Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Bệnh đại tràng kích thích và những điều bạn cần biết

Ngày 25/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh đại tràng kích thích hay còn gọi là hội chứng ruột kích thích, đây là căn bệnh mãn tính và rất dễ tái phát. Người bệnh có thể gặp nhiều tình trạng kết hợp khác nhau như tiêu chảy, táo bón và đau bụng. Bệnh đại tràng kích thích gây ra nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nếu không được điều trị dứt điểm.

Hội chứng đại tràng kích thích là một bệnh lý rất phổ biến và không để lại di chứng nghiêm trọng. Nguyên nhân chính gây ra căn bệnh này chưa được biết đến nhưng các yếu tố như tâm lý, chế độ ăn uống được cho là liên quan rất lớn đến căn bệnh này.

Bệnh đại tràng kích thích là gì?

Bệnh đại tràng kích thích, còn gọi là hội chứng ruột kích thích (Irritable Bowel Syndrome - IBS), là một rối loạn chức năng thường gặp của hệ tiêu hóa. Bệnh này đặc trưng bởi tình trạng đau bụng, đặc biệt ở vùng bụng dưới, kèm theo các thay đổi trong chức năng đại tiện như tiêu chảy, táo bón hoặc sự xen kẽ của cả hai. Các triệu chứng có thể kéo dài hoặc dao động nhiều trong thời gian.

Bệnh đại tràng kích thích không gây tổn thương mô ở đường tiêu hóa hay làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng hơn như ung thư ruột kết. Thay vào đó, đây là một tình trạng mãn tính mà hầu hết mọi người có thể kiểm soát bằng cách thay đổi thói quen ăn uống, sử dụng thuốc hay điều chỉnh lối sống, tâm lý.

Bệnh đại tràng kích thích và những điều bạn cần biết  1
Bệnh đại tràng kích thích có thể phát triển thành bệnh mãn tính

Các nhà nghiên cứu phân loại IBS dựa trên phân của người bệnh trông như thế nào vào những ngày người bệnh có triệu chứng bùng phát. Hầu hết những người bị IBS đều có nhu động ruột bình thường vào một số ngày và bất thường vào những ngày khác. Những ngày bất thường xác định loại IBS mà bệnh nhân đang mắc phải:

  • IBS bị táo bón (IBS-C): Hầu hết phân của người bệnh đều cứng và vón cục.
  • IBS bị tiêu chảy (IBS-D): Hầu hết phân của người bệnh đều lỏng và chảy nước.
  • IBS với thói quen đi tiêu hỗn hợp (IBS-M): Bệnh nhân đi tiêu phân cứng và vón cục cũng như đi tiêu phân lỏng và chảy nước.

Bệnh đại tràng kích thích rất phổ biến hiện nay, các chuyên gia ước tính rằng khoảng 10% đến 15% người trưởng thành mắc căn bệnh này và đây cũng là bệnh lý phổ biến nhất mà các bác sĩ tiêu hóa chẩn đoán.

Triệu chứng và nguyên nhân của bệnh đại tràng kích thích

Các triệu chứng của IBS có thể xuất hiện thường xuyên. Hoặc chúng có thể xảy ra trong thời gian bùng phát. Nói cách khác, không phải lúc nào người bệnh cũng gặp phải các triệu chứng này. Các dấu hiệu và triệu chứng của IBS bao gồm:

  • Đau hoặc khó chịu ở bụng, cơn đau thường giảm bớt sau khi đi vệ sinh.
  • Nhiều người bị IBS có thể trải qua tiêu chảy thường xuyên hoặc táo bón, hoặc có thể xen kẽ giữa hai tình trạng này.
  • Cảm giác đầy bụng, chướng bụng.
  • Còn cảm giác cần đi vệ sinh sau khi đã đi xong.
  • Xuất hiện khí dư (đầy hơi).
Bệnh đại tràng kích thích và những điều bạn cần biết  2
Chướng bụng là một biểu hiện thường gặp ở bệnh đại tràng kích thích


Các nhà nghiên cứu không biết chính xác nguyên nhân gây ra IBS, nhưng họ phân loại nó thuộc nhóm rối loạn thần kinh tiêu hóa. Tình trạng này còn được gọi là rối loạn tương tác giữa ruột và não, liên quan đến các vấn đề về cách ruột và não phối hợp để giúp hệ tiêu hóa hoạt động. Các nguyên nhân tiềm ẩn khác của bệnh đại tràng kích thích bao gồm:

  • Vi khuẩn đường ruột: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người mắc IBS có thể đã có sự thay đổi các vi khuẩn trong đường tiêu hóa của họ, góp phần gây ra các triệu chứng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng loại và số lượng vi khuẩn đường ruột ở những người mắc IBS khác nhau so với những người không mắc bệnh này.
  • Nhiễm trùng nặng: Một số người được chẩn đoán mắc IBS sau khi bị nhiễm trùng nặng ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của họ, cho thấy vi trùng có thể đóng một vai trò nào đó với căn bệnh này.
  • Không dung nạp thực phẩm: Nhạy cảm hoặc dị ứng với một số loại thực phẩm có thể góp phần gây ra IBS.
  • Căng thẳng thời thơ ấu: IBS phổ biến hơn ở những người từng trải qua những căng thẳng nghiêm trọng trong thời thơ ấu, bao gồm lạm dụng thể chất, tình dục và cảm xúc.

Cách chẩn đoán và điều trị bệnh đại tràng kích thích

Bệnh đại tràng kích thích được chẩn đoán như thế nào?

Bước đầu tiên trong chẩn đoán IBS là khai thác bệnh sử chi tiết. Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của người bệnh. Tùy thuộc vào các triệu chứng, người bệnh có thể cần các xét nghiệm khác để xác nhận chẩn đoán:

  • Xét nghiệm máu: Để kiểm tra tình trạng bệnh tiêu hóa hoặc tình trạng khác có thể gây ra các triệu chứng của người bệnh.
  • Xét nghiệm phân: Để kiểm tra nhiễm trùng hoặc dấu hiệu viêm trong ruột do tình trạng tiêu hóa.
  • Kiểm tra hơi thở bằng hidro: Để xem liệu người bệnh có phát triển quá mức vi khuẩn trong ruột (SIBO) hoặc không dung nạp thực phẩm hay không.
  • Nội soi đại tràng: Có thể giúp xác định xem người bệnh có mắc một số rối loạn đường ruột nhất định có thể gây ra các triệu chứng tương tự.
Bệnh đại tràng kích thích và những điều bạn cần biết  3
Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán bệnh

Cách điều trị bệnh đại tràng kích thích

Không có liệu pháp cụ thể nào phù hợp với tất cả người bệnh, nhưng hầu hết những người mắc IBS đều có thể tìm ra kế hoạch điều trị phù hợp với họ. Các lựa chọn điều trị điển hình bao gồm thay đổi thực phẩm và thói quen của bệnh nhân hoặc sử dụng thuốc.

Thay đổi chế độ ăn uống: Chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp người bệnh lựa chọn thực phẩm và sửa đổi thói quen ăn uống để tránh các triệu chứng bùng phát. Họ sẽ đưa ra các lời khuyên như tăng chất xơ trong chế độ ăn uống bao gồm ăn nhiều trái cây, rau xanh, các loại hạt,… hoặc bổ sung chất xơ bằng các loại thực phẩm chức năng. Hạn chế các sản phẩm từ sữa, như phô mai và sữa. Uống ít nhất tám ly nước 8 cốc mỗi ngày, nước giữ cho đường tiêu hóa của bạn được bôi trơn và có thể giúp điều trị hoặc ngăn ngừa táo bón.

Không dung nạp lactose phổ biến hơn ở những người mắc IBS. Nếu người bệnh cắt giảm lượng sữa, hãy đảm bảo ăn các loại thực phẩm không chứa sữa, giàu canxi, như bông cải xanh, rau bina hoặc cá hồi. Hạn chế những thực phẩm có thể khiến đầy hơi. Các loại thực phẩm như đậu, cải bruxen và bắp cải nổi tiếng là gây đầy hơi, nước ngọt có ga và thậm chí cả kẹo cao su cũng có thể gây đầy hơi. Giảm những thực phẩm này để đường ruột của người bệnh dễ tiêu hóa hơn.

Bệnh đại tràng kích thích và những điều bạn cần biết  4
Thay đổi chế độ ăn uống giàu chất xơ rất tốt cho bệnh nhân đại tràng kích thích

Thay đổi hoạt động: Đặt mục tiêu tập thể dục vừa phải 150 phút mỗi tuần, tức là khoảng 30 phút mỗi ngày, năm ngày một tuần. Hãy đặt mục tiêu có được giấc ngủ chất lượng từ bảy đến chín giờ mỗi đêm. Đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi đêm. Một giấc ngủ ngon là một trong những cách giảm căng thẳng mạnh mẽ nhất hiện nay. Người bệnh cũng có thể thử các kỹ thuật giúp thư giãn khác như thiền hoặc yoga giúp làm dịu hệ thần kinh đang làm việc quá sức.

Sử dụng thuốc: Người bệnh có thể sẽ được kê đơn thuốc để giảm các triệu chứng như thuốc chống trầm cảm, thuốc nhuận tràng nếu có triệu chứng táo bón, thuốc chống tiêu chảy, thuốc chống co thắt,… Tùy vào triệu chứng mà bác sĩ sẽ kê loại thuốc phù hợp với người bệnh.

Bệnh đại tràng kích thích có thể khiến cuộc sống của người bệnh gặp nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên người bệnh hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng bằng cách quản lý triệu chứng, thay đổi lối sống, ăn uống và giữ tinh thần thoải mái để hạn chế bệnh tái phát thường xuyên.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin