Bệnh đa hồng cầu do nguyên nhân nào? Triệu chứng bệnh và cách điều trị hiệu quả
Ngày 25/12/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Bệnh đa hồng cầu có thể gây ra hiện tượng tắc nghẽn mạch máu, từ đó dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như bệnh tim mạch và đột quỵ. Đây là một rối loạn huyết học được phát hiện qua xét nghiệm máu. Mặc dù bệnh chủ yếu xuất hiện ở người trên 60 tuổi nhưng cũng có những trường hợp được chẩn đoán trong độ tuổi từ 30-40.
Đa hồng cầu là một bệnh tăng sinh tủy mạn tính, trong đó quá trình sản xuất tế bào máu bị rối loạn. Tế bào gốc tạo máu, đặc biệt là các tế bào hướng dòng hồng cầu, tăng sinh quá mức, dẫn đến sự gia tăng số lượng hồng cầu trong máu, gây ra bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh đa hồng cầu
Bệnh đa hồng cầu được chẩn đoán khi tỷ lệ hồng cầu trong máu (hematocrit) tăng cao, đôi khi còn được kiểm tra qua mức độ hemoglobin - một loại protein quan trọng trong việc vận chuyển oxy. Hematocrit (HCT) được coi là tăng khi mức độ ở nữ giới vượt quá 48% và ở nam giới vượt quá 52%.
Huyết sắc tố (HGB) được cho là tăng khi ở nữ giới vượt quá 16,5 g/dL và ở nam giới trên 18,5 g/dL. Đây là một dạng bệnh ung thư máu tiến triển chậm, tuy nhiên, rất ít người có thể hiểu rõ về bệnh. Khi hồng cầu chiếm thể tích quá lớn, nó có thể làm cản trở lưu thông máu và vận chuyển các chất dinh dưỡng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Bệnh đa hồng cầu được phân thành hai loại chính dựa trên nguyên nhân:
Đa hồng cầu nguyên phát: Xảy ra do các vấn đề bẩm sinh liên quan đến quá trình sản xuất hồng cầu, thường do gen hoặc sự thiếu hụt một số chất nhất định.
Đa hồng cầu thứ phát: Là kết quả của các yếu tố bên ngoài thúc đẩy quá trình sản xuất hồng cầu tăng cao bất thường như sự gia tăng erythropoietin (EPO), thiếu oxy mãn tính hoặc do khối u tiết EPO một cách bất thường.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ bệnh và nguy cơ có thể thay đổi. Khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ kết hợp việc xác định nguyên nhân, đánh giá mức độ bệnh và nguy cơ để đưa ra phương án điều trị thích hợp.
Bệnh đa hồng cầu có triệu chứng gì?
Ở giai đoạn đầu của bệnh, khi tình trạng chưa tiến triển nghiêm trọng, bệnh nhân thường không có triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, khi bệnh trở nên nghiêm trọng, do không khắc phục được nguyên nhân hoặc có các yếu tố thúc đẩy, người bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng liên quan đến lưu thông máu kém, bao gồm:
Vết thương nhỏ gây chảy máu nhiều hơn, chảy máu nướu răng và đau xương khớp.
Bệnh đa hồng cầu có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời, đặc biệt khi kết hợp với các yếu tố nguy cơ sau:
Lách to: Khi bệnh tiến triển, lách phải làm việc nhiều hơn để lọc lượng tế bào hồng cầu tăng nhanh, dẫn đến sự gia tăng kích thước của cơ quan này. Lâu dài, lách có thể phì đại, gây đau đớn và ảnh hưởng đến các chức năng khác của cơ thể.
Bệnh tủy xương: Đa hồng cầu có thể dẫn đến các vấn đề tại tủy xương, bao gồm hội chứng tủy xương phát triển bất thường, xơ hóa tủy xương hoặc bệnh bạch cầu cấp tính, khiến quá trình sản xuất tế bào máu bị rối loạn và làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư máu.
Biến chứng khác: Bệnh cũng có thể gây ra các vấn đề khác như viêm khớp xương và viêm loét dạ dày tá tràng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Đặc biệt, bệnh đa hồng cầu thường gặp ở người cao tuổi, đặc biệt là những người trên 60 tuổi. Do đó, nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng cũng cao hơn, đặc biệt là ở những người có sẵn bệnh lý tim mạch. Trong trường hợp này, sự hình thành cục máu đông có thể làm tăng khả năng tắc nghẽn mạch máu não, dẫn đến đột quỵ hoặc các vấn đề nguy hiểm khác.
Bệnh đa hồng cầu điều trị như thế nào?
Để điều trị bệnh đa hồng cầu, bệnh nhân được phân chia theo các nhóm nguy cơ khác nhau để áp dụng phương pháp điều trị phù hợp:
Nhóm nguy cơ thấp
Những người dưới 60 tuổi và không có tiền sử huyết khối thuộc nhóm nguy cơ thấp. Đối với nhóm này, phương pháp điều trị chủ yếu là rút máu định kỳ, sử dụng thuốc chống đông đường uống và theo dõi thường xuyên để đảm bảo sức khỏe.
Nhóm nguy cơ cao
Người bệnh trên 60 tuổi, có tiền sử huyết khối hoặc có số lượng tiểu cầu > 1500G/l thuộc nhóm nguy cơ cao. Đối với nhóm này, phương pháp điều trị bao gồm dùng thuốc làm giảm tế bào máu, rút máu và điều trị bằng thuốc đích.
Điều trị hỗ trợ
Những người bị đa hồng cầu cần được tư vấn và quản lý tốt các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch như ngừng hút thuốc, duy trì hoạt động thể chất để giảm béo phì, điều trị các vấn đề về mỡ máu, đái tháo đường và kiểm soát huyết áp. Nên phối hợp với bác sĩ chuyên khoa tim mạch để có kế hoạch điều trị toàn diện.
Ngoài ra, thiếu sắt có thể xuất hiện ở giai đoạn sớm của bệnh, do quá trình tăng sinh hồng cầu cần một lượng sắt lớn. Do đó, trong trường hợp người bệnh có biểu hiện thiếu sắt (như pica, dị cảm ở miệng, khó nuốt, hội chứng restless leg), việc bổ sung sắt là cần thiết. Tuy nhiên, chỉ nên bổ sung khi có triệu chứng thiếu sắt rõ ràng và sau khi kiểm tra nồng độ sắt và Ferritin huyết thanh.
Mặc dù bệnh đa hồng cầu là một tình trạng mãn tính không thể điều trị hoàn toàn nhưng nếu được điều trị kịp thời và tích cực, bệnh vẫn có thể được kiểm soát, ngăn ngừa sự tiến triển nhanh thành ung thư máu nguy hiểm.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.