cụ thể là:

  • Không nên ăn quá nhiều: Dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng mận có vị chua nên ăn quá nhiều có thể bị xót ruột và gây khó chịu cho dạ dày, nhất là ăn trong lúc đói. Mỗi ngày chỉ nên ăn 5 - 10 quả mận.
  • Không nên gọt vỏ: Trong vỏ quả mận chứa rất nhiều chất chống oxy hóa có lợi cho cơ thể.
  • Ngâm nước muối: Trước khi ăn nên rửa sạch mận, tốt nhất là ngâm qua nước muối loãng từ 15 - 20 phút.
  • Cách chọn mận ngon: Đối với mận miền Nam, nên chọn những quả còn nguyên cuống lá, có vỏ ngoài căng bóng và không bị dập hoặc nát. Đối với mận miền Bắc thì nên chọn quả có màu xen kẽ đỏ và xanh, còn tươi và không bị dập. Quả mận ngon thường còn cuống nguyên chùm, nắn bóp không bị mềm, có lớp vỏ căng và nhẵn bóng. Quả mận tươi thường có một lớp phấn trắng phủ ngoài vỏ.

Trên đây là những thông tin về những lợi ích mà trái mận mang lại cho sức khỏe, nhất là đối với các mẹ bầu. Chúng không chỉ cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết mà còn giúp mẹ bầu giảm được các triệu chứng gây khó chịu khi ốm nghén. Hy vọng thông qua bài viết này bạn đọc đã giải đáp được thắc mắc "Bà bầu ăn mận được không?".

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin