Phân biệt hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng
Ngày 13/09/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng là hai bệnh tiêu hóa thường gặp với triệu chứng khá giống nhau. Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về cách phân biệt hai bệnh này qua bài viết dưới đây nhé!
Viêm đại tràng và hội chứng ruột kích thích thường dễ bị nhầm lần với nhau bởi sự tương đồng về các triệu chứng ở người bệnh. Điều này khiến việc điều trị từng loại bệnh có thể trở nên kém hiệu quả và tốn nhiều chi phí. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu nhận biết các đặc điểm phân biệt giữa hai bệnh lý tiêu hóa này qua bài viết dưới đây nhé!
Nguyên nhân gây bệnh của hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng
Việc phân biệt hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng cần xuất phát từ nguyên nhân gây ra hai bệnh này.
Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích (Irritable Bowel Syndrome - IBS) đặc trưng bởi những rối loạn co thắt tại đại tràng. Bệnh này thường được cho là do rối loạn tương tác hai chiều của tín hiệu giữa ruột và não dẫn đến những bất thường về hệ tiêu hóa. Ở người bình thường, nhu động ruột hoạt động nhịp nhàng và trơn tru dưới các tín hiệu từ hệ thần kinh của não bộ.
Khi mắc hội chứng ruột kích thích, nhu động ruột có xu hướng kéo dài hơn hoặc hoạt động kém đi dẫn đến những biểu hiện chướng bụng hay rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, hệ thần kinh bị tác động thời gian dài làm cho suy yếu cũng có thể gây ra các phản ứng quá mức ở hệ tiêu hóa. Hậu quả của những bất thường này là các dấu hiệu về đau bụng, tiêu chảy, táo bón,…
Một số yếu tố được cho là khởi phát hoặc có thể làm nặng thêm hội chứng ruột kích thích bao gồm:
Các loại thực phẩm khó tiêu, dễ gây đầy hơi: Các loại đậu, bông cải, thực phẩm giàu chất béo, cay nóng, rượu bia, thức uống có ga,… ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa.
Tâm lý stress, căng thẳng kéo dài: Bệnh nhân với tâm lý bất ổn hoặc tâm lý căng thẳng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, nặng thêm tình trạng bệnh của mình.
Nội tiết tố: Nhiều nghiên cứu quan sát thấy phụ nữ thường có nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích cao hơn đàn ông từ 4 - 5 lần và có thể đặc biệt nghiêm trọng trong thời kỳ kinh nguyệt.
Tiền sử gia đình: Đối tượng có người thân từng mắc hội chứng ruột kích thích sẽ có nguy cơ mắc bệnh này hơn bình thường.
Viêm đại tràng
Viêm đại tràng là tình trạng tổn thương khu trú hoặc lan tỏa ở vùng niêm mạc đại tràng. Thông thường, các nguyên nhân gây bệnh còn tùy thuộc vào tình trạng viêm đại tràng
Viêm đại tràng cấp tính: Thường xảy ra do việc dùng kháng sinh trong thời gian dài hay tình trạng ngộ độc thức ăn, dị ứng với nguồn thức ăn lạ. Ngoài ra, căng thẳng kéo dài hay việc khó tiêu, táo bón thườn xuyên cũng tiềm ẩn nguy cơ gây viêm cấp tính.
Viêm đại tràng mãn tính: Tình trạng viêm cấp tính tái phát dai dẳng có thể dẫn đến sự xâm nhập của các chất độc hay vi khuẩn gây ra hiện tượng viêm đại tràng mãn tính. Tuy nhiên, một số trường hợp viêm mãn tính được cho là không rõ căn nguyên.
So sánh triệu chứng giữa hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng
Nhìn chung, các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng có nhiều điểm tương đồng nên dễ gây nhầm lẫn giữa hai căn bệnh này với nhau:
Đau bụng quặn, nhất là vào thời điểm sau ăn.
Người bệnh có thể bị táo bón hoặc tiêu chảy hay thậm chí có những đợt táo bón và tiêu chảy xen kẽ nhau.
Việc đại tiện có những bất thường về tần suất (4 - 5 lần/ngày) hay phân (lỏng, nát). Tuy nhiên, tiêu phân kèm máu thường là chỉ dấu của viêm đại tràng bởi hội chứng ruột kích thích không có tổn thương thực thể.
Cảm giác khó tiêu, chướng bụng.
Người bệnh lúc nào cũng cảm thấy đầy hơi và đau bụng dẫn đến trạng thái kém ăn, mệt mỏi và suy nhược cơ thể.
Tuy có nhiều triệu chứng khá giống nhau, các cơn đau bụng ở hai bệnh này có thể có điểm khác nhau đôi chút. Hội chứng ruột kích thích thường đặc trưng bởi những cơn đau quặn thắt dữ dội. Viêm đại tràng nếu không nằm trong trường hợp viêm cấp tính thường sẽ đau bụng âm ỉ và cố định một chỗ, thường ở vùng hố chậu.
Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng
Hội chứng ruột kích và viêm đại tràng đều là những bệnh lý tiêu hóa nên thường có một số các xét nghiệm chẩn đoán chung như: xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, nội soi đại tràng, chụp CT, chụp X quang,…
Hội chứng ruột kích thích
Việc chẩn đoán hội chứng ruột kích thích được thực hiện trên nguyên tắc loại trừ các bệnh lý khác. Bởi hiện nay chưa có xét nghiệm đặc hiệu trong việc chẩn đoán bệnh này. Theo đó, các chuyên gia thường dựa vào hai bộ tiêu chí chẩn đoán sau:
Tiêu chuẩn Manning: Dựa trên các biểu hiện của người bệnh liên quan đến tiêu hóa như cảm giác đại tiện không hết phân, cơn đau bụng giảm sau khi đại tiện, khởi phát đau bụng sau đó đại tiện nhiều lần hay đại tiện phân lỏng, trạng thái phân chứa nhiều chất nhầy, chướng bụng, mót rặn.
Tiêu chuẩn Rome: Bộ tiêu chuẩn dựa trên các biểu hiện như tái phát cơn đau bụng; rối loạn đại tiện, các đặc điểm thay đổi số lần đi tiêu; tính chất phân; khó tiêu.
Viêm đại tràng
Để kết luận chính xác tình trạng viêm đại tràng, bác sĩ sẽ kết hợp giữa việc quan sát các biểu hiện lâm sàng và kết quả xét nghiệm. Thông thường, chuyên gia sẽ dựa vào các chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm máu, phân.
Phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng
Tùy theo người bệnh mắc hội chứng ruột kích thích hay viêm đại tràng mà phương pháp điều trị có thể khác nhau. Mục tiêu chung là giảm các triệu chứng ở bệnh nhân.
Hội chứng ruột kích thích
Đây là bệnh mãn tính và không thể trị dứt điểm hoàn toàn. Các bác sĩ sẽ tập trung làm thuyên giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh. Hội chứng ruột kích thích thể nhẹ có thể nhờ vào sự thay đổi chế độ sinh hoạt lối sống. Trường hợp bệnh nặng hơn thì phải cần đến sự hỗ trợ của thuốc.
Viêm đại tràng
Viêm đại tràng là bệnh lý nguy hiểm với khả năng tái phát khá cao. Việc điều trị dứt điểm sớm căn bệnh này có thể ngăn ngừa các biến chứng không mong muốn. Thông thường, việc điều trị được thực hiện bằng hai cách:
Nội khoa: Các loại thuốc được bác sĩ kê thường là kháng sinh, thuốc nhuận tràng, cầm tiêu chảy, thuốc giảm đau,…
Ngoại khoa: Khi bệnh tình đã tiến triển nặng, bác sĩ sẽ đề nghị can thiệp phẫu thuật để cắt bỏ phần đại tràng bị viêm. Phương pháp xâm lấn này có thể để lại di chứng.
Tóm lại, hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng tuy có những triệu chứng khá giống nhau nhưng cách điều trị tương đối khác biệt. Bệnh nhân cần đến thăm khám và nhận tư vấn của bác sĩ để có chẩn đoán chính xác nhất về tình trạng bệnh của mình. Điều này cũng giúp người bệnh ít tốn kém chi phí mà đạt được hiệu quả điều trị tốt hơn.
Trên đây là những thông tin cơ bản nhất giúp bạn phân biệt được hai bệnh lý tiêu hóa thường gặp là hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng. Theo dõi thêm các bài viết mới của Nhà thuốc Long Châu để cập nhật thêm kiến thức bổ ích cho sức khỏe của cả bạn và gia đình mình nhé!
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.